Giá rau tăng – cơ hội nông dân trồng rau cần tận dụng (Ảnh chụp tại Chợ đầu mối nông sản Cao Phong)

Giá rau tăng – cơ hội nông dân trồng rau cần tận dụng (Ảnh chụp tại Chợ đầu mối nông sản Cao Phong)

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, giá vật tư liên tiếp tăng khiến nhiều hộ sản xuất nông nghiệp trong tỉnh lao đao trước áp lực về chi phí đầu vào. Khó khăn chồng chất khó khăn khi tình hình lạm phát tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng và mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Không chùn bước, nhiều nông dân đã tự cứu mình bằng cách thúc đẩy sản xuất để nắm bắt cơ hội dành cho họ trong cơn “bão” giá hiện nay.

 

Nhà chị Bùi Thị Kim Thúy, xã Tây Phong (Cao Phong) nhận thầu 5.000 m2 đất trồng cam của Công ty Rau quả Cao Phong. Theo dự toán, chi phí từ ngày đặt bầu đến khi cam bói quả mất khoảng 60 triệu đồng. Nhưng trong tình hình lạm phát hiện nay, các loại giá, từ giá cây giống, phân bón, vật tư đến giá thuê nhân công đều tăng vọt, khiến chi phí đầu tư cho vườn cam nhà chị lên tới 100 triệu đồng. Chị xoay nhiều nguồn mà vẫn thiếu vốn. Vay ngân hàng mặc dù có ưu đãi cho vay nhưng vì lãi suất còn cao nên chị ngần ngại chưa dám quyết.

 

Chị Thúy than thở: “Tiêu tiền sót như xát muối, nông dân như tôi cảm thấy hụt hơi vì giá. Nếu giá sinh hoạt tăng gấp hai, ba lần, giá đầu tư cho sản xuất phải tăng gấp năm, sáu lần. Không biết lần đâu ra tiền mà trang trải cuộc sống. Vườn cam năm sau mới bắt đầu cho thu, bây giờ đang phải tập trung chăm sóc mới mong được mùa nhưng xoay đâu ra tiền…”

 

Chi phí đầu tư cho sản xuất tăng cao cũng đang khiến ông Bùi Văn Thu, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) nao núng. Nói đơn giản như tăng giá thức ăn chăn nuôi. Theo ông Thu, từ đầu năm đến nay, thức ăn chăn nuôi đã có 3 - 4 lần tăng giá. Nếu như đầu năm, ông mua 1 bao cám hỗn hợp Con Cò 25 kg với giá 220.000 đồng thì đến nay, giá đã tăng vọt lên 250.000 đồng. Thêm mức tăng của các chi phí đầu vào khác, đàn lợn nái 6 con bắt đầu trở thành gánh nặng với gia đình ông. Ông Thu đang tính đến chuyện bỏ chuồng để chuyển sang phương án sản xuất khác mà theo ông là “an toàn và ít tốn kém hơn”: nuôi lợn thả rông.

 

Qua khảo sát sơ bộ về giá vật tư nông nghiệp và phân bón phục vụ vụ chiêm xuân 2010 - 2011 cho thấy, giá cả hầu hết các mặt hàng đều tăng. Đặc biệt, các loại vật tư thiết yếu như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tăng cao, có mặt hàng tăng gấp đôi khiến nhiều hộ sản xuất điêu đứng. Ví dụ: giá giống lúa lai có loại tăng đến 80.000đồng/kg. Còn phân bón, chỉ tính riêng 2 tháng gần đây, giá phân bón đã có tới 2 đợt tăng giá, mỗi sào ruộng hiện nay ngốn cả trăm ngàn tiền phân bón. “Bão” giá liên tiếp khiến nhiều hộ nông dân lao đao, không ít hộ phải thay đổi kế hoạch sản xuất.

 

Theo ông Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Sở NN&PTNT, Vụ chiêm - xuân 2010 – 2011 là vụ sản xuất đầy khó khăn, trong đó có hai áp lực lớn là thời tiết khắc nghiệt và tình hình lạm phát tăng cao. Riêng về áp lực lạm phát, đây không phải là vấn đề vĩ mô xa vời mà liên quan đến đời sống người dân, tác động trực tiếp đến nông nghiệp – nông dân – nông thôn. Đặc biệt, người nông dân vừa là người tiêu dùng, vừa là người sản xuất nên áp lực càng thêm nặng nề. Tuy nhiên, trong thách thức có những cơ hội nhất định. Cơ hội hiện nay với nông dân là cơ hội về giá nông sản. Nhiều nông dân đang tận dụng tốt cơ hội này.

 

Bà Nguyễn Thị Thủy, tổ 5, phường Hữu Nghị (thành phố Hòa Bình) là một ví dụ. Nhận thấy gần đây giá rau xanh tăng vọt và giữ ổn định ở mức cao, bà quyết định chuyển 2.000 m2 đất vườn từ trồng ngô sang trồng rau hữu cơ sạch. Nhờ chăm sóc tốt, nhà bà luôn có rau đem bán. Chợ Tân Thành cách nhà chưa đến 100 m, ngày ngày bà gánh rau ra bán, chưa hết buổi sáng đã hết sạch 2 gánh rau, đắt như tôm tươi, không còn mà bán tiếp. Bà Thủy phấn khởi khoe: “Đâu riêng gì nhà tôi, các sạp hàng khác ở chợ - cũng “của nhà trồng được” - đều bán rất được giá. Hai tháng gần đây, tôi đều đều thu được trên 6 triệu/tháng từ vườn rau mi ni này đấy!”.

 

“Giá các loại nông sản tăng có thể coi là chiếc phao hữu hiệu để nông dân tự cứu mình vượt qua cơn “bão” giá hiện nay” – Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh – “Ngành NN&PTNT đã nhìn nhận yếu tố này như một cơ hội cần tận dụng để triển khai các biện pháp thúc đẩy sản xuất, tạo mũi nhọn cần thiết trong thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”.

 

Được biết, Sở NN&PTNT đang chủ trì xây dựng và chỉ đạo thực hiện 6 nhóm giải pháp của ngành nhằm thúc đẩy sản xuất, đảm bảo tăng trưởng bền vững trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội năm 2011. Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng được ngành tập trung thực hiện là giải pháp về thị trường tiêu thụ nông sản. Kế hoạch đang được khởi động hứa hẹn mang tới nhiều cơ hội giúp nông dân đứng vững hơn trong thời kỳ lạm phát hiện nay./.

 

 

                                                                                        Thu Trang

 

Các tin khác


Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Triển vọng nghề nuôi dê núi ở vùng cao Đà Bắc

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Đà Bắc chú trọng chuyển đổi từ nuôi trâu, bò sang nuôi dê. Với ưu điểm "chỉ ăn cỏ, uống nước lã”, nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục