Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH đề nghị “thắt chặt cho vay nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng bình quân” - Ảnh: Ngọc Thắng

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH đề nghị “thắt chặt cho vay nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng bình quân” - Ảnh: Ngọc Thắng

Từ mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 15% theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5.2011, Chính phủ vừa “nới” thành 15 - 17% trong Báo cáo tình hình KTXH 6 tháng đầu năm, giải pháp cho 6 tháng cuối năm.

 

“Nới” chỉ tiêu lạm phát

Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 30.6, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, trong 6 tháng cuối năm Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành để phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu cơ bản của năm 2011 là: kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 15-17%; tăng trưởng GDP đạt khoảng 6%; kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tỷ lệ nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu; giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5% GDP…

Đây cũng là con số phấn đấu thôi, chứ khả năng giữ được ở 17-18% cũng là rất tốt rồi

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc

Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, tốc độ tăng giá đã có xu hướng giảm dần. So với tháng 12.2010, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6.2011 tăng 13,29%. Tính bình quân, chỉ số giá 6 tháng đầu năm 2011 tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2010. Tuy vậy, Bộ trưởng Phúc thừa nhận kiềm chế được lạm phát ở mức 17% là rất khó. “Đây cũng là con số phấn đấu thôi, chứ khả năng giữ được ở 17 - 18% cũng là rất tốt rồi”, ông Phúc nói.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của QH dù đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong quá trình thực hiện các giải pháp đồng bộ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội song vẫn lo ngại trước tình trạng “chỉ số giá tiêu dùng còn ở mức rất cao, vượt xa chỉ tiêu 7% đề ra cho cả năm, gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, trong đó đặc biệt là 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo (chiếm khoảng 22,1% số hộ dân cả nước), cũng như những người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình sống ở thành thị”.

Ủy ban Kinh tế cho rằng bên cạnh những nguyên nhân khách quan khiến CPI tăng như đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ thì yếu tố chủ quan xuất phát từ nội tại của nền kinh tế, như thâm hụt thương mại lớn, bội chi ngân sách cao nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp... là nguyên nhân chính. Thêm vào đó, những tháng đầu năm 2011, việc điều chỉnh tăng giá một số hàng hóa thiết yếu, điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND, tăng lãi suất liên ngân hàng dồn dập tập trung vào một thời điểm sát tết âm lịch đã làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất, trong khi sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong công tác quản lý thị trường với thông tin tuyên truyền phần nào còn hạn chế...

Thắt chặt cho vay có trọng tâm, trọng điểm

Một số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động

Theo báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, qua giám sát, đa số DN cho biết họ gặp nhiều khó khăn hơn các năm trước, cả về việc tiếp cận vốn cũng như chi phí vốn tăng quá cao, một số DN phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động. Ủy ban Kinh tế dẫn số liệu báo cáo của Hiệp hội DN các tỉnh cho biết ở Bắc Giang từ đầu năm 2011 đến nay có 43 DN xin ngừng hoạt động, tăng so với con số 30 DN năm 2010; tỉnh Bắc Ninh 6 tháng đầu năm đã giải thể và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 44 DN; tỉnh Hưng Yên qua khảo sát của Hiệp hội DN cho thấy chỉ có 30% số DN tiếp cận được vốn và có thể tạm đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh. Đáng lo ngại, theo ông Hiền, có ý kiến chuyên gia trích dẫn thông tin từ ngành thuế cho thấy từ đầu năm đến nay, ước có khoảng 30% DN phá sản trong tổng số DN đăng ký kinh doanh.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong 6 tháng tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; bảo đảm tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2011 dưới 20% và tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán năm 2011 khoảng 15 - 16%. Chính sách tài khóa cũng sẽ được Chính phủ duy trì theo hướng thắt chặt phối hợp hài hòa với việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng để kiềm chế lạm phát.

Tán thành quan điểm trên, song Ủy ban Kinh tế của QH lưu ý Chính phủ trong điều hành cần linh hoạt, vừa phải bảo đảm đúng hướng, đúng lúc, đúng liều lượng nhằm hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi đối với đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cần điều tiết tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách đều trong năm, tránh tình trạng khối lượng tiền tăng cao vào cuối năm gây sức ép cân đối tiền hàng, làm gia tăng lạm phát.

Về vấn đề này, Báo cáo thẩm tra sơ bộ tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai dự toán 6 tháng cuối năm tại phiên họp, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho rằng Chính phủ cần “tiếp tục có giải pháp về chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, tích cực sử dụng các công cụ kinh tế thị trường, hạn chế sử dụng biện pháp hành chính gây phản ứng đột ngột cho thị trường tài chính, tiền tệ và gây bất lợi cho ngân hàng, các tổ chức kinh tế, cá nhân hoạt động”. Ủy ban cũng đề nghị “dư nợ tín dụng nên duy trì ở mức hợp lý, ổn định, thắt chặt cho vay nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng bình quân”.

Thậm chí, có ý kiến trong thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng việc giảm đột ngột mức tăng trưởng tín dụng từ 31% năm 2010 xuống dưới 20% năm 2011 sẽ đạt được những kết quả nhất định cho mục tiêu chống lạm phát nhưng cũng sẽ gây ra khó khăn bất thường cho nền kinh tế, nên chăng Chính phủ giữ mức tăng trưởng tín dụng khoảng 23% như dự kiến đầu năm.

 

                                                                            Theo Thanhnien

Các tin khác


Tháo gỡ vướng mắc đường liên kết vùng

Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành mở ra cơ hội rất lớn kết nối thông thương, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển đô thị, dịch vụ. Với ý nghĩa quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Hiệu quả từ tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện

Sử dụng tiết kiệm điện đem lại lợi ích "kép”, giúp giảm áp lực cấp điện trong bối cảnh cung cấp điện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt giúp chúng ta giảm chi phí sử dụng điện, nhất là trong mùa nắng nóng khi nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.

Giá vàng sáng 19/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 19/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82,1 - 84,12 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Giá vàng nhẫn công ty này niêm yết ở mức 74,7 -76,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Xã Đồng Ruộng tìm hướng thoát nghèo từ nuôi dê

Thực hiện công tác giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều hộ trên địa bàn xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) đã phát triển, nhân rộng mô hình nuôi dê, đem lại thu nhập đáng kể, giải quyết việc làm, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân.

Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục