Hàng loạt vụ vận chuyển động vật không rõ nguồn gốc đã bị cơ quan chức năng TP.HCM liên tục bắt giữ thời gian qua. Trong đó, rất nhiều vụ thịt heo đã bốc mùi hoặc heo bệnh vẫn được đưa đi tiêu thụ.

Cơ quan liên ngành kiểm tra một lô hàng thịt heo không rõ nguồn gốc đã bốc mùi nặng Ảnh: TRẦN MẠNH

Cùng với giá thực phẩm lên cao vài tháng trở lại đây, lượng thịt lậu từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc vào TP.HCM ngày càng nhiều.

Ngày nào cũng bắt được thịt lậu

Ngày 23-7, Đội cảnh sát giao thông (CSGT) Rạch Chiếc cùng đoàn kiểm tra liên ngành đã cho dừng xe khách biển số 76M-... trên xa lộ Hà Nội, TP.HCM. Đoàn kiểm tra đã phát hiện bên trong khoang hành lý có hai thùng xốp chứa da, mỡ heo với khối lượng lên tới hàng trăm ký.

Chủ lô hàng không xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch, số thịt heo trên cũng không có dấu kiểm soát giết mổ. Khi các thùng hàng trên được bốc dỡ tại trạm kiểm dịch, dung dịch để ngâm thịt đã bốc mùi hôi.

Trước đó, vào ngày 15-7 Trạm thú y Thủ Đức và đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra xe khách 53S-... phát hiện bên trong khoang hành lý có 18 thùng xốp chứa da, mỡ heo bốc mùi hôi thối không rõ nguồn gốc, không có chứng nhận kiểm dịch.

Theo bà Đặng Thị Tuyết, thịt heo không đảm bảo an toàn nếu được vận chuyển trót lọt sẽ lên bàn ăn gây nguy hại sức khỏe người tiêu dùng. Thực tế cho thấy những sản phẩm dù đang phân hủy như vậy nhưng khi tới các nhà hàng, được xử lý qua hóa chất và nấu chín thì người tiêu dùng rất khó phát hiện.

Theo một nhân viên Chi cục Thú y TP.HCM, việc phát hiện các vụ vận chuyển thịt bẩn, thịt không rõ nguồn gốc từ các tỉnh bên ngoài vào TP.HCM thời gian qua xảy ra như cơm bữa, hầu như ngày nào cũng phát hiện.

Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2011, Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức đã phát hiện hàng trăm vụ vận chuyển thịt heo bẩn, thịt heo không rõ nguồn gốc, tiêu hủy 86 trường hợp thịt heo không đảm bảo an toàn, với khối lượng lên tới 11.576 kg (hơn 4 tấn mỡ heo). Trong khi đó, con số thịt heo phải tiêu hủy của cả năm 2010 chỉ là 66 trường hợp.

Thịt bốc mùi vẫn được tiêu thụ

Theo bà Đặng Thị Tuyết - trạm trưởng Trạm kiểm dịch Thủ Đức - do lợi nhuận cao nên dù các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, các chủ hàng vẫn tìm mọi cách vận chuyển heo lậu vào thành phố tiêu thụ.

“Giả sử một con heo sữa 2,5kg trên bàn ăn có giá khoảng 500.000 đồng. Nếu thông qua con đường giết mổ hợp pháp, tức có dấu kiểm soát giết mổ, có giấy chứng nhận kiểm dịch... chi phí thu gom, vận chuyển phải lên tới hơn 300.000 đồng. Còn nếu vận chuyển lậu thì chi phí chỉ 150.000-200.000 đồng” - bà Tuyết cho biết.

Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân nói trên, do giá heo bệnh và heo sạch trên thị trường chênh lệch nhau quá lớn, nhiều chủ hàng mua cả heo hôi thối, heo bệnh để vận chuyển vào TP.HCM kiếm lời.

Theo các cơ quan chức năng, trong số những vụ mà họ bắt giữ có cả những lô hàng đã bị thối, có lô hàng phát hiện có bệnh. Ngày 21-5-2011, hơn 600kg thịt heo đã biến chất, bốc mùi hôi xuất phát từ Lạng Sơn khi vận chuyển vào TP.HCM để tiêu thụ bị phát hiện. Số thịt heo này là heo nái nhưng đã được làm giả thành thịt heo rừng bằng cách đính ba gốc lông trên da heo.

Cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra các lô hàng vận chuyển ngày 9-7 từ Quảng Trị và ngày 19-7 với lô hàng từ Quảng Ngãi, phát hiện thịt dương tính với bệnh tả heo.

Bà Đặng Thị Tuyết cho biết thịt heo được vận chuyển vào TP.HCM xuất phát nhiều từ các lò mổ tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bắc Giang, Thái Bình... Để kéo giảm chi phí, các chủ hàng thường để thịt heo đã giết mổ một thời gian chờ gom đủ số lượng mới đem đi tiêu thụ. Do thời gian bảo quản kéo dài nên số thịt heo này bị phân hủy và không còn đảm bảo an toàn.

Theo một cán bộ Chi cục Thú y TP.HCM, dù cơ quan chức năng đã phát hiện liên tiếp nhiều vụ vận chuyển thịt lậu, thịt không rõ nguồn gốc trong thời gian qua, nhưng số lượng hàng lọt qua các cửa kiểm tra của cơ quan chức năng còn rất lớn.

Né trạm

Tại TP.HCM hiện có bốn trạm kiểm dịch động vật ở các cửa ngõ là trạm Hóc Môn, Xuân Hiệp, An Lạc và Thủ Đức. Trong đó tuyến cửa ngõ tại trạm kiểm dịch Thủ Đức là “nóng” nhất vì kiểm soát hầu hết lượng thịt heo vận chuyển từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào TP.HCM.

Bên cạnh việc sử dụng các loại xe thô sơ và xe khách thường như trước, các đối tượng vận chuyển thịt lậu hiện nay còn sử dụng cả xe khách chất lượng cao có giường nằm vận chuyển.

Theo Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, các chủ phương tiện thường cử “tai mắt” để theo dõi các cơ quan kiểm soát, cho xe đi vòng vào các tuyến đường nhỏ thuộc sự quản lý của các quận, huyện để né trạm kiểm dịch của TP.HCM. Hoặc các đối tượng hẹn giao hàng tại Bình Dương, Đồng Nai... sau đó mới vận chuyển hàng bằng xe hai bánh vào TP.HCM để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.

Trung tá Phạm Văn Tuyến - đội phó Đội CSGT Rạch Chiếc - cho biết các đối tượng vận chuyển thịt heo lậu có rất nhiều thủ thuật để né tránh các trạm kiểm dịch và sự kiểm soát của cơ quan chức năng, hoặc vận chuyển hàng vào ban đêm.

Lực lượng cảnh sát giao thông và kiểm dịch động vật phải có sự phối hợp chặt chẽ, thiết lập đường dây nóng, trực chiến 24/24g mới có thể phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.

                                                                                    Theo TuoiTre

 

 

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục