Liên tục trong thời gian gần đây, nhất là từ đầu tháng 8.2011 tới nay, giá dầu thô giảm mạnh kéo theo giá xăng, dầu thành phẩm giảm theo.

Tuy nhiên ở trong nước, kể từ lần điều chỉnh tăng giá gần đây nhất là ngày 29.3, sau nhiều lần bỏ lỡ cơ hội giảm giá, người dân vẫn phải mòn mỏi chờ giá giảm, còn cơ quan chức năng và doanh nghiệp vẫn lấy cớ giá xăng, dầu thành phẩm nhập khẩu còn ở mức cao.    

DN than lỗ - vô lý!

Lý giải cho việc giá xăng dầu trong nước chưa thể giảm dù giá thế giới đã giảm mạnh, ông Vương Đình Dung - TGĐ TCty Xăng dầu Quân đội - cho biết, với mặt hàng xăng A92, TCty vẫn lỗ gần 1.000 đồng/lít do từ 1.8 - 4.8 TCty vẫn phải nhập giá xăng A92 với giá bình quân 123,26USD/thùng. Với chi phí vận tải là 2,3USD/thùng, khi về đến VN giá xăng là 125,56USD/thùng. Với tỉ giá 20.680VND/USD, xăng sẽ có giá 16.330,5đ/lít.

Người tiêu dùng Việt Nam vẫn phải mua xăng với giá 21.300đ/lít từ tháng 3.2011, trong khi giá xăng dầu thế giới đã giảm đáng kể.     Ảnh: Kỳ Anh
Người tiêu dùng Việt Nam vẫn phải mua xăng với giá 21.300đ/lít từ tháng 3.2011, trong khi giá xăng dầu thế giới đã giảm đáng kể. Ảnh: Kỳ Anh


Hiện giá mặt hàng xăng bao gồm các yếu tố cấu thành: Thuế NK 0%; thuế tiêu thụ đặc biệt 10%; thuế VAT 10%; chi phí bán hàng và lợi nhuận của DN theo định mức của Bộ Tài chính 900đ/lít (nhưng DN cho rằng, thực chi thời điểm này đã là 1.200đ/lít); quỹ bình ổn giá 300đ/lít; quỹ xăng dầu 1.000đ/lít. Tính tổng cộng các yếu tố trên, xăng A92 bán lẻ nếu chi phí bán hàng là 900đ/lít thì giá là 21.959,31đ/lít (theo phương án này, DN đang lỗ 659đ/lít). Còn nếu chi phí bán hàng 1.200đ/lít thì giá là 22.259,31đ/lít (theo phương án này DN đang lỗ 959đ/lít).

Cũng cách tính như trên với mặt hàng dầu DO, ông Dung cho rằng DN đang lỗ 345,7đ/lít (với chi phí bán hàng là 900đ), hoặc lỗ 645,7đ/lít dầu DO (với chi phí 1.200đ). Trao đổi về vấn đề này, đại diện tổ điều hành giá xăng dầu trong nước xác nhận các DN xăng dầu đang bị lỗ khoảng 500đ/lít xăng.

Cách giải thích của DN là vậy. Nhưng nếu để ý sẽ thấy giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore kể từ đầu tháng 8.2011 tới nay đã giảm rất mạnh. Có thời điểm như ngày 5.8 xăng A92 đã giảm xuống dưới 115USD/thùng do giá dầu thô trong vòng một tháng qua đã giảm tới gần 25USD/thùng (từ 100 xuống còn hơn 75USD). Đến ngày 8.8, xăng A92 cũng chỉ có giá 114,98USD/thùng, dầu diesel 0,25S ở mức 121,17USD/thùng, dầu hỏa giá 121,62USD/thùng. Nên việc DN vẫn tính giá 123,26USD/thùng như trên là chưa có cơ sở. Bên cạnh đó, câu hỏi đặt ra liệu việc chiết khấu cho đại lý và cách tính “chi phí bán hàng” quá cao như trên có phải là một cái cớ?

Đâu là điều kiện để giảm giá?

Mới đây, chính DN cũng thừa nhận việc bỏ lỡ cơ hội giảm giá xăng dầu trong tháng 6 vừa qua. Nhưng quan điểm của cơ quan quản lý khi đó cho rằng, diễn biến giá xăng dầu thế giới còn phức tạp và theo thông báo của Bộ Tài chính thì giá xăng dầu sẽ chỉ giảm khi... có điều kiện(?). Bên cạnh đó, cơ quan quản lý còn cho rằng, chưa thấy DN nào đề xuất việc giảm giá. Đây là những lý do thực tế không mấy thuyết phục bởi lẽ rất đơn giản là khi giá xăng dầu thế giới tăng thì DN đã tăng giá và cơ quan quản lý cũng chấp thuận cho tăng giá. Vậy tại sao khi giá dầu thô cũng như giá xăng dầu thành phẩm giảm mạnh - một trong những điều kiện rất quan trọng cho việc giảm giá thì giá bán lẻ lại không giảm. Điều đáng lưu ý hơn là khi có điều kiện để giảm giá, DN lại mượn cớ chờ quyết định của cơ quan quản lý. Thế nhưng cơ quan quản lý lại cho rằng... chưa thấy DN nào đề xuất giảm giá!

Giá bán lẻ xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore - đầu mối nhập khẩu của các DN xăng dầu VN - đã liên tục giảm từ đầu tháng 8.2011 tới nay.     Ảnh: L.Thuỷ
Giá bán lẻ xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore - đầu mối nhập khẩu của các DN xăng dầu VN - đã liên tục giảm từ đầu tháng 8.2011 tới nay. Ảnh: L.Thuỷ

Một vấn đề khác được ông Vương Đình Dung lập luận là: “Đáng lẽ giá xăng dầu NK được xác định là giá cơ sở để nâng giá bán lẻ trong nước. Nhưng giá bán lẻ lại không theo sự tăng của giá cơ sở”. Ông Dung ví dụ: Thời điểm Bộ Tài chính nâng mức giá bán xăng A92 lên 21.300đ/lít, nhưng nếu theo giá cơ sở thì phải điều chỉnh lên 26.000đ/lít. Vì thế theo ông Dung, khi giá xăng dầu thế giới giảm thì DN xăng dầu vẫn không thể giảm.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) lại cho rằng, khi giá dầu thô thế giới tăng lên mức 104USD/thùng, giá xăng dầu bán trong nước đã được điều chỉnh tăng lên 21.300đ/lít. Với mức điều chỉnh này, Chính phủ đảm bảo DN kinh doanh xăng dầu không bị lỗ. Còn nếu tăng mức 26.000đ/lít là để DN có lãi. “Từ thời điểm đó đến nay, giá dầu thô thế giới giảm mạnh, nhưng giá trong nước lại chưa giảm lần nào. Thậm chí hiện nay, khi giá dầu thô thế giới chỉ ở mức xung quanh 80USD/thùng, giá xăng dầu thành phẩm cũng giảm mạnh mà DN vẫn không giảm giá bán, lại còn kêu lỗ thì thật là vô lý” - ông Nguyễn Minh Phong nói.

Về việc thực hiện kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ (các thương nhân đầu mối được chủ động tăng/giảm giá bán trong phạm vi quy định - PV), ông Vương Đình Dung cho biết: “Chưa một giây phút nào DN thực hiện được Nghị định 84”. Lý do là vướng mắc từ chủ trương bình ổn giá để kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng nếu giảm giá bán lẻ xăng dầu là cách kiềm chế giá cả thị trường, thực hiện mục tiêu giảm lạm phát thông qua việc giảm chi phí đầu vào... thì đây cũng chính là thời điểm và điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu này. Do đó, không có lý gì vì mục tiêu kiềm chế lạm phát và kiềm chế giá cả thị trường mà giá xăng dầu lại không giảm - đặc biệt khi giá thế giới giảm mạnh như hiện nay.

 

                                                                          Theo Báo Laodong

Các tin khác


Quý I, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 15% kế hoạch

Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao 3.430,661 tỷ đồng. Số vốn được HĐND tỉnh thông qua là 3.763,925 tỷ đồng và đã được UBND tỉnh giao chi tiết đến các dự án đạt 100% kế hoạch vốn giao.

Xuất khẩu trên 7 tấn ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc

Ngày 28/3, Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân - TP Hòa Bình (Công ty Tiến Ngân); Công ty Tomas Trade Co.ltd (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả chuỗi sản xuất - xuất khẩu sản phẩm ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc và xuất khẩu 7,5 tấn ớt muối chua sang thị trường này.

Tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế

Chiều 28/3, tại Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế. Dự hội nghị có đồng chí Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Huyện Kim Bôi dồn sức thực hiện công tác quy hoạch

"Hiện nay, huyện Kim Bôi đang tổ chức lập 23 đồ án quy hoạch (ĐAQH) gồm: ĐAQH chung đô thị Bo huyện Kim Bôi đến năm 2045; 20 ĐAQH phân khu và 1 ĐAQH chi tiết; UBND các xã tổ chức lập 12 ĐAQH chi tiết điểm dân cư nông thôn. Huyện xác định, sau khi được phê duyệt, các đồ án nói trên sẽ thúc đẩy phát triển KT-XH, làm cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư, là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý và huy động các nguồn lực phát triển...”- đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết.

3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 36,39% so với cùng kỳ

Theo báo cáo của UBND tỉnh, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 của tỉnh ước đạt 160,596 triệu USD, tăng 0,65% so với tháng trước; lũy kế 3 tháng đầu năm đạt 477,568 triệu USD, tăng 36,39% so với cùng kỳ, thực hiện 23,88% kế hoạch năm.

Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục