Căng thẳng thanh toán, rủi ro thanh khoản, chạy đua huy động khiến lãi suất bị đẩy lên cao..., những "tội lỗi" trên đều bị đổ cho các ngân hàng (NH) nhỏ. Nhưng thực tế, chưa hề có một tiêu chí nào để phân biệt NH lớn, nhỏ dù tại thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định quyết tâm tái cấu trúc hệ thống NH trong nước.

 

 

Cần tập trung vào sự an toàn và hiệu quả của từng NH riêng lẻ trong quá trình tái cấu trúc -  Ảnh: D.Đ.M

Nhỏ VN lớn hơn nhỏ của Mỹ

Có ý kiến cho rằng, NH nhỏ là các NH có nguồn gốc từ NH nông thôn trước đây hoặc đó là các NH có vốn điều lệ cỡ 3.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, vốn điều lệ hoặc vốn chủ sở hữu không phải là tiêu chí thường dùng để phân loại quy mô NH. Bởi với chức năng trung gian tài chính, phần lớn nguồn vốn của NH có được là từ đi vay (nhận tiền gửi và phát hành giấy tờ có giá) nên vốn chủ sở hữu thường chỉ chiếm từ 10-15% tổng nguồn vốn. Vì thế, thông thường người ta sử dụng tổng tài sản làm chỉ tiêu phân loại quy mô NH.

Nếu căn cứ như vậy, ngay cả NH có tổng tài sản nhỏ nhất Việt Nam cũng không hề thua kém NH trung bình của Mỹ. Thống kê cho thấy, Mỹ có đến 35% NH có tổng tài sản dưới 100 triệu USD (dưới 2.100 tỉ đồng), chưa vượt qua 1/3 tổng tài sản của NH có tổng tài sản nhỏ nhất Việt Nam. Ngay cả nhóm NH có tổng tài sản từ 100 triệu USD đến 1 tỉ USD (từ 2.100 tỉ đến 21.000 tỉ đồng) - chiếm 56,6% tổng số NH của Mỹ - cũng chỉ có tổng tài sản trung bình là 6.035 tỉ đồng, thấp hơn NH có tổng tài sản nhỏ nhất Việt Nam. Nói cách khác, trên cả ba tiêu chí vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, tổng tài sản thì các NH Việt Nam không hề nhỏ so với mặt bằng chung của các NH Mỹ.

Như vậy, có thể nói việc phân nhóm NH nhỏ, NH lớn như vừa qua là chưa có cơ sở khoa học lẫn pháp lý thuyết phục. Vì vậy, NHNN nên chủ động chấm dứt cách gọi NH nhỏ, NH lớn để tránh những tác động tâm lý, ảnh hưởng bất lợi và hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra.

Song song đó, cũng cần xem lại việc thành lập nhóm G12 (12 NH lớn) bởi hiện đã có Hiệp hội NH Việt Nam với đầy đủ đại diện của các NH, hoàn toàn có thể tin cậy để NHNN tham khảo ý kiến. Trên thực tế, lấy gì để đảm bảo rằng các ý kiến đóng góp của nhóm G12 sẽ không vì lợi ích nhóm? Dù 40 NH còn lại chỉ chiếm 15% thị phần nhưng sự an toàn và hiệu quả hoạt động của nhóm này chắc chắn vẫn gây ảnh hưởng lớn toàn bộ hệ thống NH nên họ hoàn toàn xứng đáng và cần thiết được bình đẳng thật sự, được NHNN tham khảo ý kiến như nhóm G12.

Tái cấu trúc vì mục tiêu an toàn

Như vậy có thể thấy, một NH có vốn điều lệ lớn, tổng tài sản hùng hậu không hẳn là một NH hùng mạnh và an toàn. Mặc dù vậy, vì nhiều nguyên nhân mang tính lịch sử, việc tái cấu trúc hệ thống NH trong nước là hết sức cần thiết. Cụ thể, từ những năm 2005-2007, khi chuyển đổi từ NH nông thôn sang NH đô thị với quy mô vốn tăng đột biến trong khi công nghệ lạc hậu, mạng lưới chưa phát triển, quan hệ NH đại lý còn hạn chế khiến các NH đô thị mới chưa thể phát triển ngay hoạt động dịch vụ thanh toán nên đành dựa chủ lực vào hoạt động tín dụng và các hoạt động đầu tư mạo hiểm. Đó là lý do các NH này mạo hiểm sử dụng nguồn vốn huy động trên thị trường liên NH (nơi các NH vay vốn của nhau) thay vì phải dựa chủ lực vào tiền gửi. Hậu quả là sau khi chính sách thắt chặt tiền tệ có tác dụng thì cuộc đua lãi suất dậy sóng vào cuối 2007 đầu 2008, mà đỉnh điểm là vào ngày 15.2.2008 với lãi suất trúng thầu trên thị trường mở lên đến 30,1%/năm, lãi suất cho vay qua đêm 35-39%/năm.

Trong suốt hơn 3 năm qua, NHNN đã không có được giải pháp căn cơ để xử lý tình trạng này trong khi vẫn tiếp tục ép các NH tăng vốn với tốc độ cao. Dường như NHNN đã chú trọng quá mức quy mô vốn điều lệ mà chưa xem trọng đúng mức các chỉ tiêu an toàn khác, vốn dĩ có tầm quan trọng hơn nhiều so với vốn điều lệ hoặc vốn chủ sở hữu.

Do đó, quy mô vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu hay thậm chí là tổng tài sản dứt khoát không thể là mục tiêu cần hướng đến khi tái cấu trúc mà cần tập trung vào sự an toàn và hiệu quả của từng NH riêng lẻ theo hướng bám sát các tiêu chuẩn an toàn của Hiệp ước Basel. Việt Nam vẫn cần phải duy trì các NH có quy mô tài sản nhỏ, theo mô hình NH địa phương - cũng là mô hình phổ biến ở các nước, kể cả các nước phát triển - nhằm khai thác các phân khúc thị trường mà những NH có quy mô tài sản lớn ít quan tâm. Buộc các NH phải tăng vốn điều lệ với tốc độ quá nhanh trong lúc công nghệ và trình độ quản trị không theo kịp sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro. Giải pháp tăng vốn điều lệ cơ học bằng sáp nhập các NH yếu kém chỉ làm tăng quy mô vốn điều lệ và tổng tài sản mà không thể cải thiện mức độ an toàn sau khi sáp nhập.

Về phía NHNN, yếu tố cần thiết nhất hiện nay là phải tạo được niềm tin cao độ cho thị trường. Muốn vậy, minh bạch, thống nhất và đồng bộ trong chính sách điều hành với một mục tiêu rõ ràng, nhất quán thay vì đa mục tiêu là hành động quan trọng hơn bất cứ công cụ chính sách hay biện pháp hành chính nào khác.

 

                                                                      Theo Báo Thanhnien

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục