Khách du lịch thăm gian trưng bày các sản phẩm văn hóa dân tộc tại Bảo tàng văn hóa Mường. 
ảnh: Hồng Duyên

Khách du lịch thăm gian trưng bày các sản phẩm văn hóa dân tộc tại Bảo tàng văn hóa Mường. ảnh: Hồng Duyên

(HBĐT) - Nằm cách Thủ đô Hà Nội 70 km, được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, phù hợp với mô hình tham quan, nghỉ dưỡng. Hòa Bình còn được biết đến là cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng, là nơi lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc Mường, Thái, Tày, Mông, Dao... qua lễ hội và các ứng xử, sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày. Những tiềm năng, lợi thế đó đã được khảo sát một cách kỹ lưỡng để Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt quy hoạch đưa Hòa Bình vào vùng phát triển du lịch trọng điểm quốc gia đến năm 2020. Đó là những tín hiệu vui, nhưng để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần có một chiến lược cụ thể với sự quan tâm đầu tư đúng mức để biến tiềm năng thành lợi thế.

 

Tiềm năng vẫn chưa được đánh thức

 

Năm 2011, tỉnh ta đón trên 1.400 lượt du khách, tăng 31,2% so với năm 2010, thu nhập từ du lịch đạt 451 tỷ đồng, trong điều kiện kinh tế khó khăn chung do đất nước đang trong tình trạng lạm phát thì con số đó đã là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tiềm năng, thế mạnh sẵn có thì việc khai thác và phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng mà nguyên nhân được các nhà chuyên môn xác định bởi nhiều yếu tố.

 

 

Đền bờ - điểm du lịch văn hóa tâm linh mỗi năm thu hút hàng vạn khách thập phương đến thăm quan. (ảnh: Hồng Duyên)

 

Hòa Bình có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ với mạng lưới núi, đồi, sông, suối dày đặc, là nơi sinh sống của cộng đồng đa sắc tộc. Kim Bôi có dòng suối khoáng mát lành đủ tiêu chuẩn để tắm và uống đã được đưa vào khai thác phục vụ cho du lịch nghỉ dưỡng từ nhiều năm nay. Thêm vào đó  hệ thống thác nước thiên tạo như: thác Mặt Trời xã Kim Tiến, Cửu thác - xã Tú Sơn và những cánh rừng trùng điệp đã tạo nên những điểm nhấn sắc nét cho phát triển du lịch sinh thái - du lịch xanh. Theo QL 6 hướng về tây bắc, huyện Cao Phong cũng là một điểm đến lý tưởng với hệ thống  hang động ở thị trấn phù hợp với những tuyến du lịch mạo hiểm. Bản làng Giang Mỗ xã Bình Thanh mộc mạc, bình dị nhưng cũng hết sức nên thơ với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn bao bọc lấy những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào Mường. Thung Nai nổi bật với những cảnh đẹp thơ mộng vùng lòng hồ sông Đà, ngồi thuyền máy chừng 30 phút, du khách có thể đến với di tích đền thác Bờ, một địa điểm du lịch tâm linh đang hút khách trong mùa lễ hội. Vượt qua đèo Thung Khe, Thung Nhuối đến với thung lũng Mai Châu, du khách sẽ được cảm nhận sự tuyệt diệu bởi không khí trong lành, nét văn hóa đặc trưng và ấm áp tình người từ bản Văn, bản Lác hay Pom Cọong, những điểm nhấn của du lịch văn hóa cộng đồng. Hiện, toàn tỉnh có khoảng 250 cơ sở lưu trú, trong đó có 19 khách sạn 2-3 sao phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách.

Ông Bùi Ngọc Lâm, Giám đốc Sở VH -TT&DL cho biết: Để khơi dậy tiềm năng, thời gian qua, tỉnh cũng đã tích cực tuyên truyền, quảng bá  giới thiệu các tuyến, điểm du lịch, xây dựng phóng sự chuyên đề du lịch trên Đài Truyền hình T.ư và địa phương. Xây dựng các biển quảng cáo tấm lớn, tham gia các liên hoan, hội chợ du lịch, hội thảo phát triển du lịch trong và ngoài tỉnh. Xuất bản các ấn phẩm quảng bá du lịch như: “Hòa Bình chào đón khách muôn phương, “Hòa Bình chào đón bạn, “Văn hóa du lịch Hòa Bình Hàng năm tổ chức các lễ hội truyền thống như: lễ hội Chùa Tiên - Lạc Thủy, lễ hội Khai hạ - Mường Bi (Tân Lạc) nhằm thu hút du khách thập phương về trẩy hội. Tuy nhiên, ông Lâm cũng thẳng thắn nhận định: công tác tuyên truyền, quảng bá chưa được thực hiện có quy mô, hệ thống. Nhìn ra tỉnh bạn miền núi cận kề chúng ta như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, hàng năm họ luôn quan tâm tới việc tổ chức chương trình du lịch về nguồn, “Tuần du lịch văn hóa cộng đồng dân tộc, mỗi chương trình đó thu hút hàng chục ngàn lượt du khách đến tham quan, chưa kể hiệu ứng công tác quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng tới muôn phương. Theo ý kiến của các nhà chuyên môn để thúc đẩy phát triển du lịch thì maketing là một công đoạn hết sức quan trọng vì không ai giới thiệu chúng ta thì sẽ chẳng ai biết đến ta, nhưng thời gian qua, những hành động của chúng ta dành cho hoạt động này chưa nhiều và chưa rõ nét. 

Là một tỉnh nghèo nên trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng mức đầu tư cho hạ tầng du lịch vẫn chưa tương xứng. Hòa Bình có một quần thể di tích khá phong phú với 57 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng nhưng hầu như chưa được đầu tư, tôn tạo để có đủ điều kiện khai thác phục vụ du lịch. Giai đoạn 2006-2010, tổng nguồn vốn đầu tư của tỉnh dành cho hạ tầng du lịch đạt 142, 6 tỷ đồng. Dẫu đã có nhiều cố gắng nhưng công tác đề bù GPMB cho các dự án đầu tư du lịch vẫn được triển khai hết sức chậm chạp. Một số dự án của các doanh nghiệp thực hiện không đúng tiến độ nên chưa hình thành được sản phẩm du lịch, dịch vụ, cụ thể như: dự án thung lũng Nữ Hoàng tại xã Lâm Sơn (Lương Sơn), dự án du lịch sinh thái hồ Mòng, thị trấn Lương Sơn; dự án du lịch đảo Ngọc, xã Thung Nai (Cao Phong) và một số dự án xin giãn tiến độ. Bên cạnh đó có một số dự án đầu tư hạ tầng du lịch chưa phát huy hiệu quả như: dự án đường vào khu du lịch làng văn hóa Việt - Mường huyện Lương Sơn; đường vào khu du lịch thác Thăng Thiên huyện Kỳ Sơn;  đường vào khu du lịch Cửu Thác - Tú Sơn (Kim Bôi); đường vào Suối Khang - TPHB  Đề án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch hồ Hòa Bình giai đoạn 2006-2010 đã được phê duyệt, tuy nhiên vẫn chưa thu hút được dự án đầu tư, lý do được xác định là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa có hệ thống nước sạch, hệ thống thông tin liên lạc, điện lưới còn nhiều khó khăn.  

Ngoài 2 yếu tố cơ bản trên thì “điểm nghẽn” trong phát triển du lịch còn được xác định bởi nhiều lý do khác như: chưa thực hiện việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Đội ngũ cán bộ, công chức có chuyên môn làm công tác quản lý Nhà nước về  du lịch từ tỉnh đến huyện luôn trong tình trạng thiếu. Tỉnh chưa có Trung tâm thông tin - xúc tiến du lịch. Công tác xây dựng, quy hoạch và phát triển du lịch các huyện, thành phố triển khai còn chậm. Bên cạnh đó, việc triển khai, thực hiện quy hoạch hiệu quả chưa cao...  Vì vậy, dù đã có những tín hiệu vui từ việc tăng lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tăng nguồn thu, tuy nhiên việc khai thác phát triển du lịch vẫn được đánh giá là chưa xứng với tiềm năng.  

Gỡ nút thắt để biến tiềm năng thành thế mạnh cho phát triển du lịch.

Sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 11- NQ/TU ngày 21/8/2007 của BTV Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2007-2010, định hướng đến năm 2015 đã nêu bật những kết quả đạt được, đồng thời cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém cần khắc phục để nâng tầm phát triển cho ngành công nghiệp không khói. Với mục tiêu phát triển du lịch nhanh và bền vững, tỉnh đã đưa ra một số nhiệm vụ cụ thể như: Triển khai thực hiện tốt các đề án quy hoạch du lịch đã được phê duyệt, đồng thời ra soát, chỉnh sửa bổ sung để phù hợp với thực tế. Tiếp tục xây dựng đề án quy hoạch du lịch tại các huyện, thành phố chưa có quy hoạch. Thu hút đầu tư, thúc đẩy các dự án hoàn thành đúng tiến độ. Tập trung đầu tư và thành lập BQL Khu du lịch hồ Hòa Bình nhằm đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch . Bổ sung đội ngũ cán bộ, công chức và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý Nhà nước về du lịch từ tỉnh đến huyện. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch địa phương. Phát triển nhiều loại hình du lịch, trong đó, ưu tiên phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái tạo ra nhiều điểm du lịch mới, hấp dẫn hơn. Một mặt, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại các địa phương. Thực hiện chương trình liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Tổ chức xúc tiến đầu tư du lịch Hòa Bình.  

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 74 dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật dành cho du lịch, trong đó, 33 dự án đã được cấp phép và 44 dự án đang được cấp phép đầu tư. Diện tích mặt bằng phục vụ cho các dự án là 3.215 ha, tổng vốn đầu tư 7.133 tỷ đồng.  

Định hướng cho công tác phát triển du lịch của tỉnh, đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Hòa Bình luôn mong muốn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư SX -KD. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư cho lĩnh vực du lịch. Đồng thời, tăng cường liên kết hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng tiến tới  xây dựng thương hiệu riêng cho du lịch Hòa Bình, phấn đấu đưa tỉnh ta trở thành vùng phát triển du lịch trọng điểm của  quốc gia đến năm 2020.

 

                                                                                                Thúy Hằng

 

 

 

Các tin khác


Thủ tướng chỉ đạo xây dựng Nghị định chế độ tiền lương mới

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đề xuất một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập.

Thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Kinh tế hợp tác không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống của thành viên. Thời gian qua, xác định vai trò và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể (KTTT), trên cơ sở các quy định của Trung ương, tỉnh Hòa Bình đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy KTTT phát triển. Qua đó đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH của địa phương.

Hiệu quả từ trồng dưa - theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Mai Hạ

Những năm qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) nỗ lực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu nhập cho người dân. Trong đó phải nói đến trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp người dân địa phương bước vươn lên thoát nghèo.

Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương ký kết giao ước thi đua năm 2024

Sáng 12/4, Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua năm 2024. 

Tháo gỡ đầu ra cho cây gai xanh

Chậm thu mua, chậm thanh toán … ! Đó là thực trạng chung đối với các hộ liên kết trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân do kinh tế suy thoái nên các doanh nghiệp khó khăn trong việc thu mua, "đầu ra” không ổn định. Từ thực tế đó, người dân mong muốn chính quyền địa phương và các sở, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn về đầu ra cho cây gai xanh. Qua đó đảm bảo nguồn cung, cầu ổn định, tạo điều kiện cho các hộ trồng gai xanh yên tâm phát triển và nâng cao giá trị cây trồng.

Bền bỉ vượt khó cùng vốn ưu đãi

Với sự đồng hành và hỗ trợ đa chiều của vốn tín dụng chính sách (TDCS) đã viết nên nhiều câu chuyện về hành trình vượt lên nghèo, đói của không ít hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục