Để chiến lược đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng Việt Nam đạt hiệu quả cao hơn nữa đòi hỏi nhiều giải pháp thiết thực. Một trong những cầu nối hỗ trợ đắc lực và cũng là giải pháp quan trọng để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường Việt đó chính là kênh bán lẻ hiện đại.

 

Kênh bán lẻ hiện đại - “cầu nối” hàng Việt đến với người Việt

Báo cáo tổng kết của Bộ Công Thương sau 3 năm triển khai cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cho thấy, hiện nay hệ thống bán lẻ hiện đại đã và đang góp phần không nhỏ vào việc giúp người Việt tin dùng hàng Việt.

Hiện nay, cả nước có hơn 8.500 chợ truyền thống, hơn 600 siêu thị, khoảng hơn 100 trung tâm thương mại và các cửa hàng tiện lợi, nhưng kinh doanh chợ truyền thống vẫn chiếm trên 80% thị phần phân phối. Kênh bán lẻ hiện đại chỉ nắm khoảng 20% thị phần này.

Mặc dù mới chỉ chiếm 20%, song kênh bán lẻ hiện đại vẫn được đánh giá là mảnh đất màu mỡ đầy sức hấp dẫn. Theo dự báo, từ nay đến năm 2015 tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn ở mức 23- 25%/năm và đến năm 2020 riêng kênh bán lẻ hiện đại sẽ chiếm 40% thị phần phân phối bán lẻ.

Cũng theo Bộ Công Thương, cùng với chợ truyền thống, hiện nay người Việt đã quan tâm hơn đến hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện ích. Nếu như trong năm 2007 tại các đô thị có 66% người tiêu dùng thỉnh thoảng mua sắm tại siêu thị, thì đến nay con số này đã lên tới 96%. Chính vì thế, kênh bán lẻ hiện đại chính là “cầu nối” hữu hiệu để hàng Việt đến gần với trái tim người Việt hơn.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xoay quanh vấn đề người Việt tin dùng hàng Việt, TS Cao Sĩ Kiêm- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết: Kênh bán lẻ hiện đại có vai trò quan trọng trong việc quảng bá hàng Việt đến gần với người Việt hơn, với dự báo đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại sẽ chiếm 40% thị trường bán lẻ cả nước, nếu như các doanh nghiệp tận dụng được điều này, hàng Việt sẽ chiếm được ưu thế, tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Thực tế, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp để hàng Việt có được vị trí xứng đáng, đặc biệt là trong các siêu thị, nhờ đó, tỷ trọng hàng Việt trong kênh bán lẻ hiện đại đã tăng rõ rệt, chiếm từ 70% - 90% lượng hàng hóa kinh doanh của kênh này.

Tổng thư ký Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan nhận định, xu hướng phát triển mạnh các loại hình bán lẻ hiện đại ở Việt Nam được nhìn nhận sẽ là động lực để phát triển thị trường bán lẻ, vì vậy đã đến lúc cần đẩy mạnh hơn nữa sự có mặt của hàng Việt qua kênh bán lẻ hiện đại để người tiêu dùng Việt Nam có thêm các lựa chọn mua sắm.

Cần sự hỗ trợ tích cực để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường

Mặc dù trong nhiều siêu thị, hàng nội đã chiếm số lượng lớn, khoảng 80-90%. Tuy nhiên, điều đáng nói là sự thâm nhập của hàng Việt tại kênh bán lẻ hiện đại chưa đồng đều. Cụ thể, đối với hàng thực phẩm thì hàng Việt chiếm tỷ trọng từ 85 – 95%; trong khi đó ngành hàng đồ dùng lại khá yếu thế với tỷ trọng từ 50 – 60%, thậm chí có nhà bán lẻ tỷ lệ này xuống dưới 30- 40%...

Nguyên nhân của thực tế trên là do chất lượng của hàng Việt được đưa ra thị trường vẫn còn chưa đồng đều, bao bì, mẫu mã chưa thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng. Trong khi đó, yêu cầu về hàng hóa đối với kênh bán lẻ hiện đại buộc phải đảm bảo chất lượng tốt và phải luôn thay đổi để phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Thêm vào đó, những khó khăn về vốn, mặt bằng và cơ chế cũng đã làm cho hàng Việt chưa thâm nhập sâu được vào kênh bán lẻ hiện đại.

 

 Muốn hàng Việt chiếm lĩnh thị trường Việt cần đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, chất lượng
 (Ảnh: M.P)

Thực tế, khi nhắc đến kênh bán lẻ hiện đại, đa số người tiêu dùng chỉ mới nghĩ đến siêu thị, còn các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, bán hàng qua mạng lại ít thấy các doanh nghiệp Việt chào hàng. Chính phương thức kinh doanh chưa linh hoạt, khiến người tiêu dùng chuyển hướng sang dùng hàng nhập khẩu, một khi hàng nhập khẩu phát triển sâu rộng trên khắp thị trường thì hàng Việt sẽ ngày càng khó tiếp cận với người tiêu dùng.

Trước thực tế này, để kênh bán lẻ hiện đại thực sự trở thành giải pháp hữu hiệu để hàng Việt đến gần với người Việt hơn, nên chăng cần có sự hỗ trợ tích cực hơn nữa của các bộ, ngành liên quan. Trong đó, vấn đề quan trọng là cần có sự phối hợp để nâng cao chất lượng các sản phẩm trong nước với giá cả cạnh tranh. Các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh quảng bá, truyền thông để sản phẩm và hình ảnh đến gần hơn nữa với người tiêu dùng. Cùng với đó, phải không ngừng cải thiện chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; không ngừng đổi mới công nghệ để cải tiến mẫu mã, có như vậy mới thực sự xây dựng được thương hiệu hàng Việt Nam để cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

Về phía Nhà nước, bên cạnh sự hỗ trợ về mọi mặt để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam có thể đa dạng hóa các loại hình quảng bá sản phẩm, cần có sự hỗ trợ tích cực hơn nữa để tiếp tục phát triển đa dạng kết cấu hạ tầng thương mại tại các địa phương, nhất là các loại hình bán lẻ hiện đại, để loại hình phân phối này thực sự phát triển sâu rộng ở những địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Theo TS Cao Sĩ Kiêm, để hàng Việt có vị thế xứng đáng trên thị trường Việt, chúng ta phải tạo được ý thức tổng hợp. Đối với Nhà nước, phải tạo hành lang pháp lý, có các chính sách giúp đỡ các doanh nghiệp về mọi mặt để phát triển thị trường trên “sân nhà”. Đối với nhà sản xuất cần phải nâng cao trình độ quản lý, trình độ tiếp thị quảng bá và trách nhiệm đối với người tiêu dùng, làm cho hàng Việt Nam có chất lượng cạnh tranh cao. Đối với người tiêu dùng, phải xây dựng được ý thức yêu nước, tự tôn dân tộc, xây dựng được trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc dùng hàng Việt Nam...

Có thể nói, việc tiêu dùng hàng Việt hiện không chỉ thể hiện trách nhiệm, mà còn thể hiện nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Hy vọng với những giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới, các sản phẩm hàng Việt sẽ là những mặt hàng chủ đạo qua kênh bán lẻ hiện đại, góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế đất nước.

 

                                                                  Theo Báo ĐCVN

 

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục