Đại biểu QH Nguyễn Cao Sơn phát biểu thảo luận tại hội trường.

Đại biểu QH Nguyễn Cao Sơn phát biểu thảo luận tại hội trường.

(HBĐT) - Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 (kết hợp thảo luận về kết quả thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế); tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015): kết quả thực hiện từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội đến hết năm 2015. Đại biểu Nguyễn Cao Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình phát biểu:

 

Sau khi nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế trình bày trước Quốc hội cho thấy mặc dù trong điều kiện kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn đã tác động ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội nước ta. Song Chính phủ đã điều hành quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách, giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô đem lại kết quả tích cực cho nền kinh tế. Dự kiến trong năm 2013 có 12/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Xuất khẩu tiếp tục tăng ở mức cao, tốc độ tăng trưởng GDP dự báo khoảng 5,4%. Mặt bằng lãi suất huy động đã giảm từ 2 - 3% và lãi suất cho vay giảm từ 3 - 5% so với đầu năm.

 

Một số chính sách hỗ trợ thị trường giải phóng hàng tồn kho cho doanh nghiệp đã phát huy được tác dụng. Ngân hàng Nhà nước đang có chiều hướng điều hành chính sách tiền tệ khởi sắc thanh khoản các hệ thống ngân hàng được cải thiện, tuy nhiên khả năng hấp thụ của nền kinh tế vẫn là vấn đề đáng được quan tâm. Lạm phát tiếp tục được kiềm chế, giá cả thị trường ổn định, nền kinh tế đang trên đà hồi phục, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông thực hiện quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ có nhiều đổi mới gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu. So với cùng kỳ năm 2012 số vụ tai nạn giao thông 8 tháng qua giảm 7,5%,  an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

 

Tuy nhiên, tôi cho rằng kinh tế - xã hội năm 2013 vẫn tiếp tục còn khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù có cải thiện so với năm trước nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra, kinh tế vĩ mô chưa được vững chắc, các doanh nghiệp không có doanh thu thì không tăng trưởng. Việc Nhà nước cắt giảm hàng loạt dự án đầu tư công làm cho nền kinh tế chững lại, mặc dù việc thực hiện tái cấu trúc đầu tư là cần thiết trong bối cảnh kinh tế có biểu hiện suy thoái do tác động của kinh tế thế giới, việc nợ đọng vốn đầu tư công kéo dài đối với một số doanh nghiệp đã gây cho các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn về vốn. Tôi đồng tình báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho rằng các doanh nghiệp hiện đang vẫn hoạt động phải đối mặt với nhiều khó khăn, bắt đầu có doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn mặc dù đã cố gắng cầm cự trong mấy năm qua nhưng đến nay vẫn phải ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản.

 

Bên cạnh những khó khăn như đã nêu trên qua tiếp xúc cử tri cho thấy các vấn đề bức xúc của xã hội tập trung vào việc giải quyết việc làm, đời sống vật chất tinh thần của gia đình chính sách, người có công, người lao động, người làm công ăn lương, công nhân thất nghiệp, đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc miền núi còn yếu kém mới đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Kết quả là giảm nghèo thiếu bền vững, tỷ lệ tái hộ nghèo còn cao, việc kiểm soát nhập khẩu còn nhiều bất cập, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất buôn bán hàng giả hàng kém  chất lượng diễn ra liên tục đã tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng gây lên tâm lý bất an trong xã hội.

 

Từ những phân tích trên, tôi xin đưa ra một số kiến nghị, đề xuất sau:

 

Một là, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đồng bộ và hoàn thiện hơn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, Chính phủ cần phân cấp cho địa phương thực hiện việc thẩm định nguồn vốn trước khi phê duyệt dự án. Hiện nay thực hiện Chỉ thị 1792 ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ có những dự án có tổng mức đầu tư từ 500 triệu đồng do Ủy ban nhân dân xã làm chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt dự án thuộc loại nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương lên huyện, xã thông qua tỉnh vẫn phải báo cáo bộ có thẩm quyền thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trước khi phê duyệt dự án. Điều này rất bất cập làm tăng thủ tục hành chính và chậm tiến độ thực hiện dự án. Tôi đề nghị có cơ chế kiểm soát sau, kể cả việc điều chuyển nguồn vốn cho các dự án.

 

Hai là, tôi đồng tình với Chính phủ về việc tăng bội chi ngân sách cho phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14, hoàn thành một số dự án lớn trọng điểm quốc gia và các dự án dở dang thiếu vốn đã được phê duyệt, vốn đối ứng ODA và xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm xóa đói giảm nghèo.

 

Ba là, đề nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp quyết liệt hơn để cứu doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn khủng hoảng, giúp doanh nghiệp tiếp tục phát triển bền vững, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tháo gỡ khó khăn về vốn, hỗ trợ thị trường xử lý hàng tồn kho, tiếp tục giảm lãi suất cho vay về mức 7-8%/năm, giảm giá thuê đất, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội .

 

Bốn là, nguyên nhân tình trạng trì trệ của nền kinh tế hiện nay do quá thiên về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thắt chặt quá mức các nguồn lực cho tăng trưởng. Do đó tăng trưởng chậm lại, doanh nghiệp giải thể ngừng hoạt động, thu ngân sách khó khăn. Tình trạng này nếu tiếp tục duy trì sẽ dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô trong trung hạn. Đề nghị Chính phủ quan tâm xem xét và thực hiện đồng thời 2 nội dung gắn kiềm chế lạm phát với tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

Năm là, đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể giải quyết những vấn đề việc làm bên cạnh việc tháo gỡ cứu doanh nghiệp để tạo việc làm ổn định, bền vững, cần chỉ đạo sắp xếp các cơ sở đào tạo nghề hợp lý và sát với nhu cầu học nghề của người dân. Nhu cầu lao động của doanh nghiệp và khả năng đào tạo của các cơ sở dạy nghề để tránh lãng phí. Đồng thời tiếp tục rà soát tổ chức thực hiện chính sách hợp lý, có hiệu quả để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nên giao cho doanh nghiệp thực hiện công tác đào tạo dạy nghề còn Nhà nước hỗ trợ chính sách.

 

Sáu là, theo tôi nên bán một số doanh nghiệp Nhà nước, một số hạ tầng giao thông hoạt động có hiệu quả gắn với thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhằm bổ sung nguồn vốn cho ngân sách Nhà nước để đầu tư cơ sở hạ tầng, vùng khó khăn nhằm giảm các khoản vay ODA. Chính phủ nên có giải pháp cụ thể về thời gian để đẩy nhanh công tác cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trước năm 2015. Đối với  tỉnh Hòa Bình đề nghị Chính phủ quan tâm tiếp tục đầu tư vốn để thực hiện các chính sách hỗ trợ hậu thủy điện sông Đà, có những chính sách phát triển đặc thù đối với  vùng khó khăn, vùng quản lý bảo vệ nghiêm ngặt./.

 

 

 

 

                                                            Bích Ngọc

                                   (Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)

 

 

 

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục