Cán bộ ngành NN &PTNT khảo sát, đánh giá hiệu quả sản xuất giống lúa MĐ1 tại Trại sản xuất giống cây trồng Lạc Sơn (Trung tâm Giống cây trồng tỉnh).

Cán bộ ngành NN &PTNT khảo sát, đánh giá hiệu quả sản xuất giống lúa MĐ1 tại Trại sản xuất giống cây trồng Lạc Sơn (Trung tâm Giống cây trồng tỉnh).

(HBĐT) - Để bổ sung những giống lúa ngắn ngày, năng suất cao vào bộ giống chủ lực của tỉnh, vụ chiêm - xuân năm nay, Sở NN &PTNT đã chỉ đạo Chi cục BVTV và Trung tâm Giống cây trồng tỉnh phối hợp tổ chức sản xuất giống lúa thuần MĐ1. Với nhiều ưu điểm nổi bật, đây được đánh giá là giống lúa chất lượng cao, được khuyến cáo sử dụng rộng rãi nhằm đáp ứng hai mục tiêu: đảm bảo ổn định an ninh lương thực và sản xuất hàng hóa. Trước mắt, trong vụ mùa tới, 10 tấn sản phẩm hạt giống lúa thuần chất lượng cao MĐ1 sẽ chính thức được cung ứng ra thị trường, phục vụ gieo cấy khoảng 200 ha thuộc địa bàn hai huyện Lạc Sơn và Yên Thủy.

 

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên ngành, giống lúa MĐ1 có nhiều đặc tính nông học tốt: thời gian sinh trưởng ngắn (vụ chiêm - xuân từ 110-115 ngày, vụ mùa 95-100 ngày), rất thích hợp cho cơ cấu sản xuất 3 vụ /năm; sinh trưởng đẻ nhánh khá, cây cao trung bình (115-116 cm vụ mùa, 90-92 cm vụ chiêm - xuân); năng suất cao và ổn định (năng suất trung bình từ 60-70 tạ /ha, thâm canh cao đạt từ 75-80 tạ /ha), chất lượng gạo khá, tỷ lệ bạc bông thấp, tỷ lệ gạo xát trên 70%. Đặc biệt, giống lúa MĐ1 có khả năng chịu rét, chịu hạn và chống đổ tốt, chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận tốt trong cả vụ chiêm - xuân và vụ mùa, không nhiễm hoặc nhiễm nhẹ với các loại sâu bệnh hại chính như đạo ôn, rầy nâu, khô vằn, bạc lá. Giống có khả năng phù ứng rộng, gieo trồng phù hợp trong vụ xuân muộn, mùa sớm tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Tại tỉnh ta, MĐ1 cho năng suất từ 55-65 tạ /ha, ổn định, dễ tính, thích hợp trên nhiều chân đất, đặc  biệt trên chân đất vàn, dinh dưỡng khá.

 

Sau khi tìm hiểu thông tin và khảo sát thực tế tại một số địa bàn trong tỉnh, chị Bùi Thị Nhụ - khuyến nông viên xã Phúc Tuy (Lạc Sơn) quyết định chọn giống lúa MĐ1 để gieo cấy vụ mùa tới. Nhà chị có hơn 2.000 m2 ruộng, vì áp lực thời vụ nên diện tích này chỉ tập trung gieo 2 vụ lúa mỗi năm và để đất nghỉ trong gần 2 tháng vụ đông. Năm nay, chị chọn giống lúa thuần MĐ1 cho vụ mùa vì đây là loại giống thuộc nhóm cực ngắn ngày, thời gian sinh trưởng và phát triển trong vụ mùa khoảng 95-100 ngày nên phù hợp cho cơ cấu sản xuất 3 vụ /năm. Với lựa chọn này, chị dự kiến sẽ gieo mạ vào giữa tháng 6, cấy vào cuối tháng 6 đầu tháng 7, đến đầu tháng 10 sẽ kịp thời giải phóng đất để trồng cây vụ đông.

 

Được biết, giống lúa MĐ1 được nông dân BUCAP thôn Mớ Đá, xã Hạ Bì (Kim Bôi) lai tạo và chọn lọc từ tổ hợp lai Ré Thanh x CR203. Vụ mùa năm 2005, giống được cấy khảo nghiệm trên nhiều chân đất khác nhau ở khắp các cánh đồng địa bàn xã Hạ Bì và các xã lân cận bằng hình thức các thí nghiệm đồng ruộng và nông dân tự trao đổi để cấy trên thửa ruộng của mình. Với ưu thế nổi bật về năng suất (năng suất cao nhất đã ghi nhận đạt 10, 5 tấn/ha trong vụ chiêm - xuân 2006), thời gian sinh trưởng ngắn, tính thích nghi rộng, giống lúa MĐ1 ngày càng được nhiều nông dân biết đến và trao đổi khá rộng rãi trong cộng đồng sản xuất giống nông hộ. Từ vụ mùa năm 2009, MĐ1 được tiếp tục khảo nghiệm quốc gia và sản xuất thử tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Đến cuối năm 2012, MĐ1 được Cục Trồng trọt công nhận là giống lúa chính thức được phép đưa vào sản xuất. Do có nhiều ưu điểm nên vụ mùa năm nay, giống lúa MĐ1 được đưa vào bộ giống chủ lực của tỉnh cùng với các giống lúa thuần  khác gồm: BG6, BC15, TBR45, TBR36, ĐS1...

 

Trao đổi về kế hoạch sản xuất thương mại giống lúa MĐ1, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng tỉnh cho biết: Bắt đầu từ vụ mùa năm nay, sản phẩm hạt giống lúa thuần chất lượng cao MĐ1 do Trung tâm Giống cây trồng tỉnh và Chi cục BVTV phối hợp tổ chức sản xuất, cơ quan tác giả là Chi cục BVTV sẽ chính thức được thương mại hóa. Sản phẩm được sản xuất để cung ứng cho thị trường các tỉnh miền núi phía Bắc, chú trọng phục vụ cho sản xuất trong tỉnh với mục tiêu trở thành giống lúa chủ lực của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng bộ giống lúa chủ lực, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất lúa của bà con nông dân. Trước mắt, trong vụ mùa tới, đơn vị sản xuất sẽ cung ứng khoảng 10 tấn sản phẩm, tương đương diện tích gieo cấy khoảng 200 ha cho địa bàn huyện Lạc Sơn và Yên Thủy. Đây là bước đi đầu tiên trong lộ trình thương mại hóa giống lúa MĐ1 - thương hiệu giống lúa đầu tiên được sản xuất tại tỉnh, hứa hẹn để sản xuất nông nghiệp hướng tới hai mục tiêu lớn là đảm bảo ổn định an ninh lương thực và sản xuất hàng hóa.   

 

 

 

                                                                            Thu Trang

 

 

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục