“Vầng trăng” Hoàng Hữu sáng mãi với thời gian cùng với tập sách “Hoàng Hữu – Tác phẩm”.

 

 

Nhà xuất bản Văn học cùng gia đình hoạ sĩ - nhà thơ Hoàng Hữu (1945- 1981) vừa ấn hành tập sách “Hoàng Hữu – tác phẩm”. Theo lời người làm sách, rất mong kể từ ngày ra đời, cuốn sách “là căn cứ chính thức” tái hiện đầy đủ và chân thực hơn cả về “con người - sáng tạo” - một con người tài hoa của Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phú, của một loạt nhà xuất bản, tạp chí và tuần báo văn học - nghệ thuật ở Trung ương.

 

Tôi không gặp Hoàng Hữu lần nào, chỉ biết về ông khi ông đã mất, qua niềm tiếc thương của nhà thơ Vũ Duy Thông (lúc ấy đang ở Thông tấn xã Việt Nam) những năm đầu thập niên 1980. Trong những chuyến công tác, khi đêm đã về khuya, Vũ Duy Thông thường đọc bài thơ “Hai nửa vầng trăng” của Hoàng Hữu và bài thơ “Nhớ Hoàng Hữu” khóc bạn:

“Tôi không ngờ trên mộ nhà thơ/ Lá tre lại rụng nhiều đến thế/ Lá tre vàng ánh nắng xuyên qua/ Xoay mảnh dẻ trên không/ Xoay mảnh dẻ và rơi/ Đúng vào lúc anh không còn nữa/… Hoàng Hữu ơi/ Thế là hết dung dăng rồi nhé/ Hết cãi vã lôi thôi/ Hết giục nhau đi ngủ/ Chiếc chén màu anh pha dở/ Đã khô queo, bụi phủ lên rồi/ Trên mộ anh chỉ lá tre vàng rực/ Rụng đau lòng , rụng khốc liệt trong tôi…”

Hoàng Hữu tên thật là Nguyễn Hữu Dũng, sinh ngày 24/9/1945 và mất ngày 29/12/1981 sau một thời gian dài vừa làm nghệ thuật, vừa chống chọi với bệnh tim. Ông quê ở Hải Phòng, nhưng thời gian sống ở Vĩnh Phú (gồm 3 tỉnh Phú Thọ - Vĩnh Yên - Phúc Yên) nhiều hơn, trở thành một trong những người thành lập Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phú. Ông học Trung cấp Mỹ thuật công nghiệp, được phân về Ty Văn hoá - Thông tin Vĩnh Phú, làm mọi việc mà một cán bộ Ty Văn hoá - Thông tin lúc đó phải làm: vẽ pa-nô, áp-phích, tranh cổ động, làm báo và vẽ bìa sách… Ở lĩnh vực nào của công việc, ông cũng để lại những dấu ấn của sự tài hoa. Tranh được tham gia triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Bìa sách được giải…

Nhưng bạn bè, độc giả biết nhiều về sự nghiệp văn thơ của ông, đặc biệt khi bài thơ “Hai nửa vầng trăng” của ông được trao giải Nhì trong cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1981, đánh dấu một độ chín trong thơ của ông:

“Tình cờ anh gặp lại vầng trăng/ Một nửa vầng trăng thôi, một nửa/ Trăng vẫn đấy mà em xa quá/ Nơi cuối trời em có ngóng trăng lên…”

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Ban chung khảo, kể: “Lúc bấy giờ chiến tranh biên giới rất ác liệt. Tất cả tiềm lực của đất nước phải dồn lên đấy… Nhưng cái hay, cái đẹp thì bất luận thế nào nó vẫn hiện ra và cuốn hút tất cả… Vấn đề là ở chỗ, người ta đang đổ máu thế kia, nay tôn vinh một bài thơ tình dang dở, có nên chăng?”. Cuối cùng, nhà vô địch thơ tình Xuân Diệu kết luận “Biết đâu, một trong những cái còn lại của cuộc thi này là “Hai nửa vầng trăng” của Hoàng Hữu”… “Một nửa vầng trăng thôi, một nửa”, cái dở dang vĩnh viễn của Hoàng Hữu đánh thức cái dở dang của mọi kiếp người… “Hai nửa vầng trăng” làm nên Hoàng Hữu, một Hoàng Hữu của biết bao nhiêu cảm tình, cảm thương, cảm phục của người đọc. Sau bao nhiêu năm tháng, giờ đây mỗi lần đọc đến câu “Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết” lòng tôi lại nức nở xót xa một thân phận, một kiếp người, trong suốt và mong manh đã đến với ta trong cuộc đời này”.

 

                       Nhà thơ Hoàng Hữu.

Hoàng Hữu đã không kịp sống đến ngày công bố bài thơ anh được giải. Nhưng trong cái long đong của số phận, cái vất vả của cuộc sống thường ngày, Hoàng Hữu đã được nhận ở bạn bè, đồng nghiệp tình thương bao la và sự chăm sóc ân cần. Đặc biệt là với những bác sĩ, y tá đã chăm sóc anh, chữa bệnh cho anh, cưu mang gia đình anh.

Và hôm nay, nhờ sự cố gắng của người vợ hiền, bà Hoàng Hữu (Nguyễn Thị Minh) chỉnh trang, sắp xếp những di cảo của ông, sự giúp đỡ hào phóng của bạn bè,  cuốn sách “Hoàng Hữu – Tác phẩm” dày hơn 300 trang đã ra mắt bạn đọc, là một kỷ niệm quý đối với những người yêu thơ Hoàng Hữu.

Sách gồm 5 phần, dày dặn hơn cả là những sáng tác của Hoàng Hữu với: thơ trữ tình, thơ viết cho thiếu nhi, một số truyện ngắn. Một số tranh vẽ,bìa sách, minh hoạ… cũng được giới thiệu. Ảnh của nhà thơ. Và nặng tình hơn cả là những trang viết, bài thơ của những bạn văn chương, viết về ông. Trong bài “Người được giải thưởng Hùng Vương – nhà thơ Hoàng Hữu”, Võ Thanh Phương bình luận: anh đã “lặng lẽ sống thật mình”, như “cây rễ mải miết chắt mỡ màu tháng Chạp”, như   “sống soi mình cùng xóm làng thân thuộc… cứ tận tình chằm bẵm đất đai”, như “con tàu chăm chỉ”, như “người lính” mong mỏi lắm, chưa thể nào yên được”, “cùng một niềm giục giã ở sau lưng”… để làm một người chân chính “tận lõi than ngọn lửa cháy hết mình”.

Hoàng Hữu - Người yêu thơ không quên anh. Các thế hệ hôm nay và mai sau còn ngâm ngợi câu thơ “Nắng tắt đã lâu rồi, trăng thức dậy dịu êm/ Trăng đầu tháng như có lần em ví/ Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa/ Tên anh như nửa trăng mờ tỏ/ Ai bỏ quên lặng lẽ sáng trên trời.”  

“Những lá vàng báo mùa lá tươi/ Hoa cúc trên mộ anh sẽ nở/ Hai con anh mai thành thiếu nữ/ Lại yêu thương, hờn giận, đắng cay/ Dẫu sống bao lâu trên trái đất này/ Vẫn còn những mùa xuân mình chưa kịp biết.” (thơ Vũ Duy Thông)

“Vầng trăng” Hoàng Hữu sáng mãi với thời gian cùng với tập sách “Hoàng Hữu – Tác phẩm”./.

 

                                                                                  Theo VOV.VN

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục