(HBĐT) - Đã đôi lần lỡ hẹn với Đà Nẵng, lần này tôi quyết tâm đến Đà Nẵng để được chiêm ngưỡng thắng cảnh nổi tiếng bán đảo Sơn Trà, núi Ngũ Hành Sơn hay Bà Nà hill… Tuy nhiên, bất cứ ai đã từng đặt chân đến Đà Nẵng đều không khỏi tò mò và háo hức khi đến với những cây cầu bắc qua sông Hàn và tôi cũng không ngoại lệ. Đây không chỉ là những cây cầu nối nhịp bờ vui mà còn là công trình nghệ thuật đặc sắc, một nét đặc trưng của mảnh đất miền Trung.


Những cây cầu đẹp lung linh với những ánh đèn led chiếu xuống dòng sông Hàn thơ mộng. Bạn tôi bảo đã đi nhiều nơi nhưng hiếm thấy có những cây cầu độc đáo, nổi tiếng như ở Đà Nẵng. Đúng vậy, chỉ khoảng gần 11 km thôi mà có tới 5 cây cầu bắc qua, nối nhịp đôi bờ của thành phố.

 


Cầu Rồng – thành phố Đà Nẵng

 

Anh lái taxi chở chúng tôi đi thăm quan thành phố thân thiện và sạch sẽ. Anh say sưa kể về phong cảnh ở đây nhưng điều anh tâm huyết nhất là những cây cầu lung linh, tỏa sáng bên thành phố trẻ bằng công nghệ ánh sáng. Suốt chiều dài cầu được bố trí hàng ngàn ngọn đèn đứng với ánh sáng muôn màu thay đổi liên tục tạo nên bức tranh sống động, hấp dẫn.

 Cầu Rồng bắc ngang sông Hàn, là con đường ngắn nhất để đi từ trung tâm thành phố ra sân bay quốc tế Đà Nẵng. Cầu Rồng được đánh giá có kiến trúc độc đáo được xây dựng với hình dáng con rồng uốn lượn, vươn mình bay ra biển, thể hiện quan niệm á Đông (con rồng là con vật linh thiêng, cao quý) và gắn liền với cội nguồn Việt (con Rồng, cháu Tiên). Chiều dài của cầu 666 m được chia làm 6 làn đường cho tất cả phương tiện qua lại.

 Cầu Rồng được xem là biểu tượng, niềm tự hào của người dân thành phố Đà Nẵng. Mỗi khi đêm về, cầu Rồng Đà Nẵng đẹp lung linh với ánh đèn led tuyệt đẹp. Đây chính là một trong những nơi thu hút đông đảo du khách đến tham quan khi đi du lịch thành phố Đà Nẵng. 

 Cầu Trần Thị Lý là cây cầu khá lâu đời trong 5 chiếc cầu bắc qua sông Hàn được xây từ thời Pháp thuộc năm 1950, có tên gọi là De Lattre de Tassigny. Vào khoảng trước năm 1975, cầu được biết đến với cái tên cầu Trịnh Minh Thế. Sau này, cầu Trần Thị Lý được cải tạo, nâng cấp và xây dựng lại. Cầu có dạng hình cánh buồm, trông rất hiện đại, đẹp mắt. Với dáng vẻ mới, cầu Trần Thị Lý được xem như con thuyền lớn vươn dài ra đại dương bao la. Cầu được xây dựng lại vào khoảng năm 2010 với chiều dài lên tới 731 m, chiều rộng 34, 5 m và trên cầu được lắp khá nhiều hệ thống cây xanh nên khá mát mẻ. Đứng ngắm cầu Trần Thị Lý từ xa trông đẹp mê hoặc. Đặc biệt, khi màn đêm buông xuống, cầu trông như một chiếc buồm lớn với ánh đèn điện lung linh, soi sáng khắp nơi. Chính vì vậy mà cầu Trần Thị Lý được đánh giá là một trong những cây cầu ấn tượng nhất, gây sức hút mạnh nhất ở Đà Nẵng.

 Cầu Nguyễn Văn Trỗi nằm giữa cầu Trần Thị Lý và cầu Rồng. Cây cầu này do hãng RMK (Mỹ) thiết kế và thi công hoàn thành năm 1965 (có tài liệu là năm 1968) với kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni hiếm hoi tại Việt Nam. Trước đây, cầu không có bất kỳ tên gọi nào và mục đích xây dựng cầu của người Mỹ là phục vụ chiến tranh ở Việt Nam. Trong thời gian xây dựng được lắp ghép với những ống thép to nối với nhau, bề mặt cầu được làm từ gỗ để vận chuyển lương thực, vũ khí và hành quân của người Mỹ. Sau chiến tranh, cầu được cải tạo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đến năm 1978, cầu Nguyễn Văn Trỗi được tái xây dựng lại lần 1, đổi những tấm ván thành lớp bê tông khá chắc chắn. Đến năm 1996, cầu được tu sửa lần 2 với sự thay đổi lớp bê tông thành những tấm thép, mục đích chính là giảm thiểu phần nào trọng lượng khi lưu thông qua cầu.

 Cầu Sông Hàn tính đến nay được xem là chiếc cầu quay to lớn và dài nhất tại Việt Nam. Cầu là một trong những biểu tượng du lịch tự hào của người dân Đà Nẵng. Cầu quay sông Hàn ngoài bắc qua sông Hàn còn là nơi thông thương, qua lại của người dân sinh sống tại 2 tuyến đường lớn là Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng. Cầu được xây dựng với chiều dài 487,7 m, chiều rộng cầu 12, 9 m bao gồm 11 nhịp, mỗi nhịp được chia làm 33 m.

 Hàng ngày, vào khoảng 0h30 - 1h sáng, phần giữa cây cầu quay 900 quanh trục, nằm dọc theo dòng chảy của dòng sông, mở đường cho tàu lớn đi qua. Khoảng 3h30 sáng, cầu sẽ quay trở lại như cũ. Vào ngày chủ nhật hay những ngày lễ lớn trong năm, cầu sông Hàn sẽ quay sớm hơn để tạo điều kiện cho nhiều du khách có thể chiêm ngưỡng, ngắm nhìn được nét độc đáo mà cây cầu này mang lại.

 Cầu Thuận Phước là cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam (1.850 m, hơn cầu Mỹ Thuận 300 m). Cầu được thiết kế khá độc đáo, chỉ cho 4 làn xe chạy qua. Cầu Thuận Phước hỗ trợ giao thông thuận tiện cho 2 tuyến đường lớn ở Đà Nẵng, đó là đường Nguyễn Tất Thành và đường bán đảo Sơn Trà. Cầu Thuận Phước thể hiện hình tượng của cánh chim đang bay như muốn nói rằng thành phố Đà Nẵng cũng như cánh chim tung bay, vươn mình ra biển lớn.

 Đi dạo bên bờ sông Hàn để cảm nhận những cơn gió mát, cảm nhận được Đà Nẵng đúng là thành phố trẻ, thành phố đáng sống. Nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ quay lại nơi đây bởi không chỉ đẹp, thân thiện mà còn cực kỳ thú vị và chẳng lúc nào ngưng nghỉ niềm vui.

 

                                                                      Lê Nhung


Các tin khác


Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục