(HBĐT) - Theo thống kê do Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch tỉnh Hủa Phăn (Lào) thì người Mường ở bản Đon, huyện Sầm Nưa có 103 hộ, trên 800 nhân khẩu. Trong số này chiếm trên 90% là dân tộc Mường, số còn lại là con gái người Lào về làm dâu người Mường. Được biết, nhóm người Mường này từ Việt Nam di cư vào Lào từ những năm đầu của thế kỷ XVIII, di cư làm nhiều đợt rồi ổn định cho đến nay. Từ ngày họ đặt chân lên đất Lào cho đến nay cũng trên 300 năm (hoặc có thể ít hơn) và đã thành một bộ phận tộc người cấu tạo nên dân tộc quốc gia Lào. Điều tuyệt vời ở bản Đon là sau nhiều trăm năm, cộng đồng dân cư ở đây vẫn luôn nhận mình là người Mường, nguồn gốc từ Việt Nam.



Người Mường ở bản Đon, huyện Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn (Lào) giao lưu văn nghệ.
Ảnh: BÙI NỎM (CTV)


Điều gì để nhận biết và Nhà nước Lào 
công nhận họ là người Mường?
Để phân biệt dân tộc này (hiểu theo nghĩa tộc người) với dân tộc khác có nhiều tiêu chí khác nhau, nhưng tập trung vào mấy tiêu chí: vật thể (trang phục, nhà ở); phi vật thể (ngôn ngữ, văn hóa truyền thống). Theo đó, để quy chiếu thì người Mường ở bản Đon giữ được không nhiều điều kiện để khẳng định mình là dân tộc riêng, nhưng những gì họ giữ lại được lại là tinh chất để định danh họ là người Mường.
Trang phục người Mường ở bản Đon còn rất ít chất Mường, trang phục màu đen là chủ đạo, áo không có cổ bẻ, viền cổ màu đỏ hoặc không viền, cúc áo hình bướm cài (kiểu Lào - Thái); chân váy đồng màu hoặc chân váy truyền thống dân tộc Lào; eo thắt vải đỏ, trắng hoặc nguyên đỏ, đầu không đội khăn. Có một chi tiết nhỏ còn lại được nhà văn Phan Mai Hương phát hiện, phía trong chân váy vẫn được trang trí viền vải đỏ đó là yếu tố Mường. 
Về nhà ở, trên 100 hộ nhà không đồng nhất nhau, nhà sàn kiểu dáng Lào/Thái, mái lợp ngói xi măng; kiểu nhà nền đất, tường quây tôn, mái lợp ngói xi măng (giống nhà dân ở miền Nam Việt Nam); kiểu nhà có điều kiện (rất ít) thì làm rộng lợp 3, 4 mái  hướng quay khác nhau kiểu dáng mái Thái; kiểu nhà vách gỗ hay nhà xây cấp 4…
Về tôn giáo, người Lào nói chung, người Mường ở bản Đon theo đạo Phật.
Những tinh chất để định danh họ là người Mường
Họ vẫn tự gọi mình là người Mol (theo cách gọi cũ người Mường tự gọi tên mình từ xa xưa) và luôn khẳng định cha ông họ là người Mường, từ Việt Nam sang. Cách dùng lịch của riêng bản Đon cũng khá giống cách dùng lịch Roi (lịch thẻ) của người Mường ở Hòa Bình. Họ lấy ngày 1/3 dương lịch hàng năm là ngày Tết (giao thời giữa năm cũ và năm mới), 1 tuần có 10 ngày, 1 tháng có 3 tuần. Như vậy, 12 tháng có 360 ngày được tính là 1 năm.
Vì thời gian có hạn nên chúng tôi chưa khảo sát kỹ được những phong tục tập quán của đồng bào ở đây. Tuy nhiên, trong thời gian hạn hẹp đó, chúng tôi cũng được chứng kiến và dự lễ buộc chỉ cổ tay. Trong nghi thức phần lễ thầy mo/cúng của bản thể hiện thấy rõ được cung cách, ngữ điệu của thầy mo Mường ở Hòa Bình.
Ngôn ngữ là thứ được cộng đồng đồng bào Mường ở bản Đon giữ gìn rõ nét nhất. Khi được nghe lãnh đạo Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch tỉnh Hủa Phăn và một số thông tin khác cho biết, người Mường ở bản Đon vẫn nói tiếng Mường chúng tôi rất ngạc nhiên và nghi ngờ khi họ đã rời quê vài trăm năm không quay về cố hương, không có giao lưu gì với người Mường quê nhà mà vẫn nói được tiếng Mường. Đem nghi ngờ đó vào bản Đon và thật ngạc nhiên khi đồng bào đón chúng tôi toàn nói chuyện bằng tiếng Mường. Nói chuyện với ông Bun Phon, nguyên Phó tỉnh trưởng (Phó Chủ tịch tỉnh) tỉnh Hủa Phăn cũng là người Mường ở bản Đon, ông cho biết cả bản có đến trên 90% người Mường (số còn lại là con dâu người Lào) hoặc người Lào đến đây cộng cư cùng cộng đồng. Trong bản gần như 100% biết và thường xuyên nói tiếng Mường ở nhà, nên cả trẻ con và con dâu người Lào về làm dâu cũng đều phải biết tiếng Mường bên cạnh tiếng phổ thông (tiếng Lào).
Thời gian ở bên đồng bào Mường bản Đon chưa được nhiều, chưa hiểu nhiều về chiều sâu văn hóa truyền thống của cộng đồng Mường nơi đây nhưng họ đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp và nhiều tình cảm thương mến về một cộng đồng người Mường lưu lạc nơi xứ người. Họ đã ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để tránh bị văn hóa bản địa đồng hóa, tránh bị hòa tan trong cộng đồng các dân tộc của quốc gia Lào. 
Chúng tôi mong có nhiều dịp được về đây tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn, để có đủ bằng chứng lý giải những câu hỏi: họ từ vùng Mường nào của Việt Nam sang đây? Lý do sang đây? Tương lai của cộng đồng? Làm gì để bảo tồn di sản văn hóa Mường cho cộng đồng?… Và còn nhiều ước mong lớn lao hơn để làm sao giúp đồng bào Mường ở xứ người luôn giữ được chất Mường nhiều hơn và kết nối được với cội nguồn của họ.


Lê Quốc Khánh
 (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh)

Các tin khác


Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục