Mới đây, tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định xử phạt hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan. Ngày 2/6, Bộ ban hành Thông tư 08/2023 quy định 11 mẫu văn bản, giấy chứng nhận trong hoạt động đăng ký bản quyền tác giả, quyền liên quan.

Tăng mức xử phạt các vi phạm bản quyền tác giả
Sau 10 năm thi hành Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan, hành lang pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đã có nhiều thay đổi, kéo theo việc cần thiết phải ban hành một nghị định thay thế. Việt Nam cũng đã tham gia một loạt điều ước quốc tế song phương, đa phương và khu vực về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023 có nhiều sự thay đổi trong quy định về các quyền: Nhân thân, quyền tài sản, hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm-ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian... Điều đó đòi hỏi sớm có sự đồng bộ về hành lang pháp lý trong xử phạt hành chính đối với các vi phạm bản quyền tác giả.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan để thay thế Nghị định 131/2013/NĐ-CP, nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật theo hướng có chế tài xử phạt hợp lý, hiệu quả đối với các hành vi vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan.

Vì thế, yêu cầu cao nhất đối với các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập là phải nghiên cứu kỹ, tập trung làm rõ và đầy đủ các hành vi vi phạm hành chính về bản quyền tác giả, quyền liên quan.

Khung và mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm cụ thể được đặc biệt nhấn mạnh, nhất là tính toán kỹ, hợp lý, bảo đảm khi đưa nghị định vào thực thi phải tạo được sức răn đe, khắc phục những hạn chế đã diễn ra trong 10 năm qua.

Tăng mức xử phạt các vi phạm bản quyền tác giả ảnh 1


Theo báo cáo của Cục Bản quyền tác giả, sau 10 năm thực hiện, Nghị định 131 đã góp phần tạo bước chuyển biến, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng thực thi, ý thức tôn trọng quyền tác giả, quyền liên quan từ các cơ quan, đơn vị sử dụng tác phẩm nói riêng và từ các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh khi khai thác, sử dụng tác phẩm; thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động sáng tạo, phổ biến các giá trị văn học, nghệ thuật và khoa học, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời góp phần thu hút đông đảo văn nghệ sĩ trong và ngoài nước sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị.

Tuy nhiên, hiện nay thực tế vấn đề vi phạm bản quyền tác giả đã nảy sinh các bất cập. Trong đó đáng chú ý là mức phạt tiền chỉ dựa vào hành vi (chứ không căn cứ vào mức độ gây thiệt hại của hành vi, không căn cứ vào giá trị số lượng hàng hóa sao chép lậu), dẫn đến mức xử phạt vi phạm hành chính còn nhẹ, chưa phù hợp, chưa tương xứng với mức độ gây thiệt hại của cá nhân, tổ chức vi phạm bản quyền. Và mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm của cá nhân là 250 triệu đồng (đối với tổ chức là 500 triệu đồng) chưa đủ sức răn đe.

Bởi thế, các hành vi xâm phạm (ở mức độ xử lý hành chính) về quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng... xảy ra ngày càng nhiều, nhất là các vi phạm trên môi trường số (tình trạng các trang mạng, website chia sẻ tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình cuộc biểu diễn, chương trình phát sóng miễn phí nhưng do có server đặt ở nước ngoài, việc sao chép trái phép xảy ra ngoài phạm vi Việt Nam cho nên rất khó xử lý,...).

Bên cạnh đó, việc phân định thẩm quyền xử phạt giữa các cơ quan có thẩm quyền xử phạt đối với từng hành vi cụ thể còn chưa rõ ràng, cụ thể, dẫn đến khó khăn trong thực thi pháp luật về bản quyền tác giả, quyền liên quan.

Trên thực tế, hiệu quả của việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự (kiện hay đưa ra xét xử ở tòa án) trong những trường hợp vi phạm quyền tác giả là không cao, do việc xác định giá trị hàng hóa xâm phạm phức tạp (thậm chí có thể không phản ánh được giá trị của sự sáng tạo).

Trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp về bản quyền tác giả tại tòa án phức tạp, gây tốn kém về thời gian, công sức, tiền bạc cho các chủ thể; lại khó đáp ứng nhu cầu xác định nhanh và chấm dứt ngay hành vi xâm phạm quyền.

Vì vậy, ở dự thảo nghị định thay thế Nghị định 131 đã quy định chi tiết và rõ ràng hơn về các hình thức vi phạm bị xử phạt hành chính, cũng như phương án, hình thức khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm. Mức phạt tiền cũng được tăng lên theo hướng phải tương xứng với mức độ thiệt hại mà các đối tượng vi phạm gây ra để đủ sức răn đe, phòng ngừa vi phạm, giúp cho các cá nhân, tổ chức hiểu rõ hơn về những hành vi vi phạm hành chính, từ đó có những hành vi ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ 14

Ngày 25/9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày sân khấu Việt Nam lần thứ 14, năm 2023 (12/8 âm lịch) với sự tham gia của nhiều đại biểu, đại diện các nhà hát, đông đảo nghệ sỹ sân khấu. Sau "Chúc văn” kính cáo Tổ nghề, chương trình biểu diễn nghệ thuật trình tổ nghề đã diễn ra với nhiều tiết mục đặc sắc.

Người có duyên nợ với chiêng Mường

(HBĐT) - Dành trọn cuộc đời sưu tầm và gìn giữ chiêng cổ, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Tiến Xô, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) được ví là người "duyên nợ" với chiêng Mường. Say đắm hồn chiêng, ông sẵn sàng đánh đổi bạc tiền, thời gian, công sức để gìn giữ và lan toả nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mường.

Náo nhiệt Đêm hội Trăng rằm tại phố đi bộ Đà Giang

(HBĐT) - Tối 22/9, hàng nghìn người dân háo hức tới phố đi bộ Đà Giang (TP Hòa Bình) tham quan, thưởng thức ẩm thực để tận hưởng ngày nghỉ cuối tuần. Khác với 2 tuần trước, không khí trên tuyến phố náo nhiệt, tươi vui hơn bởi đoàn rước đèn với những cỗ xe mô hình lớn, rực rỡ sắc màu được làm công phu, tâm huyết với các loại hình gắn liền với Tết Trung thu và văn hóa dân gian, lịch sử...  

Khai mạc Chương trình "Qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ 14

Tối 22/9, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức khai mạc Chương trình "Qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ 14.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục