- LTS - Nhà thơ Hữu Loan - tác giả bài thơ Màu tím hoa sim nổi tiếng, tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh năm 1916, vừa tạ thế ngày 18-3-2010 tại quê nhà ở thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh (Nga Sơn, Thanh Hóa). Ðể tưởng nhớ một nhà thơ đã để lại dấu ấn văn chương sâu đậm trong nhiều thế hệ người đọc, chúng tôi xin giới thiệu bài viết có tính hồi ức của nhà lý luận - phê bình TS Chu Văn Sơn kể về một lần gặp Hữu Loan.

Tôi được gặp Hữu Loan một lần, cũng là lần duy nhất. Ðó là buổi tối cuối đông 2008, mấy anh em tôi tụ tập ở Kim Sơn rồi kéo nhau sang Nga Sơn. Lúc vào tới nhà ông ở thôn Vân Hoàn, Nga Lĩnh thì trời vừa sập tối. Lối vào hôm ấy ngập sương, chúng tôi lần bước theo ánh đèn đom đóm từ mấy chiếc điện thoại di động bật tạm để soi đường. Mò mẫm vào đến sân thì đèn trong nhà bật sáng. Hóa ra ông đã tắt đèn buông màn rồi, thấy khách đến, cô con dâu mới chạy sang khua dậy. Ðã trót hình dung nhà thơ là một thư sinh từng đỗ tú tài Tây với phong vận một thi nhân qua những bài thơ Ðèo Cả, Hoa Lúa, Màu tím hoa sim... nên tôi không tránh khỏi hẫng hụt khi nhìn giường tủ, tranh treo, ban thờ, bàn nước, ghế ngồi, ấm tích, sách vở... trong nhà. Không phải thiếu đồ đạc, tiện nghi. Cũng không phải thiếu bàn tay chăm sóc. Nhưng, tất cả cứ nhem nhếch, lôi thôi thế nào ấy. Từ chăn màn, ngồi dậy một ông lão, đầu bạc xóa, tóc trùm vai... Không phải kiểu sa sút phong độ thường thấy ở tuổi già. Cũng không phải nhuệ khí bị tổn hao. Ánh nhìn quắc thước qua hàng mi già đã chứng tỏ cả. Có lẽ ông bị hoang hóa. Ông không sống ở những thế kỷ trước để có thể làm một ẩn sĩ, làm một Ðào Tiềm quy khứ lai với cái thanh đạm thích thảng của một nho gia mà di dưỡng tính tình. Kể từ ngày đoạn tuyệt hẳn với cây bút về cầm tay ngai xe thồ đất đá kiếm sống ở quê nhà, dường như ông cũng đoạn tuyệt luôn với cái đẳng cấp văn hóa mà ông đã từng là một đại diện, đoạn tuyệt luôn với một dòng chảy mà ông đã từng hăng hái bơi ở tốp tiên phong. Tự cắt lìa khỏi mối liên hệ với những sự kiện và hoạt động văn hóa cao, lầm lụi với đất đá cát sỏi, với tre pheo lau lách, cái cốt cách tân học của ông tú Loan, cái hào hùng tráng sĩ thời vệ quốc quân, cái phong vận nho nhã của tác giả những tuyệt phẩm ngày nào nay đã gửi cả lại ở những trang báo, trang truyện, trang thơ xưa rồi. Kẻ sĩ cuối cùng lui về ẩn cư chốn sơn dã đã trở nên hoang dã thật rồi. Chao ôi là cuộc đời một trí thức tinh hoa!

Ðúng là nhìn cảnh sống của ông, xem phong thái của ông thấy có một cái gì đã bị hư hoại đi. Nhưng, nghe ông nói, vẫn thấy có một Hữu Loan không dễ gì hư hoại. Sau khi cô con dâu giúp ông pha nước đãi khách, ông hỏi lý do chúng tôi đến chơi. Ðược biết chúng tôi đều là dân văn chương, chỉ vì ngưỡng mộ tác giả Màu tím hoa sim, Ðèo Cả mà tìm đến chứ không phải để phỏng vấn phỏng viếc gì, ông rất mừng và tỉnh hẳn. Ông kể cho chúng tôi nghe những chuyện đời mình. Kỷ niệm vô cùng lãng mạn với cô Lê Ðỗ Thị Ninh, khi ông "yêu nàng như yêu em gái" và hình ảnh chú rể độc đáo dận "đôi giày đinh bết bùn đất hành quân". Kỷ niệm kinh hoàng khi được tin người vợ "bé bỏng chiều quê" chết trên sông. Những ngày cùng Văn Cao thức trắng ba đêm đi quanh hồ Hà Nội để rồi dứt bỏ tất cả vinh hoa lẫn phù hoa trở về Vân Hoàn thồ đá. Ông kể chuyện Phạm Duy đến chơi rồi đánh giá rất thẳng thắn hai ca khúc của Phạm Duy và của Dũng Chinh cùng phổ bài Màu tím hoa sim của ông. Chỗ nào cần rõ ý, bà vợ ông ngồi cạnh lại phụ họa thêm. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì thấy ông có một trí nhớ rành rọt đến vậy. Và quan trọng hơn là vỡ lẽ này: hóa ra vẫn thế. Vẫn là con người khảng khái cứng cỏi, yêu ghét phân minh. Vẫn là con người chính trực không nề hà an nguy. Vẫn là một người dám sống với sự thật và những niềm tin lớn... Nghe ông nói, cứ thấy sống lại cái không khí Ðèo Cả. Cứ thấy đằng sau cái vóc dạng đang hao mòn đi kia vẫn còn nguyên hình ảnh anh vệ quốc quân ngày nào Nam tiến, kiêu hùng trên Ðèo Cả:

Những người đi Nam Tiến
Dừng lại đây giữa đèo núi quê hương

Tóc tai trùm vai rộng
Không nhận ra người làng
Rau khe cơm vắt áo pha màu sa trường
Ngày thâu vượn hót Ðêm canh gặp hùm lang thang

Gian nan lòng không nhợt
Căm hờn trăm năm xa
Máu thiêng trôi dào dạt
Từ nguồn thiêng ông cha

Sau mỗi trận thắng
Ngồi bên suối đánh cờ
Kẻ hái cam rừng ăn nheo mắt
Người vá áo thiếu kim mài sắt

Người đập mảnh chai vểnh cằm cạo râu

Thì ra, cuộc sống có thể bào mòn lớp vỏ, có thể làm hư nát lớp xơ. Còn cái lõi, cái cốt thì không dễ gì hủy hoại. Hữu Loan có thể là một anh thồ đá, có thể là một lão nông. Nhưng Hữu Loan vẫn là Hữu Loan. Chất người Hữu Loan chính là văn hóa. Cái chất người ấy, cái văn hóa ấy đã giúp ông có được những trang báo chính trực, những trang truyện sắc sảo, những trang thơ Ðèo Cả, Yên Mô, Hoa Lúa, Những làng đi qua, Màu tím hoa sim... Cái chất người Sau mỗi trận thắng - Ngồi bên suối đánh cờ - Kẻ hái cam rừng ăn nheo mắt - Người vá áo thiếu kim mài sắt - Người đập mảnh chai vểnh cằm cạo râu đã giúp ông bền bỉ thồ đá suốt hơn nửa thế kỷ ở Vân Hoàn. Không có cái chất người ấy, chắc ông không thể sống trọn cuộc đời một ẩn sĩ hiện đại của mình.

Sau khi tặng ông chút quà và xin ông được chụp vài kiểu ảnh làm kỷ niệm, chúng tôi ra về lòng vừa ngậm ngùi, vừa kính nể. Tôi nhớ đến Nguyên Hồng, vì thấy cả khuôn mặt, thân phận lẫn tinh thần, hai vị ấy có gì đó thật giống nhau. Họ đều là những nghệ sĩ tài danh, những ẩn sĩ của thời hiện đại này, đều là những "viên kim cương". Tôi chợt nghĩ đến hình ảnh kim cương bởi đã là kim cương thì không dễ gì hư hoại. Và tôi hiểu hơn về khái niệm văn hóa.

Bây giờ, sau 95 năm sống một cuộc đời đầy cực nhọc với trần gian này, ông đã đi xa. Số phận đã làm xong phần việc cuối cùng của nó là làm hư hoại hoàn toàn một sinh mệnh. Nhưng "chất kim cương" Hữu Loan thì không dễ gì mất. Chừng nào người ta còn nói đến nhân cách một nghệ sĩ, một kẻ sĩ, thì cái tên Hữu Loan hẳn sẽ còn lấp lánh ánh kim cương.

 

                                                                                         Theo ND

Các tin khác


Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục