Biểu diễn văn nghệ tại đền Hùng.

Biểu diễn văn nghệ tại đền Hùng.

Có thể nói rằng, với văn hóa - nghệ thuật Việt Nam, năm 2010 là năm của một số lễ hội lớn, năm mà một số di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO vinh danh. Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thật sự đã là dịp để mọi người Việt Nam tự hào về lịch sử dân tộc, tưởng nhớ, biết ơn cha ông, từ đó tự ý thức về trách nhiệm của mỗi người trong khi góp phần chấn hưng, phát triển đất nước. Từ đầu năm 2010, nhiều lễ hội được tổ chức ở khắp ba miền, và bên cạnh ý nghĩa rất cần trân trọng của các hoạt động này, thì cũng đã xuất hiện một số biểu hiện thái quá ảnh hưởng tới tính văn hóa và hình ảnh lành mạnh của lễ hội.

 

Như Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII, ngày 20-10-2010, đã chỉ rõ: 'Các hoạt động lễ hội chưa được quản lý tốt; nhiều hoạt động còn tự phát, thiếu chọn lọc, phô trương hình thức, lãng phí'. Rồi nữa, sau khi Hoàng thành Thăng Long, Hội Gióng ở đền Phù Ðổng và đền Sóc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành di sản tư liệu thế giới và được liệt kê vào danh sách Ký ức toàn cầu thì một vấn đề đang đặt ra là cần bảo quản, giữ gìn, phát huy giá trị của các di sản này trong thời đại mới như thế nào. Sự trao truyền và phát triển văn hóa dân tộc, sau hàng nghìn năm vẫn cần phải được tiếp tục, song từ tự ý thức đến hành động cụ thể lại là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực của toàn dân; mà thiết nghĩ ở đó, bản lĩnh văn hóa, lòng tự tôn dân tộc phải trở thành bộ phận cấu thành nên phẩm chất văn hóa của mọi người.

Năm 2010, một số cuộc thi hoa hậu được tổ chức. Nếu cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010 là sự tiếp nối một hoạt động có uy tín, có tuổi đời hơn hai mươi năm, thì cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 thật sự là bước đột phá về văn hóa, giúp người Việt sinh sống trên khắp thế giới có điều kiện trở về với cội nguồn, hòa mình với cuộc sống của đất nước, để được hiểu thêm về văn hóa, về tổ tiên. Và, dù có thể không đưa tới danh vọng hay tiền bạc, thì cuộc thi hoa hậu Dấu cộng duyên dáng dành cho người nhiễm HIV lần đầu được tổ chức tại Việt Nam, lại nên tiếp cận từ một phương diện khác. Cuộc thi này cần tiếp tục và mở rộng, vì đó là thể hiện một thái độ nhân văn của xã hội, giúp mọi người có cái nhìn nhân ái, thân thiện với những nạn nhân của 'căn bệnh thế kỷ'.

Xã hội phát triển, sự du nhập của một số xu hướng sáng tạo nghệ thuật từ bên ngoài, rồi hệ thống nghe - nhìn như đang cuốn hút sự quan tâm của một bộ phận trong thế hệ trẻ,... khiến cho di sản nghệ thuật truyền thống khó tìm được chỗ đứng trong sinh hoạt nghệ thuật xã hội. Ngành văn hóa đã nhận thức được thực trạng này để năm 2010 một loạt hoạt động liên quan đã được triển khai. Có thể kể tới Liên hoan sân khấu Tuồng truyền thống 2010, Liên hoan ca múa nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc các trường văn hóa - nghệ thuật toàn quốc, Liên hoan sân khấu các vở diễn lịch sử chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Liên hoan hát dân ca và biểu diễn nhạc cụ dân tộc thanh thiếu nhi toàn quốc lần thứ nhất, cùng nhiều liên hoan do các tỉnh, thành phố tổ chức, như Liên hoan đàn và hát dân ca tỉnh Bắc Ninh lần thứ hai, Liên hoan Thanh niên hát dân ca và Ðội cồng chiêng trẻ tỉnh Ðác Lắc lần thứ nhất... Những hoạt động này góp phần bồi đắp tình yêu đối với các giá trị đã làm nên bản sắc riêng của nền nghệ thuật mà cha ông từng dày công xây dựng. Vì thế phải được duy trì, phổ biến sâu rộng trong thời gian tiếp theo, hình thành nên 'cội rễ' trong sinh hoạt tinh thần của xã hội; còn nếu không, sẽ dễ trở thành phô diễn hình thức, hay chỉ còn là tài liệu để các nghệ sĩ chuyên nghiệp khai thác, phục dựng trong các lễ hội.

Với điện ảnh Việt Nam năm 2010, việc Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ tôn vinh nghệ sĩ Ðặng Nhật Minh vì những cống hiến của ông cho sự nghiệp điện ảnh, đồng thời tổ chức tuần phim Những tiếng nói mới từ Việt Nam để giới thiệu một số đạo diễn và tác phẩm điện ảnh Việt Nam là sự kiện đáng chú ý. Bên cạnh đó, Liên hoan phim quốc tế Việt Nam 2010 là bước đi không chỉ nhằm thu hút những nghệ sĩ điện ảnh có uy tín, những nền điện ảnh lớn trên thế giới đến với Việt Nam mà còn là phương cách để điện ảnh Việt Nam giao lưu, học hỏi. Uy tín quốc tế của một liên hoan điện ảnh, một mặt phụ thuộc vào chất lượng của giải thưởng được trao, một mặt phụ thuộc vào uy tín của nền điện ảnh đứng ra tổ chức. Trong năm qua, đã có một số tác phẩm điện ảnh mới ra đời, dù còn có khen - chê khác nhau, vẫn phải kể tới Long Thành cầm giả ca, Khát vọng Thăng Long, Ðể mai tính, Cánh đồng bất tận; bên cạnh đó là một số tác phẩm được quảng bá rầm rộ, nhưng có lẽ vẫn chưa tạo nên giá trị tư tưởng - nghệ thuật có sức cuốn hút lâu dài. Vào lúc sự dễ dãi đang chi phối thị hiếu nghệ thuật của một bộ phận công chúng thì doanh thu cao cũng không hẳn là tiêu chí của thành công. Năm qua, sự kiện lùm xùm về bộ phim Giao lộ định mệnh là chuyện rất đáng bàn. Sau chiến dịch quảng cáo và đạt doanh thu kỷ lục sau một thời gian công chiếu, bộ phim được đánh giá là tác phẩm làm 'thay đổi diện mạo phim Việt', 'mở ra thời kỳ mới của điện ảnh Việt Nam' lại bị phát hiện là 'quá giống' với Shattered của đạo diễn Wolfgang Petersen sản xuất năm 1991. Thực tế cho thấy, dù đạo diễn bộ phim phân bua thế nào cũng khó có thể biện hộ cho sự 'giống nhau kỳ lạ' giữa hai bộ phim. Không riêng gì điện ảnh, với loại hình nghệ thuật khác cũng vậy, ý tưởng là giá trị được 'cá tính hóa' đến cao độ, đó là sản phẩm sáng tạo riêng của một tác giả (một nhóm tác giả) có tư cách là chủ thể sáng tạo. Chính vì thế, sự trùng lặp là một khả năng cực kỳ hãn hữu.

Trên diện rộng, không khí lễ hội trong đời sống văn hóa năm qua cũng đã đưa tới không khí lễ hội của một số loại hình nghệ thuật. Nếu Ngày Thơ Việt Nam từng bước trở thành một mỹ tục của đời sống văn học, thì trong năm 2010, sự ra đời của Ngày Âm nhạc Việt Nam, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là dấu hiệu tốt lành để âm nhạc và sân khấu phát huy thành tựu trong sinh hoạt văn hóa nói chung. Tuy nhiên, nhìn vào hoạt động nghệ thuật, xem ra các hoạt động 'bề nổi' vẫn có phần lấn át. Như trong văn học chẳng hạn, các tác phẩm mới xuất bản vẫn được giới thiệu trên báo chí hằng ngày, các cuộc thi vẫn được tổ chức, các giải thưởng vẫn được trao,... nhưng số tác phẩm có khả năng vượt lên bởi đã chứa đựng ý tưởng mới mẻ, ra đời từ năng lực sáng tạo độc đáo và tài năng của người viết, vẫn rất hiếm hoi. Một vài sự kiện được coi là 'ầm ĩ' trong đời sống văn học chủ yếu lại liên quan các yếu tố 'ngoài văn học' hoặc 'phi văn học', nhất thời thu hút người viết văn và công chúng. Còn về âm nhạc, một số chương trình âm nhạc được tổ chức như Concour piano, và các buổi biểu diễn của Sarah Chan, dàn nhạc New York Philharmonic, nhóm nghệ sĩ đàn dây Berlin đã góp phần làm tăng uy tín của âm nhạc cổ điển. Bên cạnh đó, Sao Mai điểm hẹn 2010, Vietnam Idol 2010 tạo nên sức hấp dẫn của sự sinh động, trẻ trung, thu hút một bộ phận công chúng trẻ,... Và dẫu kết quả có thể góp phần làm phong phú thị trường âm nhạc, thì chưa có gì bảo đảm các cuộc thi sẽ tạo dựng nền tảng cho một quá trình 'dài hơi' của âm nhạc Việt Nam thời kỳ mới. Rồi khi báo chí phê phán tình trạng một số ca sĩ ăn mặc thiếu kín đáo, thiếu tinh tế, bắt chước ca sĩ nước ngoài, ca từ của tác phẩm ngô nghê, rẻ tiền,... thì chuyện về khả năng sáng tạo của nghệ sĩ, thị hiếu âm nhạc của một bộ phận công chúng cũng đang đặt ra trực tiếp. Vì thế tại Ðại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ VIII, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư đã đề nghị Hội Nhạc sĩ Việt Nam: 'Phát huy cao nhất tiềm năng và tài năng của nhạc sĩ, nghệ sĩ, đoàn kết, tập hợp đội ngũ cùng nhau tiếp tục xây dựng nền âm nhạc Việt Nam phát triển lành mạnh, phong phú, hài hòa, đa dạng và toàn diện hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng và trở thành sức mạnh tinh thần to lớn của nhân dân trong công cuộc đổi mới', đồng thời, đồng chí cũng đề nghị 'Hội cần kiên định tham gia vào cuộc đấu tranh phê phán những khuynh hướng lệch lạc, lai căng, vọng ngoại, xa rời giá trị văn hóa dân tộc đang có những biểu hiện phức tạp trong đời sống âm nhạc hiện nay'...

Những yêu cầu của cuộc sống, đòi hỏi tự thân của một bộ phận đặc thù cấu thành nên xã hội, đang đặt văn hóa - nghệ thuật Việt Nam trước nhiều vấn đề cần giải quyết để làm nên một giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn phát triển phải bắt đầu từ các chuyển dịch, như là sự tích lũy để hình thành bước đột phá. Từ góc nhìn ấy, và đặt sang một bên các hiện tượng không phù hợp với bản chất xã hội, có thể thấy văn hóa - nghệ thuật Việt Nam năm 2010 đã xuất hiện một số chuyển dịch theo xu hướng tích cực, đó là dấu hiệu đáng mừng. Vì thế có thể hy vọng, từ đường lối, chủ trương và chính sách đúng đắn đối với văn hóa - nghệ thuật, từ sự đầu tư thích đáng của Nhà nước, từ sự nỗ lực của văn nghệ sĩ, từ sự đóng góp của toàn dân, văn hóa - nghệ thuật Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn phát triển với nhiều thành tựu mới.

 

                                                                                 Theo ND

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục