(HBĐT) - Có dịp sang thăm bác vào một ngày cuối tuần giáp tết, vòng vèo qua con đường làng, nhà bác tôi nằm yên bình giữa một vườn ổi già trong xóm Mường giữa thành phố. Dừng xe, chưa kịp tò mò về nong lá chuối đang bày ra trước sân thì bác tôi bước ra vui vẻ: “Cô út hôm nay may nhá, “được” sang làm bánh uôi giúp bác”.

 

Tôi nhanh tay treo chiếc áo khoác to lên cành cây trong những ngày giá lạnh, chuẩn bị giúp bác làm bánh. Nhìn chiếc cối xay to đặt ở sân, tôi hiểu rằng bác vẫn giữ thói quen xay bột thủ công như bác bảo: “Làm bánh uôi phải tự tay xay bột mới dẻo và ngon”. Kéo chiếc ghế gỗ để ngồi, tôi được bác phân công nhiệm vụ vinh quang là….lau lá chuối chứ không được cầm tay quay xay bột vì theo bác, xay bột đòi hỏi người “quen tay, quen nghề”, nó tuy không khó nhưng cũng “kén người” để xay bột nhanh và mịn. Nhìn bác thoăn thoắt đưa tay chạy vòng quanh cối xay, chẳng bao lâu từ khe cối chảy ra từng dòng nước trắng hơi sệt mùi thơm gạo nếp. Theo kinh nghiệm của người Mường, những hạt gạo nếp dẻo thơm đã được vò, đãi kỹ, ngâm qua đêm cho thêm phần dẻo dai. Bàn tay tôi cũng thoăn thoắt lật qua, lật lại từng tàu lá chuối to và nhanh chóng tước chúng ra từng mảng đủ gói bánh. Lá chuối làm bánh uôi trên đất Mường được chọn từ loại lá chuối rừng hoặc lá chuối tây đủ dẻo, để giữ được vị thơm khi bánh chin. Lá mang về được đem phơi nắng hoặc hong bếp để cho lá thêm dẻo, không bị giòn, rách giữa.

 

Đã nhiều lần thưởng thức bánh uôi, tận tay làm bánh, hỏi qua nhiều bà, nhiều cô bác về nguồn gốc tên bánh uôi, song ai cũng chỉ cười tủm tỉm trêu tôi: bánh uôi nghĩa là bánh yêu, là bánh đôi, bánh cặp, ai được ăn sẽ thêm may mắn, thêm tình yêu…Vậy là trải qua bao nhiêu năm trên đất Hòa Bình, bánh uôi vẫn phiêu du trên hành trình đi tìm tên cho mình và cũng không biết tự thửa nào bánh uôi đã gắn bó với nếp sống người dân tộc Mường một cách sâu sắc. Từ ngày thường đến những dịp quan trọng như tết Độc lập, Tết Nguyên đán, ngày mừng cơm mới, ngày giỗ…đều thấy có bánh uôi, từ nơi mâm cao trang trọng để cúng tổ tiên hay giản dị trong rổ rá cho những ngày mùa vất vả, bánh uôi trong mắt tôi vẫn luôn luôn đẹp và gần gũi như chính tâm hồn người Mường.

 

Chậu nước cốt gạo trắng được bác tôi túm vải treo lên để cô đặc bột, tôi cũng đã thái thịt tẩm ướp. Bánh uôi có vị mặn với thịt lợn và hành củ, thịt lợn và đỗ xanh hoặc làm vị ngọt với đỗ xanh và đường, có nơi còn làm nhân đỗ nho nhe, các vị nhân khác sao cho bánh ngon và lạ miệng. Bánh uôi không kén người ăn nên ai cũng có thể thưởng thức, đặc biệt với những người “mê” đồ nếp, “mê” mùi lá chuối đồ.

 

Trong lúc chờ bột ráo, uống chén nước chè, bác khẽ cười và bảo: Sắp đến tết rồi, ai cũng bận việc, nhiều khi đi làm cả ngày về lại thấy chán cơm, cứ làm bánh ăn cho tiện, đói thì ăn dăm, ba cái, no thì ăn chơi cho vui, cho bọn trẻ con nó mừng. Làm cũng không đáng bao công, trời rét thế này làm nhân thịt và tiêu để được vài ngày vẫn ngon, chả sợ mốc….Bao nhiêu năm trên đất Mường vẫn thế, có bận bịu, có rảnh rang, có cả xô bồ hay bình yên nhưng nhiều phong tục vẫn được giữ nguyên. Ngày tết, nhà nào không có tiếng mổ lợn, tiếng trẻ con reo hò tụ tập hay vài chục cặp bánh chưng, bánh ống, bánh uôi treo trong nhà âu cũng là hiếm.

Lúc sau bác gỡ gói bột xuống, mở ra bột gạo trắng tinh, còn phảng lên mùi thơm ngọt ngào của lúa nếp. Rải đều lá chuối trong nong, bác đưa tay thoăn thoắt nhào bột trong chậu, đảo qua, đảo lại thành một khối dẻo quánh rồi lại thoắt đưa tay vẹo thành từng khối nhỏ đặt vào trong nong. Đúng như nhiều người vẫn nói: gói bánh uôi thể hiện sự khéo léo, tinh tế và nhanh nhẹn của phụ nữ Mường. Đặt bát mỡ ngay cạnh, bác lướt nhẹ xoa mỡ lên tay (để bánh không dính vào tay và lá khi chín), đôi tay bác vừa thoáng véo bột, thoắt đã tra nhân và chốc lát đã vặn hai phần bánh cân xứng trong hai đầu lá chuối rồi rút ngay chiếc lạt giang hay dây chuối túm gọn đầu bánh trông như hai chiếc kẹo mút kẹp đôi. Chẳng mấy chốc bột đã hết, rổ bánh đã đầy, hai bác cháu tôi cắt tỉa mấy đầu lá chuối thừa cho gọn ghẽ. Bác lôi từ gác bếp xuống chiếc chõ đồ cũ kỹ và đặt từng chiếc bánh sole với nhau ngay ngắn vào chõ, bác bảo xếp như vậy để bánh được chín đều nhau.

Bên bếp lửa ấm áp, xoay xoay từng cây củi lớn, khều khều từng viên than, tôi hồi hộp đợi bánh chín - cảm giác như thủa nhỏ được trông nồi bánh chưng, vừa ran rát mặt, hồng hồng má vì lửa, vừa thấy vui trong lòng. Chẳng căn thời gian nhưng dường như theo thói quen ngồi bếp, bác khẽ bảo tôi bắc bánh xuống vì đã gần một tiếng. Chõ được mở ra, một mùi ngọt ngào pha giữa bánh nếp và lá chuối xông lên mũi tôi mang lại một cảm giác thú vị. Vớt bánh ra rổ, chờ hơi ráo nước, bác tôi chọn ra năm cái đẹp nhất, xếp đĩa hoa bỏ lên bàn thờ cúng tổ tiên. Khi làm bánh uôi trong ngày Tết, người Mường thường treo bánh lên gác bếp và các nông cụ lao động để tỏ lòng biết ơn với các vật đã gắn bó với mình trong suốt một năm lao động vất vả, điều đó cũng chứng tỏ sự thơm thảo, nhân văn trong giá trị văn hóa Mường.

 

Tận tay cầm chiếc bánh còn hơi ấm, khẽ tước từng sợi chuối nhỏ để lộ ra nền bánh trắng mịn tôi mới thấu hết được ý nghĩa của chiếc bánh uôi, vì bánh sinh ra đã có đôi có cặp nên khi ăn ai cũng nghĩ đến việc chia một nửa cho người khác. Dù người ăn có thể dùng vài cái nhưng mỗi lần bóc lại có một cảm giác sẻ chia thú vị mà các loại bánh khác không có được, không bẻ, không cắt, không cắn chung nhưng vẫn chia cho nhau một phần đều đặn…

 

Cùng với thời gian, nhiều truyền thống có thể thanh giản, nhiều món thay đổi cho phù hợp với khẩu vị và nguyên liệu hiện có, nhưng bánh uôi- loại bánh giản dị, gần với đời sống hàng ngày và có ý nghĩa biểu trưng thú vị này vẫn luôn được lưu giữ và không hề biến đổi. Hình ảnh cặp bánh uôi không chỉ xuất hiện trong ngày tết và các ngày lễ lớn, đã trở thành món ăn hàng ngày của người Mường trong những ngày mùa vất vả trên đồng ruộng. Sự sẻ chia phần bánh của người lao động càng chứng tỏ sức sống mãnh liệt và giá trị tinh thần vô giá của bánh uôi…

                          

                                                                                  Lê Thùy

                                                                                (Sở TT-TT)

 

Các tin khác


Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục