Sau thành công và những giải thưởng, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai muốn mình bình tĩnh một chút, lắng lại một chút để có thêm những chiêm nghiệm trước khi cho ra đời tác phẩm tiếp theo.

 

Nguyễn Phan Quế Mai là một nhà thơ tuổi đời còn tương đối trẻ. Năm 2010 chị là một hiện tượng được nhắc đến nhiều trong đời sống văn học với "cú đúp" giải thưởng: Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội cho tập thơ "Cởi gió" và giải nhất cuộc thi thơ "Viết về Hà Nội" nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngoài thơ, Nguyễn Phan Quế Mai còn là một dịch giả. Chị đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng bằng khen vì những đóng góp vào việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài.

- Thưa nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, chị cảm thấy thế nào khi được đánh giá là một gương mặt nổi bật của làng Thơ trẻ trong năm vừa qua?

+ Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Giải thưởng là một động lực để tôi thêm quyết tâm đi lâu dài với thơ. Thực tế tôi làm thơ rất muộn. "Cởi gió" mới chỉ là tập thơ thứ hai của tôi. Tôi viết theo bản năng là chủ đạo, chứ gần như chưa được tiếp cận với những lý luận về thơ hay trải qua một trường lớp đào tạo nào liên quan đến thơ và văn học.

Vì công việc của tôi ít liên quan đến văn học. Tôi thấy mình là người may mắn, vì những trang viết của mình được độc giả cũng như những người làm nghề ghi nhận. Thơ ca đúng là một phương thuốc diệu kỳ, giúp cho tôi được thăng hoa. Điều này quý giá hơn mọi món quà vật chất khác.

- Không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng những giải thưởng văn học đầu tiên lại gắn với mảnh đất Thủ đô, chị nói gì về điều này?

+ Tôi biết ơn mảnh đất và con người Hà Nội nhiều lắm. Vì đó là nguồn cảm hứng cho tôi sáng tác. Dù tôi sinh ra ở mảnh đất Ninh Bình và lớn lên ở mảnh đất Bạc Liêu. Tôi gốc gác nhà quê chính hiệu, và đã từng trải qua một tuổi thơ nghèo khó ở một vùng đất tưởng như rất khó để tiếp cận với ánh sáng của văn hóa. Nhưng Hà Nội là nơi tôi đã đến thời tuổi trẻ, đã gặp tình yêu lớn nhất của đời mình.

- Chị nói tuổi thơ mình sống ở một vùng quê nghèo, lạc hậu, vậy chị đã học ngoại ngữ như thế nào để trở thành một dịch giả, một chuyên gia của tổ chức Liên hiệp quốc như hôm nay?

+ Đó là một câu chuyện rất dài và đầy ắp kỷ niệm. Năm 1979, khi tôi mới 6 tuổi, vì quá nghèo, cha mẹ tôi quyết định chuyển gia đình vào Bạc Liêu sinh sống. Để giúp cha mẹ, tôi phải đi kéo tép, đi bán dạo thuốc lá, bán rau. Những mùa hạn hán, cánh đồng nứt nẻ, tôi phải cùng cha đi xách nước về tưới lúa, vất vả, cực nhọc vô cùng.

Khi đó, tôi không bao giờ dám nghĩ mình sẽ có ngày hôm nay. Tôi chỉ mơ ước sau này mình sẽ trở thành một giáo viên cấp II, hoặc là bằng lòng với việc trở thành một người nông dân đi sau con trâu, cái cày. Nhà nghèo, lại bị chúng bạn kỳ thị, vì mình đến từ một vùng đất khác, tôi luôn mặc cảm về thân phận mình. Tôi có nghĩ được rằng, học ngoại ngữ chính là một lối thoát của mình. Nhưng học ngoại ngữ rất tốn tiền mà cha mẹ tôi thì nghèo quá.

Rồi tình cờ tôi biết được có một ông thầy là Trương Văn Ánh chuyên dạy ngoại ngữ cho trẻ em nghèo. Tôi tìm đến thầy, thấy trong lớp học của ông có cả đám trẻ bụi đời. Thầy cho tôi vào lớp và dạy tôi những bài hát tiếng Anh với cây đàn guita gỗ.

Phát hiện ra tôi có năng khiếu ngoại ngữ, thầy đến nhà xin cha mẹ tôi cho tôi đi học. Cha mẹ tôi lúc đầu còn tỏ ra nghi ngờ lòng tốt của thầy. Và tôi được học ngoại ngữ mà cha mẹ không phải trả tiền. Chính là thầy đã cho tôi niềm tin, tri thức, để tôi thoát khỏi hoàn cảnh bế tắc lúc bấy giờ. Thầy có tật ở chân, cả đời không đi xa được, nên thầy nói với các học trò rằng: "Các em hãy là đôi cánh của thầy". Tôi đã học ngoại ngữ không ngừng nghỉ với hy vọng bay ra khỏi cuộc sống chật hẹp, nghèo khó của mình.

Nhờ học giỏi ngoại ngữ tôi thi đậu đại học, được đi du học ở Australia, được làm việc cho các tổ chức quốc tế, gặp được người chồng yêu quý của mình, và được đặt chân đến nhiều nơi trên thế giới. Không có thầy, chắc chắn sẽ không có tôi ngày hôm nay.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai.

- Được biết, chồng chị là một người Đức, đang làm việc cho Liên minh Châu Âu. Cùng gia đình sống chủ yếu ở nước ngoài, chị cảm thấy những cái Tết xa quê hương như thế nào?

+ Tôi đã từng có hàng chục năm ăn Tết ở nước ngoài. Cảm giác của tôi là nhớ nhà kinh khủng. Tết ở nước ngoài bây giờ cũng có đủ mọi thứ, cũng mừng tuổi, cũng bánh chưng, chả thiếu thốn gì, nhưng sao vẫn là cảm giác xa lạ, không thể giống như Tết ở quê hương. Mùi hương trầm mình đốt ở xứ lạ không thấy thơm bằng khi mình đốt trên bàn thờ tổ tiên ông bà mình. Bánh chưng cũng không có hương vị ngon bằng, và tất nhiên bữa cơm tất niên cũng thế.

Ở châu Âu, ngày 30 Tết mình cũng có thể ra vườn chặt một cành cây về cắm trong nhà và nó nở ra những bông hoa rất đẹp, nhưng không thể thú bằng việc cùng người thân đi chọn những cành hoa đào, hoa mai ngày 30 Tết. Những năm ăn Tết xa nhà tôi nhớ da diết những buổi cuối năm mình ở nhà giúp bố mẹ dọn dẹp, soạn sửa đón Tết. Rồi cả nhà quây quần ngồi canh nồi bánh chưng quanh bếp lửa ấm áp.

Xa nhà, tôi mới hiểu đó chính là hồn quê hương, là tình quê hương như mình vẫn gọi. Nó là thứ tình cảm không thể thay thế được. Từ năm 2011 chồng tôi hết nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam và có lẽ tôi sẽ phải thường xuyên đón những cái Tết cổ truyền dân tộc ở những vùng đất mới.

- Xa quê hương, nhưng bù lại chị có được những chuyến đi và những trải nghiệm thú vị ở những vùng đất khác nhau trên thế giới. Là người cầm bút, chị có ý định viết về những trải nghiệm từ những chuyến đi của mình không?

+ Có một nhà xuất bản đặt hàng tôi viết sách về những chuyến đi của mình. Chắc chắn là tôi sẽ viết. Nhưng tôi muốn viết về những người Việt trẻ có tri thức và họ tự biết làm tăng khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường lao động tri thức của thế giới bằng cách chiếm lĩnh những đỉnh cao, những vị trí quan trọng trong các tổ chức, cơ quan nước ngoài. Tôi thích viết về những người Việt tự tin bước đi trong lòng thế giới.

- Được biết chị đang có dự án dịch thơ của một số nhà thơ Việt Nam ra thế giới, chị có thể chia sẻ về điều này?

+ Trong năm 2010 tôi đã cùng với nhà thơ Mỹ Bruce Weigl dịch trường ca "Trên đường" của nhà thơ Trần Anh Thái sang tiếng Anh. Bruce đang tìm cách liên lạc với các nhà xuất bản của Mỹ và đưa tác phẩm này đến với độc giả Mỹ. Bruce Weigl gặp tôi trong Hội thảo văn học Việt - Mỹ và ông mời tôi tham gia vào các dự án văn học mà ông đang thực hiện, nhằm đưa văn học Việt Nam đến Mỹ.

Tôi rất xúc động khi đọc những bài thơ chiến tranh của nhà thơ cựu chiến binh này. Bruce Weigl đã có mặt tại Quảng Trị những năm 1967-1968. Ám ảnh bởi sự thật kinh hoàng của cuộc chiến, những bài thơ của Bruce là tiếng nói phản đối chiến tranh một cách mạnh mẽ nhất.

Chịu ảnh hưởng chất độc da cam từ những năm tháng tham chiến tại Việt Nam, nhà thơ từng được đề cử giải Pulitzer này đang phải đối mặt với căn bệnh ung thư. Ông có một người con gái nuôi Việt Nam và thường xuyên trở lại Việt Nam để giúp đỡ những người nghèo, những người chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Tôi đã lựa chọn chuyển ngữ những bài thơ viết về chiến tranh Việt Nam của Bruce Weigl trong tập thơ song ngữ vừa được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành mang tên "Sau mưa thôi nã đạn". Những ngày cuối cùng của năm 2010 Bruce đã quay trở lại Việt Nam để ra mắt tập sách, và tôi đã cùng ông trở lại chiến trường Quảng Trị. Nơi đây ông đã tặng sách cho các em nhỏ, thăm các gia đình cựu chiến binh và đọc thơ dưới chân thành cổ Quảng Trị.

- Chị có dự định gì với thơ, sau thành công của tập "Cởi gió"?

+ Tôi đã sẵn sàng cho tập thơ thứ 3 tạm gọi là "Hoa xương rồng". Trong tập thơ này, tôi viết phần nhiều về những số phận không may mắn. Tuy nhiên, sau thành công và những giải thưởng, tôi muốn mình bình tĩnh một chút, lắng lại một chút để có thêm những chiêm nghiệm trước khi cho ra đời tác phẩm tiếp theo.

- Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai và chúc chị có một mùa xuân mới hạnh phúc!

 

                                                                Theo CAND

Các tin khác


Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục