Từ xa xưa người Việt đã có câu “’ở hiền gặp lành” hay triết lý nhân-quả của nhà Phật răn dạy con người sống tốt, sống thiện để gặp những điều may mắn, an lành

 

Xuất phát từ tư tưởng đạo lý ấy, nghệ sỹ ưu tú Trần Quang Hùng đã cùng các nghệ sỹ của Nhà hát Cải lương Hà Nội dàn dựng lại vở kịch “Lời ru của hai người mẹ.”

Lời ru-đời người

Nội dung tác phẩm sân khấu này kể lại việc tranh giành quyền lực ở chốn hoàng cung trong bối cảnh triều đình phong kiến đang mục ruỗng. Câu chuyện bắt đầu khi hoàng cung có “song hỷ lâm môn” đó là cả Hoàng hậu và Thứ phi cùng lúc sinh hạ hoàng tử.

Mọi chuyện bắt đầu từ hai vị hoàng tử này được nuôi dạy theo những cách khác nhau. Vốn là một phụ nữ hiền lương, Hoàng hậu dạy con trai là Vương Tùng bất kể địa vị ra sao cũng phải biết yêu thương, trân trọng mọi người.

Còn Thứ phi quá yêu con, mong muốn Vương Thảo phải được trên ngôi cao cửu trùng nên đã dạy: “Hãy giẫm đạp lên những cánh hoa bé bỏng mà đến với mẹ, hãy nhanh lớn để đấu tranh giành lấy ngai vàng.”

Qua lời ru của hai bà mẹ ẩn dụ cho những suy nghĩ và mong muốn khác nhau, mỗi hoàng tử lớn lên trở thành hiện thân của những gì mà mẹ mình mong ước. Trong khi Vương Tùng nhân hậu, ngây thơ, đức độ chiếm được sự yêu mến của nhiều người, có được tình yêu của tiểu thư con Nguyên soái đồng thời là thầy dạy các hoàng tử thì Vương Thảo mưu mô, độc ác, luôn chèn ép, đánh đập tùy tùng.

Đỉnh cao đối nghịch là sự kiện Vua lựa chọn Thái tử. Vương Thảo đã cùng mẹ cài bẫy Vương Tùng. Hành vi tàn bạo, phi nhân tính của Vương Thảo khiến ngay cả Thứ phi cũng phải hoảng sợ. Tuy vậy, “gieo nhân nào, gặt quả nấy,” Vương Tùng đã tìm được rất nhiều sự ủng hộ để về giành lại ngai vàng trong khi Vương Thảo phải chịu kết cục xứng với những gì mình đã gây nên.

Lấy chuyện đời xưa để răn dạy đời nay, vở diễn như một lời nhắc nhở những bậc phụ huynh rằng trẻ em như trang giấy trắng, tương lai của chúng sẽ phụ thuộc vào việc người lớn vẽ gì vào chúng.

Từ đó, “Lời ru của hai người mẹ” còn đưa ra thông điệp, trẻ thơ trước hết cần được giáo dục ngay từ trong gia đình của mình. Ở đó, lối sống của bậc ông bà, cha mẹ sẽ là những tấm gương để con cháu soi vào và noi theo.

Nghệ sỹ ưu tú Trần Quang Hùng cho biết, vở cải lương “Lời ru của hai người mẹ” đã được dàn dựng lại và công diễn. Đặc biệt, vở diễn này là món quà ý nghĩa để kỷ niệm ngày gia đình Việt Nam 28/6.

Ngọc thêm lần sáng

Vở kịch “Lời ru của hai người mẹ” được đánh giá là thành công từ 12 năm trước dưới sự đạo diễn của nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang. Tuy nhiên, trở lại với khán giả Thủ đô lần này, vở diễn đã được chỉnh lý, nâng cao và làm mới từ dàn diễn viên, trang phục đến một số lời thoại.

Với những người nghiền cải lương được xem lại một vở diễn ru hồn mình 12 năm trước là một hạnh phúc, với khán giả được xem lần đầu thì vở diễn lại mang một sức hút tinh khôi.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Trần Quang Hùng, Chủ tịch Nhà hát Cải lương Hà Nội đã chia sẻ một cách cởi mở: “Nguyên bản cũ của vở cải lương ‘Lời ru của hai người mẹ’ diễn ra trong suốt 150 phút nay đã được cô đọng còn 120 phút để phù hợp với đa số khán giả vốn có quỹ thời gian ngắn ngủi. Tuy nhiên, phần gọt bỏ chủ yếu là những câu ca được coi là rườm rà nên không làm ảnh hưởng đến nội dung và tư tưởng của tác phẩm.”

Có thể nói sức hấp dẫn đặc biệt của lần tái ngộ này được tỏa ra từ những diễn viên trẻ thông minh, năng động, đưa văn hóa truyền thống đến gần với thời đại. Thú vị hơn, nhiều diễn viên cùng thể hiện một vai diễn trong các buổi khác nhau để người yêu cải lương được thỏa mãn và có cơ hội so sánh.

Một thoáng ngừng lời, ông Hùng nói: "Chúng tôi muốn tạo những cơ hội được cống hiến hết mình cho nghề của các nghệ sỹ vì sân khấu cải lương đang trong hành trình thu phục công chúng của mình nên người nghệ sỹ cũng cần có vai để liên tục được luyện nghề."

Bằng sự đổi thay theo chiều hướng tốt đẹp, vở diễn lần này còn gần gũi với đời sống nhờ giảm bớt tính ước lệ. Ví như, ngay từ màn mở đầu, đạo diễn không áp đặt sự tốt, xấu vào hai người con qua hai lời ru trái ngược nhau của Hoàng hậu và Thứ phi mà ông để cho hai người con có quá trình chuyển hóa trong hai môi trường sống khác nhau.

Qua đó, khán giả được hồi hộp theo từng bước đi và phỏng đoán số phận của mỗi nhân vật.

Nếu các nghệ sỹ coi công sức của họ trong vở diễn này sẽ tạo thành viên ngọc nghệ thuật thì viên ngọc ấy sáng lên lần thứ hai với những khúc xạ diệu kỳ.

Với “Lời ru của hai người mẹ,” hiện thực cuộc sống đã được thanh lọc qua lăng kính của người nghệ sỹ và được tôn vinh của nghệ thuật để sáng lên những bài học nhân sinh./.

 

                                                                                      Theo TTXVN

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục