(HBĐT) - Ngày 26/5, cây phượng trên sân trường THCS Bạch Đằng, quận 3 (TP Hồ Chí Minh) bật gốc đổ gãy giữa sân trường, khiến 1 học sinh tử vong và nhiều học sinh bị thương. Tiếp đó, sáng 28/5, lại có cây phượng cao hơn 10 m bất ngờ bật gốc, đổ gãy trong sân trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), rất may lúc đó học sinh chưa đi học nên không có thương vong.



Cán bộ, nhân viên trường THPT Ngô Quyền (TP Hòa Bình)  kiểm tra hiện trạng cây xanh trong khuôn viên nhà trường.

Trên đây là những tình huống khá hy hữu, đáng tiếc, nhưng đồng thời cũng gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh trong trường học, từ mối nguy cây xanh sân trường. Đặc biệt, các sân trường thường trồng nhiều cây phượng, bàng..., đây đều là những cây có cành giòn, dễ gãy, đổ.

Sáng 28/5, chúng tôi có mặt tại trường THPT Ngô Quyền (TP Hòa Bình). Đây là một trong những trường có số cây xanh nhiều nhất trên địa bàn thành phố. Khuôn viên sân trường rợp bóng cây xanh mát. Đồng chí Vũ Hoàng Long, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Khuôn viên sân trường có 25 cây xanh to, chủ yếu là bàng, phượng… Để đảm bảo an toàn, nhà trường thường xuyên phối hợp với Công ty CP Môi trường đô thị để chăm sóc, cắt tỉa cây xanh. Cuối năm 2019, nhà trường đã phải chặt bỏ 2 cây bàng trước cổng trường, do cây đã trồng lâu năm, bộ rễ yếu. Đồng thời, toàn bộ cây phượng trồng lâu năm trong sân trường được chặt bỏ ngọn đề phòng gãy, đổ. Trong đợt nghỉ chống dịch Covid-19, nhà trường cũng đã tiến hành cắt tỉa cành toàn bộ cây trên sân trường.

Nếu như những năm học trước đây, vào thời điểm cuối tháng 5, học sinh đã chuẩn bị nghỉ hè, thì năm học 2019 - 2020, trên địa bàn tỉnh dự kiến kết thúc vào ngày 17/5. Như vậy, mọi năm học sinh được nghỉ hè vào mùa mưa bão, nhưng năm học này, các em sẽ phải đi học đúng mùa mưa bão. Đây là thực tế tiềm ẩn nhiều bất trắc có thể xảy ra, đe dọa sự an toàn của học sinh.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Để tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn trong trường học, Sở GD&ĐT đã yêu cầu Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố; đơn vị, trường học trực thuộc; Trung tâm GDNN-GDTX huyện, thành phố tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh trong trường học. Cụ thể như tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về đảm bảo an toàn cho học sinh, tập trung vào các nội dung: đảm bảo an toàn về phòng, chống cháy nổ, điện giật, an toàn về giao thông đường bộ. Đặc biệt, cách cứu nạn đuối nước; phòng tai nạn đuối nước trong dịp hè, mùa mưa, lũ ... Tăng cường công tác quản lý học sinh các giờ chính khoá, cũng như các hoạt động ngoại khoá; kiểm tra sĩ số trước khi vào lớp và trong suốt quá trình giảng dạy, học tập, hoạt động. Khi thấy có học sinh vắng mặt, phải chủ động liên lạc với phụ huynh, gia đình học sinh để tìm hiểu nguyên nhân, có biện pháp giáo dục, xử lý kịp thời. Phối hợp gia đình học sinh tổ chức quản lý, giám sát, hướng dẫn học sinh đảm bảo an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước thường xuyên.

Sở cũng yêu cầu các đơn vị, nhà trường tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất phòng học, các phòng chức năng, chuyên môn của đơn vị, đặc biệt là những phòng cấp 4 đã xuống cấp, báo cáo kịp thời và đề nghị cấp uỷ, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý cấp trên có kế hoạch sửa chữa, hoặc xây mới. Kiểm tra, gia cố, sửa chữa công trình có sử dụng mái ngói, tấm lợp bằng tôn, prôximăng, trần nhựa, cửa kính, để đảm bảo an toàn cho học sinh khi xảy ra mưa, bão, lốc; không sử dụng phòng học, phòng làm việc không đảm bảo an toàn.

Riêng đối với vấn đề cây xanh trong khuôn viên, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các đơn vị, nhà trường tổng kiểm tra, rà soát, chặt, tỉa bớt cành cây cản gió, chặt, đốn cây già cỗi, có nguy cơ đổ gây nguy hiểm cho người, công trình và cơ sở vật chất khác của đơn vị, đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường.


Dương Liễu

Các tin khác


Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục