(HBĐT) - Dòng sông của ánh sáng, của thơ và nhạc... đó là những ngôn từ mà những người nghệ sỹ đương đại thường dùng để đặt tên cho những tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí miêu tả về dòng sông Đà hiền hoà, thơ mộng. Đọc, nghe và ngày ngày soi mình trong bóng nước sông Đà lững lờ nơi hạ lưu đập thủy điện Hoà Bình, tôi cũng ngộ như vậy. Thế nhưng, một ngày, tôi đã hăm hở ngược dòng thời gian để tìm về cội nguồn của con sông Đà huyền thoại trong dặm dài lịch sử.

 

Sông Đà (TP Hòa Bình) được ngăn dòng chảy kiến tạo nên công trình Thủy điện Hòa Bình, đem ánh sáng đến muôn nơi.

 

Thấy một dòng sông với nhiều điều kỳ bí

 

Sông Đà hay còn gọi là sông Bờ, sông Đen là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng - dòng sông mẹ của đồng bằng Bắc Bộ. Sông Đà bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với tổng chiều dài hơn 910 km, có tên gọi Lý Tiên Giang- đoạn sông Đà chảy vào Việt Nam dài 543 km. Sông Đà không chỉ được biết đến như một dòng sông năng lượng lớn nhất Việt Nam với hàng loạt hệ thống thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu... mà còn là dòng sông mẹ của hàng chục dân tộc anh em ở vùng Tây Bắc. Sử sách nói vậy và rõ ràng con sông không hề dịu dàng, phẳng lặng như hình ảnh mà tôi vẫn ngày ngày chiêm ngưỡng.

 

Nghĩ vậy và tôi rảo bước tới “kho sách”- Thư viện tỉnh lục tìm những cuốn sách cũ viết về sông Đà. Có hàng chục đầu sách độ mỏng, dày khác nhau thuộc nhiều thể loại thơ, nhạc, ký… nhưng tôi chọn tập ký sự “Sông Đà” của nhà văn Nguyên Tuân. Cuốn sách dày 299 trang, được in và xuất bản lần thứ nhất (năm 1960) miêu tả trọn vẹn dòng sông Đà huyền thoại, kỳ bí và oai linh: “… Sông Đà như một áng tóc mun dài ngàn ngàn vạn sải/ Sông Đà như một con cá bị chúa đất từng vùng đem cắt ngang ra thành khúc nhỏ. Người ở ven sông, ven suối Tây Bắc là người lành. Nhưng con sông Đà thì nhiều vực xoáy, nhiều luồng chết, nhiều đá ghềnh, nhiều dòng thác. Lụt sông Đà, xác hươu, nai cùng với gỗ trò vẩy, gỗ trò hoa ầm ầm lao trên dòng trôi. Con sông đã ác như dì ghẻ, chúa đất chia bến, ngăn sông càng làm cho sông Đà ác thêm. Đế quốc đóng đồn bốt ven sông, tính dữ ác của con sông lại tăng thêm mấy tầng…” - trích “Người lái đò sông Đà”.

 

Qua nhân vật “Người lái đò sông Đà”, nhà văn Nguyễn Tuân đã kể rõ tính nết của một số thác trong 73 thác khét tiếng có tên trên sông Đà: có những cái thác phải kéo thuyền cả mùa nước, cả mùa khô… có quãng khiêng thuyền lên bờ, lật nghiêng thuyền ra mà kéo đến gần cây số. Có chỗ vừa kéo cạn, vừa lên dốc bờ đá dốc ngược. Sự hùng vĩ của con sông Đà không phải chỉ có thác đá  mà nó còn là những cảnh đá bờ sông dựng vách thành. Có chỗ vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu. Cuộc sống của người lái đò trên sông Đà đà quả là một cuộc chiến đấu hàng ngày với thiên nhiên Tây Bắc, có nhiều lúc trông nó thành ra diện mạo và tâm địa một kẻ thù. Cưỡi lên thác sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ…  Hung dữ, hiểm trở đấy nhưng đứng ở trên cao thấy con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai. Vào mùa xuân nước sông Đà xanh màu ngọc bích, mùa thu, nước sông Đà lừ lừ chín đỏ. Con sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, sông Đà lại gợi một cách. Đã có lần tôi nhìn sông Đà như một cố nhân - Nguyễn Tuân. 

 

Sông Đà hùng vĩ, nên thơ, là dòng văn hóa lịch sử, là nét duyên của núi rừng Tây Bắc, bởi vậy cái tên sông Đà  đã trở nên nổi tiếng.

 

Được lưu danh nhiều trong sử sách

 

Khi biết tôi muốn tìm tư liệu cổ để viết về sông Đà, anh Lê Quốc Khánh, Giám đốc Thư viện tỉnh nhiệt tình gợi mở: Sông Đà là con sông huyền thoại với nhiều điều kỳ bí, bởi vậy không chỉ được ghi danh nhiều trong sử sách mà còn xuất hiện dày đặc trong các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật. Nếu tìm hiểu sâu, cặn kẽ về sông Đà có thể đọc cuốn “Đại Nam thực lục”, “Truyền thuyết sông Đà” hay  tập ký “Sông Đà” của Nguyễn Tuân, “Bảo tàng của Phạm Huy thông về văn hóa tỉnh Hòa Bình”… Thực tế, khi lạc vào kho sách, tôi đã chứng kiến sự ngồn ngộn các tác phẩm viết về sông Đà, nhiều nhất là thời điểm Đảng, Nhà nước ta bắt tay vào trị thủy sông Đà - biến “con ngựa bất kham” - con sông Đà hung dữ trở thành hiền hòa, phẳng lặng, miệt mài cung cấp nguồn điện sáng tới muôn nơi. Hẳn vậy, bởi dẫu hung dữ, hiểm trở nhưng với bàn tay, khối óc của con người, dòng nước sông Đà đã trở thành nguồn “vàng trắng” của đất nước. Tháng 12/1994, Nhà máy thủy điện Hòa Bình được khánh thành đi vào hoạt động, với tổng công suất lắp đặt 1.920 MW, mỗi năm cho sản lượng điện bình quân đạt hơn 8,16 tỉ KWh. Đây là Nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất nước, là “nhạc trưởng” của hệ thống lưới điện Việt Nam góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ổn định hệ thống lưới điện gồm: ổn định điện áp, tần số cho hệ thống điện quốc gia. Cũng từ khi Thủy điện Hòa Bình đi vào hoạt động, dòng sông Đà được đặt thêm cái tên mỹ miều “Dòng sông ánh sáng”. Hệ thống hồ, đập thủy điện không chỉ làm tốt phận sự ngăn, giữ, điều tiết nước mà còn tạo cảnh quan đẹp để Hòa Bình khai thác phát triển du lịch và mới đây (tháng 8/2016), Thủ tướng Chính phủ  đã ban hành Quyết định số 1528/ QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030”.

 

Mang niềm tự hào là người dân sinh sống và hưởng lợi từ công trình thế kỷ - thủy điện Hòa Bình, tôi đã ngược dòng sông Đà lên Tây Bắc để được tận mắt ngắm cỗ máy bê tông, cốt thép thứ 2 được đặt ở bến Tạ Bú, Mường La, tỉnh Sơn La- Nhà máy thủy điện Sơn La. Tại đây, tôi đã đọc những thông số, cụ thể:  Nhà máy được khởi công xây dựng ngày 5/12/2005 và khánh thành ngày 23/12/2012.  Hiện tại,  Thủy điện Sơn La là  nhà máy điện có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam á. Trò chuyện với những kỹ sư đang điều hành cỗ máy điện năng - Thủy điện Sơn La tôi đã nghe họ gợi mở: Đúng vào giai đoạn Nhà máy thủy điện Sơn La hoàn thành những phần việc cuối cùng thì đầu năm 2011, Thủy điện Lai Châu được khởi công xây dựng tại xã Nậm Hàng, huyện Nặm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Công trình này được xây dựng ở bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà, bậc trên của thủy điện Sơn La. Thủy điện Lai Châu gồm 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, dự kiến mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 4.670,8 triệu KWh. Công trình đã phát điện tổ máy số 1 vào ngày 14/12/2015 và dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 2016.

 

Đứng trước những công trình thủy điện trên dòng sông Đà có vấn vương hoài niệm về dòng sông trong dáng dấp oai linh, hiển hách nhưng sự thực tôi vẫn tha thiết với hình ảnh sông Đà của ngày hôm nay, hiền hòa cuộn chảy, tích tụ nguồn điện để tỏa ánh sáng tới muôn nơi.

 

                                                                          

                                                                             Thúy Hằng

 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục