(HBĐT) - Mảnh ruộng gần 1.000 m2 trồng ngô, lạc của gia đình anh Bùi Văn Chiến ở xóm Đình, xã Phú Lai (Yên Thủy) dù ở ngay cạnh kênh dẫn nước nhưng vẫn phải đối mặt với "cơn khát” dai dẳng. Bởi ngay cả con kênh dài hàng km có nhiệm vụ dẫn nước tưới cho vùng đất này cũng đang trong tình trạng khô cháy...


Dù nằm cạnh kênh dẫn nước nhưng mảnh ruộng trồng ngô, lạc của gia đình anh Bùi Văn Chiến ở xóm Đình, xã Phú Lai (Yên Thủy) luôn trong tình trạng thiếu nước.

Đất "khát”

Vùng đất Yên Thủy xưa có tên là Mường âm. Dù đất đai bằng phẳng, trù phú nhưng theo những người già trong vùng thì "từ xưa đến giờ, vùng đất này luôn khó khăn về nguồn nước”. Chính vì thế, để làm ra hạt lúa ở nơi khác người ta chỉ bỏ công một thì ở vùng đất này lại là cả một quá trình đầy gian nan, vất vả.

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện diện tích canh tác vùng bấp bênh về nước (có công trình thuỷ lợi nhưng xa nguồn nước, thường bị hạn khi nguồn nước không đảm bảo) vào khoảng 3.620 ha; diện tích đất canh tác vùng không có công trình thủy lợi 2.101 ha. Điều này theo lý giải của đồng chí Bùi Thị Thư, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thủy là do: Địa bàn huyện không có sông, suối lớn chảy qua. Nguồn nước phục vụ sản xuất chủ yếu lấy từ các hồ, đập và phụ thuộc vào nguồn nước mưa nên sản xuất nông nghiệp ở Yên Thuỷ vốn đã khó khăn lại càng trở nên khó khăn hơn dù trên địa bàn huyện có đến 152 công trình thủy lợi, trong đó, có 66 hồ chứa nước, 85 bai dâng và 1 trạm bơm điện.

Theo đánh giá, năm 2017, lượng mưa trung bình nhiều hơn mọi năm nên mực nước tại các hồ, đập trên địa bàn huyện đạt khoảng 60% so với dung tích thiết kế. Tuy nhiên, do bị rò rỉ nên một số hồ, đập đã cạn, dưới mực nước chết như hồ Mền 1 (xã Đoàn Kết); hồ Hơm, hồ Cáp, hồ Hang (xã Đa Phúc); hồ xóm Hồng, xóm Đầm (xã Bảo Hiệu); hồ Nhâm (xã Yên Lạc). Ngoài ra, trong đợt mưa lũ lịch sử xảy ra tháng 10/2017, trên địa bàn huyện có 24 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng. Trong đó, 10 hồ, 10 bai và 1 kênh mương dẫn nước cần phải đầu tư, sửa chữa. Do vậy, theo đánh giá của phòng NN&PTNT huyện, mức độ đáp ứng tưới của hệ thống công trình thuỷ lợi trên địa bàn hiện chỉ đạt khoảng 54% so với nhu cầu nước tưới của tổng diện tích gieo trồng toàn huyện. Diện tích đất canh tác còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào lượng mưa tự nhiên.

Theo người dân địa phương, từ đầu năm đến nay, lượng mưa trên địa bàn huyện rất ít. Mới đây nhất, trong khoảng trung tuần tháng 2 đến đầu tháng 3, trên địa bàn huyện có 2 đợt mưa đáng kể. Tuy nhiên, đợt mưa vào khoảng trung tuần tháng 2 là mưa acid, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của địa phương. Trong đó, nặng nhất là các loại cây ăn quả có múi bởi đó là thời điểm cây đang trong giai đoạn ra hoa, kết quả. Sau trận mưa này, nhiều diện tích cây có múi của huyện đã thiệt hại nặng khi hoa, quả rụng hàng loạt; nhiều diện tích rau, màu cũng bị "cháy” lá...

Không thể mãi chờ đợi những cơn mưa "vàng”

Có thể nói, với người nông dân ở Yên Thủy, cơn mưa kéo dài trong suốt ngày 6/4/2018 thực sự trở thành cơn mưa "vàng”. Chỉ vào ruộng ngô trồng xen lạc đang hồi sinh mạnh mẽ, chị Bùi Thị Khoá ở xóm Đình, xã Phú Lai chia sẻ: Nhà mình có gần 4 sào ngô, lạc, do bị hạn và cách xa nguồn nước tưới, trong thời gian dài lại không có mưa nên cây phát triển yếu ớt, tưởng như bị mất trắng. Thế nhưng vừa qua có được trận mưa to, kéo dài liên tục trong nhiều giờ đã giải được "cơn khát” cho cây trồng. Sau trận mưa, cây trồng hồi sinh mạnh mẽ. Nếu không có trận mưa đó có lẽ đến bây giờ nhiều diện tích cây trồng đã héo rũ.

Cũng chung mối lo đó, đồng chí Bùi Văn Dậu, Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết chia sẻ: Cả xã có 11 xóm thì cả 11 xóm đều thuộc vùng hạn. Trên địa bàn xã có 6 hồ, đập, tuy nhiên do được xây dựng từ những năm 1970 nên đã cũ hỏng, xuống cấp, thân đập bị rò rỉ, không đảm bảo khả năng tích nước phục vụ tưới tiêu. Ngoài ra, hệ thống kênh mương dẫn nước của xã chưa được đầu tư. Hiện nay, cả xã mới có khoảng 20% hệ thống kênh mương tưới tiêu được cứng hoá. Số còn lại vẫn là mương đất được đào đắp từ hàng chục năm trước nên quá trình tưới tiêu gây thất thoát, lãng phí lượng lớn nước tưới. Do vậy nhiều diện tích đất sản xuất của xã phải bỏ vì không có nước.

Theo thống kê, tổng diện tích gieo trồng vụ đông - xuân năm 2018 toàn huyện Yên Thủy là 7.762,8 ha. Trong đó, diện tích lúa 480 ha, ngô 1.500 ha, cây có củ lấy bột (khoai lang, sắn, khoai sọ) 1.519 ha, mía 1.500 ha, cây công nghiệp ngắn ngày (lạc, đậu tương, vừng) 1.746 ha, rau, đậu thực phẩm 689,8 ha. Đồng chí Bùi Thị Thư, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thủy cho biết thêm: Thời điểm này tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do thiếu nước tưới nhưng vẫn chưa đến mức quá khô hạn như những năm trước. Vụ đông - xuân 2018, dự kiến toàn huyện có khoảng 650 ha cây trồng có khả năng bị hạn. Trong đó, diện tích lúa bị hạn khoảng 85 ha, cây màu khoảng 500 ha và diện tích rau bị hạn khoảng 66 ha.

Để chống hạn hiệu quả, ngay từ đầu năm 2018, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và các xã chủ động xây dựng phương án chống hạn cho vụ đông - xuân. Trong đó, yêu cầu các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tưới tiêu, điều tiết nguồn nước hợp lý, chống rò rỉ, thất thoát, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả; tổ chức nạo vét kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm; khơi thông dòng chảy và đào giếng, khoan giếng, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong vụ đông - xuân năm 2018; hỗ trợ tiền điện, tiền dầu, hỗ trợ kinh phí mua máy bơm cho các xã, thị trấn để phục vụ sản xuất, sinh hoạt; sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa xuống cấp, kiên cố hoá hệ thống kênh mương đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất.

Mạnh Hùng


Các tin khác


Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 1 - Các cơ quan chức năng đề nghị điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh về việc xem xét, kiểm tra, rà soát các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, thu hồi đất để thực hiện xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình tại đồi Ba Vành, thuộc tổ 8, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình (TPHB), ngày 19/1/2024, Sở Xây dựng (SXD) đã tổ chức họp với các sở, ngành, UBND TPHB và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh. Sau cuộc họp, các sở, ngành, UBND TPHB đã đưa ra những kiến nghị với UBND tỉnh về việc điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình.

Thiêng liêng ngày hội tòng quân

Không phải tiếng trống giục giã, cũng không phải ngọn đuốc thắp lên bằng ngọn lửa truyền thống, mà chính nhiệt huyết của tuổi trẻ mới là thứ làm bùng lên không khí thiêng liêng trong ngày hội tòng quân năm 2024. Đây chính là ngày hội của tuổi trẻ, của thanh niên ưu tú - những người đã biết đặt Tổ quốc ở trong tim...

Chuyện về nhạc phẩm “Lá thư DK” trên biển

Trong một đêm cuối năm Quý Mão 2023, con tàu Trường Sa 04 bền bỉ đè sóng tiến về phía bãi cạn Cà Mau, nơi có nhà giàn DK1/10… Bỗng trong tiếng sóng biển ầm ào và gió thổi ràn rạt dọc các boong tàu, vẳng tiếng đàn ghi ta và tiếng hát của một vài chiến sĩ hải quân. Tiếng đàn thánh thót và da diết của Trung tá Trịnh Văn Nghị, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1 hòa vào giọng hát khá tình cảm của nhóm cán bộ, chiến sĩ trên tầng 3 con tàu: "Anh kể lại nơi anh những lúc biển cuồng phong/ Biển giận dữ hung tàn quá đỗi/ Nhà giàn kiên trung giữ vững thềm lục địa/ Như tình anh yêu em, tình yêu bất tận…”. Các anh đang tập bài hát mới "Lá thư DK” của ca sĩ, nhạc sĩ, Phó đoàn Nghệ thuật Bông Sen (TP Hồ Chí Minh), thành viên của đoàn sáng tác trong chuyến hải trình DK1…

Huyện Lạc Thủy: Ước vọng đầu Xuân mới

Mùa Xuân đến mang theo hơi ấm của đất trời, đem đến sức sống mới cho vạn vật. Đó cũng là thời điểm cảm xúc của mỗi người lại trào dâng với niềm tự hào, tin tưởng, đoàn kết một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Xuân mới, niềm tin khát vọng mới, bao dự định được gửi gắm, thôi thúc mỗi chúng ta cố gắng phấn đấu vươn lên, xây dựng quê hương Lạc Thủy giàu đẹp.

Người góp phần nâng tầm sản phẩm mang giá trị văn hoá Hoà Bình

Quá trình công tác nhiều năm trong cơ quan nhà nước của tỉnh, chị Hoàng Việt Hà (TP Hoà Bình) có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu về lĩnh vực văn hoá, từ đó nuôi dưỡng tình yêu ngày càng lớn đối với văn hoá bản địa. Đây được xem là cơ duyên để năm 2022, sau dự định ấp ủ, chị đứng ra mở cửa hàng quà tặng với tên gọi Hoa Đất Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục