(HBĐT) - Cũng giống như tất cả các cuộc hải trình đến với Trường Sa trước đây, điểm đến đầu tiên của chúng tôi không phải là điểm đảo. Mà là một cuộc tưởng niệm những người lính đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo tại Gạc Ma ngày 14/3/1988. Dù đã 30 năm, nhưng nước mắt vẫn chưa ngừng rơi...


Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVTW Đảng,  Bí thư Tỉnh ủy Trưởng đoàn công tác thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Gạc Ma.

Bao xương máu đắp hình hài tổ quốc

Trận hải chiến Gạc Ma năm 1988, đã chứng kiến ý chí kiên định, tinh thần thà hy sinh tất cả chứ nhất định không để kẻ thù xâm phạm chủ quyền thiêng liêng biển đảo của Tổ quốc, của những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam. 64 anh hùng liệt sĩ đã nằm lại với biển khơi trong nỗi niềm đau đáu của đồng chí, đồng đội và người thân nơi quê nhà. "Giữa biển, trời Trường Sa thiêng liên của Tổ quốc, chúng tôi cùng CBCS tàu HQ571 có mặt ở vùng biển, đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma. Nơi mà cách đây 30 năm về trước, vào ngày 14/3/1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu của CBCS Hải Quân nhân dân Việt Nam chống lại kẻ thù xâm lược. bảo vệ chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc đã có những anh hùng liệt sỹ - những người con trung kiên, dũng cảm của Tổ quốc đã hy sinh xương máu, nằm lại giữa lòng biển khơi...”, giọng nói của trung tá Lê Văn Tặng, Phó trưởng phòng Kế hoạch - Quân chủng Hải Quân như lạc đi trước sóng gió nơi phía trước là Gạc Ma, nơi các anh còn nằm lại. Trong không khí trang nghiêm trên boong tàu HQ 571, ca khúc Hồn tử sỹ vang lên bi tráng và da diết. Thời gian như ngừng lại, tất cả hơn 200 thành viên đoàn công tác số 11 do đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình làm trưởng đoàn đã dành 1 phút mặc niệm để ghi nhớ công lao của các anh. Hướng mắt về phía Gạc Ma, trong buổi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đầy trang trọng và cũng thật xúc động, đã có những giọt nước mắt rơi. Ngay đến cả những CBCS thủy thủ đoàn trên con tàu HQ571, tưởng như đã quen với vùng biển đảo, quen với những buổi lễ tưởng niệm nhưng trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió trùng khơi, đôi mắt ai cũng hoe đỏ. Thượng úy Lê Tiến Thông, sỹ quan tàu HQ571, trang nghiêm trong bộ quân phục đại lễ làm tiêu binh trong buổi lễ tưởng niệm chia sẻ: với chúng tôi lần này hay lần tới hoặc lần tới nữa, thì những lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh trên quần đảo Trường Sa vẫn luôn nghẹn ngào và xúc động như vậy. Có đi đến đây, được ngắm nhìn biển, trời bao la; được nhìn ngắm những hòn đảo tươi đẹp của Tổ quốc ngày hôm nay mới thấy sự hy sinh đó ý nghĩa biết chừng nào. Biết bao máu xương của người lính đổ xuống mới đắp xây được hình hài Tổ quốc nơi biển, đảo thiêng liêng này”. Trong buổi lễ tưởng niệm ấy, tôi còn thấy trong đôi mắt của đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trường đoàn công tác số 11 như chùng lại, rồi hoe đỏ khi những vòng hoa tưởng niệm được thả trôi theo sóng nước về nơi các anh an nghỉ giữa lòng biển khơi...

Thời gian như ngừng lại, những giọt nước mắt đã rơi trong tiếng nấc nghẹn ngào, từng người, từng người đã thắp nén hương, tay cầm một bông hoa và hạc giấy thả xuống biển tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma trong nắng sớm gay gắt. Biển yên ả lạ thường. Dưới lòng biển sâu, nơi các anh nằm lại, tôi chợt thấy có nụ cười và những vòng tay xiết chặt của tình đồng chí, đồng đội... Máu, xương những người con ưu tú của Tổ quốc đổ xuống, đã tạo nên thế đứng vững vàng cho Tổ quốc nơi đầu sóng.


Đồng chí Bùi Văn Tỉnh và lãnh đạo Quân chủng Hải Quân thả vòng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ

Mỗi tảng san hô, từng hạt cát đều mang dáng hình hài Tổ quốc

"Chúng tôi luôn nhận thức rằng quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Mỗi tảng san hô, từng hạt cát, nhành cây, ngọn cỏ nơi đây đều mang hình hài của hồn thiêng sông núi, thấm đẫm xương máu của biết bao thế hệ người con đất Việt. Thế nên chúng tôi sẽ luôn thực hiện lời thề giữ biển, giữ đảo. Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh. Quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”, trung tá Bùi Quang Phẩm, Phó Chính ủy Lữ đoàn 696 Vùng 2 Hải quân cùng đi trên chuyến tàu HQ571 ra thăm CBCS và nhân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 khẳng định.

Nhìn về phía Gạc Ma - nơi đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, cũng là nơi mà 64 người con ưu tú của đất mẹ Việt Nam đang còn nằm lại giữa biển khơi, đại tá Phạm Huy Dũng, Chính ủy Lữ đoàn 101 - Quân chủng Hải Quân chia sẻ: tôi đã nhiều lần được đến với Trường Sa, lần nào đến đây cũng đau đáu nhìn về phía Gạc Ma, nơi mà vẫn còn những người đồng chí, đồng đội của mình còn nằm lại. 30 năm qua, chưa khi nào người lính Hải quân chúng tôi quên được nỗi đau Gạc Ma diễn ra vào sáng sớm ngày 14/3/1988 ấy. Chỉ cần nghĩ đến thôi là cũng cảm thấy gai người trước hành động xả súng của kẻ thù vào da thịt đồng đội mình. Nhưng cũng rất đỗi tự hào là trước cái chết, đồng đội tôi đã hiên ngang nắm chặt tay nhau tạo thành một "vòng tròn bất tử" bảo vệ đảo, bảo vệ lá cờ Tổ quốc đến người cuối cùng, hơi thở cuối cùng.

Theo đó, trước ý đồ độc chiếm biển Đông, ngày 14/3/1988 với lực lượng tàu chiến hùng hậu được trang bị vũ khí hiện đại, Trung Quốc đã ngang nhiên, bất chấp công lý và lẽ phải đã tấn công quân sự, bắn cháy, bắn chìm 3 tàu vận tải và chiếm đánh một số đảo, đá ngầm của ta. Nhưng với ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của tổ quốc và thực hiện mệnh lệnh từ trái tim người lính, lực lượng CBCS trên tàu vận tải và lực lượng Công binh xây dựng đảo với cuốc, xẻng và đôi tay trần đã mưu trí, sáng tạo, bình tĩnh, khôn khéo xử trí các tình huống hợp lý để giữ vững chủ quyền biển, đảo. Trong cuộc chiến không cân sức đó, đã xuất hiện những tấm gương anh dũng ngời sáng của CBCS thủy thủ đoàn tàu HQ505, HQ604, HQ605 thuộc Lữ đoàn 125, vùng 2 Hải Quân; CBCS Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân; CBCS Trung đoàn 83 Công binh Hải quân. Dù biết rằng có thể hy sinh nhưng các anh không hề run sợ. Quyết không lùi bước, dũng cảm ngoan cường, quyết tâm bảo vệ biển, đảo đến hơi thở cuối cùng. "30 năm qua, những người lính Hải quân chúng tôi chẳng ai có thể quên được hình ảnh anh hùng của trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, hay anh hùng liệt sỹ, thuyền trưởng tàu HQ604 - đại úy Vũ Huy Trừ trước sự tấn công tàn bạo và vô cảm của kẻ thù vẫn dũng cảm chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Càng cảm phục hơn hình ảnh anh hùng liệt sỹ, thiếu úy Trần Văn Phương, trước lúc hy sinh đã quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội không được lùi bước, phải để máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống Quân chủng Hải quân anh hùng; cảm phục anh hùng, thuyền trưởng tàu HQ505 trước tình thế mất đảo trong gang tấc đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao tàu lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài, cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm...”, trung tá Lê Văn Tặng, Phó trưởng phòng Kế hoạch - Quân chủng Hải Quân rưng rưng xúc động.


 Vòng hoa tưởng niệm được thả trôi theo sóng nước về nơi các anh an nghỉ giữa lòng biển khơi

Cảm phục sao hết tinh thần chiến đấu anh dũng, tấm gương hy sinh của những anh hùng liệt sỹ trong lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tên tuổi và sự hiên ngang, kiêu hãnh của các anh đã làm cho quân thù khiếp sợ. Dù đã 30 năm trôi qua nhưng cuộc chiến vào buổi sáng ngày 14/3/1988 ở Gạc Ma đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai nhạt trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. 64 người lính, với một tinh thần dũng cảm, tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ đã mãi mãi nằm lại nơi biển sâu nhưng ý chí quật cường sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh của các anh đã trở thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng Cách mạng được hun đúc từ truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước từ hàng nghìn đời của dân tộc. Xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những người cha, người mẹ đã hiến dâng một phần xương máu, ruột thịt của mình cho Tổ quốc hôm nay.

(Còn nữa)

Mạnh Hùng


Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục