(HBĐT) - Đến thăm quân và dân tại quần đảo Trường Sa, chúng tôi nhận thức sâu sắc tinh thần gắn kết và đồng thuận rất cao về quyết tâm giữ vững chủ quyền, toàn vẹn biển đảo Tổ quốc của quân và dân nơi đây. Hình ảnh những người lính Trường Sa luôn chắc tay súng, ánh mắt cảnh giác dõi ra khơi xa. Hình ảnh em thơ tíu tít tới trường cho tới hình ảnh những con tàu vào bến, ra khơi…


Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Tiên Nữ trồng rau tăng gia, sản xuất.

 

Lính đảo và những câu chuyện đời thường

Trong số các sĩ quan hải quân tham gia đoàn công tác, có đại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 - Vùng IV hải quân. Dáng người thanh mảnh, chắc nịch, nước da bánh mật khỏe khoắn, khuôn mặt anh toát lên sự cởi mở chân thành. Mỗi khi tổ chức đưa các thành viên đoàn công tác từ tàu HQ 571 vào đảo, anh luôn là người xốc vác.

Dường như anh nắm rõ từng ngóc ngách của các đảo nổi, đảo chìm, từng luồng lạch. Miệng nói, tay làm, liên tục rút điện thoại di động gọi vào các đảo nhắc nhở anh em đón tiếp khách chu đáo, đi luồng nào cho an toàn, sóng êm... "Sao đảo nào anh cũng rành mọi việc vậy?” - Tôi hỏi. Đại tá Thuần hồn hậu trả lời: "Mình đã từng đóng quân trên hầu khắp các đảo này!”. Cũng giống như đại tá Trần Minh Thuần, đại tá Phạm Huy Dũng, Chính ủy Lữ đoàn 101 Hải quân đánh bộ - Vùng IV hải quân và các thành viên đoàn công tác đều dành thời gian tìm hiểu công tác huấn luyện chiến đấu, tình hình tàu thuyền, máy bay nước ngoài vi phạm, công tác xây dựng Đảng, giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội, giúp dân yên tâm đánh bắt, hỗ trợ ngư dân khi gặp khó khăn.

Hôm đó, khi tới đảo Sinh Tồn, bên cạnh vị trí trực phòng không, đại tá Trần Minh Thuần đã tới thân mật trao đổi, thăm hỏi tình hình công tác, gia đình, quê hương... đối với cậu lính trẻ - binh nhất Ngô Đình Nhân (Bình Định). Không khỏi bối rối nhưng trước tình cảm ấm áp, đôn hậu của vị đại tá, Nhân đã mạnh dạn nói lên những tâm tư, nguyện vọng của mình... Chia sẻ tâm tư về những ngày đầu ra đảo làm nhiệm vụ, Nhân cho biết, ngày đặt chân lên đảo, điều đầu tiên mà cậu nhận được là những cái ôm thân tình, những cái bắt tay siết chặt và nụ cười niềm nở của quân, dân nơi đây. "Ngày đầu đến đây với nhiều bỡ ngỡ, xa lạ nhưng nhờ sự quan tâm chân tình của người dân và CB, CS ở đảo đã giúp em không còn cảm thấy cô đơn. ở Sinh Tồn cũng như ở nhà vậy, đến với Trường Sa là đến với quê hương” - ánh lên niềm tự hào khi Nhân trả lời đại tá... Kết thúc câu chuyện với đại tá, Nhân hứa sẽ luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Khác với cậu lính trẻ Ngô Đình Nhân mới ra làm nghĩa vụ tại đảo, trung úy Trần Công Vị, Chỉ huy trưởng đảo Thuyền Chài cho biết, ngoài giờ huấn luyện và ca trực, anh em trên đảo phân công nhau trồng rau, chăn nuôi. Trung úy Vị đưa chúng tôi đi xem những ô rau xanh ngắt trồng trong mảnh vườn với diện tích khá nhỏ. Mặc dù sống trong điều kiện khắc nghiệt song rau xanh nơi đây vẫn tươi tốt như để bù đắp những thiệt thòi, hy sinh của người lính trên đảo.

Tại đảo Đá Tây C, tôi gặp Trần Hải Dương, bác sỹ quân y của đảo, tỉ tê trò chuyện khá lâu với anh, tôi ít nhiều biết thêm được câu chuyện và chuyên môn cấp cứu ngư dân của quân y trên đảo. Anh kể: Trong năm qua, đảo đã cấp cứu các trường hợp ngư dân bị giảm áp do lặn sâu, bị quặn thận do sỏi, bị ruột thừa, nặng nhất là ngư dân bị giảm áp, sau khi cấp cứu, các ngư dân đều ổn định sức khỏe và trở lại tàu. Phần vì say với nghề, phần do xúc động nhớ lại những lúc chứng kiến cơn nguy kịch của ngư dân, phần do tôi hỏi tỉ mẩn, anh Dương nói với tôi mà như thể nói với người có chuyên môn sâu về cấp cứu trong nghề y vậy. "Khi lặn sâu cứ 10 m làm tăng thêm 1 lít khí ni tơ ứ đọng trong cơ thể. Có người lặn đến 80 m, có những trường hợp bị liệt nửa người, đau đầu dữ dội do khí ni tơ ứ đọng, không thoát ra được, chèn mạch máu. Tùy triệu chứng mà xử lý...” bác sỹ Dương chia sẻ.

Những công dân đặc biệt

Đến các đảo ở quần đảo Trường Sa, bên cạnh những câu chuyện của lính đảo, vui nhất là khi được thấy những "mầm non” nơi đây xúng xính áo mới, có cháu còn mang sắc phục hải quân lon ton theo bóng áo dài truyền thống thướt tha của mẹ, hớn hở đi đón đoàn từ đất liền ra thăm đảo. Trong đó, có cháu được sinh ra ở đất liền rồi theo cha mẹ ra đảo, cũng có những cháu được sinh ra trên đảo. Gặp chúng tôi, những đứa trẻ hồn nhiên xà vào lòng như là người thân, không có khoảng cách. Tôi hỏi chuyện bé Nguyễn Bình Minh Thủy (6 tuổi): "Cháu có muốn về đất liền không?”. Cô bé trả lời hồn nhiên nhưng làm tôi vô cùng xúc động rằng "Cháu sống ở đây, thế các cô, các chú có ở lại đây với cháu không ạ?!”. Nói rồi, em quay sang khoe tôi đồ chơi với hai con búp bê có tên gọi là Hoàng Sa và Trường Sa. Khi hỏi vì sao lại đặt tên cho chúng như vậy? Em nói: "Trường Sa là nhà của tụi con, còn Hoàng Sa là tên bố mẹ con đặt”. Sau đó, em khoe về những bộ váy mà các cô, các chị trong những đoàn công tác ra thăm trước đã tự tay may cho Hoàng Sa và Trường Sa.

Còn bé Xuân Bảo (4 tuổi) thì ngây thơ hỏi tôi bằng chất giọng trong trẻo có phần hơi nhịu: "Các cô, chú đã tới Trường Sa chưa? ở đó to không ạ? Có phải Trường Sa là thành phố, còn bọn con là ở nhà quê không?”. Vừa buồn cười về câu hỏi ngây ngô của em nhưng tôi chợt thấy cay cay sống mũi. Hẳn là các em vẫn chưa từng được tới "thành phố”. Nơi đây, hàng ngày tuy vẫn được đến trường, song nếu so sánh với những đứa cháu cùng độ tuổi trong gia đình thì không khỏi chạnh lòng. Tự trấn an mình, tôi trả lời: "Không phải con à, nơi đâu cũng đẹp và thân thương như đảo mình. Nơi nào có bố mẹ, có các chú bộ đội, có thầy, cô giáo và các con thì đều là thành phố cả”...

Ngồi cạnh bên là chị Trần Thị Tị (38 tuổi, Khánh Hòa), cư dân trên đảo Sinh Tồn. Tôi hỏi chị đôi điều về chuyện nghề, chuyện đời. Chị kể: "Ra sống ở đảo, mình làm nghề đánh cá, đi mủng. Mình đánh các loại cá thu, cá mó, cá bè, bạch tuộc, mực...”. Còn khi nói về những thiếu thốn, gian khổ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống trên đảo như nước uống, rau xanh trên đảo, chị trả lời như không có chuyện gì: "Nước ngọt thì xài nước mưa. Rau xanh tự trồng được. Đến giờ, vợ chồng mình đã quen với cuộc sống ở đảo. Đảo của mình, biển của mình thì mình ở. ở đây còn có các CB, CS, có thầy giáo, trường học... Hơn nữa, không khí trong lành, các cháu còn mạnh khỏe và ít ốm vặt hơn ngoài đất liền”.

Anh Vũ

Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục