(HBĐT) - 66 năm đã trôi qua kể từ ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), với những người lính bộ đội Cụ Hồ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa luôn tự hào về những năm tháng gian khổ, nhưng cũng đầy oanh liệt ấy.



Ông Bùi Chí Thanh (ngoài cùng bên trái), phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) ôn lại truyền thống lịch sử những ngày tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhắc đến nghệ sỹ ưu tú Bùi Chí Thanh, những người yêu văn hóa Mường đều biết đến ông, nhưng có lẽ ít ai biết được rằng, nghiệp văn hóa nghệ thuật đến với ông từ cuối năm 1953, khi ông trở thành diễn viên đoàn văn công tiền phương vinh dự được đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhớ lại những năm tháng hào hùng ấy, ông chia sẻ: Đó là những năm tháng ác liệt, dường như cả miền Bắc đổ về Điện Biên Phủ. Trên những tuyến đường Tây Bắc, bộ đội chủ lực hành quân, dân công hỏa tuyến tải đạn, gánh gạo phục vụ chiến dịch, vừa đi vừa đối mặt với những trận ném bom của địch, những trận phục kích của lính Pháp, nhưng ai cũng quyết tâm, anh em một lòng tin tưởng. Giữa những trận đánh, chúng tôi vẫn hát cho nhau nghe, diễn kịch phục vụ bộ đội ngay tại chiến trường.

Và cũng từ đó, cuộc đời ông nối dài bằng những chuyến đi, qua những bản làng miền Tây khoáng đạt, cuối cùng chọn chốn dừng chân là "cái nôi văn hóa Hòa Bình”. Đến nay, dù đã trở thành một nhà nghiên cứu, ông Bùi Chí Thanh không bao giờ quên những năm tháng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ đã đưa ông đến với nghiệp văn hóa nghệ thuật.

Không chỉ ông Bùi Chí Thanh, với những người đã từng được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đó quả là những năm tháng hào hùng luôn ghi mãi trong tim. Tham gia dân công hỏa tuyến từ khi còn rất trẻ, với nhiệm vụ gánh gạo phục vụ chiến dịch, ông Bùi Văn Nhân (Lương Sơn) đã viết trong hồi ký của mình (đăng trong tập Hồi ký cách mạng Hòa Bình): "Ngày nào cũng vậy, từ lúc mặt trời chưa ngủ dậy, những bước chân của chúng tôi đã rậm rịch trên các sườn núi, trong các rừng cây, theo những con đường ngoằn ngoèo như con rắn lội. Khi gà đã gáy sang canh hai, canh ba, chúng tôi mới ngả lưng xuống bất cứ chỗ nào”. Ông Nhân cùng rất nhiều người con của Hòa Bình đã tham gia tải gạo, tải đạn ra tiền tuyến. Đây cũng là thời điểm máy bay địch liên tục phục kích, bắn phá. Tuy nhiên, bất chấp nguy hiểm, bằng sức người, gánh vác trên vai, đẩy xe thồ, từng đoàn dân công nối dài đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đúng như ông Nhân đã chia sẻ: "Sau khi trở về địa phương được 3 hôm thì tôi được tin chiến dịch đã bắt đầu, quân ta đang thắng lớn. Tôi nghĩ: thế nào những số hàng của chúng tôi chuyển qua đường 6 cũng đã đến tay các anh bộ đội rồi, mong các anh cố gắng đánh giỏi, giết được nhiều giặc, hậu phương chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ các anh đánh thắng thằng Tây để giành độc lập, tự do" - (trích hồi ký Chuyển hàng ra mặt trận).

Quyết tâm ấy đã được thể hiện trong suốt quá trình chuẩn bị chiến dịch và 56 ngày đêm chiến dịch diễn ra ác liệt. Phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, toàn tỉnh đã huy động 381.292 lượt dân công, 905 xe đạp thồ, vận chuyển 4.900 tấn hàng từ Hòa Bình lên điểm tập kết; 170.000 người hậu phương xay, giã 545 tấn thóc cho bộ đội. Tỉnh đã cung cấp cho mặt trận 39.517 kg thịt, 1.840 m3 gỗ, hàng vạn cây tre, bương… Những đóng góp đó đã góp phần vào thắng lợi chung - chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.

 

Những con số lịch sử 

Cách đây tròn 66 năm, ngày 7/5/1954, chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX. Chiến dịch thắng lợi cũng là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam với những con số hết sức ấn tượng. 

I. Lực lượng tham gia

Lực lượng quân ta: Tính đến trước giờ nổ súng, quân ta có 51.445 người.

Lực lượng địch: Quân số ban đầu là 10.814 người, sau được tăng viện 4.291 người. Tại thời kỳ cao điểm lên tới khoảng 16.200 người.

Quân số hậu cần chiến dịch: 3.168 người, phân bổ trong 7 đội điều trị, 1 đội vận tải ô tô 446 xe, 18 binh trạm và trạm điều chỉnh giao thông, kho quân nhu, quân khí.

Lực lượng tăng cường: 4 tiểu đoàn công binh sửa đường, 2 đại đội thông tin, 2 tiểu đoàn 37 mm (24 khẩu) và đại đội 12,7 mm.

Lực lượng dân công: 261.453 người với 3 triệu ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng, 500 ngựa thồ; 18.200 cán bộ và đội viên thanh niên xung phong.

Lương thực, thực phẩm cung cấp trong chiến dịch: 25.056 tấn gạo, 907 tấn thịt, 917 tấn các loại thực phẩm khác; 1.860 lít dầu ăn, 280 kg mỡ; 71 tấn quân trang; 1.783 tấn xăng dầu; 55 tấn thuốc và dụng cụ quân y.

Tổng khối lượng cung cấp vũ khí - đạn dược cho chiến dịch: 30.759 tấn, trong đó tiêu thụ hết 19.989 tấn.

II. Kết quả chiến dịch

Ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch: Tổng số địch bị tiêu diệt và bắt sống tại Điện Biên Phủ bằng 4% quân số địch ở Đông Dương, 20% lính Âu - Phi.

Thu giữ: 28 khẩu pháo, 5.915 khẩu súng lớn nhỏ, 3 xe tăng, 64 ô tô, 43 tấn dụng cụ thông tin, 20 tấn thuốc quân y, 40 tấn đồ hộp, 40.000 lít xăng, bắn rơi 62 máy bay.

Con số thương vong: quân ta hy sinh 4.020 người, mất tích 792 người, bị thương 9.118 người.

P.V (TH)

 

Phương Linh

Các tin khác


Chuyện về nhạc phẩm “Lá thư DK” trên biển

Trong một đêm cuối năm Quý Mão 2023, con tàu Trường Sa 04 bền bỉ đè sóng tiến về phía bãi cạn Cà Mau, nơi có nhà giàn DK1/10… Bỗng trong tiếng sóng biển ầm ào và gió thổi ràn rạt dọc các boong tàu, vẳng tiếng đàn ghi ta và tiếng hát của một vài chiến sĩ hải quân. Tiếng đàn thánh thót và da diết của Trung tá Trịnh Văn Nghị, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1 hòa vào giọng hát khá tình cảm của nhóm cán bộ, chiến sĩ trên tầng 3 con tàu: "Anh kể lại nơi anh những lúc biển cuồng phong/ Biển giận dữ hung tàn quá đỗi/ Nhà giàn kiên trung giữ vững thềm lục địa/ Như tình anh yêu em, tình yêu bất tận…”. Các anh đang tập bài hát mới "Lá thư DK” của ca sĩ, nhạc sĩ, Phó đoàn Nghệ thuật Bông Sen (TP Hồ Chí Minh), thành viên của đoàn sáng tác trong chuyến hải trình DK1…

Huyện Lạc Thủy: Ước vọng đầu Xuân mới

Mùa Xuân đến mang theo hơi ấm của đất trời, đem đến sức sống mới cho vạn vật. Đó cũng là thời điểm cảm xúc của mỗi người lại trào dâng với niềm tự hào, tin tưởng, đoàn kết một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Xuân mới, niềm tin khát vọng mới, bao dự định được gửi gắm, thôi thúc mỗi chúng ta cố gắng phấn đấu vươn lên, xây dựng quê hương Lạc Thủy giàu đẹp.

Người góp phần nâng tầm sản phẩm mang giá trị văn hoá Hoà Bình

Quá trình công tác nhiều năm trong cơ quan nhà nước của tỉnh, chị Hoàng Việt Hà (TP Hoà Bình) có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu về lĩnh vực văn hoá, từ đó nuôi dưỡng tình yêu ngày càng lớn đối với văn hoá bản địa. Đây được xem là cơ duyên để năm 2022, sau dự định ấp ủ, chị đứng ra mở cửa hàng quà tặng với tên gọi Hoa Đất Mường.

Sông Đà mùa ngọc bích

Người ta gọi sông Đà là dòng sông mẹ của các dân tộc vùng Tây Bắc. Có một điều đặc biệt mà không nhiều người biết đó là mỗi khi tiết trời độ cuối Thu, không còn con nước lũ tiểu mãn từ thượng nguồn đổ về, con sông Đà hùng vĩ dần chuyển từ cái "lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa” sang màu xanh của ngọc bích. Khi ấy, sông Đà mới bước vào mùa đẹp nhất: mùa ngọc bích.

Tết cổ truyền trong lòng du học sinh

Đối với những du học sinh dù học tập tại đất nước nào thì mỗi khi đến Tết cổ truyền của dân tộc đều hướng về quê hương, mong trở về nhà đoàn tụ cùng gia đình.

Tết đến , Xuân về trên nhà giàn DK1

Sau 9 ngày vượt sóng to, gió lớn với hàng trăm hải lý ngoài trùng khơi, sự cố gắng, mong chờ của đoàn công tác đã được thỏa nguyện: Lên nhà giàn DK1/10 (Vùng 2 Hải quân) ở bãi cạn Cà Mau. Quên hết những mệt mỏi, say sóng cùng một số tiếc nuối của các cuộc "đổ bộ” bất thành nhiều lần trước, chúng tôi đã có được hạnh phúc với những cuộc gặp gỡ bất ngờ: gặp gỡ mùa Xuân trên nhà giàn DK1…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục