Nhằm đánh thức tiềm năng, lợi thế rừng, ngày 30/7/2020, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hoà Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó đề ra mục tiêu duy trì độ che phủ rừng hàng năm trên 50%, có 3 nghìn ha rừng trồng gỗ lớn, nhỏ được chuyển hoá sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Sau gần 5 năm triển khai Nghị quyết, không chỉ diện tích rừng trồng gỗ lớn tăng lên đáng kể mà tư duy nhận thức của người dân về trồng rừng gỗ lớn ngày càng rõ nét, mang lại sinh kế cho người trồng rừng.
Để nâng cao giá trị rừng trồng tại địa phương, trên địa bàn huyện Lạc Thủy hiện có 19 cơ sở chế biến gỗ với các sản phẩm đa dạng. Ảnh chụp tại xã An Bình, huyện Lạc Thủy.
"Rừng gỗ lớn mang lại giá trị kinh tế cao"
Đó là khẳng định của ông Bùi Văn Nhinh (xóm Khoang, xã Hưng Thi, huyện Lạc Thuỷ) - một chủ rừng có hơn 20 năm gắn bó với nghề rừng và cũng là người sở hữu diện tích rừng trồng lớn nhất tại xã Hưng Thi hiện nay. Có một điều đặc biệt, hơn 20 năm gắn bó với nghề rừng cũng là từng ấy năm ông Nhinh lựa chọn phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Hướng đi ấy đã giúp gia đình ông "đổi đời" nhờ rừng.
Ông Nhinh vốn là người làm dịch vụ vận tải và không có nhiều kiến thức về trồng rừng. Tuy nhiên, những năm 2000, có nhiều hộ dân trên địa bàn xã nhận khoán rừng trồng nhưng không có khả năng canh tác, để đất bỏ hoang. Tiếc đất và có sẵn vốn, ông bắt đầu mua gom lại đất rừng bị bỏ hoang và cải tạo để trồng keo. Khác với các hộ cũng trồng keo trên địa bàn, ông Nhinh không khai thác theo chu kỳ 5 - 7 năm mà quyết tâm để cây phát triển đến chu kỳ 10 năm mới khai thác. Ông Nhinh cho biết: "Sau khi quyết định chuyển hướng trồng rừng, đi học hỏi kỹ thuật trồng keo, tôi nhận thấy thời điểm năm thứ 7 trở đi cây keo sinh trưởng và phát triển nhanh, đây là thời kỳ có thể tạo sinh khối gỗ lớn nhất. Đến năm thứ 10 thì cây keo đạt được chất lượng rất tốt, lúc đó cây được bán theo thành phẩm gỗ nên rất có giá, đặc biệt càng về sau công chăm sóc càng giảm, giá thành lại càng cao”.
Nhận thấy giá trị kinh tế mang lại từ những chu kỳ đầu tiên, ông Nhinh tiếp tục mở rộng diện tích và đầu tư trồng keo theo hướng rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Đến nay, gia đình ông có trên 100 ha rừng keo, liên tục trồng gối vụ. Trung bình mỗi năm gia đình ông có thu nhập 3 - 4 tỷ đồng từ rừng. "1 cây keo 10 năm tuổi có thể bán thành 3 dòng sản phẩm. Gốc, thân đủ đường kính từ 30 cm trở lên bán gỗ thương phẩm; phần thân đường kính dưới 30 cm bán gỗ bóc; ngọn, cành có thể bán theo khối làm gỗ dăm, giá trị cây keo vì thế mà tăng lên. Vì vậy, có những chu kỳ gia đình tôi thu gần 300 triệu đồng/ha", ông Nhinh cho biết thêm.
Kéo dài chu kỳ cây, hướng tới trồng rừng kinh doanh gỗ lớn cũng là hướng đi mà ngành lâm nghiệp huyện Lạc Thuỷ định hướng cho nhiều hộ trồng rừng trên địa bàn. Hiện nay, diện tích trồng rừng gỗ lớn của huyện đạt hơn 550 ha, chiếm khoảng 8,2% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng. Sản lượng rừng gỗ lớn của huyện trồng từ năm 2017 tăng từ 45m3/ha đến năm 2025 tăng lên 95m3/ha, thu nhập bình quân đạt 85 triệu đồng/ha. Từ hiệu quả kinh tế rừng mang lại, huyện Lạc Thuỷ đã đưa việc phát huy tiềm năng, lợi thế rừng và đất rừng, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình nông - lâm kết hợp là một trong những khâu đột phá chiến lược của huyện.
Ngoài Lạc Thuỷ, tại nhiều huyện, thành phố, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân nhằm chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang rừng kinh doanh gỗ lớn, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế rừng bền vững. Chính vì vậy, tư duy, nhận thức về phát triển rừng và trồng rừng gỗ lớn ngày càng rõ nét, hiệu quả. Đến nay, bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng được trên 7.740 ha, trong đó trên 95% diện tích trồng được sử dụng giống đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Diện tích này là điều kiện quan trọng, tiên quyết để trở thành rừng trồng kinh doanh gỗ lớn đạt khoảng 30 nghìn ha năm 2025. Diện tích rừng được chuyển hoá từ rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn đạt trên 25.219 ha, đạt 168% so với chỉ tiêu đề ra.
Nâng cao chuỗi liên kết giá trị ngành lâm nghiệp
Tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện Chiến lược, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững với mục tiêu đưa ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản. Tỉnh ta phấn đấu năng suất rừng trồng tăng lên 1,3 lần, sản lượng gỗ đạt trung bình 150 m3/ha/chu kỳ gỗ lớn, giá trị thu được bình quân mỗi năm trên 1 ha đất rừng trồng sản xuất tăng gấp 2,5 lần (25 triệu đồng/ha/năm). Giá trị sản xuất lâm nghiệp đóng góp 16% vào tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản.
Việc triển khai trồng rừng gỗ lớn là tiền đề quan trọng để phát triển các sản phẩm gỗ phục vụ xuất khẩu, tăng tỷ trọng giá trị kinh tế ngành lâm nghiệp. Thực tế hiện nay, để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm gỗ, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, các doanh nghiệp đã chú trọng liên kết với chủ rừng, người dân để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững phục vụ chế biến xuất khẩu. Một trong những chuỗi liên kết giá trị đã được nhiều địa phương áp dụng là việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) phục vụ xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ. Đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp - Kiểm lâm cho biết: UBND các huyện, thành phố đã đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC để phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh có trên 18.896 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Tuy nhiên, việc liên kết còn lỏng lẻo, dễ bị phá vỡ, chưa chặt chẽ và chuỗi liên kết này mới dừng lại ở khâu doanh nghiệp tuyên truyền và hợp tác với chủ rừng hiện có rừng, chưa hình thành các chuỗi đầy đủ, khép kín, đồng thời quy mô diện tích còn hạn chế so với diện tích rừng trồng sản xuất của tỉnh.
Đồng tình với quan điểm này, đồng chí Hoàng Xuân Hùng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Sơn cho biết: FSC hiện tại mới giải quyết được câu chuyện "có chỉ dẫn địa chỉ vùng nguyên liệu và người dân được tiếp cận quy trình kỹ thuật lâm sinh..." phục vụ cho hoạt động xuất khẩu là chính, chưa triệt để phát huy hết tính "bền vững - lâu dài”. Lời giải sâu xa cho bài toán sinh kế của người trồng rừng chính là làm sao để sống được nhờ rừng từ các sản phẩm của rừng trồng chất lượng, là xây dựng được một nền sản xuất công nghiệp chế biến gỗ đủ tiêu chuẩn để cung cấp ra thị trường và phục vụ xuất khẩu. Để làm được điều đó, ngoài những cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn cần xây dựng được chuỗi giá trị liên kết từ bảo vệ, phát triển rừng. Tại Lạc Sơn, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Lâm sinh triển khai các mô hình trồng rừng gỗ lớn bằng cây giống chất lượng. Trong đó, Hạt đã hỗ trợ người dân đưa giống keo lai cấy mô vào trồng thử nghiệm. Đây là giống keo lai được nuôi cấy bằng mô thuộc dòng cây giống chất lượng cao. Ưu điểm là có tính đồng đều cao, sinh trưởng nhanh, chất lượng gỗ tốt, đặc biệt năng suất cao gấp 4 - 5 lần so với các giống keo thông thường. Đến tuổi thành thục (cùng chu kỳ canh tác 5 - 10 năm) cho sinh khối trung bình 20 - 25 m3/năm. Mới đây, trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất viên gỗ nén và nhiều loại sản phẩm khác chế biến từ gỗ thuộc của Công ty BVN Hoà Bình. Đây sẽ là cơ hội rất lớn để huyện có thể phát triển kinh tế rừng bền vững và xây dựng các chuỗi giá trị liên kết trong ngành lâm nghiệp.
Trong sản xuất lâm nghiệp hiện nay, "liên kết và chuẩn hóa quy trình chuỗi” là xu hướng tất yếu, chìa khóa giúp phát triển và hội nhập. Quá trình liên kết đó có những đặc điểm riêng và đóng vai trò quan trọng góp phần đảm bảo các bên cùng có lợi, làm tăng hiệu quả trong sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả, vai trò quản lý nhà nước về kinh tế, từ đó phát huy vai trò của liên kết trong sản xuất lâm nghiệp. Để xây dựng chuỗi giá trị liên kết, ngành Kiểm lâm đang hướng tới triển khai hỗ trợ xây dựng hình thành nhóm chủ rừng liên kết dưới dạng tổ hợp xã hay nhóm hộ; thành lập bộ quản lý nhóm hộ, hợp tác xã trực tiếp quản lý, hướng dẫn thực hiện phương án quản lý rừng bền vững. Xúc tiến các doanh nghiệp đầu tư vào lâm nghiệp nhằm hỗ trợ vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm và phát triển thị trường; đặc biệt quan tâm hỗ trợ vốn vay, không lãi suất khi cho hộ gia đình liên kết để phát rừng trồng gỗ lớn.
(Còn nữa)
Đinh Hòa
Niềm vui trong những căn nhà Đại đoàn kết đầy nghĩa tình được trao tặng là "trái ngọt” từ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát (XNT, NDN), tạo động lực giúp người dân từng bước giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện thực hóa "giấc mơ” an cư đã trao cơ hội vươn lên, giúp cuộc sống hộ nghèo dần ổn định, từ đó càng vun đắp niềm tin vào Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
"Ăn có lúc còn không đủ, lấy đâu ra tiền đối ứng làm nhà” - câu trả lời đầy trăn trở các địa phương thường xuyên gặp phải khi triển khai rà soát, giải ngân nguồn vốn cho hộ nghèo làm nhà ở, thậm chí có hộ đòi trả lại tiền hỗ trợ cho nhà nước vì sợ gánh nợ. Không chỉ về vốn đối ứng, nhiều tình huống "dở khóc, dở cười” đã gặp khi triển khai chương trình như: Đã giải ngân để làm nhà thì gia đình nộp đơn ly hôn, nhất quyết đòi chia đôi tài sản, kể cả tiền nhà nước hỗ trợ; người nhà mắc bệnh tâm thần, khi khởi công xây dựng thì ra ngăn cản, đòi đập phá; có trường hợp
chủ nhà không chịu làm ăn nên bà con làng xóm không tới giúp khi được hỗ trợ làm nhà… Tuy vậy, với quyết tâm cao từ tỉnh đến cơ sở, các địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực, dần tháo gỡ những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát (XNT, NDN), xây dựng những mái ấm vững chắc, kiên cố cho người nghèo.
Đến tháng 4/2025, tức 1 năm sau Lễ phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” (XNT, NDN) trên phạm vi cả nước được tổ chức tại huyện Đà Bắc do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, bằng sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng thuận của người dân, đồng hành của doanh nghiệp, tỉnh Hòa Bình đã vượt mọi khó khăn đạt kỳ tích chưa từng có: Làm nhà ở cho hơn 2.000 hộ nghèo trên khắp các huyện, thành phố trong tỉnh. Qua đó, giúp người nghèo, người yếu thế có thêm điểm tựa vững chắc và niềm tin để vươn lên trong cuộc sống.
Từ 16 sản phẩm OCOP được công nhận năm đầu tiên, đến 158 sản phẩm đạt sao tính đến đầu năm 2025 - chương trình OCOP ở Hòa Bình đã đi qua một hành trình bài bản và bền bỉ. Song điều đọng lại không chỉ là những con số. Đó là cam được gắn thương hiệu, măng được đưa ra thế giới, thổ cẩm được may thành quà tặng du lịch… Và trên hết là cách người dân đã đổi thay tư duy sản xuất, học cách gìn giữ bản sắc bằng chính thương hiệu mang tên OCOP.
Năm nay dù đã hơn 90 tuổi, nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công vào Đồi A1 ở chiến trường Điện Biên Phủ cách đây hơn 70 năm, đôi mắt của người chiến sỹ Điện Biên Mai Đại Xá ở số nhà 01, tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hoà Bình) bỗng trở nên mạnh mẽ như có lửa...
Đã 93 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Cóc (tổ 6, phường Kỳ Sơn, TP Hòa Bình) vẫn còn minh mẫn. Ông được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Những ngày tháng Năm, ký ức năm tháng hào hùng lại trở về. Bên cạnh ký ức về những trận chiến, những hy sinh, gian khó, ông cũng không thể quên tinh thần đoàn kết, sự yêu thương, chăm sóc lẫn nhau của đồng đội trên chiến trường. Giản đơn như bát cơm nóng sau trận đánh cũng là bao nỗ lực của các chiến sỹ cấp dưỡng, nuôi quân.