Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, sự phát triển chóng mặt của công nghệ đã, đang và sẽ có nguy cơ lấn át những giá trị văn hóa truyền thống vốn là hồn cốt của một quốc gia, dân tộc. Vì vậy, vai trò của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ là nhiệm vụ mà còn là sứ mệnh cao cả.


Thành viên Câu lạc bộ Thanh niên bảo tồn văn hoá dân tộc tỉnh Hoà Bình tham quan, tìm hiểu về văn hóa dân tộc tại Bảo tàng di sản văn hóa Mường của Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thanh Bình ở phường Thái Bình (TP Hoà Bình).

Giới trẻ và niềm tự hào văn hóa dân tộc

Xuất phát từ tình yêu, sự đam mê, trân trọng và tự hào về những giá trị truyền thống, văn hóa dân tộc. Bằng nhiều hình thức khác nhau, tuổi trẻ tỉnh Hòa Bình đã và đang không ngừng sáng tạo để tiếp nối mạch nguồn, bảo tồn, giới thiệu, quảng bá, phát huy những nét đẹp văn hóa của quê hương. 

Anh Nguyễn Văn Đoàn, Phó Ban Thanh niên Công an tỉnh đã tập hợp những bạn trẻ có tình yêu, nhiệt huyết với văn hoá lại với nhau và viết đơn đề nghị Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh thành lập Câu lạc bộ "Thanh niên bảo tồn văn hoá dân tộc tỉnh Hoà Bình". Tháng 11/2024, câu lạc bộ chính thức được thành lập với 20 thành viên. Dù mới đi vào hoạt động được gần nửa năm, song câu lạc bộ đã tích cực tổ chức và tham gia các hoạt động quảng bá văn hoá, du lịch như: Biểu diễn tại các chương trình nghệ thuật của tỉnh; tích cực quảng bá các sản phẩm địa phương; xây dựng, đăng tải và chia sẻ nhiều video clip, hình ảnh, phong tục tập quán, văn hoá các dân tộc tỉnh Hòa Bình lên các trang mạng xã hội; tham gia phục dựng nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mường; thăm các bản làng cổ, gặp gỡ các cao niên, qua đó tìm hiểu những phong tục tập quán, văn học dân gian các dân tộc...

Anh Nguyễn Văn Đoàn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên bảo tồn văn hoá dân tộc tỉnh Hoà Bình chia sẻ: Các thành viên câu lạc bộ đều là những bạn trẻ năng động, có sự hiểu biết về văn hoá, lịch sử, tin học, công nghệ, tích cực thực hiện nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá đặc sắc của vùng đất Hoà Bình. Nhiều chương trình nghệ thuật, ca múa nhạc và trình diễn nhạc cụ truyền thống được các thành viên tham gia biểu diễn tại các hội nghị, resort, nhà hàng, mang đến không gian đậm chất văn hoá. Ngoài ra, câu lạc bộ còn giới thiệu những đặc sản nổi tiếng như thịt gác bếp, thịt chua, cơm lam, rượu cần, cá sông Đà, lợn bản và các sản phẩm OCOP, thổ cẩm, góp phần giới thiệu ẩm thực và sản phẩm đặc trưng của địa phương. Bên cạnh đó, câu lạc bộ cung cấp các dịch vụ du lịch hấp dẫn như tour du lịch, villa, resort với đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, tạo cơ hội cho du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hoá tỉnh nhà. Các dịch vụ truyền thông câu lạc bộ xây dựng, gồm quay phim, chụp hình, dàn dựng, quảng cáo cũng giúp quảng bá hình ảnh và giá trị văn hoá Hoà Bình đến gần hơn với cộng đồng, xã hội. Thông qua những hoạt động này, câu lạc bộ không chỉ góp phần bảo tồn văn hoá dân tộc, mà còn thúc đẩy sự phát triển du lịch và kinh tế địa phương.

Bảo tồn, phát huy di sản bằng công nghệ số 

Nhanh nhạy, nắm bắt xu thế phát triển của khoa học, công nghệ, thời gian qua, thanh niên tỉnh Hòa Bình tích cực quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Duy Tư, Bí thư Tỉnh Đoàn chia sẻ: Xác định giữ gìn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch góp phần phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương. Tuổi trẻ toàn tỉnh đã tiên phong, sáng tạo ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng và gắn mã QR code tại các địa chỉ đỏ, điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh nhằm cung cấp thông tin, quảng bá văn hóa, du lịch cho người dân và du khách. Đặc biệt chú trọng tổ chức các chương trình "Hành trình về nguồn”, đưa thanh thiếu nhi đi tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử, bồi đắp tình yêu, niềm tự hào dân tộc. Qua đó góp phần thiết thực giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương, của tỉnh cho thế hệ trẻ, không ngừng giới thiệu, quảng bá sâu rộng nền văn hóa Hòa Bình đến du khách bốn phương.

Bên cạnh đó, với mong muốn gìn giữ và lan tỏa những nét đẹp truyền thống đến cộng đồng, nhiều bạn trẻ đã khai thác mạng xã hội TikTok để quảng bá các điểm du lịch, văn hóa, di tích lịch sử, khu vui chơi, ẩm thực của quê hương Hòa Bình đến với bạn bè gần xa. Mạng xã hội đã trở thành công cụ hiệu quả để giới trẻ quảng bá văn hóa quê hương. Việc quảng bá văn hóa quê hương trên TikTok cũng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương. Bởi những địa điểm, món ăn khi được giới thiệu hấp dẫn sẽ thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, từ đó góp phần phát triển kinh tế. Bằng sự sáng tạo, nhiệt huyết, các bạn trẻ đã mang đến góc nhìn chân thực, mộc mạc, gần gũi về thiên nhiên, con người, lan tỏa nét đẹp văn hóa của dân tộc, danh lam thắng cảnh địa phương đến bạn bè gần xa, nhất là trong bối cảnh quảng bá du lịch trực tuyến đã trở thành xu hướng tất yếu như hiện nay.

Quá trình hội nhập ngày càng cho thấy rõ hơn sự cần thiết của tri thức và nhận thức về bản sắc văn hóa dân tộc trong mỗi cá nhân. Điều đáng mừng là nhiều người trẻ đã ý thức được việc trang bị cho bản thân kiến thức về văn hóa dân tộc và giữ gìn những điều vô giá ấy bằng cách làm sáng tạo của mình. "Tre già măng mọc”, chỉ khi thế hệ sau kế thừa được nét đẹp văn hóa của thế hệ trước thì những giá trị văn hóa mới có thể tồn tại mãi theo thời gian. Có thể thấy, hiện nhiều người trẻ trên địa bàn tỉnh dành nhiều sự quan tâm hơn đến các giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng làm sao để thực sự lưu giữ lại bản sắc trong khi vẫn có thể lan tỏa những giá trị này theo một cách sáng tạo, gần gũi đòi hỏi sự nghiêm túc, niềm đam mê và sự sáng tạo trong mỗi người trẻ. Với tình yêu lớn lao dành cho văn hóa truyền thống dân tộc, họ từng ngày mang đến luồng sinh khí mới, đầy năng động, trẻ trung và nhiệt huyết. Góp một phần công sức của mình để những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc được lan tỏa và biết tới nhiều hơn nữa


Hoàng Dương



Người trẻ là "chiếc cầu bền vững" nối quá khứ với hiện tại

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Tuấn
Chủ nhiệm Câu lạc bộ di sản văn hóa Mường, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) 

Nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm và gìn giữ văn hóa dân tộc Mường, tôi từng lo lắng vì thế hệ trẻ dường như ngày càng xa rời cội nguồn. Song gần đây, tôi được tiếp thêm niềm tin khi nhiều bạn trẻ tìm đến tôi để học hỏi, tìm hiểu về các phong tục, hiện vật, nhạc cụ và ngôn ngữ cổ. Họ không chỉ lắng nghe mà còn biết cách ứng dụng công nghệ, mạng xã hội, làm video, mở lớp trải nghiệm để giới thiệu văn hóa Mường đến với cộng đồng rộng lớn hơn. 

Tôi luôn nói rằng, "người già” như chúng tôi có thể giữ gìn được một phần, nhưng để văn hóa sống tiếp và phát triển trong lòng xã hội hiện đại thì rất cần người trẻ làm cầu nối, vừa hiểu gốc rễ, vừa biết sáng tạo để truyền cảm hứng. Văn hóa không phải là cái gì đó bất biến trong tủ kính, mà phải có sức sống giữa đời sống hôm nay. Tôi đã dành hơn 40 năm sưu tầm, phục dựng hàng nghìn hiện vật văn hóa của người Mường, từ chiêng, trống, áo, váy, đến lời hát cổ để thế hệ trẻ hiểu rằng, chúng ta đến từ đâu, tổ tiên sống thế nào, tâm hồn Mường từng vang lên qua tiếng chiêng ra sao. Không ít lần tôi phải lặn lội đến những bản xa, tìm kiếm từng mảnh vỡ của một chiếc chum cổ hay hỏi lại người già một làn điệu đã mai một.

Điều khiến tôi vui nhất là ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm đến, học hỏi, ghi hình, tổ chức chương trình trải nghiệm. Họ sẽ là người tiếp tục câu chuyện mà nhiều thế hệ trước đã bắt đầu. Với tôi, chỉ khi người trẻ thực sự chạm vào văn hóa, bằng sự hiểu biết và đam mê thì di sản mới thật sự sống và lan xa.


Đưa bản sắc văn hoá Mông vào phát triển du lịch cộng đồng

Giàng A La
Xã Hang Kia, huyện Mai Châu

Là người con sinh ra và lớn lên giữa núi rừng, tôi luôn mang trong mình tình yêu sâu đậm với văn hóa dân tộc Mông. Nhưng chỉ yêu thôi chưa đủ, tôi muốn biến tình yêu ấy thành hành động cụ thể. Khi bắt tay vào làm du lịch cộng đồng, tôi luôn nghĩ làm sao để ngôi nhà của mình không chỉ là nơi nghỉ chân, mà là nơi kể chuyện, nơi du khách có thể cảm nhận tiếng khèn Mông vang lên trong sương sớm, thưởng thức món ăn truyền thống, tự tay học thêu váy xòe thổ cẩm. 

Tôi chọn cách đưa văn hóa bản địa vào từng chi tiết nhỏ nhất trong mô hình homestay. Với tôi, văn hóa dân tộc không chỉ là ký ức của cha ông để lại, mà còn là nền tảng để chúng ta khẳng định bản sắc trong thời đại hội nhập. Khách du lịch không chỉ đến để nghỉ dưỡng mà còn để trải nghiệm, lắng nghe và thấu hiểu vẻ đẹp tinh thần của dân tộc. Tôi muốn chứng minh giữ gìn văn hóa không phải là đi ngược thời đại, mà là biết đứng vững bằng gốc rễ của mình giữa dòng chảy phát triển. Tôi tin rằng người trẻ không chỉ có trách nhiệm bảo tồn, mà còn phải chủ động "kể lại” văn hóa của mình một cách sáng tạo, hiện đại và hấp dẫn hơn, để văn hóa không bị lãng quên mà ngày càng lan tỏa.


Lan tỏa văn hóa bản địa qua mạng xã hội

Đinh Thị Hoan
Thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc, chủ kênh TikTok "Ún ở Hòa Bình”

Ấp ủ mong muốn hình ảnh quê hương mình không chỉ đẹp trong ký ức, mà còn hiện diện sinh động trên các nền tảng mà giới trẻ quan tâm ngày nay. Với tôi, mỗi cảnh đẹp thiên nhiên, mỗi món ăn dân tộc hay lễ hội truyền thống đều là một mảnh ghép văn hóa đầy tự hào của quê hương Hòa Bình. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng, nếu chỉ giữ những giá trị ấy trong sách vở hay bảo tàng thì người trẻ sẽ khó tiếp cận, khó yêu được sâu sắc. Vì thế, tôi bắt đầu xây dựng kênh TikTok "Ún ở Hòa Bình” như một cách để kể chuyện, kể về quê hương mình bằng chính công cụ mà giới trẻ đang sử dụng mỗi ngày. Từ việc giới thiệu các địa điểm du lịch sinh thái, di tích lịch sử đến review ẩm thực dân tộc, tôi muốn mọi người không chỉ xem mà còn cảm nhận được sự sống động, gần gũi và đáng tự hào của văn hóa dân tộc.

Tôi nghĩ rằng, người trẻ không chỉ có trách nhiệm bảo tồn mà còn phải biết cách "làm mới” văn hóa, không làm mất đi bản sắc mà làm cho nó được yêu thích và lan tỏa hơn trong thời đại số. Chỉ cần vài chục giây video, nếu đủ cuốn hút và chân thực sẽ có hàng triệu lượt xem và chia sẻ. Tôi vui nhất là khi có bạn trẻ từ xa nhắn tin hỏi "Chị ơi, Hòa Bình đẹp thế à?", hay "Em cũng muốn về quê làm một điều gì đó giống chị". Mỗi lượt xem, mỗi lượt chia sẻ là một bước nhỏ để quê hương mình hiện diện rõ hơn trên bản đồ du lịch và trong lòng giới trẻ cả nước. Với tôi, đó là cách người trẻ thổi làn gió mới vào văn hóa bằng công nghệ, bằng sự sáng tạo và tình yêu thật sự.

Các tin khác


Thực hiện loạt nghị quyết chuyên đề ở huyện Lạc Sơn - Tạo đột phá từ thách thức: Bài 3 - “cú hích” để nông nghiệp, nông thôn chuyển động

Dồn điền, đổi thửa (DĐ, ĐT) và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có ý nghĩa quan trọng đối với nông nghiệp, nông thôn. Tại huyện Lạc Sơn, mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch của tỉnh, của địa phương, nhưng kết quả đạt được còn hạn chế. Tại thời điểm đầu năm 2023, trên địa bàn mới có 3 xã triển khai công tác DĐ, ĐT, 10 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao. Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU, ngày 7/4/2023 về DĐ, ĐT và phát triển sản phẩm OCOP.

Thực hiện loạt nghị quyết chuyên đề ở huyện Lạc Sơn - Tạo đột phá từ thách thức: Bài 2 - Khơi dậy, phát huy bản sắc văn hóa trong cộng đồng Mường Vang

Quá trình tiếp biến và giao thoa về kinh tế, văn hóa, một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một. Để tạo điểm nhấn trong thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy Lạc Sơn đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU, ngày 20/12/2021 về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn huyện.

Thực hiện loạt nghị quyết chuyên đề ở huyện Lạc Sơn - Tạo đột phá từ thách thức: Bài 1 - Bứt khỏi “vùng trũng” thu hút đầu tư

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với các giải pháp, bước đi phù hợp, Huyện ủy Lạc Sơn ban hành loạt nghị quyết chuyên đề nhằm thúc đẩy thực hiện các đột phá chiến lược, đồng thời góp phần tạo chuyển biến sắc nét, toàn diện cho bức tranh kinh tế - xã hội của địa phương.

Ghi dấu hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo: Bài 3 - “Trái ngọt” từ chương trình ý nghĩa, nhân văn

Niềm vui trong những căn nhà Đại đoàn kết đầy nghĩa tình được trao tặng là "trái ngọt” từ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát (XNT, NDN), tạo động lực giúp người dân từng bước giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện thực hóa "giấc mơ” an cư đã trao cơ hội vươn lên, giúp cuộc sống hộ nghèo dần ổn định, từ đó càng vun đắp niềm tin vào Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Ghi dấu hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo: Bài 2 - Vận dụng, sáng tạo gỡ khó làm nhà ở cho hộ nghèo

"Ăn có lúc còn không đủ, lấy đâu ra tiền đối ứng làm nhà” - câu trả lời đầy trăn trở các địa phương thường xuyên gặp phải khi triển khai rà soát, giải ngân nguồn vốn cho hộ nghèo làm nhà ở, thậm chí có hộ đòi trả lại tiền hỗ trợ cho nhà nước vì sợ gánh nợ. Không chỉ về vốn đối ứng, nhiều tình huống "dở khóc, dở cười” đã gặp khi triển khai chương trình như: Đã giải ngân để làm nhà thì gia đình nộp đơn ly hôn, nhất quyết đòi chia đôi tài sản, kể cả tiền nhà nước hỗ trợ; người nhà mắc bệnh tâm thần, khi khởi công xây dựng thì ra ngăn cản, đòi đập phá; có trường hợp chủ nhà không chịu làm ăn nên bà con làng xóm không tới giúp khi được hỗ trợ làm nhà… Tuy vậy, với quyết tâm cao từ tỉnh đến cơ sở, các địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực, dần tháo gỡ những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát (XNT, NDN), xây dựng những mái ấm vững chắc, kiên cố cho người nghèo.

Ghi dấu hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo: Bài 1 - Dấu ấn của phong trào thi đua

Đến tháng 4/2025, tức 1 năm sau Lễ phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” (XNT, NDN) trên phạm vi cả nước được tổ chức tại huyện Đà Bắc do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, bằng sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng thuận của người dân, đồng hành của doanh nghiệp, tỉnh Hòa Bình đã vượt mọi khó khăn đạt kỳ tích chưa từng có: Làm nhà ở cho hơn 2.000 hộ nghèo trên khắp các huyện, thành phố trong tỉnh. Qua đó, giúp người nghèo, người yếu thế có thêm điểm tựa vững chắc và niềm tin để vươn lên trong cuộc sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục