Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia được ví như "khoán 10” trong thời đại số. Với tỉnh Hòa Bình - địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, việc cụ thể hóa nghị quyết này không chỉ là yêu cầu chính trị, mà còn là cơ hội vàng để thay đổi mô hình phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và rút ngắn khoảng cách số. Từ bản làng vùng cao đến trụ sở đảng ủy, từ người nông dân đến cán bộ lãnh đạo, cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng bước vào hành trình CĐS với tinh thần quyết tâm, sáng tạo và chủ động.


Tổ công nghệ số cộng đồng tổ dân phố số 1, phường Hữu Nghị (thành phố Hòa Bình) hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số.

Trong thời gian qua, Hòa Bình đã có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả tích cực trong CĐS. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng các cấp ủy đảng, chính quyền đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, tạo nền tảng cho việc triển khai chính quyền số, chính phủ số. Tỉnh chú trọng đầu tư hạ tầng số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng chính quyền điện tử, góp phần cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Vai trò tổ công nghệ số và hiệu quả chuyển đổi số trong nông nghiệp

Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) đóng vai trò chính trong việc phổ cập công nghệ số, kỹ năng số tới từng người dân. Với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", tổ CNSCĐ góp phần đắc lực vào quá trình CĐS đang diễn ra ngày càng sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Ông Đặng Xuân Hường, Tổ trưởng tổ dân phố số 1, phường Hữu Nghị (TP Hoà Bình), Tổ phó tổ CNSCĐ cho biết: Tháng 9/2022, tổ CNSCĐ được thành lập với 9 thành viên. Tổ đã được tập huấn; tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về CĐS để nâng cao nhận thức của người dân. Đến nay, trên 80% người dân trên địa bàn đã hoàn thành cài đặt các ứng dụng CĐS trên điện thoại thông minh; gần 20% còn lại là người già, người chưa sử dụng thiết bị điện tử. Hiện phường Hữu Nghị đã thành lập 17 tổ CNSCĐ với 121 người tham gia.

Trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập 1.482 tổ CNSCĐ cấp xóm, 151 tổ CNSCĐ cấp xã với gần 13.000 thành viên. Đây là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo CĐS các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân ứng dụng CĐS trong sản xuất, tiêu thụ nông sản cũng trở thành một trong những hướng đi chiến lược tại tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, kết nối cung - cầu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Điển hình là ngày 28/10/2024, tại lễ ra mắt thử nghiệm sàn thương mại điện tử (TMĐT) Nông sản Bưu điện do Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức, sản phẩm cam Cao Phong của tỉnh đã được chọn giới thiệu đến doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chỉ trong 2 ngày, hơn 5,2 tấn cam được tiêu thụ, khẳng định sức hút của sản phẩm nông sản địa phương khi được đưa lên sàn TMĐT.

Nhờ sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh và sự vào cuộc của các ngành chức năng, chương trình phát triển TMĐT giai đoạn 2021 - 2025 đã tạo chuyển biến rõ nét. Đến nay, trên 30% tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã tham gia các sàn TMĐT Postmart.vn, Voso.vn, Sendo.vn và hoabinhtrade.gov.vn để kinh doanh các sản phẩm nông sản như trà, miến, mật ong, dưa chuột, cao cà gai leo, măng muối… Hơn 80% doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện giao dịch TMĐT, nhiều doanh nghiệp đầu tư phần mềm chuyên ngành, xây dựng thương hiệu số và mở rộng thị trường. Đáng chú ý, nhiều nông dân đã nắm bắt cơ hội, tham gia TMĐT và mạng xã hội để trực tiếp bán sản phẩm. Các cấp Hội Nông dân hướng dẫn hàng nghìn hội viên tạo tài khoản và đăng tải gần 3.300 sản phẩm lên các sàn TMĐT. Nhờ đó, gần 1.300 tấn nông sản được tiêu thụ trong 5 năm qua, góp phần giảm tình trạng tồn đọng vào mùa vụ.

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP, với 47 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, được đưa lên các sàn TMĐT lớn như Sendo, Lazada, Shopee và cả nền tảng quốc tế. Đồng thời, việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc giúp nâng cao uy tín, niềm tin của người tiêu dùng đối với nông sản Hòa Bình. CĐS đang từng bước thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp Hòa Bình, giúp nông dân chủ động tiếp cận thị trường hiện đại, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

Khi chữ ký số thay cho con dấu đỏ

Đồng chí Bùi Đức Nam, Giám đốc Sở KH&CN, Phó trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh cho biết: Thời gian qua, ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng, Nhà nước có bước tiến rõ rệt, nhiều sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tích cực đầu tư, hiện đại hóa nền hành chính công. Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (ICT Index) của tỉnh đạt mức trung bình của cả nước. Hạ tầng viễn thông được triển khai đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu CĐS. Hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các đơn vị được đầu tư theo đúng quy hoạch, đi đôi với việc tăng cường nguồn nhân lực CNTT phục vụ công tác điều hành, chuyên môn, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp.

CĐS đã từng bước thay đổi phương thức làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nghiệp theo hướng khoa học, hiệu quả, hiện đại. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của CĐS ngày càng được nâng cao. Đến nay, hệ thống quản lý văn bản và điều hành tại tỉnh Hòa Bình triển khai tới 100% cơ quan hành chính nhà nước ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Các cơ quan nhà nước xử lý văn bản điện tử hoàn toàn trên môi trường mạng, qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành, đồng thời thực hiện ký số văn bản điện tử, liên thông gửi lên trục liên thông quốc gia. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh duy trì hoạt động ổn định, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước được cấp hộp thư điện tử công vụ phục vụ trao đổi công việc mở rộng. Trên 13.000 tài khoản thư điện tử đã được cấp cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong trao đổi công việc đạt trên 50%.

Cổng thông tin điện tử của tỉnh tại địa chỉ http://hoabinh.gov.vn gồm 1 cổng chính và 181 trang thông tin điện tử thành viên (20 sở, ban, ngành; 10 UBND cấp huyện và 151 xã, phường, thị trấn) thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin theo đúng quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KHCN, thời gian qua, hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đạt kết quả quan trọng, trình độ KH&CN ngày càng được nâng lên. Năm 2024, tỷ trọng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 40%, Chỉ số PII (Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương) xếp thứ 44 trên cả nước. Hạ tầng số với 100% xã được đầu tư internet cáp quang, tỷ lệ phủ sóng di động 4G theo diện tích và khu dân cư trên 96%. Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt trên 85%, kết quả đánh giá chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp các năm thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Kết quả chỉ số CĐS tỉnh Hòa Bình xếp hạng thứ 42 cả nước.

(Còn nữa)


Hương Lan

Các tin khác


Thực hiện loạt nghị quyết chuyên đề ở huyện Lạc Sơn - Tạo đột phá từ thách thức: Bài 4 - Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy

Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lạc Sơn đã ban hành 9 nghị quyết chuyên đề, trong đó có 6 nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực kinh tế, 1 nghị quyết về công tác cán bộ và 2 nghị quyết về lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Được biết, huyện nằm trong số ít địa phương trong tỉnh xây dựng loạt nghị quyết chuyên đề nhằm tăng cường lãnh đạo các mặt công tác.

Đánh thức lợi thế kinh tế rừng: Bài 2 - Trồng rừng gỗ lớn hướng tới nâng cao chuỗi giá trị ngành lâm nghiệp

Nhằm đánh thức tiềm năng, lợi thế rừng, ngày 30/7/2020, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hoà Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó đề ra mục tiêu duy trì độ che phủ rừng hàng năm trên 50%, có 3 nghìn ha rừng trồng gỗ lớn, nhỏ được chuyển hoá sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Sau gần 5 năm triển khai Nghị quyết, không chỉ diện tích rừng trồng gỗ lớn tăng lên đáng kể mà tư duy nhận thức của người dân về trồng rừng gỗ lớn ngày càng rõ nét, mang lại sinh kế cho người trồng rừng.

Đánh thức lợi thế kinh tế rừng: Bài 1: Rừng - Nguồn lực, lợi thế cạnh tranh của tỉnh Hoà Bình

Có diện tích rừng lớn và độ che phủ cao, Hoà Bình được đánh giá là địa phương nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế rừng. Trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền tỉnh Hoà Bình đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy bền vững giá trị của rừng. Trong đó, mục tiêu lớn nhất là tạo sinh kế vững chắc và tiến tới làm giàu cho người dân từ rừng.

Thực hiện loạt nghị quyết chuyên đề ở huyện Lạc Sơn - Tạo đột phá từ thách thức: Bài 3 - “cú hích” để nông nghiệp, nông thôn chuyển động

Dồn điền, đổi thửa (DĐ, ĐT) và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có ý nghĩa quan trọng đối với nông nghiệp, nông thôn. Tại huyện Lạc Sơn, mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch của tỉnh, của địa phương, nhưng kết quả đạt được còn hạn chế. Tại thời điểm đầu năm 2023, trên địa bàn mới có 3 xã triển khai công tác DĐ, ĐT, 10 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao. Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU, ngày 7/4/2023 về DĐ, ĐT và phát triển sản phẩm OCOP.

Thực hiện loạt nghị quyết chuyên đề ở huyện Lạc Sơn - Tạo đột phá từ thách thức: Bài 2 - Khơi dậy, phát huy bản sắc văn hóa trong cộng đồng Mường Vang

Quá trình tiếp biến và giao thoa về kinh tế, văn hóa, một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một. Để tạo điểm nhấn trong thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy Lạc Sơn đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU, ngày 20/12/2021 về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn huyện.

Thực hiện loạt nghị quyết chuyên đề ở huyện Lạc Sơn - Tạo đột phá từ thách thức: Bài 1 - Bứt khỏi “vùng trũng” thu hút đầu tư

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với các giải pháp, bước đi phù hợp, Huyện ủy Lạc Sơn ban hành loạt nghị quyết chuyên đề nhằm thúc đẩy thực hiện các đột phá chiến lược, đồng thời góp phần tạo chuyển biến sắc nét, toàn diện cho bức tranh kinh tế - xã hội của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục