Cồng chiêng không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống của người Mường.

Cồng chiêng không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống của người Mường.

Bài 2: Giữ gìn di sản văn hóa cho dân tộc

(HBĐT) - Không gian văn hóa cồng chiêng Mường đã khẳng định được giá trị qua chiều dài lịch sử phát triển nhưng lại đang có nguy cơ bị mai một không chỉ ở số lượng mà cả về số bài chiêng và các nghệ nhân biết đánh chiêng giai điệu. Những giá trị văn hóa cồng chiêng quý giá đó cần được bảo tồn và phát huy bản sắc trong công cuộc đổi mới và phát triển.

 

Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt nhìn thấy một em bé gái mới chỉ học lớp 3 mà mê chiêng và đánh chiêng điêu luyện đến vậy. Đôi tay em mềm mại gõ từng nhịp và cùng các bạn tấu lên bản nhạc chiêng đón khách khiến ai cũng phải mê mẩn - Đó là câu chuyện của anh Bùi Tú Cao, Trưởng phòng NVVH (Sở VH-TT&DL) khi đi điền dã thực tế điều tra, khảo sát về cồng chiêng tại xã Kim Bình (Kim Bôi). Đôi mắt anh cũng lấp lánh niềm vui khi nghe chúng tôi kể về câu chuyện giữ chiêng của mế Bùi Thị Thin ở xóm Rú 5, xã Xuân Phong (Cao Phong). Trải qua bao giai đoạn khó khăn trong cuộc sống, gia đình mế vẫn giữ được vẹn nguyên một bộ chiêng cổ gồm 12 chiếc. Mế quan niệm, giữ lấy cồng chiêng là giữ hồn dân tộc, là giữ lấy người bạn tri kỷ. Vậy nhưng không phải ai, bản Mường nào cũng giữ được chiêng và biết đánh chiêng đúng bài. Những năm đầu thế kỷ XX, người Mường tỉnh ta còn giữ được trên 1 vạn chiếc chiêng với hàng trăm bộ chiêng. Nhưng đến khi đi điền dã ở huyện Tân  Lạc, Lạc Sơn năm 1990, chúng tôi đã tận mắt thấy, nghe nhiều người kể rằng, từ năm 1976, vì túng thiếu, nhiều gia đình đã bán cồng chiêng với giá rẻ như bèo. Người mua đồng nát đã đập vụn từng chiếc rồi bỏ vào bao tải mang đi. Sau năm 1990, kho tàng cồng chiêng tiếp tục bị chảy máu, trong đó, mất nhiều nhất là những chiếc chiêng cổ quý giá mà không còn nơi nào đúc nữa - đó là những dòng ghi lại trong báo cáo số liệu điều tra số lượng cồng chiêng Mường của Sở VH-TT&DL.

 

Ngay cả đến bây giờ, khi phong trào khôi phục, gìn giữ cồng chiêng đã được tuyên truyền và đi vào cuộc sống thì ở một số ít gia đình, những chiếc cồng chiêng cuối cùng đã bị bán đi. Mới đây, trong chuyến công tác lên các xã vùng cao huyện Tân Lạc những tháng giáp hạt, chúng tôi chứng kiến cảnh to tiếng trong một gia đình khi đứa cháu nội gọi bán chiêng để đổi lấy chiếc đầu quay đĩa nhưng bố, mế muốn giữ lại. Nguy cơ mai một cồng chiêng còn thể hiện ở số người biết đánh chiêng giai điệu rất ít mà chủ yếu là ở lứa tuổi trung niên, người già, giới trẻ chỉ biết khầm theo tiết tấu dàn chiêng. Một số bản nhạc chiêng cổ cũng bị mai một, lãng quên hoặc bị xé ra rồi phát triển làm biến dạng vốn âm nhạc đặc sắc quý giá của dân tộc. Nhiều nghệ nhân già qua đời mang theo cả kho tàng di sản văn hoá cồng chiêng mà khó phục hồi được.

 

Anh Bùi Tú Cao cũng như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian khác cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của sự mai một là do sự chuyển đổi hình thái KT-XH, tập quán sản xuất, môi trường sống; sự bùng nổ dân số, CNTT - truyền thông và các loại hình giải trí mới xâm nhập. Mặt khác, sự lãnh đạo, quản lý giá trị văn hóa cồng chiêng đôi khi ở một số nơi bị buông lỏng. Các nhà quản lý chưa nhận thức đầy đủ những giá trị và ảnh hưởng của không gian văn hóa cồng chiêng với cộng đồng. Do đó, thiếu sự đầu tư tương xứng để sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy, góp phần vào sự phát triển KT-XH của địa phương.

 

Để cồng chiêng Mường không bị biến chất, hòa nhập trong dòng chảy của thời đại mới nhưng vẫn phải giữ được bản sắc riêng của mình, Sở VH-TT&DL đã đưa ra nhiều biện pháp bảo tồn trên cơ sở đường lối của Đảng thông qua việc thực hiện Nghị quyết T.ư 5 (khóa VIII) về Phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Trước hết, các cấp cần có sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư cho công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa cồng chiêng để toàn dân làm tốt việc giữ gìn, kế thừa. Phát triển các lễ hội cổ truyền; tổ chức tổng kiểm kê, khảo sát, sưu tầm các làn điệu cồng chiêng cổ trên quan điểm có chọn lọc, kế thừa. Từ đó đề ra nhiệm vụ, phương hướng ứng dụng vào công cuộc phát triển KT-XH. Đầu tư nâng cao nội dung và giá trị không gian văn hóa cồng chiêng ở 4 vùng Bi, Vang, Thàng, Động để làm điểm cho phát triển chung trong tỉnh. Theo ông Bùi Hồng Toán, Chủ tịch UBND xã Xuân Phong (Cao Phong), nơi còn giữ được nhiều cồng chiêng nhất trong tỉnh với 247 chiếc thì phải nâng cao lòng tự hào dân tộc. Chỉ khi nào mỗi người dân trong cộng đồng đều nhận thức được việc giữ gìn những giá trị truyền thống như cồng chiêng là trách nhiệm của mình thì mới đạt kết quả. Mất đi bản sắc, bị ngoại lai coi như mất tất cả. Dù chưa phải là xã giàu về kinh tế nhưng Xuân Phong giàu bản sắc văn hóa và mỗi người dân đều phấn khởi khi giữ được chiêng, biết đánh chiêng và tự hào là người dân tộc Mường.

 

Nhờ cách làm sáng tạo của một số địa phương và nỗ lực của ngành VH-TT&DL, không gian văn hóa cồng chiêng Mường đang được bảo tồn và phát huy giá trị. Theo số liệu điều tra năm 2010, toàn tỉnh có 5.023 gia đình còn lưu giữ cồng chiêng với số lượng 9.960 chiếc. Điều đáng mừng là so với số liệu kiểm kê năm 1995 - 1996, số lượng cồng chiêng đã tăng lên gấp 2 lần. Xuất hiện một số nghệ nhân tâm huyết, tình nguyện truyền dạy cách đánh chiêng cho thế hệ trẻ như Đinh Kiều Dung, Nguyễn Văn Thực... Kế hoạch tổ chức Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh Hòa Bình hội tụ hàng ngàn chiếc chiêng cũng đã được xây dựng đúng dịp kỷ niệm 125 năm ngày thành lập tỉnh (1886 - 2011); 20 năm tái lập tỉnh (1991 - 2011). Đây là những tín hiệu vui cho sự kế tục, khôi phục và trường tồn của không gian văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh trên con đường đổi mới.

 

                                                                              Cẩm Lệ

 

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục