Giải thưởng “Sao Thần Nông” của T.ư HND Việt Nam trao tặng chính là sự ghi nhận cho những việc làm vì người nghèo của Nguyễn Cao Kỳ trong thời gian qua.

Giải thưởng “Sao Thần Nông” của T.ư HND Việt Nam trao tặng chính là sự ghi nhận cho những việc làm vì người nghèo của Nguyễn Cao Kỳ trong thời gian qua.

(HBĐT) - Có một điều đặc biệt, nghề chính của gã không phải làm nông nghiệp nhưng những người dân nghèo ở xã Phú Thành và cả huyện Lạc Thủy vẫn coi gã như một “thần nông”. Điều đó đã được minh chứng và khẳng định bởi giải thưởng “Sao Thần Nông” mà gã là một trong số rất ít người ở tỉnh được trao tặng: Gã là Nguyễn Cao Kỳ ở xóm Rị, xã Phú Thành (Lạc Thủy).

 

Chuyện về ông chủ "ngân hàng"... bò

 

Tính ra, từ năm 1995 đến nay, số trâu, bò mà Nguyễn Cao Kỳ cho những người nghèo trong toàn huyện Lạc Thủy và địa bàn lân cận cũng phải lên đến gần... 300 con. Đó cũng chỉ là con số mà gã mới sơ sơ nhẩm tính bởi theo cái triết lý của gã: Những thứ mình đã cho người nghèo thì tính toán làm gì. Cho được bao nhiêu, giúp được càng nhiều người càng quý bấy nhiêu.

 

       

       

Không chỉ giúp người dân thoát nghèo, Nguyễn Cao Kỳ còn mạnh dạn đầu tư cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Lạc Thủy chăn nuôi trâu, bò theo hướng làm giàu. ảnh: Đàn bò của gia đình anh Bùi Văn Phiếu, xóm Đừng, xã Đồng Môn do Nguyễn Cao Kỳ đầu tư vốn, giống.

 

Nghe ra cũng có lý! Gọi Nguyễn Cao Kỳ là “gã”, xin đừng hiểu lầm chúng tôi có ý miệt thị. Trái lại, ở đây vẫn là một sự tôn trọng. Nó phù hợp với tính cách thẳng thắn nhiều khi đến mức ngang tàng của người đàn ông đã từng lăn lộn với đời trong cuộc mưu sinh từ thuở hàn vi khốn khó.

 

Sinh năm Mậu Thân 1968, đến nay đã ngoài 40 tuổi. Cái tuổi đã làm cho con người ta trở nên cương nghị, cứng rắn và quyết đoán. Cái tuổi đã cho con người ta nếm đủ đắng cay, mặn ngọt ở đời. Cái tuổi mà theo sách “tử vi tướng số”, đối với người đàn ông, cuộc đời, sự nghiệp dường như đã viên mãn. Vậy nhưng với gã thì chưa vì gã vẫn còn nhiều tâm nguyện, còn muốn giúp thêm nhiều người nữa có điều kiện để thoát nghèo. Bởi gã cũng đã từng nghèo nên càng thấu hiểu những cơ cực, gánh nặng trên đôi vai người nghèo. Chả thế gần hai chục năm qua, có đồng nào gã lại dồn vào giúp những người dân nghèo mà cái cách gã giúp những người dân nghèo kể cũng lạ và hiếm thấy. Gã bảo: Thực tế, tôi chỉ có vài chục mét đất để ở chứ chẳng có lấy một thước đất mà thả con gà. Nhưng tính ra tôi là người có nhiều trâu, bò nhất huyện Lạc Thủy. Tưởng gã đùa! Gã cười xòa: Tất cả trâu, bò của tôi đều ở trong dân!

 

Gốc gác vốn ở Mỹ Đức (Hà Nội). Gia đình gã cũng thuộc tầng lớp cơ bản. Bố là bác sỹ, mẹ làm ruộng. Tuy không giàu nhưng cũng có bát ăn, bát để nên 24 tuổi gã mới bắt đầu cuộc sống tự lập. Đầu tiên, ra Hà Nội làm thuê cho một lò bánh mỳ, sau chuyển sang làm công cho một lò mổ trâu,  bò. Được cái nết chịu thương, chịu khó nên ông chủ quý mến, coi như em. ở đây, vừa được học nghề, gã vừa được truyền bí quyết làm giàu. Gã cởi mở: Gọi là bí quyết cho to chứ thực ra cũng chỉ đơn giản là làm bất cứ cái gì cũng phải có cái tâm và trọng chữ tín.

 

Đến năm 1994, chán cảnh làm thuê nơi phố sá phồn hoa, vợ chồng gã về quê ở xóm Rị, xã Phú Thành chuyển nghề buôn trâu, bò. Về quê, vợ chạy chợ với mớ rau, củ sắn. Còn gã rong ruổi khắp huyện tìm mua trâu, bò. Nghe ở đâu có người muốn bán, gã có mặt. Khi có lưng vốn, gã tính mua trâu, bò về cho người trong xóm nuôi rẽ. “Ngân hàng” bò của gã được hình thành từ đó. Gã đầu tư giống, hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng - chống bệnh tật cho trâu, bò. Nếu chẳng may trâu, bò chết. Gã chịu tất. Làm ăn với gã, người dân bỏ công, gã bỏ của và chịu mọi rủi ro. Khi trâu, bò đẻ, gã được một nửa, người nuôi được một nửa. Thường thì gã nhường cho người nuôi lấy trước, gã lấy sau. Nhiều khi gã cũng chẳng lấy mà cho luôn người nuôi, nếu họ gặp khó khăn. Thêm một điều đặc biệt, những người nhận nuôi trâu, bò cho gã chủ yếu là những người nghèo. Gã chia sẻ: Thực tình, tớ cũng chỉ muốn cho người nghèo nuôi.   

 

Tặng dân 300 con trâu, bò

 

Với cách nghĩ, cách làm đó nên suốt từ năm 1995 đến nay, thấy ai bán trâu, bò gã lại mua về mang cho người nghèo nuôi. Có nhiều trường hợp khốn khó phải bán trâu, bò để trả nợ, gã mua rồi để lại cho người ta nuôi rẽ.

 

Chẳng có sổ sách nào ghi chép lại. Đến giờ, gã cũng chỉ ang áng mình có khoảng gần 200 con trâu, bò. Thời điểm nhiều nhất cũng có đến gần 300 con. Tất cả đều ở trong dân. Còn số trâu, bò đã cho dân, có hỏi gã cũng chỉ ước chừng trên dưới... 300 con. Trong số gần 200 con trâu, bò hiện nay, mỗi năm có khoảng từ 70 - 80 con đẻ, thậm chí còn nhiều hơn nữa. Theo giao ước, gã một nửa, người nuôi được hưởng một nửa. Như vậy, trung bình mỗi năm, số trâu, bò gã cho người dân không dưới 30 con. Kể cũng lạ, suốt hơn chục năm trời dắt trâu, bò cho người khác nuôi, gã chẳng cần đến một tờ khế ước nào. Dân cũng vậy, chưa có một ai ký vào giấy biên nhận trâu, bò của gã cho dù không ít người nhận nuôi của gã hàng chục con. Với cách làm đó, Nguyễn Cao Kỳ đã mở hướng thoát nghèo cho dân. Nhờ gã mà đến giờ ở Lạc Thủy đã có nhiều hộ thoát nghèo. Gã bảo: Cái mà tôi cho người dân không phải chỉ là một con trâu, bò mà điều tôi mong muốn là từ sự hợp tác này sẽ giúp họ tự vươn lên thoát nghèo.

 

Anh Lại Văn Thể ở xóm Tân Lâm, xã Phú Thành chia sẻ: Hiện giờ, gia đình tôi có 18 con bò, trong đó có 8 con bò mẹ là của anh Kỳ cho nuôi rẽ. Qua 2 năm nuôi bò, đời sống gia đình tôi cũng đã khá hơn trước nhiều. Từ nuôi bò, gia đình cũng đã mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền, con cái có điều kiện được học hành đến nơi, đến chốn. Chị Mầu Thị Thu ở xóm Thung Trâm, xã Hưng Thi cho biết: Trước, gia đình tôi cũng nghèo khó đủ đường, nhưng được sự giúp đỡ của anh Kỳ cho nuôi rẽ bò nên đời sống, kinh tế gia đình cũng đã khá lên nhiều. Từ ngôi nhà tranh vách đất, vợ chồng tôi đã xây được nhà cấp 4 vững chãi, mua sắm được nhiều vật dụng như ti vi, xem máy. Hiện nay, gia đình còn 5 con bò, trong đó, con mẹ của anh Kỳ, 4 con còn lại là phần của gia đình sau khi chia cho anh Kỳ.

 

Không chỉ gia đình anh Thể, chị Thu mà ở Lạc Thủy còn có hàng chục hộ gia đình nghèo, khó khăn đã được Nguyễn Cao Kỳ hỗ trợ trâu, bò theo hình thức nuôi rẽ. ở xóm Thung Trâm, xã Hưng Thi, có thời điểm cả xóm có đến 46/86 hộ tham gia nuôi rẽ trâu, bò với Nguyễn Cao Kỳ. Nhờ đó đã có nhiều gia đình ở đây thoát nghèo, xoá được nhà tạm.

 

Không chỉ giúp người dân thoát nghèo, Nguyễn Cao Kỳ còn mạnh dạn đầu tư cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Lạc Thủy chăn nuôi trâu, bò theo hướng làm giàu như gia đình anh Bùi Văn Phiếu ở xóm Đừng, xã Đồng Môn; Bùi Văn Hợi ở thôn Liên Phú II, xã An Lạc. Hiện tại, mỗi gia đình đang có hàng chục con trâu, bò, trong đó, một phần vốn giống là của Nguyễn Cao Kỳ. Anh Phiếu cho biết: năm 2006, gia đình tôi được anh Kỳ đầu tư cho 6 con bò, 2 con trâu. Đến nay, đàn trâu, bò đã phát triển lên gấp 4, 5 lần. Mình chẳng có vốn nhưng được sự giúp đỡ, đầu tư như thế này thì cũng không khó để có cuộc sống đủ đầy. Điều đó cũng đã được chứng minh ở gia đình anh Bùi Văn Hợi. Ngoài bò mẹ, hiện nay, trong chuồng của gia đình anh lúc nào cũng có hơn chục con. Anh Hợi cho biết: Thời điểm nhiều nhất, đàn bò của gia đình lên đến 24 - 25 con, bán đi cũng nhiều rồi. Tất cả vật dụng, đồ dùng đắt tiền trong nhà đều từ bò mà ra.

 

Có thể nói, cái tâm, cái ý luôn hướng về người nghèo nên suy nghĩ của gã cũng thật bình dị như chính con người của gã vậy: Càng giúp đỡ được nhiều người khó khăn hơn mình, tôi càng cảm thấy mình hạnh phúc.

 

Giải thưởng “Sao Thần Nông” gã được T.Ư HND Việt Nam trao tặng chính là minh chứng rõ nhất cho điều đó.  

 

 

                                                                                Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục