Nhiều hộ ở Thung Dao (Tú Sơn - Kim Bôi) cung ứng dịch vụ, bao tiêu nông sản cho nông dân.

Nhiều hộ ở Thung Dao (Tú Sơn - Kim Bôi) cung ứng dịch vụ, bao tiêu nông sản cho nông dân.

(HBĐT) - Trong cộng đồng các dân tộc tỉnh ta, về dân số, dân tộc Dao xếp sau các dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày. Vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, một bộ phận người Dao xa lạ với cụm từ ĐC-ĐC mà lang thang, trôi dạt từ đỉnh núi cao này tới cánh rừng khác. Để ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc Dao, Đảng và Nhà nước ta đã có chính sách, giải pháp phù hợp để cộng đồng này an cư, lạc nghiệp; tạo điều kiện để họ tiếp cận với KH-KT, vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Sau 20 năm tái lập tỉnh, trong ngôi nhà Hoà Bình, trên 40 thôn, bản người Dao trên địa bàn tỉnh cũng đã khẳng định được mình trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

 

Bản Thung Dao... nơi “Thung Rếch - con đường tình yêu…" 

 

Lần theo câu hát của một nhạc sĩ Hòa Bình “Thung Rếch - con đường tình yêu”, chúng tôi đã đến Thung Dao của đồng bào Dao xã Tú Sơn (Kim Bôi). Mùa này, sương mù chỉ còn vương trên những đỉnh núi phía xa. Ngược đường về Thung Dao, thỉnh thoảng lại có vài chiếc xe tải chở ngô xuôi dốc. Vừa thu hoạch ngô xong nên xóm bản rộn ràng cân đong, mua bán. Bản Thung Dao hiện lên trong nắng sớm. Những ngôi nhà mái bằng kiên cố nằm giữa những vườn mía, dong riềng đang độ lớn; hoa dong riềng đỏ rực góc vườn. Bí thư chi bộ Dương Tài Dũng cho biết: Vụ ngô xuân vừa rồi, Thung Dao được mùa, năng suất cao nhất từ trước đến nay (khoảng gần 10 tấn/ha). Cả xóm có 38 ha ngô. Trong số 38 hộ với 218 nhân khẩu, có 10% số hộ thu được từ 18-20 tấn ngô, 75% số hộ khác cũng có từ 10-17 tấn. Nhiều nhất là gia đình anh Lý Văn Kim      thu được 21 tấn. Các gia đình khác như: Lý Sinh Sơn, Phùng Sinh Toàn cũng được trên 18 tấn. Với giá 4,4 triệu đồng/tấn như hiện nay, nhiều gia đình có thêm của ăn, của để. Anh cho biết thêm: Nhân khánh thành NVH thôn, bản trị giá 248 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng, còn lại bà con chung sức đóng góp, đồng bào Dao vừa tổ chức  kỷ niệm 45 năm hình thành và phát triểncủa Thung Dao (1966-2011).

 

Câu chuyện về Thung Dao được bắt đầu từ hình ảnh người Dao ở khá nhiều nơi trong tỉnh về định cư tại đây. Những khó khăn ban đầu, cuộc sống cách biệt với bên ngoài (đường đi lại, điều kiện sinh sống, làm ăn). Trong số 28 hộ ban đầu đã có nhiều hộ ra đi vì không đủ sức chịu đựng. Gia đình anh Dũng cũng đã 3 lần đi thăm đường, tìm đất mới. Cuộc sống quẩn quanh, tự sản, tự tiêu đã hé lộ nét sáng khi năm 1992-1993 có con đường mới được nối về bản. Những sự giao thoa, sự tiếp cận với kiến thức KH-KT mới cùng công cuộc chuyển dịch cơ cấu cây trồng kết hợp với kỹ thuật thâm canh, sản xuất hàng hóa (cây ngô, mía nguyên liệu, mía tím khoảng gần 30 ha) đã đem lại sinh khí mới cho Thung Dao. Người dân yên tâm bám trụ xây dựng cuộc sống mới, nhiều hộ đã phấn đấu trở thành gia đình văn hoá, điển hình về phát triển kinh tế. Từ năm 1991, đồng bào Thung Dao đã chấm dứt cảnh thiếu ăn. Bản đã xoá được tình trạng nhà tạm, gần 87% số hộ có nhà xây kiên cố, 100% số hộ có tivi. Cả bản đi lại, giao thương bằng xe máy, xe ô tô (có trên 70 xe máy, ô tô). Theo tiêu chí mới, Thung Dao còn 6 hộ thuộc diện hộ nghèo. Nhiều hộ đã đứng ra làm dịch vụ phân bón, giống và bao tiêu sản phẩm nông sản cho bà con. Con đường làm ăn, phát triển KT-XH của Thung Dao là hình ảnh khá tiêu biểu cho đồng bào Dao ở Kim Bôi nói riêng và các bản làng khác trong tỉnh nói chung. Đó là sự tiếp nối và  phát triển của “Gió Hạ Sơn”, xã Tú Sơn (Kim Bôi); xóm Rãnh, xã Toàn Sơn, xóm Mạ, Mít, xã Tu Lý (Đà Bắc); Tiến Lâm, xã Bắc Phong (Cao Phong); xóm Khuôi, phường Thái Bình (TPHB)…

  

Chung tay vì xóm, bản bình yên

 

Trong 11 huyện, thành phố, huyện Đà Bắc có số bản, làng người Dao nhiều nhất với 20 xóm, bản ở 12 xã, thị trấn. Các bản, làng người Dao phân tán ở các vùng: trung tâm huyện, vùng cao và vùng lòng hồ sông Đà... Trong nhiều năm qua, cùng với các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và mặt trận, lực lượng công an huyện Đà Bắc đã gắn bó với các xóm, bản làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; phát động cộng đồng các dân tộc tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”. Thượng tá Nguyễn Thiên Lý, Phó trưởng CA huyện Đà Bắc chia sẻ: Nhìn tổng thể, an ninh nông thôn ở các xóm có đồng bào Dao ở Đà Bắc sinh sống đều không có điều gì nổi cộm; không có vấn đề phức tạp liên quan đến dân tộc, tôn giáo. ở cộng đồng dân tộc Dao cũng ít liên quan tới tệ nạn nghiện hút ma tuý. Dẫu còn đâu đó những hạn chế nhưng lớn hơn tất cả, đồng bào Dao đoàn kết, cộng đồng cùng với đồng bào các dân tộc khác trên địa bàn cùng chung sức xây dựng quê hương. Nhiều năm qua, tại mỗi xóm, bản vai trò của trưởng bản, trưởng họ tộc, người cao tuổi, cán bộ dân tộc Dao được phát huy. Uy tín của họ đã tác động mạnh tới giáo dục ý thức thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới con cháu, dòng họ, xóm - bản. Nhiều điển hình được đánh giá cao như các ông: Bàn Văn Thân, xóm Dướng, xã Vầy Nưa; Đặng Văn Bình, xóm Phủ, Triệu Dương Tiến, xóm Rãnh, xã Toàn Sơn; Lý Văn Huây, xóm Mít, xã Tu Lý. Người Dao xóm Tằm ở xã Cao Sơn thực hiện tốt công tác phòng, chống ma tuý, từng được dựng thành phóng sự truyền hình về đề tài ANTT. Một số xóm bản ở Tân Pheo, Giáp Đắt đã bỏ qua những mâu mắc (như từng xảy ra chuyện thả trâu, bò phá hoại sản xuất, trâu - bò bị chém) tích cực tham gia cụm an ninh liên xóm, liên xã. Nhiều cuộc họp dân trong cụm do Công an huyện và các cấp chính quyền ở cơ sở tổ chức, người dân được đóng góp ý kiến cùng các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác an ninh nông thôn tại xóm, bản. Nội dung các hương ước, quy ước của các xóm bản đã bám sát hơn với tình hình phát triển KT-XH, AN-TT của địa phương. Cũng vì thế, ý thức pháp luật của người dân được củng cố, sự tham gia của người dân được thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Trước đây, chính đồng bào Dao ở Vầy Nưa đã có các động thái tích cực (như nộp băng đĩa) tuyên truyền về đạo Tin lành bằng tiếng Dao cho cơ quan bảo vệ pháp luật... Các công an viên ngưởi Dao như Triệu Văn Toàn, xóm Phủ - xã Toàn Sơn; Bàn Văn Tiến, Lý Văn Tài - xã Cao Sơn; Bàn Văn Khánh - xã Vầy Nưa cũng đang là hạt nhân tích cực, gắn bó cộng đồng cùng đồng bào mình giữ vững bình yên thôn, bản. Hiện nay, cùng với lực lượng công an huyện và các cấp, các ngành ở địa phương, lực lượng công an viên đang làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thực hiện một số nhiệm vụ có tính thời sự như: giao nộp, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, phòng - chống cháy rừng, bảo vệ rừng... Đội trưởng Trần Đình Thi (Đội an ninh Công an huyện Đà Bắc) cho rằng, chúng tôi từng đến với 100% xóm, bản của huyện thấy đồng bào Dao hôm nay có ý thức trong phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”. Nếu có sự quan tâm, chăm lo hơn của các cấp, ngành, bước phát triển về KT-XH, chất lượng an ninh nông thôn ở các xóm, bản người Dao chắc chắn có thêm bước tiến mới.    

  

 

                                                                              Văn Tưởng

 

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục