Với 5.000 m2 đất trồng mía tím, mỗi năm đã đem lại cho gia đình  Đinh Văn Hải ở xóm chùa, xã Tử Nê (Tân Lạc) hơn 40 triệu đồng.

Với 5.000 m2 đất trồng mía tím, mỗi năm đã đem lại cho gia đình Đinh Văn Hải ở xóm chùa, xã Tử Nê (Tân Lạc) hơn 40 triệu đồng.

(HBĐT) - Thay cho ánh mắt đờ đẫn, vô hồn là sự tinh nhanh hoạt bát. Lấp đầy những cơn ngáp vặt là nụ cười trẻ trung, mãn nguyện. Quả thực, nếu không được ông Trần Trọng Viên, Chủ tịch Hội CCB, kiêm đội trưởng đội hoạt động xã hội tình nguyện xã Tử Nê (Tân Lạc) nói trước thì chắc chắn chúng tôi không thể biết rằng người đàn ông ngồi trước mặt đã từng là một con nghiện “có số có má” không chỉ ở xóm Chùa mà còn là một trong những con nghiện có thâm niên nhất của huyện Tân Lạc.

 

Tuổi nghiện lớn hơn... tuổi con

 

Nếu không vướng bước ma túy, có lẽ Đinh Văn Hải đã trở thành một tay lãng tử phong trần và tài hoa bởi lẽ theo những người gần gũi thì Đinh Văn Hải có nhiều tài lẻ. Đặc biệt là cái tài cầm, ca mà đã được nhiều người thừa nhận từ rất sớm. Với cái tài ấy, hồi trẻ, thậm chí cả trong những năm tháng lầm lỡ, sa ngã vào vũng bùn ma túy, Đinh Văn Hải vẫn luôn là cây văn nghệ chủ lực trong phong trào văn hóa, văn nghệ của xóm Chùa. Như để minh chứng cho điều đó, người đàn ông này đã ôm đàn cất tiếng hát, lời hát tự nhiên như chim rừng hót, như suối róc rách  chảy. Bài hát đó do chính Đinh Văn Hải tự sáng tác như tâm sự về chính cuộc đời chìm nổi  của mình...

 

Còn nhớ những năm  1988-1989 rộ lên phong trào đi đào vàng đã kéo những chàng trai như Hải từ đồng ruộng lam lũ lên khắp các bãi vàng nơi rừng núi hoang vu mịt mùng với ảo ảnh về sự xa hoa, hào nhoáng. Khi ấy, Đinh Văn Hải mới vừa tròn 20 tuổi. Hết bãi vàng Thung Bu (Lạc Sơn) rồi lại đến các bãi vàng ở Thái Nguyên, Na Rì (Bắc Kạn) rồi đến các bãi vàng ở Quảng Nam - Đà Nẵng... Nơi nào có vàng là nơi đó có dấu chân của Đinh Văn Hải với cái thế của kẻ chỉ còn biết bấu víu vào ảo ảnh về sự xa hoa phú quý, sang giàu và những cơn vật vã đói thuốc. Cứ vậy, thời gian làm bạn với ma túy của Đinh Văn Hải triền miên từ năm này qua năm khác. Kể cả khi đã lấy vợ, sinh con rồi biết bao lần quyết tâm từ bỏ nhưng thứ ma dược ấy vẫn cứ như những chiếc rễ của loài cây cổ thụ ăn sâu, bám chắc vào trong mỗi thớ thịt và cả trong suy nghĩ của Đinh Văn Hải. Theo nhẩm tính của người đàn ông này, đến giờ đã có đến 3 mặt con nhưng ngay cả đứa lớn nhất, tuổi đời cũng còn kém xa tuổi... nghiện của bố chúng.

 

Thế nhưng, không giống như những con thiêu thân chỉ biết lao mình vào lửa. Đinh Văn Hải đã tìm được nẻo về tươi sáng từ trong bóng tối mịt mùng để bắt đầu làm lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng.  

 

Nẻo về tươi sáng    

       

Chị Bùi Thị Kính, vợ Đinh Văn Hải trải lòng: Quãng thời gian trước, cuộc sống của mẹ con tôi cơ cực không biết như thế nào mà kể. Vợ có chồng, con có cha mà vẫn như không. Mọi việc nặng nhẹ đều một vai mình gánh vác. Đã vậy mà có được yên đâu, nay ông ấy bán con lợn, mai lại dắt con trâu đi bán. Đến cả những cái xoong, nồi, nói chung, tất cả những thứ gì có thể quy ra thuốc đều theo ông ấy đi cả. Sản nghiệp của gia đình chỉ là căn nhà tranh vách đất xiêu vẹo nắng chói, mưa dầm. Lúc ông ấy tỉnh táo còn đỡ cơ cực. Nhưng khi lên cơn đói thuốc dù cho mẹ con tôi có van, có lạy thì ông ấy vẫn phải lấy bằng được thứ gì đó đi bán để lấy tiền mua thuốc. Có thể không có cơm để ăn nhưng thuốc thì không thể thiếu... Ngồi nghe vợ kể tội, người chồng, người cha ấy chỉ bẽn lẽn cười ngượng nghịu.

 

Để từ bỏ ma túy, Đinh Văn Hải đã chọn cho mình con đường cơ cực. Sau những lần được đưa vào Trung tâm CB - GD - LĐXH tỉnh, Đinh Văn Hải đã nghiệm ra một điều: Nếu không quyết tâm từ bỏ ma túy thì chẳng có con đường nào khác. Tự mình vượt qua những cơn vật vã, tự mình rèn mình bằng lao động, bằng ý chí và quyết tâm cao nhất. Sau khi được chữa trị, cắt cơn trở về với cộng đồng, xã hội, Đinh Văn Hải đã đoạn tuyệt và bước chân ra khỏi tất cả mối quan hệ xã hội phức tạp vốn có. Ròng rã suốt 28 ngày đêm không thể chợp mắt được một phút nào. Cứ nằm xuống, trong đầu lại hiện ra nỗi ám ảnh về quãng đời lầm lạc,  phiêu du, mụ mị, vật vã của những cơn nghiện...

 

Có thể nói, chính từ sự quyết tâm trở lại cùng với sự giúp đỡ, động viên của gia đình, cộng đồng xã hội đã làm cho Đinh Văn Hải tỉnh ngộ trở về với nẻo sáng. Được sự giúp đỡ của địa phương, gia đình Đinh Văn Hải được vay vốn tín chấp để phát triển kinh tế gia đình, từng bước ổn định đời sống. Hiện nay, ngoài 5.000 m2 đất trồng mía tím trồng xen với khoai sọ, đậu, lạc, mỗi năm đem lại nguồn thu hơn 40 triệu đồng/năm, gia đình Đinh Văn Hải còn mở rộng đầu tư chăn nuôi trâu. Cái chuồng bò rỗng tuếch, rỗng toác ngày nào giờ lúc nào cũng lốc cốc tiếng cọ sừng của 4 con trâu béo mượt. Hạnh phúc hơn khi những cô con gái đã dần trưởng thành. Hiện giờ, cô con gái lớn đã trở thành cô giáo mầm non mẫu mực.

 

Sau những sóng gió cuộc đời, “con nghiện” Đinh Văn Hải ngày nào đã tự mình vượt qua những khó khăn, chông gai để đang thênh thang bước trên lối về bình yên trong niềm hạnh phúc để trở về gánh vác trách nhiệm trụ cột gia đình vốn đã trống trải từ khi 2 vợ chồng kết mối lương duyên.

 

Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục