Hiện nay, việc dạy và học chữ Thái đã thu hút được đông đảo cán bộ, nhân dân huyện Mai Châu tham gia. Trong ảnh: Cuộc thi viết và đọc chữ Thái Việt Nam tại lễ hội Xên Mường năm 2011.

Hiện nay, việc dạy và học chữ Thái đã thu hút được đông đảo cán bộ, nhân dân huyện Mai Châu tham gia. Trong ảnh: Cuộc thi viết và đọc chữ Thái Việt Nam tại lễ hội Xên Mường năm 2011.

(HBĐT) - Giữa cuộc sống hối hả với bao sức hút của những luồng văn hóa mới, nơi thung lũng mờ sương Mai Châu vẫn có những con người bình dị ngày đêm miệt mài, say sưa với nét chữ Thái truyền thống. Với họ, nếu mất đi tiếng nói và chữ viết của dân tộc, chẳng khác nào đã đánh mất chính sự tồn tại của dân tộc mình.

 

Nặng lòng cùng con chữ

 

Năm nay đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Khà Văn Tiến, xóm Nghẹ, xã Vạn Mai còn nặng lòng lắm với nền văn hóa Thái mà ở đó luôn có sự suy tư, trăn trở làm sao khôi phục được chữ viết để hiểu sâu hơn giá trị văn hóa phong phú, đa dạng của dân tộc. Chính vì vậy, 50 năm đeo đuổi nghiên cứu văn hóa Thái là từng ấy năm ông tranh thủ thời gian học tập, nghiên cứu và truyền thụ việc đọc, viết, dịch chữ Thái cổ cho thế hệ cháu con.

 

Bên ấm chè nồng ấm, ông thả hồn nhớ về thời xa xưa: Sinh ra trong một gia đình có vai vế thời phong kiến. Đời ông nội ông được xã hội tôn sùng là ông xứ nhà Mường. Là con cháu nhà dòng dõi phải biết đọc, biết viết nên hơn 10 tuổi, Khà Văn Tiến đã được ông nội dạy cho những nét, âm điệu đầu tiên của chữ Thái cổ. Vừa dạy chữ, vừa được nghe ông kể chuyện sinh đất, lập mường rồi đọc những câu ca, thành ngữ từ các cuốn văn tự cổ mang đậm tính răn đe, giáo dục đạo lý làm người đã khiến Khà Văn Tiến ngày càng say mê học chữ. Năm 1956, đi công tác vào ngành văn hóa, ông được phân công nghiên cứu văn hóa Thái. Với suy nghĩ: muốn làm tốt công việc được giao thì phải hiểu rõ phong tục tập quán, nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Muốn vậy không gì bằng đọc thông, viết thạo chữ Thái để nghiên cứu kho tàng văn hóa đồ sộ qua những áng văn tự cổ. Do đó, ông lại tranh thủ thời gian học sâu, học kỹ hệ thống ngữ âm, ký tự. ông cũng luôn vui sướng khi được mang kiến thức mình có truyền thụ lại cho những ai có tâm muốn học chữ Thái.

 

Một đời tâm huyết với văn hóa Thái, hôm nay, ông Khà Văn Tiến còn canh cánh một mong ước: Giá như tại những trụ sở, nơi sinh hoạt cộng đồng của dân tộc Thái, trên mỗi biển hiệu hay những băng rôn, khẩu hiệu đều được viết song song chữ quốc ngữ và chữ Thái sẽ góp phần giáo dục, nhắc nhở cán bộ, nhân dân biết trân trọng, giữ gìn giá trị văn hóa quý báu của dân tộc.

 

Cùng một tâm nguyện muốn lưu truyền và phát triển vốn chữ Thái trong cuộc sống hôm nay nên mặc dù còn bận rộn với bao công việc của cơ quan, gia đình, song ông Vì Văn Dấng, Phó Trạm KN-KL huyện Mai Châu vẫn dành công sức tìm hiểu ngôn ngữ, những nguyên âm, phụ âm, âm vực và một số ký tự khó phân biệt khi viết chữ Thái Mai Châu để góp phần cùng các nhà nghiên cứu chữ Thái trong và ngoài tỉnh hoàn thiện bộ giáo trình dạy chữ Thái Việt Nam. Không những thế, từ năm 2004 đến nay, ông luôn cần mẫn tham gia tổ chức các lớp học và trực tiếp giảng dạy 3 lớp học chữ Thái cho cán bộ, nhân dân. 

 

Ông Dấng tâm sự: Trong cuộc sống hiện đại, nhiều phong tục tập quán của người Thái bị mai một, nhất là trong ma chay, cưới hỏi và một số lễ nghi trong đời sống tinh thần đã pha trộn với văn hóa dân tộc khác. Từ nhận định một dân tộc muốn phát triển phải bảo tồn và phát triển được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. ở đó, ngôn ngữ và chữ viết có vai trò to lớn trong phản ánh, giữ gìn bản sắc văn hóa. Vì vậy, nếu làm tốt việc bảo tồn và phát triển chữ Thái sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT   XH huyện Mai Châu mà điểm nhấn là góp phần phát triển du lịch cộng đồng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra.

 

Gần 10 năm trăn trở đưa chữ Thái đi vào đời sống cộng đồng, ông Vì Văn Dấng không chỉ đóng vai trò là người thầy, là tuyên truyền viên tích cực khi tham gia viết cuốn sách được dịch ra tiếng Thái và sao in thành băng đĩa tuyên truyền đến người dân về hiệu quả của trồng rừng, tác hại khi chặt phá rừng là một trong những nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu sẽ tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân. ông cũng tham gia viết bài về phong tục, tập quán của người Thái Mai Châu để tuyên truyền sâu rộng đến từng bản, làng.

 

Đánh thức hồn chữ Thái

 

Theo ông Hà Việt Thùa, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, chữ của dân tộc Thái được hình thành và phát triển từ thế kỷ XI (ở Mai Châu vào thời Tạo Xuông, Tạo Ngần). Trải qua bao biến cố của lịch sử vẫn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác đa dạng và phong phú. Do có sự phân chia cát cứ địa lý và cách phát âm của mỗi vùng miền nên đã có 8 bộ chữ Thái khác nhau tồn tại ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơ La, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.Với những cuốn sách cổ viết trên giấy dó bằng bút lông đã thể hiện nhiều tác phẩm nổi tiếng mang tính nhân văn sâu sắc cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị như: Xống chụ xôn xao, Khua Tỏng  Nàng Nị, Khua Lù  Nàng ủa, Trạng Nguyên, những áng mo dài về tín ngưỡng, tâm linh người Thái... Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chữ Thái đã góp phần vào viết truyền đơn, in ấn tài liệu cách mạng vận động đồng bào vùng dân tộc Thái hăng hái tham gia kháng chiến.

 

Bộ chữ Thái ghi nhận và phản ánh đầy đủ về tư tưởng, tình cảm, tâm hồn trong sáng của người dân tộc Thái cũng như phản ánh các hoạt động lao động sản xuất, văn hóa nghệ thuật, đấu tranh chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm, sinh hoạt của con người trong xã hội. Những thập kỷ trước đây, ở huyện Mai Châu không có trường, lớp dạy học chữ Thái. Việc lưu truyền chỉ qua hình thức cha ông truyền lại cho con cháu, do đó đã bị mai một. Toàn huyện có khoảng 5,3 vạn dân, người Thái chiếm  65% dân số nhưng hiện tại, số người còn biết đọc, biết viết chữ Thái không nhiều.

 

Thực hiện NQT.ư 5 (khóa XIII) về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, trong đó, khuyến khích thế hệ các DTTS học tập, hiểu biết và sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Tại các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện Mai Châu lần thứ XXI, XXII, XIII đã đưa vào nghị quyết việc Dạy và học chữ Thái. HĐND huyện cũng có Nghị quyết số 02 ngày 20/9/2000 về công tác GD-ĐT có ghi rõ: Hàng năm, mở các lớp dạy và học chữ Thái cho cán bộ, nhân dân của các cơ quan, các xã, thị trấn có nhu cầu. Nhất là cán bộ quản lý thuộc ngành văn hóa để bảo tồn, duy trì và phát triển Từ khi có chủ trương, định hướng của cấp ủy, chính quyền, mỗi năm, huyện Mai Châu đã dành một phần kinh phí từ 10 - 20 triệu đồng để thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, qua sự giúp đỡ của Trung tâm Vì sự phát triển bền vững miền núi, huyện đã cử đội ngũ cán bộ tâm huyết tích cực tham gia các cuộc hội thảo được tổ chức ở trong và ngoài huyện cũng như tham gia nghiên cứu, biên soạn hoàn thiện bộ giáo trình dạy chữ Thái thống nhất để có thể hòa nhập và giao lưu với các tỉnh có đồng bào dân tộc Thái sinh sống.

 

Ông Lò Văn Tuấn, Trưởng phòng VH-TT huyện chia sẻ: Thực hiện Nghị quyết số 02 của HĐND huyện, đến nay, huyện đã phối hợp với một số đơn vị mở gần 10 lớp dạy và học chữ Thái, trong đó có 3 lớp dạy chữ Thái cổ và các lớp dạy chữ Thái Việt Nam thống nhất. Điều đáng nói là tuy mỗi lớp mở tại một xã nhưng các lớp học thường thu hút nhiều cán bộ, nhân dân ở những xã khác tham gia. Đặc biệt, những lớp học đó có không ít người là cán bộ chủ chốt của huyện, xã, cán bộ các ngành từ tỉnh đến huyện là người dân tộc Kinh, Dao, Mường yêu quý văn hóa Thái. Bên cạnh đó, huyện đã thành lập và duy trì hoạt động CLB Bảo tồn và phát triển văn hóa Thái Mai Châu. Theo đó, ngoài việc khôi phục vốn văn hóa cổ truyền về văn học nghệ thuật, mục tiêu hoạt động của CLB còn là dạy học chữ Thái.

 

Dạy và học chữ Thái đang từng bước đi vào cuộc sống cộng đồng được đông đảo nhân dân huyện Mai Châu đón nhận. Tại cuộc khảo sát gần đây cho thấy, toàn huyện có 17 xã cán bộ, nhân dân có nhu cầu học chữ Thái. Trong hội Xên Mường năm 2011, lần đầu tiên BTC đưa phần thi đọc và viết chữ Thái Việt Nam vào là nội dung quan trọng của lễ hội đã đạt được kết quả ngoài sự mong đợi về sự hiểu biết cũng như số người tham gia thi, lượng người tới động viên, cổ vũ. Dự kiến trong thời gian tới, huyện sẽ đưa việc dạy và học chữ Thái vào giảng dạy tại trường PTDTNT huyện đúng như Hiến pháp năm 1992 đã ghi: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình…”.

 

 

                                                                                Hoàng Nga

 

 

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục