Ông Bùi Đắc Quang – Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tùng là người đầu tiên phát hiện, nhân giống thành công thảo dược giảo cổ lam trên đất Hòa Bình.

Ông Bùi Đắc Quang – Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tùng là người đầu tiên phát hiện, nhân giống thành công thảo dược giảo cổ lam trên đất Hòa Bình.

(HBĐT) - Người ta gọi ông là “ông vua “giảo cổ lam, báo chí ca ngợi ông làm rạng danh xứ Mường, tò mò, tôi đã ngược dốc Tày Măng tìm đến xã Tu Lý – Đà Bắc để được gặp ông. Khác với mỹ từ "ông vua”, Bùi Đắc Quang, Giám đốc công ty TNHH Hoàng Tùng - người làm nên thương hiệu giảo cổ lam Ba Tri nổi tiếng thực tế là một CCB đã cống hiến hết những năm tháng tuổi trẻ cho chiến trường và với ông, tìm được giảo cổ lam đơn giản đó là cơ duyên trời ban và ông làm tất cả cũng chỉ muốn tri ân cuộc đời.

 

Hành trình tìm cây thuốc quý

 

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đà Bắc nghèo khó, tuổi trẻ của ông là những năm tháng chiến đấu ở chiến trường B5. Những trận đánh ác liệt, những cánh rừng xác xơ lá do chất độc hoá học của Mỹ không chỉ lấy đi một phần sức khoẻ mà còn để lại di chứng trên hai cậu con trai nhỏ của ông. Năm 2000, sau khi đã cống hiến nửa đời người cho quân ngũ, ông trở về làm “người lính” trên trận tuyến kinh tế để gây dựng cuộc sống, ổn định gia đình. Với vốn tri thức học được trong quân ngũ và với tâm huyết của người lính, ông dồn toàn bộ số tiền tích cóp được để đầu tư cho nông dân nghèo thực hiện dự án phát triển vùng nguyên liệu gấc ngay tại quê mình. Dự án đổ bể, ông trắng tay cũng chính lúc đó, bệnh tật, di chứng của chiến tranh bắt đầu hành hạ ông. Mỡ máu cao, tiểu đường tuýp II rồi vôi hoá tuyến tùng và vôi hoá đám rối mạch mạc 2 thất (não) khiến ông bị liệt nửa người, cơ thể chỉ còn da bọc xương. Nói là điều trị nhưng chính bản thân ông cũng không tin mình sẽ bình phục. Trong lúc bi quan, ông dùng một loại thực phẩm chức năng được chiết xuất từ thảo dược giảo cổ lam và thật bất ngờ ông thấy cơ thể mình bắt đầu có dấu hiệu hồi phục dần. Quá mừng rỡ, ông nghĩ, nếu dùng giảo cổ lam trực tiếp thì khả năng chữa bệnh sẽ tốt hơn. Tìm đọc sách, báo ông được biết, giảo cổ lam hay còn gọi là cỏ trường sinh, ngũ diệp sâm… chỉ mọc ở các vùng núi đá vôi, độ cao từ 600 – 2.000 m. Ở Việt Nam, giảo cổ lam chỉ tìm thấy trên dãy Hoàng Liên Sơn Sa Pa của Lào Cai. “ Với độ cao như vậy, tôi nghĩ núi rừng Đà Bắc khó có giảo cổ lam nhưng đọc sách được biết, các dãy núi đá vôi của Hòa Bình cũng nằm trong hệ dãy Hoàng Liên Sơn nên cũng tồn tại khả năng di thực do mưa lũ hoặc muông thú’. Ông Quang lý giải cho quyết định táo bạo đi tìm giảo cổ lam của mình. Quyết định như vậy nhưng hành trình lặn lội khắp núi rừng Đà Bắc tìm loại cỏ thần kỳ đã không ít lần khiến ông Quang suýt mất mạng. Tuy nhiên, vất vả nhất vẫn là quá trình thẩm định lá giảo cổ lam. “Ngày đó, cứ mỗi lần tìm thấy được một loại lá mình nghi là giảo cổ lam, tôi lại tức tốc đi xe máy về Hà Nội để gặp các chuyên gia ngành dược. Không có tiền lại đi về trong ngày nên có hai thứ mà tôi luôn phải “thủ sẵn” trong người là bánh mỳ và nước khoáng. Nước khoáng treo ở yếm xe, bánh mỳ đút trong áo, cứ vừa đi đường, vừa ăn như vậy. Vất vả nhưng cứ mỗi lần thất bại, được nghe các chuyên gia nói chuyện, tôi càng say mê với loài thảo dược này và quyết tâm đi tìm’. Ông Quang kể.

 

Tri ân cuộc đời.

 

Ông Quang xem việc mình tìm ra cây giảo cổ lam trên đất Hoà Bình như một duyên trời ban. Ông tâm sự: “Tôi rất biết ơn các chuyên gia ngành dược đã giúp tôi phân định loại cỏ thần kỳ này, đặc biệt là GS - TS Phạm Thanh Kỳ - nguyên hiệu trưởng trường ĐH Dược Hà Nội, ông là người đầu tiên nghiên cứu về loại giảo cổ lam ở Sa Pa năm 1997. Chính ông đã nhận làm cố vấn khoa học cho tôi sản xuất trà giảo cổ lam. Tâm huyết của ông là muốn giữ giảo cổ lam sống mãi với người Việt”.  Chính vì tâm huyết của thầy Kỳ nên một lần nữa ông Quang lại trăn trở bảo vệ nguồn gen quý này. Thực tế, khi giảo cổ lam được phát hiện, người ta bắt đầu tận thu và để có được nguyên liệu, nhiều người đã tìm cách di thực nó về vườn nhà nhưng chính lúc này dược tính của cây cũng mất đi, vì cũng như con gấu hay chiếc dạ dày nhím, giảo cổ lam chỉ có thể là cỏ thần kỳ khi nó được sống đúng nơi nó sinh ra, giữa thiên nhiên, đất trời. Bài học đó đã giúp ông đưa ra một quyết định táo bạo nhân giống giảo cổ lam ở vườn nhà rồi lại trả giảo cổ lam về với rừng. Ông đang nghiên cứu để xây dựng dự án phát triển vùng nguyên liệu giảo cổ lam ngay trên đỉnh Ba Tri do chính là con dân tộc ở đây thực hiện. Như vậy vừa giúp người dân phát triển kinh tế, vừa bảo vệ được rừng. “Đó  cũng là một cách để tôi tri ân với núi rừng Ba Tri”. Ông Quang tâm sự.

 

Không chỉ tìm kiếm cơ hội xóa đói - giảm nghèo cho người dân quê mình bằng dự án giảo cổ lam, trước đây và bây giờ cũng vậy, cứ mỗi lần mang sản phẩm đi giao cho khách hàng ông đều chuẩn bị sẵn những gói trà giảo cổ lam khoảng 1 g để biếu cho những người có nhu cầu muốn uống thử. Không những vậy, chỉ cần một cuộc điện thoại gọi điện đến muốn uống thử loại trà này ông cũng đều gửi cho từ 1 – 2 g mà không biết người đó là ai. Lý giải cho cách làm đó, ông cho biết: đó không đơn thuần là kinh doanh để quảng bá mà ngay chính bản thân tôi khi dùng giảo cổ lam thấy sức khỏe ngày càng cải thiện. Đó là cơ sở để tôi tin và muốn giới thiệu giảo cổ lam tới tất cả mọi người. Ông còn cam kết: với các cụ cao tuổi, những đồng đội, những người nghèo, nếu mắc các bệnh mà giảo cổ lam chữa nếu đến với tôi, tôi sẽ biếu trà để uống thử.  

 

Hiện nay, ông Bùi Đắc Quang đang chuẩn bị cho hợp đồng để khẩu giảo cổ lam Ba Tri sang châu Âu để sản xuất thuốc viên nén Curpennin có tác dụng giảm mỡ máu. Ông phấn khởi “Nếu có thêm cơ hội, sản phẩm từ giảo cổ lam sẽ đa dạng hơn và nguyên liệu cần nhiều hơn. Tôi sẽ cung cấp giống để bà con trồng, như vậy sẽ có vùng nguyên liệu mà bà con cũng sẽ có hướng đi giảm nghèo bền vững”.  Bận rộn với nhiều dự án nhưng với ông Quang, có lẽ hạnh phúc nhất vẫn là được đón những người lính, những người đồng đội đến với ông, đến với giảo cổ lam. Bởi như chính ông tâm sự: giảo cổ lam như điều may mắn mà tôi có được, tôi muốn chia sẻ điều may mắn đó với tất cả mọi người, bởi may mắn nhân lên, nỗi đau vơi bớt.

                                                                              

                                                                          Phương Linh

 

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục