Ông Vi Xuân Đức, Chủ tịch UBND xã Mai Hạ chỉ cho chúng tôi biết vị trí của Đồng Uống xưa, giờ đã thành diện tích đất canh tác của người dân.

Ông Vi Xuân Đức, Chủ tịch UBND xã Mai Hạ chỉ cho chúng tôi biết vị trí của Đồng Uống xưa, giờ đã thành diện tích đất canh tác của người dân.

(HBĐT) - Chỉ đến khi được nghe ông Khà Phúc Dằng, Bí thư Huyện ủy Mai Châu khẳng định: "Những vụ thảm sát xảy ra liên tiếp ở đồn Đồng Uống (xã Mai Hạ) do giặc Pháp lập trong những năm 1947 - 1949 làm khoảng hơn 100 người dân Mai Châu, Thanh Hóa và các tỉnh lân cận bị giết",  chúng tôi mới dám tin đó là sự thật.

 

Những mảnh vỡ ký ức

Đến Mai Châu nhiều, hầu như nơi nào tôi cũng đã từng đặt chân tới. Nhưng có lẽ câu chuyện về những vụ thảm sát ở đồn Đồng Uống của ông  Vi Xuân Đức, Chủ tịch UBND xã Mai Hạ đã thực sự làm chúng tôi bất ngờ. Bất ngờ là bởi câu chuyện đó đến giờ chỉ còn rất ít người biết và nhớ.  Sau hơn 60 năm nhưng không có một dòng chữ nào ghi lại tội ác của những kẻ giết người man rợ. Chúng tôi còn bất ngờ cả với những trăn trở của ông Chủ tịch xã có nét mặt khắc khổ nhưng hay cười này. ông bảo: Sắp mãn nhiệm rồi! Kể ra chẳng có điều gì để tiếc nuối. Nhưng thú thực, bây giờ tớ chỉ mong được cấp trên quan tâm đầu tư cho xây dựng khu tưởng niệm những người bị giặc pháp giết ở đồn Đồng Uống. Huyện, xã và nhân dân ủng hộ lắm. Trước đây, chúng tôi còn mời cả họa sỹ về thiết kế, phác họa phù điêu, lập đề án xây dựng khu tưởng niệm. Nhưng chẳng hiểu sao đến giờ nó lại bị... chết yểu. Khu đất của đồn Đồng Uống xưa giờ vẫn còn lại những dấu vết cũ. Cứ như thế này rồi cũng sẽ mất.

 

Ông Chủ tịch xã bật dậy bước nhanh về phía tủ hồ sơ, đôi tay thoăn thoắt lần giở, ánh mắt đăm chiêu sục tìm. Dễ phải đến gần 10 phút, khuôn mặt ông mới giãn nở nụ cười. Tôi thấy trên tay ông là xấp tài liệu mỏng, cũ kỹ và hoen ố những vết mực. Có lẽ nó đã được ghi chép từ lâu bởi một người chẳng mấy khi cầm bút. Nét chữ còn ngượng nghịu. Đây là bản tự khai của một người từng đi lính cho Pháp. Cũng là người trực tiếp cầm súng tham gia bắn giết đồng bào mình ở đồn Đồng Uống thời kỳ những năm 1947 - 1949, đưa cho chúng tôi xấp tài liệu cũ, giọng ông Chủ tịch xã nghẹn lại. Đón xấp tài liệu cũ từ tay ông với nét chữ xiêu vẹo trên nền giấy cũ nhưng cũng không khó để đọc những dòng đầu tiên: “Tôi tên là Khà Văn Loan ở xóm Nghẹ, xã Vạn Mai... Năm 1947, tôi đi lính cho Pháp đóng ở đồn Đồng Uống... Trong thời gian đi lính cho Pháp ở đồn Đồng Uống từ năm 1947 - 1949, tôi đã tham gia bắn giết những người bị coi là Việt Minh  bị bắt và đưa về đây... Trong khoảng thời gian đóng đồn ở Đồng Uống đã có khoảng hơn 100 người nghi là Việt Minh bị bắn giết”. Với chúng tôi, những con chữ như nhảy múa trên trang giấy ố vàng kể về một thời đau thương ở mảnh đất này. ông Chủ tịch UBND xã Mai Hạ Vi Xuân Đức nói như nghẹn: Ông ấy chết rồi, cách đây 2 năm! Như không để chúng tôi thất vọng, ông nói tiếp: Tuy ông ấy chết rồi nhưng hiện nay ở Mai Hạ và cả ở Mai Châu vẫn còn có nhân chứng sống được chứng kiến những vụ bắn giết dã man của giặc Pháp, tay sai ở đồn Đồng Uống. Nói rồi, ông phăm phăm dẫn chúng tôi đến nhà ông Hà Công Biên, năm nay đã 71 tuổi ở xóm Chiềng Hạ (Mai Hạ). Thời điểm ấy, ông cụ móm mém ngồi trước mặt chúng tôi mới 9 tuổi. Cái tuổi đủ để thấy và hằn vào trong ký ức cảnh đồng bào mình bị bắn giết một cách man rợ. Hồi ấy, chính mắt cụ Biên đã từng được chứng kiến lính tây ở đồn Đồng Uống bắn giết liền lúc cả chục người. Sau một hồi nhẩm đếm, ông lão mới run run: Vì nhà gần, lại là trẻ con, chúng tôi hay chơi ở gần đồn nên thỉnh thoảng cũng được chứng kiến cảnh bắn giết. Số bị giết mà tôi được thấy vào khoảng... 30 người. Họ đều bị quy là Việt Minh.

 

Ngoài ông Hà Công Biên còn có cụ Hà Trọng Sinh ở xóm Lọng, xã Vạn Mai, nguyên Bí thư Huyện ủy Mai Châu và ông Hà Công Bảy ở xóm Hịch I, xã Mai Hịch cũng là những người được chứng kiến, biết rõ về những cảnh bắn giết dã man ở đồn Đồng Uống cách đây hơn 60 năm trước. Từ Mai Hạ, lần theo những cái tên và những dấu vết mịt mùng mà ông Hà Công Biên chắt gạn, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình đi tìm, ghép lại những mảnh vỡ ký ức của những người còn sống cuối cùng được chứng kiến, trải qua những đau thương.

 

Đồng Uống - Ký ức những ngày đẫm máu

 

Đồn Đồng Uống được lập năm 1947 nhằm án ngữ tuyến đường 15 huyết mạch nối giữa vùng đồng bằng với vùng Tây Bắc. Với vị trí chiến lược đó, ngoài lập đồn, thực dân Pháp còn xây dựng sân bay dã chiến ở đây. Cụ Hà Công Biên còn nhớ: Trong khoảng thời gian 2 năm tồn tại của đồn Đồng Uống, quân Pháp và bè lũ tay sai triệt để thực hiện chính sách tìm và diệt. Chúng thường xuyên đi càn quét bắt bộ đội, du kích về giam ở đồn. Thường thì chúng chỉ giam giữ một vài ngày rồi lại mang ra bắn. Mỗi lần bắn dăm, bảy người một lượt ấy chứ! Lần nào nhiều cũng phải đến cả chục người. Chúng nó ác lắm. Đưa người ta từ trong nhà giam ra bắt tự đào huyệt rồi xếp hàng trên bờ hào. Còn binh lính thì cứ ở trong xả đạn. Người chết đổ luôn xuống hố đào sẵn.

 

Điều ấy cũng đã được chính ông Khà Văn Loan thuật lại trong những trang viết mà ông Vi Xuân Đức, Chủ tịch UBND xã Mai Hạ đưa cho chúng tôi. Không chỉ có vậy, theo như họa sỹ Mai Chí Tẩu, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh - người trước đây đã được huyện, xã mời về nghiên cứu triển khai đề án xây dựng khu tưởng niệm những người bị giặc Pháp giết ở đồn Đồng Uống, trong quá trình điền dã tìm hiểu, thu thập tài liệu, gặp nhiều nhân chứng sống, ông đã được họ kể cho nghe chuyện về những vụ thảm sát và những ngón đòn tra tấn tàn bạo tưởng như chỉ có ở thời trung cổ của binh lính ở đồn Đồng Uống.

 

Không chỉ có vậy, ông họa sỹ già còn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện mà theo như ông nói bây giờ lên Mai Châu mà hỏi thì chắc nhiều người còn nhớ. Đó là câu chuyện về một cụ già người dân tộc Thái bị binh lính ở đồn Đồng Uống nghi là Việt Minh. Chúng bắt, trói ông cụ, bỏ đói rồi phơi nắng dầm sương cho đến khi kiệt sức thì dùng... búa đánh cho đến chết.

 

Trao đổi với chúng tôi xung quanh câu chuyện về đồn Đồng Uống, ông Khà Phúc Dằng, Bí thư Huyện ủy Mai Châu đã khẳng định những vụ thảm sát ở đồn Đồng Uống thời kỳ 1947 - 1949 là câu chuyện hoàn toàn có thật. Ông cho biết: Thực tế từ những năm chưa tách tỉnh, huyện cũng đã tổ chức sưu tầm tư liệu để làm bia tưởng niệm, ghi lại chứng tích tội ác của giặc Pháp nhưng rồi cuối cùng cho đến giờ vẫn chưa thực hiện được. Trong số những người bị bắn giết ở đồn Đồng Uống có nhiều người là cán bộ Việt Minh hoạt động ở vùng Mai Châu, Thanh Hóa và thượng Lào như ông cụ thân sinh anh Hà Văn Tuấn, nguyên là Chủ tịch UBND huyện. Trước đây, trong sưu tầm tư liệu, chúng tôi cũng đã được gặp nhiều nhân chứng sống như ông Khà Văn Loan ở xóm Nghẹ, xã Vạn Mai và cả những người từng làm phu phen, tạp dịch ở đồn Đồng Uống. Theo như lời kể của ông Loan, từ khi đóng đồn từ tháng 7/1947 - 11/1949, binh lính ở đồn Đồng Uống đã giết hại khoảng 100 người. Trong đó, không chỉ riêng người ở Mai Châu, chúng còn mang ở những nơi khác đến. Thời kỳ đi sưu tầm tư liệu, chúng tôi còn được một bà cụ là người giã gạo cho binh lính đồn Đồng Uống kể lại là hầu như không có ngày nào vào làm phu dịch trong đồn là bà không chứng kiến cảnh bắn giết.

 

Trở lại câu chuyện với ông họa sỹ già Mai Chí Tẩu, như gặp được một người bạn tâm giao để trải lòng với những trăn trở và tâm nguyện còn dang dở, ông bảo: Bản thân tôi đã mất nhiều năm đi tìm hiểu vụ thảm sát ở đồn Đồng Uống. Cũng hiểu, trăn trở với ước nguyện, khát khao có một khu tưởng niệm để ghi nhớ những người bị giết hại và nói lên tội ác của thực dân Pháp khi xâm chiếm mảnh đất này của người dân Mai Châu... Bây giờ tôi cũng chỉ muốn làm sao xã, huyện đừng để dân lấn chiếm mất khu đất di tích đồn Đồng Uống. Nếu bây giờ chưa có đủ kinh phí để xây dựng khu tưởng niệm ghi lại tội ác của giặc Pháp xâm lược và tay sai cho xứng tầm với vị trí lịch sử thì cũng nên giữ lại mảnh đất đó.

 

Quả thật, lẽ nào cứ để cái tượng đài đau thương ấy mãi tồn tại trong tâm tưởng như những mảnh vỡ ghép lại thành một bức tranh đơn sắc về những ngày đẫm máu trong một giai đoạn lịch sử đen tối của Mai Châu?

 

 

                                                                                 Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục