Niềm vui của người dân xóm Rú 4, xã Xuân Phong (Cao Phong) khi được hưởng lợi từ con đường nông thôn mới.

Niềm vui của người dân xóm Rú 4, xã Xuân Phong (Cao Phong) khi được hưởng lợi từ con đường nông thôn mới.

(HBĐT) - Khó kể hết những gian nan mà người dân xóm Rú 4, Rú 5, Rú 6 và xóm Mừng của xã Xuân Phong (Cao Phong) nếm trải khi tuyến đường liên xóm trước đây đơn thuần đường đất, ngày nắng bụi lầm, ngày mưa trơn trượt, lầy lội. Nhiều đoạn dốc đã vậy theo chiều thẳng đứng, đá nhỏ, đá to lổn nhổn, xe đạp, xe máy, ô tô xuôi dốc đã khó, leo ngược càng khó hơn...

 

Hiến đất làm đường

 

Đầu năm 2011, được Đảng, Nhà nước quan tâm, huyện trích ngân sách đầu tư con đường liên xóm đã mở ra trước mắt. Không có khả năng đóng góp cùng với Nhà nước bằng vật chất, các xóm bàn nhau góp bằng công sức. Trước thời điểm thi công, có một vấn đề đặt ra là để đảm bảo quy cách, tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn sẽ phải đi qua nhiều đoạn đất thổ cư, đất ruộng của các hộ dân dọc tuyến. Một cuộc họp các hộ với sự có mặt của lãnh đạo UBND huyện, xã, trưởng khu và ban mặt trận, bí thư chi bộ, ban, ngành, đoàn thể xóm cùng nhà thầu đã được gấp rút triển khai nhằm tuyên truyền, vận động các hộ dân hiến đất để xây dựng đường. Từ sự thấu hiểu và thấm thía cảnh đường sá đi lại khó khăn, các hộ đã đồng thuận ủng hộ chủ trương. Cũng qua vận động, bà con ai ai cũng hiểu rằng để cuộc sống cộng đồng bớt nhọc nhằn cần có sự cống hiến của cá nhân hộ gia đình.

 

Cùng với quá trình tuyến đường được khởi công, 50 hộ dân các xóm Rú 4, Rú 5, Rú 6 (nhiều nhất là xóm Rú 4) đã vui vẻ hiến đất, không nhận đền bù với diện tích đất ruộng, đất thổ cư lên đến hơn 6.000 m2, bình quân mỗi hộ hiến từ 80 - 150 m2. Điển hình là hộ gia đình ông Bùi Quang Lảnh hiến hơn 300 m2 đất thổ cư, ông Bùi Văn Thiên hiến xấp xỉ 300 m2 đất thổ cư. Trường hợp bà Bùi Thị Thía - 68 tuổi động viên con, cháu tự nguyện cắt hơn 70 m2 đất ruộng để làm ngầm... Trong thời gian này, ngoài tham gia hiến đất, hộ dân các xóm còn tích cực đóng góp ngày công lao động vận chuyển vật liệu cho mở mới con đường mau chóng được hoàn thành.

 

Thênh thang đường mới

 

Sau 3 tháng gấp rút thi công, cuối tháng 5, con đường liên xóm đã hoàn thành, đi vào sử dụng, đáp ứng mong mỏi của cộng đồng dân cư nơi đây. Đường có phần nền rộng 4 m, dài 1,3 km, đặc biệt, kết cấu bê tông độ dày 20cm, lớp đá rải bên dưới dày 22cm, có cả hệ thống cống, rãnh thoát nước với tổng kinh phí Nhà nước đầu tư 3 tỷ đồng, phần đất do các hộ dân hiến ước gần 1 tỷ đồng. Các phương tiện cơ giới,  kể cả xe tải trọng lớn vẫn có thể lưu thông trên đường. Bà con các xóm càng phấn khởi, hân hoan bởi từ ngày có đường mới, việc đi lại, giao lưu hàng hóa, đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con thuận lợi hơn hẳn. Thay vì trước đây phải vận chuyển từng bao sắn, tải ngô xuống chợ bán lẻ, giờ tư thương chạy xe đến tận ruộng để thu mua. Giá cả cũng trở nên ổn định hơn, sản phẩm hàng hóa do nông dân làm ra đã không còn chịu cảnh bị tư thương ép giá.

 

Kể về đường mới xóm Rú, nét mặt ông Bùi Đức Nịnh, Chủ tịch HND xã Xuân Phong rặng rỡ hẳn lên: Từ ngày có đường, các hộ trồng mía chẳng phải lo nghĩ đầu ra nữa. Dạo trước, mía trắng (ép nước) giá bán tại vườn chỉ từ 2.400 - 2.600 đồng/cây nhưng nay đã là 3.500 - 3.800 đồng/cây. Như vụ rồi, gia đình ông trồng 5.000 m2 mía trắng, thu gần 2 vạn cây, bán với giá 3.500 đồng/cây, tổng thu gần 70 triệu đồng. Các hộ chăn nuôi cũng phấn chấn làm ăn bởi kể từ ngày đường sá đi lại tốt hơn, giá bán trâu, bò, lợn, gia cầm thương phẩm không thua kém là mấy so với các vùng có giao thông thuận lợi như ngoài xóm Bưng, xã Thu Phong hay thị trấn. ông Bùi Văn Dy, hộ chăn nuôi ở xóm Rú 4 cho biết: Trước đây, đường xấu, lái buôn vào bắt chỉ trả từ 30.000 - 32.000 đồng/kg lợn hơi, trong khi ở các nơi thuận tiện hơn trong vùng có giá từ 40.000 - 45.000 đồng/kg hơi. Còn hiện nay, thương lái vào xóm bắt lợn với giá từ 55.000 - 57.000 đồng/kg, như thế cũng ngang với mặt bằng giá mua ở Bưng và thị trấn rồi. Các loại nông sản sắn, dong riềng ngày trước rẻ, nay cũng mang về cho người trồng món tiền kha khá (1.300 đồng/kg sắn, 2.000 đồng/kg dong riềng).

 

Với bà con các xóm vùng 2, vùng 3 của xã Xuân Phong được hưởng lợi, con đường liên xóm Rú đã và đang tạo nên những thay đổi trong phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống vùng nông thôn. ông Hồ Xuân Dũng, Trưởng phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Cao Phong tâm đắc: So với đường cứng hóa thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm trước đây thường rộng từ  2 - 2,5 m, độ dày từ 12 - 15 cm, đây là con đường đầu tiên trên địa bàn huyện được xây  dựng đúng với tiêu chí đường nông thôn mới.

 

 

Bùi Minh

 

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục