Người dân Nước Ruộng đã quan tâm hơn tới đời sống tinh thần, sức khoẻ.

Người dân Nước Ruộng đã quan tâm hơn tới đời sống tinh thần, sức khoẻ.

(HBĐT) - Nếu lên bản Nước Ruộng, xã Nam Thượng (Kim Bôi) vài năm trước, chẳng mấy ai khỏi chạnh lòng về một “cổng trời” với những thứ không như: không điện, không đường, không trường… Nước Ruộng ngày đó gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Tưởng như cái đói, nghèo cứ đeo bám lấy người dân nhưng hôm nay khi trở lại, chúng tôi được chứng kiến những bước chuyển mình, người dân Nước Ruộng đã biết vươn lên làm kinh tế để thoát nghèo, thoát dần khỏi cuộc sống lam lũ xưa kia .

 

Những ký ức buồn.

 

Theo con đường mới mở, qua hơn nửa tiếng đồng hồ, cổng trời dần hiện ra trước mắt chúng tôi, càng gần chạm cổng trời, đường càng trở nên khó đi hơn. Từ trên nhìn xuống bản, thấp thoáng những mái nhà yên bình nằm nép mình, ẩn hiện sau những làn khói trắng. Đón chúng tôi, trường bản Bùi Văn Xiêm hồ hởi nói như khoe: Nước Ruộng nay khác rồi, nhà nào cũng có xe máy, nuôi nhiều lợn, dê, cuộc sống của bà con dần no ấm rồi. Qua một hồi nói chuyện vui vẻ, trưởng xóm Xiêm kể cho chúng tôi những ký ức buồn của người dân Nước Ruộng. Anh kể, khoảng chục năm trở về trước, Nước Ruộng gần như biệt lập với mọi hoạt động bên ngoài dù chỉ cách UBND xã chưa đầy 5 km. Khi đó, con đường vào xóm chỉ là lối nhỏ vắt ngang lên tận đỉnh núi, có việc gì cần ra ngoài chỉ có cách đi bộ từ hôm trước. Từ trước đến nay, con đường vào Nước Ruộng vẫn luôn được liệt vào con đường khó đi nhất của huyện. Cách đây khoảng chục năm, muốn vào đây, người ta phải bỏ xe lại rồi băng rừng, vượt núi mà vào. Không chỉ có thế, hàng đêm, người dân Nước Ruộng vẫn sống leo lét trong ánh đèn dầu. Hướng mắt về phía ánh sáng bên ngoài mà mơ ước. Không có đường, không có điện, trẻ em không buồn đi học, tối về lại ngủ, chúng không chịu học bằng đèn dầu. Năm 2008, cả bản Nước Ruộng mới chỉ có hơn mười em học đến THPT, chưa có ai học đại học, cao đẳng. Mỗi khi có người đau ốm, việc đưa người bệnh đến cơ sở y tế rất khó khăn, vì vậy, hủ tục lạc hậu mời thầy cúng bái, đuổi ma trừ bệnh cũng do đó mà ra.

 

Anh Xiêm cho biết, cả xóm hiện có 89 hộ với hơn 30 ha đất sản xuất lúa, ngô. Trước kia, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, việc đốt rừng làm rẫy còn diễn ra, kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp nên lương thực chỉ đủ cho từ 3 - 4 tháng trong năm, còn lại là thiếu đói triền miên. Từ khi Chương trình 30a của Chính phủ với những chính sách giúp giảm nghèo được đưa vào cuộc sống, đồng bào đã biết bảo vệ rừng, tăng gia sản xuất, trẻ em đã được học cái chữ từ những cô giáo người Kinh lên đây cắm bản. Như thế  đói làm sao được.

 

Ánh sáng và con đường hạnh phúc

Về Nước Ruộng hôm nay, không còn bắt gặp hình ảnh người dân phải xắn quần lội bùn mỗi khi trời mưa bởi con đường nhầy nhụa, thay vào đó là con đường bê tông đã được rải từ đầu làng đến cuối xóm. Người Nước Ruộng giờ có thể tự hào, lạc quan hơn về một cuộc sống tươi đẹp hơn, bởi đã qua rồi cái thời người dân phải men theo triền núi để ra trung tâm xã mỗi khi có việc. Anh Xiêm, Trưởng bản nhớ lại: Hơn chục năm trước, thấy làng xóm mình khổ quá, đến con đường cũng không có mà đi. Lúc bấy giờ cả bản có 56 hộ dân, mọi người bảo nhau đóng góp mỗi hộ 400.000 đồng để thuê máy mở đường, hàng nghìn ngày công cũng đã được đổ ra, ấy thế mà cũng chỉ ra hình một lối mòn chứ cũng không dám gọi là đường. Mười năm sau, tức năm 2006, con đường được mở rộng theo Chương trình 135, đến năm 2008, con đường lại được làm giai đoạn 2 mới vào đến tận bản như bây giờ. Con đường của sự sống ấm no, hạnh phúc được mở, việc đi lại cũng dễ dàng hơn nhiều so với trước. Bây giờ, xe máy, ô tô có thể vào tận nơi để thu mua, trao đổi, nhờ đó, cuộc sống của bà con nơi đây đã thay đổi nhiều. Có đường mới, bà con càng hăng hái, tích cực sản xuất hơn, đặc biệt là người dân đã chú trọng đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong những năm qua, hàng chục hộ dân đã được tư vấn thông qua các lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những người nghèo được vay vốn để phát triển kinh tế. Nhờ những việc làm thiết thực và đúng đắn, cái đói, cái nghèo đã dần lùi xa. Trong buổi sương sớm, những nương ngô, ruộng lúa xanh mướt của người dân như chứng minh thêm cho cuộc sống đổi thay nơi đây.

Ông Bạch Bá Tham, hơn 60 tuổi, cả đời gắn bó với cái đói, cái nghèo nay cũng có cái nhìn lạc quan hơn khi ông tâm sự. Đảng làm cho mình con đường, cái xe máy đã đi được vào tận đầu máng nước, dân không còn phải vào rừng tìm củ mài thay bữa. Trước kia, cái đói cái nghèo cứ lay lắt bám lấy người dân, đến dầu cũng không có mà thắp đèn- ông Tham cười rất tươi.

Trong bản bây giờ cũng đã có nhiều người biết làm kinh tế giỏi như gia đình ông Bùi Văn Thành. Từ một hộ nghèo, được vay vốn của ngân hàng ông đã nuôi 50 con dê, hàng chục con bò, thu nhập mỗi năm gần trăm triệu đồng. Ngoài ông Thành, ông Bùi Văn Quyết cũng có hơn 20 con trâu, bò cũng do nguồn vốn vay của Nhà nước.  Hiện nay, Nước Ruộng có 14 ha cấy lúa, tổng diện tích gieo trồng hơn 30 ha, tổng sản lượng lương thực bình quân đầu người năm 2010 đạt 560 kg, các hộ nghèo được vay vốn, hỗ trợ trâu, bò để phát triển chăn nuôi, sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người đạt 6,2 triệu đồng. Nhà văn hóa của bản đã được xây dựng với số tiền hơn 200 triệu đồng, nguồn kinh phí chủ yếu do người dân đóng góp, là nơi để người dân hội họp, sinh hoạt vui vẻ, 100 % trẻ em đến tuổi được đến trường, không có tình trạng trẻ em bỏ học. Điều đặc biệt vui mừng hơn với người dân Nước Ruộng, khi niềm mong mỏi của người dân sắp thành hiện thực. Đó là công trình điện lưới quốc gia kéo về Nước Ruộng phục vụ nhu cầu của người dân đã hoàn thành và chỉ chờ đóng điện vào tháng 7 này.

Rời Nước Ruộng trong buổi chiều trong xanh, ngay đầu bản, những đứa trẻ vui đùa cùng những chú trâu no tròn đang lùa về chuồng. Từ trên cổng trời nhìn xuống, những vạt ngô xanh tốt khiến chúng tôi luôn tin vào một Nước Ruộng luôn đổi mới.

 

                                                                              Thanh Tuyền

                                                                                    (CTV)

 

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục