Bà Mùi nghẹn ngào khi nhắc đến liệt sĩ Đỗ Mạnh Linh.

Bà Mùi nghẹn ngào khi nhắc đến liệt sĩ Đỗ Mạnh Linh.

(HBĐT) - Trong những lần đi thăm viếng những chiến sĩ công an hy sinh trong cuộc chiến với ma túy, hình ảnh người mẹ nhỏ lệ làm chúng tôi cảm động nhất. Đôi mắt họ đờ đẫn khi nhìn thấy đứa con mang nặng đẻ đau đã ngã xuống vì cuộc chiến chưa có hồi kết này.

 

“Sang năm con lắp cửa kính cho mẹ”

 

Vào một ngày giữa tháng 7, chúng tôi đến thăm gia đình liệt sĩ Đỗ Mạnh Linh ở phường Chăm Mát (TPHB). Đã gần 2 tháng trôi qua nhưng mất mát của liệt sĩ Linh vẫn chưa thể nguôi ngoai. Bố mẹ vợ, chú ruột, cô ruột thường xuyên tới để động viên mẹ và vợ của Linh. Di ảnh của Thượng uý Linh được đặt giữa gian thờ. Khi chúng tôi thắp nén nhang, cả gia đình Linh sụt sùi. 

 

Nhắc đến Linh, bà Nguyễn Thị Mùi (mẹ Linh) lại thẫn thờ. Từ ngày Linh mất chưa đêm nào bà ngủ trọn giấc. Suốt bao nhiêu năm qua bà thờ chồng, nuôi con. Chồng bà cũng là chiến sĩ công an, ông bị bệnh mất sớm. Năm đó Linh mới 11 tuổi. Nhà vốn nghèo, một mình bà lo cho các con. Sáng sớm chạy chợ, trưa về bán hàng tạp hoá... Dù có khổ đến mấy, bà cũng động viên các con đi học. Linh là đứa con ngoan và chịu khó học hành. Năm 2002, Linh tham gia nghĩa vụ ngành công an. Nhờ sự chịu khó ham học hỏi và rèn luyện, năm 2005, Linh được kết nạp Đảng và chính thức làm việc trong ngành. Khi về công tác ở Công an tỉnh, Linh luôn tận tụy hết lòng với công việc nên được lãnh đạo, đồng nghiệp yêu quý. Vì vậy, Linh được phân công làm Đại đội phó Đại đội cơ động, phòng Cảnh sát cơ động.

 

Từ ngày Linh có công ăn việc làm bà Mùi mới nhẹ gánh đôi chút. Linh tích góp được ít tiền sửa lại gian nhà cấp 4. “Cả đời tôi vất vả, hôm cháu bàn đến chuyện sửa nhà tôi vui lắm. Nó còn hứa sang năm, nó tiết kiệm tiền lắp cái cửa kính cho đỡ bụi” - bà Mùi nhớ lại. Sửa nhà xong Linh lấy vợ. Sau ngày cưới hơn tháng, vợ Linh đã báo tin là bà Mùi sắp có cháu nội. Ngôi nhà luôn ngập tràn hạnh phúc.

 

Thế rồi vào ngày 18/5/2011, Linh gọi điện về nhà bảo mẹ, mua móng giò, khoai tây nấu canh, trưa con về ăn cơm. Bữa cơm đó diễn ra bình thường như bao bữa cơm khác. Linh còn bảo: Mai xong việc con về đưa vợ đi khám thai. Lời hứa đó đến nay Linh không thể thực hiện được. Lúc đó, mẹ và vợ Linh cũng nghĩ anh đi làm xong rồi về. Nào ngờ, bữa trưa đó là bữa cơm cuối cùng với gia đình. Đội của Linh được giao nhiệm vụ, chặn bắt đối tượng buôn bán ma tuý tại Tân Lạc. Đội của Linh có trách nhiệm là chốt chặn cuối cùng. Không ngờ tên trùm ma tuý đã tông xe ô tô thẳng vào đội của Linh. 3 chiến sĩ bị thương trong đó có Linh. Do vết thương quá nặng nên Linh đã trút hơi thở cuối cùng vào 1h20’ ngày 19/5/2011. Từ hôm Linh mất, bà Mùi kê cái giường ra gian thờ để ngày đêm thắp hương cho con. Người vợ trẻ của Linh là Nguyễn Thị Huyền (SN 1988) cũng đã khóc cạn nước mắt. Giọt máu của Linh, đứa trẻ chưa kịp chào đời đã mất cha. Lúc Linh còn sống mong muốn, nếu là con gái sẽ đặt tên con là Đỗ Thuỳ Dương, con trai đặt tên là Đỗ Hải Đăng. “Em sẽ đặt tên con theo đúng ý nguyện của chồng” - Huyền nghẹn ngào.

 

Ám ảnh chiều cuối tuần

 

Mỗi khi nhắc tới con, bà Nguyễn Thị Thu Hà (mẹ của Liệt sĩ Bùi Quốc Đại) lại không cầm được nước mắt. Biết chúng tôi muốn thắp hương cho Đại, bà dẫn lên gác. Trên đó có ban thờ của Đại. Vừa nhìn thấy ảnh con mình, bà bật khóc. Bà bảo: Mọi vật dụng Đại vẫn quen dùng tôi vẫn để nguyên như hồi còn sống. Ngay trước ảnh thờ là một tờ báo thể thao. Đại thích bóng đá. Từ ngày con mất, sáng nào chồng bà cũng ra bưu điện mua một tờ báo đặt lên ban thờ rồi mới đi làm. Trong câu chuyện khi nhắc đến con, bà lại nghẹn ngào nước mắt. Đại là niềm hy vọng của cả hai bên nội ngoại. Đại học giỏi lắm! Năm 2000, đạt giải ba môn sử trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Nhờ giải thưởng này mà Đại đã được tuyển thẳng vào đại học. Đại ôm mộng thi vào trường Đại học Kiến trúc. Thế nhưng thương bố mẹ vất vả lo tiền ăn học nên cậu đã gạt mơ ước của mình sang một bên mà xin vào trường Đại học Cảnh sát. Học xong, Đại về công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Công an tỉnh). Khi mới vào ngành Công an, Đại làm trinh sát.

 

Công việc trinh sát nên Đại thường vắng nhà luôn. Và mỗi khi con đi khỏi, bà lại như ngồi trên đống lửa. Đọc báo, xem ti vi, thấy các vụ án về ma tuý được phá trên địa bàn tỉnh có đóng góp không nhỏ công sức của con mình, bà lấy làm tự hào lắm! Nhưng niềm vui đến trước, nỗi lo lắng lại theo sau. Tội phạm về ma tuý ngày một liều lĩnh sẵn sàng chống lại lực lượng truy đuổi. Bởi thế, bà biết, đằng sau mỗi chiến công của con là sự nguy hiểm. Lo cho con, bà thức trắng đêm mỗi khi con vắng nhà. Khi con về, bà cố gắng nâng niu chăm sóc con.

 

Đại hy sinh vào chiều ngày thứ sáu. Bởi thế, từ khi con mất, bà Hà thấy sợ những buổi chiều thứ sáu. Cứ đến thời gian ấy, chẳng hiểu tại sao bà thấy bủn rủn chân tay. Ngay cả việc cơ quan, cứ chiều thứ sáu là bà chẳng thể tập trung làm được việc gì. Bà kể: Hôm ấy, đang giờ làm, bỗng nhiên bà đứng ngồi không yên. Hôm trước, Đại về qua nhà, nói là đêm ấy phải đi công tác. Tết đã cận kề, tuy chẳng muốn con mình rời xa gia đình nhưng bởi nhiệm vụ bà lại căn dặn: “Con đi nhớ cẩn thận, xong việc thì gọi ngay về để bố mẹ yên tâm!”. Thương con nên tối ấy, bà đã làm thịt con gà để tẩm bổ cho con bởi ý nghĩ, xa tay mẹ con mình ăn uống sẽ chẳng ra sao. Chừng 2h sáng, vợ chồng bà đã dậy mở cửa để tiễn con đi. Và lần tiễn biệt đó là lần cuối cùng. Đại đã ngã xuống vì bình yên, hạnh phúc của mỗi gia đình.

 

Tạm biệt gia đình Đại, chúng tôi tự hỏi, không biết bao giờ nước mắt của những người mẹ thôi rơi, những người vợ không mất chồng và những đứa con thơ không mất cha vì cuộc chiến ma túy. 

 

 

                                                                                      Việt Lâm

 

 

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục