Sợi nhuộm được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

Sợi nhuộm được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

(HBĐT) - Rộn ràng tiếng cười nói trong xúng xính váy Thái, các thiếu nữ xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu (Mai Châu) đang lựa chọn những sản phẩm thổ cẩm truyền thống nhất, tinh tế nhất và độc đáo nhất để tham gia “Triển lãm xúc tiến thương mại - đầu tư nông nghiệp khu vực trung du, miền núi phía Bắc” sắp được tổ chức tại thành phố Lào Cai. Giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển làng nghề thủ công là hướng đi đúng đắn mà HTX thổ cẩm Chiềng Châu đang hướng tới.

 

Từ sự tích quả trứng rồng làm nên nét hoa văn độc đáo

Tích xưa kể lại rằng ở bản Chiềng Châu có một cặp vợ chồng sống nhân từ tích đức nhưng mãi chẳng có con. Trong một lần, hai vợ chồng đi xúc cá ở hồ Mỏ Luông thấy xúc được một quả trứng. Hai vợ chồng nâng niu mang quả trứng về ấp thấy nở ra một con rồng con. Hai vợ chồng vô cùng mừng rỡ, chăm chút cho rồng con lớn từng ngày. Lớn thêm một chút, rồng con theo cha lên rừng phát nương, làm rẫy. Đã nhiều lần cha nhắc rồng con nằm ngoan một chỗ xem cha làm việc nhưng rồng con không nghe. Trong một lần sơ ý, nhát dao phát nương của cha đã chém cụt mất đuôi rồng con. Thương xót rồng con và cũng là nhắc nhở những đứa trẻ không chịu nghe lời cha mẹ, từ đó trở đi, trên tấm vải thổ cẩm truyền thống mẹ thêu thêm hình ảnh con rồng cụt đuôi. Cứ thế theo thời gian, hoạ tiết con rồng cụt đuôi đã làm nên nét truyền thống, độc đáo và riêng biệt trong các sản phẩm dệt thổ cẩm của người dân Chiềng Châu. Ngoài hoạ tiết con rồng, hoa văn phổ biến trong sản phẩm thổ cẩm của người Thái Chiềng Châu là hình ảnh con voi, con chim, con cua, hoa, lá.

 

Một góc yên bình trong ngôi nhà sàn ở xóm Chiềng Châu (Mai Châu).

 

Cẩn thận kiểm tra màu của từng búi sợi sau khi nhuộm, chị Vì Thị Oanh, Phó chủ nhiệm HTX Thổ cẩm Chiềng Châu chia sẻ: Tất cả sản phẩm dệt thổ cẩm của Chiềng Châu đều được se sợi từ bông tự nhiên. Sợi sẽ được nhuộm màu bằng màu tự nhiên. Cách nhuộm vải truyền thống chính là yếu tố làm nên hồn cốt của thổ cẩm người Thái. Cỏ ngọt sẽ cho ra màu xanh nhạt; hoa hoè cho màu đỏ hoặc cánh kiến, hồng nhạt; lõi cây mít cho ra màu vàng; hoa hiên thành màu đỏ; coóng cằm sẽ cho màu tím.Ngoài ra còn có thể sử dụng cây phang, vỏ cây vải.Tất cả các nguyên liệu này được đun lên lấy nước, tuỳ theo khối lượng, pha màu sẽ tạo thành màu như ý. Sợi sau khi nhuộm xong sẽ được phơi khô bằng ánh nắng tự nhiên trước khi đưa vào dệt.

 

Lách cách thoi đưa bên khung dệt, chị Lò Thị Thuỷ, xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu cởi mở: Con gái Thái đến tuổi 15 là đã biết dệt vải. Trong nhà có khung cửi, lớn lên thấy bà dệt, mẹ dệt thì học lấy thôi. Đã là con gái Thái, ai cũng muốn mình dệt thật khéo, thật đẹp. Từ việc tự dệt váy áo cho bản thâncho đến dệt chăn, gối, túilàm quà biếu mang về nhà chồng. Theo thời gian, sản phẩm dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng văn hoá sống động của người Thái Mai Châu.

 

Giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống

 

Năm 2009, HTX Thổ cẩm Chiềng Châu được thành lập với tổng số vốn đầu tư trên 200 triệu đồng, chủ yếu đầu tư mua sắm thiết bị máy móc. Sau hơn 2 năm thành lập, đến nay, HTX đang ngày càng phát triển, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động địa phương với thu nhập ổn định. Trao đổi với chúng tôi, ông Mạc Văn Phang, Chủ nhiệm HTX Thổ cẩm Chiềng Châu cho biết: “Khi đưa thổ cẩm trở thành sản phẩm hàng hoá,  chúng tôi phải có những sáng tạo, cải tiến để sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người dùng nhưng đảm bảo vẫn không mất đi những nét truyền thống. Nếu như trước đây, chất liệu thổ cẩm chủ yếu được sử dụng để làm đệm, chăn, gối, cạp váy nay còn được sử dụng làm túi xách, búp bê, hộp đựng đồ trang điểm, ví tiền, vỏ bọc hộ chiếu, giày, dép.Các sản phẩm này được thị trường, đặc biệt là khách hàng người nước ngoài ưa chuộng. Mẫu mã có thể thay đổi nhưng sản phẩm phải luôn được làm từ sợi bông tự nhiên, nhuộm màu tự nhiên và dệt thủ công. Hiện nay, HTX Thổ cẩm Chiềng Châu đã tiến hành sản xuất sản phẩm thổ cẩm từ khâu se sợi, nhuộm màu, dệt vải cho đến cắt may hoàn thiện sản phẩm. Vừa sản xuất phát triển kinh tế, vừa truyền nghề là phương châm hoạt động của HTX hiện nay. Hiện, HTX có đến hơn 50% là các em gái trẻ người Thái. Tham gia HTX, các em được hướng dẫn và thực hành các kỹ thuật khó như gảy hoa văn, kéo sợi lên khung.

 

Sản phẩm thổ cẩm của Chiềng Châu được giới thiệu tới du khách trong nước và quốc tế.

 

Vấn đề lớn nhất đối với mặt hàng thổ cẩm của Chiềng Châu nói riêng, thổ cẩm Mai Châu nói chung là đầu ra và giá thành cho sản phẩm. Vì quytrình sản xuất hoàn toàn thủ công nên một sản phẩm thổ cẩm thực chất của người Thái làm ra có giá cao hơn rất nhiều so với các sản phẩm cùng mẫu mã sản xuất công nghiệp. Thực tế đã dẫn đến hiện tượng đa số các gian hàng tại bản Poom Cọng, bản Lác đều bày bán sản phẩm giả thổ cẩm Thái để đảm bảo kinh doanh, lợi nhuận.

 

Hiện nay, nhờ sự hỗ trợ của tổ chức Jica nên HTX thổ cẩm Chiềng Châu vẫn duy trì được đầu ra tương đối ổn định. Nhưng sắp tới, khi dự án khôi phục làng nghề này kết thúc thì thổ cẩm Mai Châu sẽ phải tự bơi để cạnh tranh giữa biển lớn. Do đó, ngay từ bây giờ, tại bản Lác (thị trấn Mai Châu), HTX đã đầu tư một gian hàng trưng bày bán sản phẩm. Nỗ lực mở rộng thị trường, tìm đầu ổn định, HTX đã tích cực, thường xuyên tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm xúc tiến đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, thành phố Lào CaiTại các hội chợ này, gian hàng trưng bày của HTX luôn là điểm nhấn thú vị, thu hút đông đảo khách hàng. Chị Vì Thị Oanh, Phó Chủ nhiệm HTX cho biết: Tham gia trưng bày tại thành phố Hồ Chí Minh đã có những đơn hàng với số lượng lớn nhưng chúng tôi không dám nhận vì đây là sản phẩm thủ công đòi hỏi kỹthuật và tay nghề cao của người thợ nên không thể làm bừa, làm ẩu được.

 

Trong xu thế phát triển hiện nay, HTX Thổ cẩm Chiềng Châu cũng như người Thái Mai Châu  đã nỗ lực kiên định với mục tiêu giữ nghề truyền thống gắn với phát triển kinh tế. Phát triển làng nghề truyền thống vừa góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc vừa nâng cao đời sống của cư dân nông thôn. Tuy nhiên, để làng nghề thổ cẩm Mai Châu đứng vững trong thời kỳ hội nhập hiện nay làng nghề cần được hỗ trợ để duy trì và mở rộng sản xuất, tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với làng nghề tỉnh bạn. Đặc biệt lưu ý giữ gìn, phát huy những đặc điểm, bản sắc riêng của sản phẩm để đảm bảo sự phát triển bền vững cho làng nghề.

 

                                                                                  Dương Liễu

 

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục