Hơn 100 hộ dân 11 xóm ở xã Cư Yên tự nguyện hiến 3.500 m2 đất để phát triển hạ tầng giao thông.

Hơn 100 hộ dân 11 xóm ở xã Cư Yên tự nguyện hiến 3.500 m2 đất để phát triển hạ tầng giao thông.

(HBĐT) - Từ năm 2009 trở về trước, không chỉ người dân sở tại, bất cứ ai có việc phải vào xã Cư Yên, nhất là đến các xóm Rậm, Tốt Yên, Ruộng, Phú Ngọc, Hang Đá, Hang Đồi 1, Hang Đồi 2, Ao Đa, Gò Mỡ, Ao Chúa… đều ái ngại, bởi phải vượt qua những ổ trâu, ổ voi gồ ghề, mưa lầy lội, nắng thì bụi. Hệ thống hạ tầng giao thông xuống cấp đã gây khó khăn lớn cho các phương tiện trong lưu thông và việc đi lại của nhân dân. Ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an toàn giao thông, đời sống của dân cư và nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn.

 

 

Vậy mà chỉ hơn 2 năm sau, diện mạo của Cư Yên đã hoàn toàn đổi khác. Tuyến đường nối liền thị trấn huyện với 2 xã Cư Yên - Tiến Sơn đã được trải nhựa phẳng phiu, trên 60% đường liên xóm đã được bê tông hóa, 12/14 xóm đã có nhà văn hóa. Có được kết quả đó là do tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các tổ chức, đoàn thể từ xã đến các xóm và nhất là tinh thần chung sức, đồng lòng của dân cư trên địa bàn vì những lợi ích chung của cộng đồng.

 

Chủ tịch UBND xã Cư Yên Hoàng Anh Đào phấn khởi cho biết: “Tuyến đường nối liền thị trấn huyện với xã Cư Yên - Tiến Sơn là huyết mạch giao thông quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, củng cố QP-AN trên địa bàn. Nhận thức rõ điều đó nên khi huyện có chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp, UBND xã đã tổ chức quán triệt đến toàn thể đội ngũ cán bộ chủ chốt. Tổ chức họp thông báo công khai với các hộ dân liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng ở các thôn Giếng Xạ, Rậm, Gò Đẻ, Gừa, Phú Ngọc, Hang Đồi 1, nơi có tuyến đường đi qua. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nên việc triển khai thi công tuyến đường được nhân dân đồng tình ủng hộ. Theo đó, đoạn đi qua xã Cư Yên được thi công và hoàn thành sớm nhất trên toàn tuyến.

 

Tuyến đường liên xã từ thị trấn Lương Sơn đi Cư Yên- Tiến Sơn có tổng chiều dài 24 km, trong đó, đoạn qua xã Cư Yên dài 4,5 km. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại xã Cư Yên liên quan đến 227 hộ với 6.917,27 m2 đất phải đền bù, tương ứng với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Tháng 9/2010, tuyến đường được khởi công và 8 tháng sau đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Do điều kiện kinh phí khó khăn nên mặc dù đã hoàn thành việc kiểm đếm và phương án đền bù đã được phê duyệt nhưng 227 hộ dân ở Cư Yên vẫn chưa được thanh toán tiền đền bù, nhưng ai nấy đều vui vẻ, phấn khởi, tin tưởng. Ông Nguyễn Đức Thân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Chủ trương đầu tư, nâng cấp tuyến đường đã được phổ biến đầy đủ, kỹ lưỡng tới tất cả các hộ ở các xóm. Ban đầu cũng có một số ít hộ thắc mắc, phản ứng. Nhưng được phân tích rõ ràng và có sự cam kết của chủ đầu tư nên tất cả đều tự nguyện bàn giao mặt bằng để nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ. Đến nay, mặc dù tuyến đường đi qua xã đã hoàn thành đưa vào sử dụng được gần 3 tháng mà tiền đền bù chưa được thanh toán nhưng các hộ dân trong xã đều yên tâm chờ đợi bởi họ luôn tin tưởng vào những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thấy rõ lợi ích của tuyến đường mới trong đời sống của mỗi gia đình, cả cộng đồng trước mắt cũng như lâu dài.

 

Sau khi tuyến đường liên xã được khởi công xây dựng, một tháng sau (10/2010), huyện Lương Sơn tiếp tục triển khai chủ trương xây dựng tuyến đường hạ tầng du lịch làng nghề với tổng chiều dài 6 km bằng bê tông xi măng, mặt đường rộng 3,5m  đi qua địa bàn 11 xóm gồm: Rậm, Phú Ngọc, Làng Hang, Tốt Yên, Ruộng, Hang Đá, Hang Đồi 1, Hang Đồi 2, Ao Đa, Gò Mỡ, Ao Chúa. Để dự án được triển khai thuận lợi, xã đã thành lập Ban giải phóng mặt bằng, phân công từng thành viên phụ trách các thôn. Tổ chức họp dân quán triệt chủ trương, mục đích, ý nghĩa của xây dựng tuyến đường. Mặc dù gặp không ít khó khăn bởi chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường này là chỉ có kinh phí xây lắp, mặt bằng do xã, các thôn và dân cư tự lo vì không có kinh phí dành cho đền bù giải phóng mặt bằng. Với diện tích đất bị thu hồi trên 3.500 m2  gồm đất 2 lúa và trồng cây lâu năm, liên quan đến hơn 100 hộ dân. Quá trình triển khai không ít hộ chần chừ, một số hộ phản ứng khá quyết liệt nhưng nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, việc tổ chức đối thoại, vận động, tuyền truyền được triển khai sâu rộng, thấu tình đạt lý nên 100% hộ dân bị ảnh hưởng đã tự nguyện giao đất để triển khai thi công. Sau 6 tháng (4/2010), tuyến đường đã hoàn thành đi vào sử dụng. Đi trên con đường mới thênh thang, người dân Cư Yên càng hiểu rõ khi ý Đảng, lòng dân cùng hòa quện, mọi việc dù khó khăn đến mấy cũng đều sẽ vượt qua.

 

Không chỉ đồng sức, đồng lòng trong xây dựng hai dự án lớn, bằng sức dân và sự hỗ trợ của Nhà nước, từ năm 2008 đến nay, trên 9 km đường liên thôn ở Cư Yên đã được bê tông hóa, chiếm 60% tổng số đường liên thôn trên địa bàn. Những tuyến đường mới giúp người dân thuận tiện trong sản xuất, đời sống và cũng là nguồn động viên khích lệ để họ tự tin khẳng định: “Nếu được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ, chúng tôi sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của  để 100% đường liên thôn của xã được bê tông hóa”.

 

Diện mạo của Cư Yên không chỉ khởi sắc từ hệ thống điện, đường, trường, trạm, người dân Cư Yên còn chung sức, đồng lòng trong xây dựng nông thôn mới mà minh chứng là 12/14 thôn đã xây dựng được nhà văn hóa, với diện tích trung bình từ 50-60 m2 . Cũng như chương trình cứng hóa đường GTNT, nhân dân các thôn đều tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, vật liệu để xây dựng nơi giải trí, họp hành, vui chơi chung của cộng đồng dân cư. Trong đó, tiêu biểu là thôn Gò Trạng xây dựng nhà văn hóa trước khi có chủ trương hỗ trợ của Nhà nước, thôn Rậm, xây dựng nhà văn hóa trị giá trên 80 triệu đồng.

 

Hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội được mở mang là yếu tố quan trọng để Cư Yên đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn. Các dự án đầu tư vào xã cũng được nhân dân ủng hộ và triển khai thuận lợi. Đến nay, 2 dự án khai thác đá làm vật liệu xây dựng, dự án chăn nuôi lợn nái với 700 đầu con, dự án chăn nuôi lợn thịt 500 con/lứa, trại gà quy mô 2.000 con, mô hình trồng nấm, khu du lịch Việt-Pháp…đã giải quyết việc làm và thu nhập ổn định  cho trên 85 lao động địa phương. Hiện tại, các dự án nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái Cửu Long, Khu công nghiệp Nhuận Trạch, Khu du lịch sinh thái thác Nàng được triển khai đầu tư chắc chắn sẽ mở ra hướng đi mới, triển vọng mới trong phát triển KT-XH trên địa bàn xã Cư Yên.

 

Đến thời điểm này, mặc dù thu nhập chủ yếu của người dân Cư Yên vẫn từ sản xuất nông-lâm nghiệp- chăn nuôi nhưng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cư Yên đã đạt được con số đáng khích lệ: hộ nghèo (tiêu chí mới) còn 4,2%, thu nhập bình quân đầu người đạt 11,1 triệu đồng /năm, trên 77% hộ đạt tiêu chuẩn văn hóa, 11/14 thôn đạt KDC tiên tiến cùng 3 thôn Hang Đồi 1, Rậm, Gừa, 3 trường học và trạm y tế đạt cơ quan, đơn vị, làng văn hóa. Thành tựu đó của Cư Yên có phần đóng góp hết sức quan trọng của tinh thần toàn dân chung sức, đồng lòng vì lợi ích chung của cộng đồng.

 

                                                                          

                                                                      Đức Phượng

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục