Gia đình anh Ngô Văn Trụ là một trong nhiều hộ giáo dân xóm Tân Thành luôn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng tại xã.

Gia đình anh Ngô Văn Trụ là một trong nhiều hộ giáo dân xóm Tân Thành luôn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng tại xã.

(HBĐT) - Chúng tôi về xóm đạo Tân Thành, xã Hợp Thành (Kỳ Sơn) vào buổi chiều muộn khi bà con giáo dân nơi đây đang chuẩn bị đi lễ nhà thờ. Niềm vui lộ rõ trên khuôn mặt của từng người dân khi cuộc sống hôm nay đang khởi sắc từng ngày và nhớ về với những tháng ngày lênh đênh sông nước của một quá khứ chưa xa.

Cuộc sống lênh đênh cùng con nước đầy vơi

“Tân Thành như ý nghĩa của tên gọi được hiểu đại ý là sự thành công mới là nơi định cư, sinh sống của 67 hộ gia đình bên dòng sông Đà ngàn đời vẫn chảy. Xóm đạo Tân Thành như ngày hôm nay cũng được mấy chục năm trời có lẻ. Mấy chục năm với mảnh đất quả là không dài nhưng đối với đời sống một con người  cũng không hẳn là ngắn. Theo lời kể của ông Trần Quốc Oai, một người đã gắn bó với mảnh đất này từ những ngày đầu tiên, quá khứ của vùng đất này thật không dễ tưởng tượng. Những năm 80 của thế kỉ trước khi ông Oai còn là một cậu bé lên 9, lên 10, Tân Thành còn hoang sơ, thưa thớt người ở, những giáo dân ở xã Thái Hòa, Ba Vì, Hà Nội đã cảm mến vùng đất và con người Hòa Bình mà dừng lại neo đậu thuyền làm nơi sinh sống lâu dài. Cũng theo ông Oai, cuộc sống lênh đênh sông nước làm nghề chài lưới là một trong những đời sống vất vả nhất mà ông từng biết. Không gian sinh sống của gia đình nhiều thế hệ chỉ là mấy mét vuông trên con thuyền. Không điện, không nước. Lúc trời nắng nóng hầm hập. Lúc trời mưa rét buốt căm căm trong con thuyền vốn chẳng còn một chỗ nào kín gió. Thương nhất là những đứa trẻ vì phải ngược xuôi chài lưới mà chẳng thể đến trường. Việc làm duy nhất của lũ trẻ là phải biết ngụp lặn để mai này giúp bố mẹ nhọc nhằn mưu sinh trên sông nước Giọng người đàn ông ngồi trước mặt chúng tôi đây cứ xa xăm vọng tưởng về một quá khứ đã xa nhưng nỗi cơ cực thì dường như hiện hữu đâu đó ở quanh đây. Hình ảnh những người đàn ông, đàn bà lầm lũi kiếm sống cho cả một gia đình đông đúc; những đứa bé đen nhẻm bồng bế ngụp lặn dưới sông cho qua cơn đói; tiếng khóc thét của con trẻ trong đêm khuya tĩnh mịch mỗi khi chúng lên cơn sốtcứ ám ảnh, day dứt mãi không thôi.

Sống với nghề sông nước đồng nghĩa với không được thụ hưởng các chương trình, chính sách quốc gia của Nhà nước về sức khỏe, y tế, giáo dục. Người dân xóm chài nhiều thế hệ không biết đến khái niệm nước sạch. Nước dùng để sinh hoạt lấy từ sông, sau đó lại thải ra chính nơi mình sẽ lấy lần sau. Nước từ sông, sông sẽ làm sạch mọi thứ do con người thải ra. Quan niệm đó hẳn đã dần thay đổi khi bệnh tật theo nguồn nước đã xảy ra với tần suất nhiều hơn. Sống với nghề sông nước đồng nghĩa với bị tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Tỷ lệ mù chữ của bà con giáo dân gần 90%. Trẻ em đến tuổi đi học không thể đến trường. Cũng phải thôi. Đến trường sao được khi cuộc sống bữa đói, bữa no; khi con thuyền vẫn ngược xuôi không bến đỗ. ước mơ cho con trẻ được đến trường vẫn đau đáu trong tâm thức của người dân chài lưới từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Bám sông, cái nghèo vẫn dai dẳng. Nhận thấy sự thiệt thòi của bản thân cũng như tương lai không đoán định của con em khi cứ mãi duy trì một lối sống như vậy. Đặc biệt, được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân Hợp Thành mà Tân Thành hôm nay đã mang diện mạo hoàn toàn mới từ những chuyến lên bờ lịch sử

Niềm vui xóm đạo hôm nay

Từ cuối những năm 1980, đầu những năm 90 lác đác một số hộ gia đình giáo dân đã chuyển từ cuộc sống sông nước lên định cư trên bờ để con em có thể được yên tâm đến trường. Tuy nhiên, do chưa chuẩn bị kỹ năng sống để thích nghi với điều kiện hoàn cảnh đã thay đổi nên họ chỉ bám bờ được một thời gian rồi lại quay trở về với cuộc sống sông nước. Kể từ khi được cấp ủy Đảng, chính quyền xã Hợp Thành tạo nhiều thuận lợi về mặt thủ tục hành chính cũng như việc làm nên các hộ dân đã chuyển hẳn lên bờ định cư. Đến nay, 100% hộ gia đình đã xây dựng được nhà ở kiên cố, khang trang, chủ yếu dọc sông Đà. Chính vì tạo thuận lợi cho người dân trong phân đất làm nhà mà vẫn không tách rời hẳn với nghề chài lưới là một cách làm mới tạo hiệu quả thiết thực của chính quyền xã Hợp Thành. Bên cạnh nghề chài lưới là nghề mang lại thu nhập chủ yếu cho người dân, một số hộ còn làm thêm các nghề phụ như làm chổi chít, gấp vàng mã, đan lưới cho hiệu quả rõ rệt. Một số hộ gia đình từ chỗ đủ ăn đã bắt đầu có tích góp và vươn lên làm giàu như hộ gia đình các ông: Lê Văn Nguyên, Ngô Văn Trụ, Đàm Thị Nhung

ông Trần Quốc Oai hào hứng kể: từ ngày lên bờ đến nay, cuộc sống của người dân Tân Thành đã hoàn toàn thay đổi. Người dân đã được tiếp cận các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, giáo dục, nước sạch sinh hoạt. Chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã được phổ biến đến tận từng người dân qua các kênh phát thanh của xóm. Người dân cũng được thụ hưởng các dịch vụ phúc lợi, an sinh xã hội cũng như có cơ hội đóng góp công sức, tiền của vào các phong trào, quỹ để gây dựng quê hương đất nước giàu mạnh.

Niềm vui lớn nhất của người dân xóm đạo Tân Thành khi lên bờ có lẽ là con em họ đều được đến trường học cái chữ. Niềm mơ ước được đến trường ngày xưa chỉ là niềm vọng tưởng xa xôi nay trở thành hiện thực. Đến nay, 100% các em đều đã được đến trường đúng độ tuổi; nhiều em đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn để trở thành học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện. Hiện nay có hai cháu đang theo học cao đẳng, 2 cháu đang theo học trung cấp chuyên nghiệp, 6 cháu học THPT trong đó, 4 cháu đang học lớp chuyên của trường THPT Kỳ Sơn A. Đặc biệt, trong mùa tuyển sinh 2011, cháu Trần Thị Hiền đã trở thành học sinh đầu tiên và duy nhất của xóm cho đến nay trở thành sinh viên đại học. Thế mới biết khát khao được học luôn cháy bỏng trong tâm thức của mỗi người dân xóm đạo Tân Thành.

Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất cho người dân, cấp ủy, chính quyền xã Hợp Thành cũng quan tâm đến đời sống tinh thần của người dân. Được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, sự đóng góp của linh mục và bà con giáo dân trong xóm, đặc biệt được gia đình giáo dân Lê Văn Đản hiến đất xây nhà nên người dân Tân Thành đã xây dựng được ngôi nhà nguyện trị giá 200 triệu đồng khang trang làm nơi sinh hoạt tôn giáo cho bà con giáo dân. Với 67 hộ gia đình, trong đó, 23 hộ theo đạo thiên chúa nên tinh thần đoàn kết lương, giáo luôn được thắt chặt. Phương châm sống tốt đời - đẹp đạo luôn được bà con giáo dân đề cao và thể hiện trong từng hành động cụ thể.

ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết: Đời sống bà con xóm đạo Tân Thành từ chỗ còn nhiều khó khăn đã từng bước ổn định. Giáo dân là những người đi đầu trong chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; nhiều ý kiến đóng góp của bà con giáo dân đã phát huy hiệu quả trong phát triển KT-XH của xã.

 

                                                               Hồng Nhung

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục