Thực hiện Đề án 03 của Tỉnh ủy, Hang Kia đang bừng tỉnh sau những mê muội.

Thực hiện Đề án 03 của Tỉnh ủy, Hang Kia đang bừng tỉnh sau những mê muội.

(HBĐT) - Đã từng được nghe nhiều những giai điệu khèn Mông tình tứ nhưng chưa khi nào chúng tôi thấy điệu khèn lại man lên cái giai điệu da diết, chân tình và đầm ấm như khi được nghe chính đôi môi Khà A Lau, Bí thư Đảng ủy xã Hang Kia (Mai Châu) cất lên. Giai điệu ấy như tan vào sương, hòa cùng gió nhẹ lướt trên những cánh đào bung nở trong nắng sớm. Như một sự bừng tỉnh của miền sơn cước trong nắng mai.

 

Bài 1: Lạc lối ở Hang Kia

Hang Kia vẫn là vùng đất vời vợi xa. Xa về khoảng cách, xa cả về nếp nghĩ bởi những cơn “sóng ngầm” vẫn ào ạt cuốn theo những phận người mê muội, chìm đắm nổi trôi trong “cơn lốc trắng” giữa đại ngàn. Dẫu đã không ít lần đến đây nhưng đôi lúc chúng tôi vẫn giật mình thảng thốt như mình đang lạc bước ở giữa đại ngàn vùng biên viễn trong cơn lốc mê muội ấy.  

Điệu khèn dang dở giữa đại ngàn  

Với chúng tôi, hiếm có nơi nào mang lại nhiều cảm xúc như vùng đất Hang Kia. E dè, ái ngại luôn là nỗi lo thường trực. Chẳng nghĩ đâu xa, khi thấy những cánh đào hồng bung nở giữa chập chờn mây trắng, giữa nắng và gió đại ngàn vi vút reo thì cái ký ức trong trận đấu súng kinh hoàng giữa tên trùm ma túy Vàng A Khua với lực lượng vây bắt trong ngày 23 tháng chạp tết năm 2010 (tức ngày 5/2/2010) lại vẹn nguyên ùa về như từng cơn gió buốt sắc lẹm cứa lại vào từng nỗi đau đang liền sẹo...    

Đường về Hang Kia, xa ngái và e dè  nhưng lại thật gần về nhịp sống, gần về tình cảm và sự chân thành. Chả thế, lần nào về Hang Kia, cụ Sùng A Dễ cứ nắm tay thật chặt rồi bày tiệc rượu vòng như thể chúng tôi là đứa con vừa mới đi xa về. Trong cuộc rượu ấy, bao giờ cũng vút lên điệu khèn môi quen thuộc một cách đầm ấm, chân tình và thiết tha. Lần này cũng vậy, tiếng khèn đầy da diết và tình tứ sau những vòng rượu ấm làm mềm môi trong thời tiết khắc nghiệt với cơn gió buốt lạnh của vùng biên viễn. Có lẽ ở cả vùng Hang Kia này, không ai có thể sánh được tiếng khèn môi cao vút, mượt mà của cụ Sùng A Dễ. Ngay đến cả phó Chủ tịch UBND xã Vàng A Nhà vốn nức tiếng là một tay khèn cũng chẳng thể theo được những nốt thăng giáng mềm mại như cụ Dễ.  

Sự chân tình, nồng ấm, cởi mở và hiếu khách có lẽ hiếm có nơi đâu và hiếm có dân tộc nào thể hiện như dân tộc Mông. Điều đó được thể hiện cả trong nếp sống và nếp nghĩ. Khề khà chén rượu vòng, cụ Sùng A Dễ bảo: Người Mông mình đã quý ai thì quý hết lòng, hết dạ, sẵn sàng chia sẻ những thứ quý giá nhất mình đang có cho bạn. Điều này, chính chúng tôi cũng đã nhiều lần được trải nghiệm trong những chuyến đi. Khi những vòng rượu đã chuyển hết lượt thì nhịp khèn của Phó Chủ tịch UBND xã Hang Kia Vàng A Nhà hòa nhịp vút cao với những nốt nhạc trong trẻo, say sưa và đầy mê hoặc như hòa cùng gió lướt trên những cánh đào phai rồi tan vào mây núi chờn vờn. Điệu nhạc đang vút cao bỗng như lạc điệu và lịm tắt khi bóng dáng Trưởng Công an xã Hang Kia Khà A Ga thấp thoáng bên hiên với những bước dậm thanh thoát như con nai, con hoẵng trên đại ngàn Hang Kia. Sau chén rượu ngô thơm nồng và cay lựng và cũng chẳng giấu giếm, Khà A Ga cho biết đang trên đường đi tìm Phó Chủ tịch UBND xã Vàng A Nhà để đến nhà một số đối tượng vận động họ xuống núi cai nghiện ma túy. Đây là một trong những việc làm cụ thể để Hang Kia từng bước thực hiện Đề án “Xây dựng địa bàn xã không có ma túy”. Vận động người nghiện đi cai là việc làm thường xuyên được cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và những người có uy tín như cụ Dễ vẫn thường xuyên, tự nguyện làm. Cho dù đến giờ, kết quả cũng chưa có được là bao nhiêu. 

Hang Kia một ngày “bão” tan  

Với địa hình phức tạp lại nằm không xa đường biên giới với nước bạn Lào nên thung lũng nhìn từ trên cao chỉ nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay có gần 430 hộ dân với hơn 3.200 nhân khẩu đã bị tội phạm ma túy lợi dụng  biến nơi đây trở thành một “lô cốt” kiên cố trong cái dáng vẻ thanh bình và hiền hòa. Thực sự, cho đến bây giờ, những người người Mông ở Hang Kia cũng đã thấm thía quá nhiều nỗi đau khi những dòng nước đen mê muội và những cơn lũ trắng đầy mê hoặc tràn về nhấn chìm cả thung lũng để cho những phận người lam lũ nổi trôi giữa đại ngàn quên đi mùa nương rẫy bội thu. Nói chuyện với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Hang Kia Vàng A Nhà bảo: ở đây cuộc sống vẫn còn nhiều khốn khó. Nguồn thu nhập, cuộc sống của đa phần người dân chủ yếu từ lúa, ngô, dong riềng và các loại cây ăn quả như mận, đào... Đất canh tác ít, chủ yếu là núi đá chênh vênh nên phần nhiều các hộ dân còn nghèo. Dù vậy, trái với những nhọc nhằn lam lũ, ở Hang Kia cũng không khó để tìm thấy một cuộc sống sang giàu. Cuộc sống đó ai cũng hiểu nó đến từ đâu và đó cũng là bước khởi đầu của tội lỗi.  

Theo thống kê của lực lượng chức năng, trung bình mỗi năm có khoảng 4 - 5 đối tượng là người Hang Kia bị bắt vì ma túy. Tính đến thời điểm này, cả xã Hang Kia có đến 8 đối tượng bị kết án tử hình, hàng chục đối tượng bị kết án tù chung thân và bị kết án tù có thời hạn từ 20 năm trở xuống vì tội ma túy. Lượng ma tuý bị bắt quả tang thu giữ và qua điều tra, chứng minh làm rõ do các đường dây, đối tượng là người ở Hang Kia tham gia mua bán, vận chuyển lên tới hàng trăm bánh hêrôin. Có những vụ lực lượng chức năng bắt quả tang các đối tượng vận chuyển hàng chục bánh. Điển hình như vụ bắt đối tượng Vàng A Lự đang trên đường vận chuyển 35 bánh hêrôin hay mới đây nhất là vụ bắt giữ đối tượng Tráng A Páo ngày 9/11/2011 khi đang trên đường vận chuyển 10 bánh hêrôin. Nói về vấn nạn ma túy ở vùng đồng bào người Mông, Thượng tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC47) - Công an tỉnh cho biết: Trong các vụ án ma tuý mà lực lượng Cảnh sát ĐTTPVMT bắt giữ từ trước đến nay, khiêm tốn mà nói có đến 60 - 70% các vụ án liên quan đến người Mông. Cùng với đó, tình trạng số người nghiện gia tăng và tái nghiện sau cai cũng đang là một vấn đề nhức nhối ở Hang Kia. Theo báo cáo kết quả điều tra cơ bản người nghiện tính đến thời điểm 30/11/2011, xã Hang Kia có 31 người nghiện, trong đó có 15 người nghiện mới. Tuy nhiên, theo Trưởng Công an xã Khà A Ga thì trên thực tế số người nghiện ở Hang Kia còn cao hơn nhiều. Số người đi cai về cũng hầu như đã tái nghiện trở lại.  

Tuy vậy, qua hơn 1 năm thực hiện Đề án 03 ngày 14/1/2010 của Tỉnh ủy về “Củng cố nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN 2 xã Hang Kia, Pà Cò” và Phương án 592/C11 (C17) ngày 5/3/2010 của Bộ Công an về giải quyết tình hình phức tạp về tội phạm và TTATXH tại địa bàn 2 xã Hang Kia, Pà Cò bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Lực lượng chức năng đã tổ chức đấu tranh điều tra, bóc gỡ và triệt phá nhiều chuyên án, bắt hàng chục đối tượng từng bước làm giảm sức nóng về tội phạm ma túy trên địa bàn 2 xã. Đồng thời đã tạo được niềm tin trong nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong việc củng cố và giữ vững ANCT, TTATXH trên địa bàn, KT-XH cũng đã có những bước chuyển dịch đáng kể. Với cây ngô và cây dong riềng, đời sống đồng bào người Mông cũng đang dần khởi sắc. Đó đang được xem là những tín hiệu vui cho những ngày bão tan. Thấu hiểu những nỗi đau và giá trị của sự đổi đời, những người như cụ Sùng A Dễ, Bí thư Đảng ủy xã Khà A Lau, Phó Chủ tịch UBND xã Vàng A Nhà, Trưởng Công an xã Khà A Ga vẫn kiên trì vận động những người lẫm lỡ từ bỏ con đường tối, từ bỏ ma túy với cái tâm hướng thiện để hướng về một cuộc sống bình yên.  

 Bài 2 - Kỳ lạ Thung Mài

 

Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục