Hình tượng vò rượu cần được tái hiện trong Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, 20 năm ngày tái lập tỉnh và Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh lần thứ I năm 2011.

Hình tượng vò rượu cần được tái hiện trong Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, 20 năm ngày tái lập tỉnh và Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh lần thứ I năm 2011.

(HBĐT) - Đã từ rất lâu, đối với không ít gia đình người Mường ở Hoà Bình, nhắc đến ngày Tết dường như không thể thiếu hương vị của rượu cần. Được làm từ men say của đại ngàn và gửi gắm vào đó sự khéo léo của người phụ nữ Mường, nên rượu cần luôn có một hương vị thật đặc biệt. Đó là một thức uống tâm linh không thể thiếu trong những ngày Tết. Những người con của đất Mường hôm nay không chỉ gìn giữ mà luôn ấp ủ một ước vọng mang men say lòng hiếu khách ấy đến với bạn bè cả nước.

 

Rượu cần - men say của lòng hiếu khách.

 

Rượu cần có từ bao giờ không ai biết, chỉ biết rằng ngày hè nắng nóng đi làm đồng về không có hớp rượu cần không giải cơn khát, đám cưới không có gánh rượu cần thì cô dâu chưa về nhà chồng và ngày Tết không có vò rượu cần cúng tổ tiên đêm giao thừa thì chưa nên xuân. Về Mường Vang  mảnh đất được coi là đất gốc sản sinh ra thứ rượu đặc sản ấy, vẫn nghe các cụ  truyền nhau câu chuyện rằng: Một ông cụ có hai người con dâu, cụ muốn thử xem ai là người thông minh, đức hạnh. Một hôm cụ bảo: Bố đi ăn uống đã nhiều nhưng chưa được ăn con vật gì mà thịt lại nằm trong xương, cũng chưa được uống loại nước gì chảy ngược cho ngọt ngào ý vị. Các con cố tìm cho bố. Được ăn những thức đó bố mới khỏe ra được.

 

Cô dâu cả nghĩ mãi không hiểu là thức ăn, thức uống gì, cô dâu thứ hai cũng bí hỏi chỗ này, chỗ khác cũng không ai biết thức ăn ấy ra sao. Chị buồn rầu ra suối ngồi nghĩ. Bỗng chị nhìn thấy con ốc bên bờ suối. Phải rồi! con ốc, ruột trong mềm, vỏ ngoài cứng thế chẳng phải thịt nằm trong xương sao? Bên bờ suối lại có ai đã cắm một cái vòi chuyền cho nước chảy ngược lên máng. Muốn nước chảy ngược cũng phải làm như vậy. Chị liền bắt một mớ ốc về nấu canh, múc một bầu nước vót cần cắm vào bầu. Cứ để nước lã như thế thì chẳng có mùi vị gì, chị bỏ vào bầu vài nắm lá thuốc trong rừng. Đưa về nhà thì ông cụ đang đi vắng, chị giấu các thứ đã chuẩn bị để chờ bố về đưa nộp.

 

     

Uống rượu cần - một nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu đối với đồng bào dân tộc Mường mỗi dịp Tết đến xuân về.

 

Đúng lúc đó, người dâu cả đang nghĩ chưa ra cách, thấy em giấu thứ gì thì bực liền lén bỏ vào bầu nước một nắm bã trấu và tấm vụn. Không ngờ như thế lại làm cho bình nước thêm chất - lá, trấu, tấm quện lại lên men hóa thành một thức rượu ngọt. ông bố ăn canh ốc rồi cầm cần hút. Đúng là nước thân thương chảy ngược và canh thịt nằm trong xương. ông cụ khen nức nở, giao cả cơ nghiệp cho cô em. Nguồn gốc xa xôi của bình rượu cần có từ đó.

 

Phải chăng cũng chính vì bắt nguồn từ sự thử thách trí thông minh, độ khéo léo của người phụ nữ mà làm ra rượu cần chỉ có thể là bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mường. Mế Quách Thị Thu ở xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) cho biết: Để làm nên hương vị của rượu cần nhất thiết phải có men lá được làm từ rễ và lá của một số loại cây rừng. Nhưng có đủ vị lá rồi, muốn men thơm ngọt hay không lại phải phụ thuộc vào độ khéo, độ tinh của người phụ nữ trong cách làm men. Thông thường khi lấy đủ các vị lá cây, người ta đem giã nhỏ rồi sàng cho thật kỹ sau đó lấy bột lá đem trộn với nước gừng và nặn lại thành bánh men. Men chỉ được để từ 3-5 ngày là phải nổi hết mộng trắng, nếu như mộng men lên sớm quá, muộn quá đều không đạt được vị ngon thơm tuyệt đối. Khi có men, gạo nếp được đồ chín, tãi ra mẹt để cho nguội rồi trộn men theo một tỷ lệ nhất định. Sau đó rắc thêm trấu, trộn đều lên. Bà Thu lí giải: Phải trộn thêm trấu vào để cơm rượu thoáng, tơi đều, khi ủ dễ lên men và đặc biệt khi uống, cơm rượu sẽ không bít lỗ cần hút. Sau đó cho cơm rượu vào vò, lấy lá ổi bịt kín miệng vò rồi đem để nơi thoáng mát trong nhà. Đến hai ba tháng sau đem ra uống. Có một điều đặc biệt là rượu cần càng để lâu uống càng ngon, càng quý.

 

Nếu như công thức được làm từ men say của đại ngàn trộn lẫn với gạo nếp thơm và gửi gắm trong đó cả sự khéo léo của người phụ nữ Mường, thì thưởng thức rượu cần lại là cả một câu chuyện về lòng hiếu khách. Già Bùi Văn Chửm ở xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) kể: Rượu cần thường được thưởng thức vào ngày mùng một Tết đầu năm khi con cháu, anh em quây quần đoàn tụ nhất. Bắt đầu uống, “Chú trám cầm sừng trâu rót nước vào bình rượu để uống, uống bao nhiêu trâu rót bấy nhiêu sừng.  Già Chửm lý giải rằng: Trong văn hoá của người Mường, con trâu rất đỗi thân quen đồng thời cũng là biểu tượng của sự no đủ, ấm cúng. Uống rượu cần sừng trâu để mong cho cả chủ lẫn khách có một năm làm ăn thuận lợi, có chín trâu, mười bò, cấy hái đầy đồng. Vào tiệc uống rượu cũng là lúc nam thanh, nữ tú cất tiếng "rằng thường" chúc mừng gia chủ và kể về những câu chuyện của đất Mường.

 

Để thương hiệu rượu cần vươn xa

 

Không còn giữ được nét nguyên sơ trong văn hóa xưa, nhưng nhiều hộ gia đình ở Hòa Bình vẫn giữ cho mình đặc sản của cha ông và khát khao đưa loại đặc sản đó đến với bạn bè bốn phương và niềm vui đã đến với những con người đã tâm huyết với hương rượu cần. Trong những ngày cuối năm 2011, tin vui đã đến với những người tâm huyết với đặc sản rượu cần khi, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học công nghệ) đã trao giấy chứng nhận nhãn hiệu Tập thể rượu cần đặc sản Hòa Bình cho Hội sản xuất và kinh doanh rượu cần tỉnh. Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu HB rượu cần đặc sản tỉnh Hòa Bình cho Hội sản xuất và kinh doanh rượu cần tỉnh Hòa Bình...

 

      

Vò rượu cần trong mâm cỗ ngày xuân của người Mường Động (Kim Bôi) tại Hội trại văn hóa ẩm thực năm 2011.

 

Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Chủ tịch Hội SX-KD rượu cần cho biết: Hiện nay, tại 3 huyện: Lương Sơn, Tân Lạc, Kỳ Sơn và TPHB đều đã thành lập được các chi hội SX-KD rượu cần. Với việc thành lập Hiệp hội và thương hiệu rượu cần đặc sản Hòa Bình, chúng tôi đã ít nhiều bảo vệ được đặc sản quê mình. Tuy nhiên, thành lập được Hiệp hội, xây dựng được thương hiệu cũng đặt ra cho mỗi thành viên chúng tôi sự nỗ lực, sự trăn trở để làm sao thực sự phát huy được thương hiệu đặc sản quê nhà. Có lẽ cũng chính vì vậy mà  vào những ngày cuối năm cũng là ngày bận rộn của các chi hội sản xuất rượu cần. Không chỉ tất bật với những mẻ rượu Tết, các hội viên trong Hiệp hội cũng thường xuyên đến với nhau, cùng ngồi lại và câu chuyện của họ bao giờ cũng xoay quanh hương rượu cần. Tâm huyết của những người con đất Mường này là làm sao bảo tồn được đặc sản, nét văn hóa ẩm thực độc đáo của cha ông. ông Quỳnh tâm sự: Tất cả các thành viên trong Hội đều cam kết giữ đúng hương vị của rượu cần. Sang năm, Hiệp hội sẽ trình UBND tỉnh xin tự sản xuất vỏ bình rượu để có thể giảm được giá thành và giữ được bản sắc của mình. Bà Bùi Thị Huệ ở xã Tân Lập (Lạc Sơn) người đã nhiều năm gắn bó với rượu cần lại có một suy nghĩ đơn giản: Rượu cần là một thức uống rất lạ, nó chứa đựng trong đó những gì tinh túy nhất của đại ngàn, nhờ bàn tay khéo léo tình cảm, lòng hiếu khác của người phụ nữ Mường mà trở nên ngọt ngào, say đắm. Vì vậy hãy gìn giữ rượu cần bằng tất cả tấm lòng mình, rượu cần sẽ có được vị ngọt riêng của nó.

 

Có lẽ cũng tin vào triết lý ấy mà rất nhiều người con của đất Mường vẫn âm thầm gìn giữ cho mình nét văn hóa cổ truyền của dân tộc, đó là uống rượu cần ngày Tết. Và mỗi một tiệc rượu như thế đã thực sự trở thành những hoạt động văn hóa đặc sắc để mỗi người như gần gũi nhau hơn, ấp ủ nhiều hơn những ước vọng tốt đẹp cho một năm mới.

 

 

 

                                                                     Đinh Hòa

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục