Dòng người nối dài viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày 30/4.

Dòng người nối dài viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày 30/4.

(HBĐT) - Vậy là chúng tôi đã thực hiện được ước nguyện một lần về với quê mẹ Quảng Bình, được tự tay thắp nén hương thơm lên phần mộ “Đại tướng của nhân dân” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vào sáng 30/4, ngày cả nước hân hoan kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đã có hàng triệu, hàng triệu người từ khắp mọi miền Tổ quốc hội tụ về Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi an nghỉ ngàn thu của Đại tướng cùng tâm nguyện tỏ lòng tri ân với người anh cả của QĐND Việt Nam, người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

 

Được viếng thăm Đại tướng vào đúng ngày 30/4 lịch sử càng cảm nhận rõ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người dân đất Việt và là nơi ngời sáng chân lý “sức mạnh lòng dân”. Ngày Đại tướng ra đi mãi mãi, tôi lặng người khi đọc được những vần thơ “Nhìn dòng người kéo dài chờ đi viếng Đại tướng/Họ đã đến từ nhiều vùng quê khác nhau/Họ đeo những tấm Huân chương lấp lánh trên ngực/Nước mắt chảy dài trên những khuôn mặt khô gầy nát nhàu/Và tôi hiểu thế nào là sức mạnh lòng dân”. Gần 2 năm sau, dòng người vẫn tiếp nối, những giọt nước mắt vẫn chảy dài khi đến thăm Đại tướng.

 

Vũng Chùa - Đảo Yến nằm cách Đèo Ngang gần 10 km về phía nam, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên ngọn núi Thọ, mũi Rồng ở vùng biển Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc dãy Hoành Sơn đâm ngang ra biển. Mới 8h sáng, đường vào khu mộ Đại tướng đã chật ních người, xe. Có một điều đặc biệt là trong biển người đến đây, họ là cán bộ, công chức, CCB, phụ nữ, thanh niên, những người nông dân tần tảo, người làm kinh doanh, nhà tu hành... Có những cụ già 80, 90 tuổi và cả những cháu nhỏ chỉ chừng 5 - 6 tuổi. Vậy mà, không ai bảo ai, mỗi người tự giác xếp thành 2 hàng nối dài, không cười đùa, không xô đẩy, trật tự lên viếng mộ Đại tướng. Tất cả đều chung tấm lòng là sự biết ơn vô hạn ở một con người có tâm sáng, lòng trong và cả một đời chỉ biết phụng sự Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Hàng nghìn, hàng nghìn vòng hoa, bó hoa cúc vàng rực đã được thành kính phủ quanh mộ Đại tướng thay cho lời cảm tạ một con người thiên tài, đức độ.

 

Qua phút giây trò chuyện ngắn ngủi với một chiến sỹ Bộ đội biên phòng làm nhiệm vụ bảo vệ khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được biết, từ khi Đại tướng yên nghỉ, ngày nào cũng có người đến viếng thăm. Càng đông hơn vào những ngày nghỉ và dịp lễ, tết. Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, mỗi ngày, nơi đây đã đón vài chục nghìn du khách đến viếng và dâng hương. Như vậy, trong cả kỳ nghỉ có khoảng hơn 10 vạn người tới đây. Để đảm bảo AN-TT, Bộ đội biên phòng đã tăng cường thêm lực lượng và phối hợp chặt chẽ với Công an địa phương để đảm bảo tốt nhất trị an và hướng dẫn du khách đến thăm mộ Đại tướng.

 

Từ khu mộ Đại tướng xuống, chúng tôi gặp một đoàn CCB từ TP. Hà Nội với quân phục chỉnh tề, huân, huy chương lấp lánh trên ngực áo cùng bức trướng thắm đỏ dòng chữ: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Một CCB bày tỏ: Trong ngày kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước những người lính cựu chúng tôi muốn dâng lên Đại tướng mệnh lệnh nổi tiếng của Người. Mệnh lệnh đó như một lời hịch hiệu triệu non sông, chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử để làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, non sông thu về một mối.

 

Tạm biệt Vũng Chùa - Đảo Yến trong nghẹn ngào niềm tiếc thương. Dưới cái nắng nung của miền Trung gió cát, dòng người  vẫn không ngừng nối dài, nối dài mãi. Thế mới biết sức mạnh lòng dân, của tình yêu nước không bao giờ nguội tắt. Bác ơi, Bác yên  lòng an nghỉ, phù hộ cho Quốc thái - Dân an. Rừng thông ơi cứ vi vu đàn gió, sóng biển ơi mãi dạt dào vỗ bờ để ru Đại tướng giấc ngủ ngàn thu.

 

 

 

                                                                             Bình Giang

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục