Những người cửu vạn phải oằn mình vác những bao hàng nặng đến 80 kg.

Những người cửu vạn phải oằn mình vác những bao hàng nặng đến 80 kg.

(HBĐT) - Những ngày này, những người làm nghề bốc vác ở cảng Bích Hạ (xã Thái Thịnh, TP. Hòa Bình) vẫn oằn lưng giữa nắng bụi kiếm những đồng tiền để trang trải cho cuộc sống gia đình.

 

Giọt mồ hôi giữa trưa hè

10 giờ 30 phút, chiếc xe tải chở hàng nông sản tới bến cảng, tổ cửu vạn xã Thái Thịnh đang ngồi nghỉ trưa í ới gọi nhau: “anh em ơi, xe tới rồi, dậy bốc nốt “con” xe  này rồi nghỉ”. Đám người đang nhễ nhại mồ hôi dưới nắng oi bức nhổm hết dậy, nhanh chóng nhảy lên thùng xe, phân công người rồi bắt tay vào bốc vác từng bao hàng.

Ông Nguyễn Văn Bảy (43 tuổi) - thành viên trong đội chia sẻ: “Nhiều tháng nay số lượng hàng đến bến rất ít, mỗi ngày cùng lắm chỉ được 2 - 3 xe hàng. Hơn 10 anh em chúng tôi cứ phân chia công việc rồi tính tiền từng xe, chia nhau. Ngày hôm nay xe này mới là xe thứ 3 thôi, không bốc được “con” này thì hôm nay coi như đói”. Người bốc, người vác, người xếp…, cả nhóm vận chuyển hàng từ xe xuống thuyền. Mỗi bao hàng nặng trung bình 80 kg được chất lên những con người chỉ từ 55- 65 kg. Những đôi vai khuỵu xuống, oằn lưng đỡ lấy sức nặng trên vai. Những đôi chân cứ thế bước qua chiếc ván mỏng manh, những đôi tay cứ thế lầm lũi làm công việc đã quen lắm rồi.

Gần 12 giờ trưa, chuyến hàng cũng được bốc xong, tổ cửu vạn thở phào nhẹ nhõm. Người đội trưởng hô to: “Đi tắm rồi đi ăn thôi anh em. Đói quặn cả ruột lại rồi”. Vắt chiếc áo ướt sũng mồ hôi lên vai, cả nhóm thất thểu bước xuống hồ nước tắm rửa trước khi lên bờ tìm cái bỏ vào bụng.

Sau lưng, con thuyền họ vừa chất hàng lên ì ạch rời bến.

“Bán sức ăn dần”                       

Những năm trước, rất đông cửu vạn từ các huyện như Lạc Sơn, Lương Sơn, Kim Bôi… đến làm ở cảng Bích Hạ nhưng càng ngày thu nhập càng ít đi, không đủ trang trải cho cuộc sống và nuôi vợ con nên họ bỏ hết. Chỉ còn những người trong xã Thái Thịnh vẫn cố bám lấy cái nghề này.

Ông Vũ Phú Na (52 tuổi) - đội trưởng đội cửu vạn xã Thái Thịnh tâm sự: “Trước kia, người dân ở đây còn có ruộng để canh tác. Nhưng từ khi đắp đập làm thủy điện, ruộng, vườn đều nằm ở dưới đáy hồ cả. Bây giờ chúng tôi chỉ biết trông chờ vào nghề bốc vác này để kiếm ăn qua ngày. Làm việc cả ngày, cả đêm nhưng thu nhập cũng chẳng đáng bao nhiêu”.

Bác Lương (58 tuổi) - một cửu vạn kỳ cựu ở đây giãi bày: “Tôi làm cửu vạn ở đây từ năm 1990, đến nay đã ngót 25 năm. Trước đây, hàng nhiều, nếu may mắn một tổ cửu vạn có thể bốc được 5 - 6 xe một ngày, như vậy, mỗi người kiếm được khoảng 400- 500.000 đồng/ngày. Song số lượng cửu vạn khi đó lên đến gần 200 người thì chỉ những nhóm nào có quan hệ tốt với các chủ hàng mới giành được nhiều mối bốc hàng,  nhóm nào kém cạnh hơn thì coi như thất bát, kiếm được chừng 200- 300.000 đồng nhưng trừ tiền ăn, tiền uống, tiền ở, coi như hết, làm gì có tiền mà gửi về cho vợ con”.

Kiếm được đồng tiền đã khổ nhưng giữ được sức khỏe để kiếm tiền còn khổ hơn. Những cửu vạn ở đây luôn đùa với nhau rằng, mỗi ngày không ăn đủ một ký bụi, ăn cơm không còn biết ngon là gì. Bởi thế, bệnh ho nghiễm nhiên trở thành bệnh nghề nghiệp với họ. Chưa kể những cơn đau lưng, đau khớp… âm ỉ hành hạ những người cửu vạn nơi đây. Vất vả, khó nhọc, đau ốm, bệnh tật… là những thứ hiển hiện đó nhưng với những người phu bốc vác nơi cảng Bích Hạ, họ chỉ dằn lòng mà nhủ một câu cay chát: “Người ta bán cái này, cái kia, chúng tôi thì bán sức mà ăn dần thôi”.

Góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn

Trước kia, tình hình trật tự trên địa bàn xã Thái Thịnh rất phức tạp vì khi đó số lượng cửu vạn đến làm thuê tại cảng Bích Hạ lên đến 15 tổ, mỗi tổ có khoảng 10- 15 người. Các nhóm này liên tiếp xảy ra ẩu đả, kèm theo đó là TNXH như trộm cắp, nghiện ma túy… làm cho chính quyền ở đây gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý và xử lý vi phạm.

Hiện nay, số lượng cửu vạn đã giảm. Trên địa bàn hiện chỉ còn một đội cửu vạn với 20 lao động theo dạng hợp đồng với Công ty TNHH Thành Sơn, thu nhập đã tạm đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình. Nỗi lo cơm áo, gạo tiền không còn là gánh nặng, đội cửu vạn bắt đầu tham gia các hoạt động giữ vững tình hình an ninh trật tự trên địa bàn – điều mà trước kia họ không bao giờ nghĩ đến, thậm chí chính họ cũng tham gia vào các cuộc ẩu đả.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Lượng, Trưởng Công an xã Thái Thịnh, với sự phối hợp của đội cửu vạn, tình hình ANTT trên địa bàn đã ổn định hơn nhiều. Những đối tượng nghiện hút đã bị đẩy lùi, không còn tình trạng tranh chấp mối hàng như trước đây. Ngoài ra, đội cửu vạn còn hỗ trợ phát hiện, theo dõi những đối tượng lạ mặt, có dấu hiệu nghi vấn xuất hiện trên địa bàn và kịp thời báo cho lực lượng công an xã. Nhiều vụ những đối tượng nghiện hút lai vãng đến địa bàn xã với ý đồ xấu đã bị công an xử lý với sự hỗ trợ của đội cửu vạn. Nhờ đó, đảm bảo được an toàn cho người dân trong khu vực.

 

                        Tiến Thao (SVTT)

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục