Lễ chào cờ và diễu hành trên đảo Nam Yết.

Lễ chào cờ và diễu hành trên đảo Nam Yết.

(HBĐT) - Rời đảo Sơn Ca, đoàn công tác trên tàu HQ 996 tiếp tục hải trình tới đảo Nam Yết. Đảo có dáng hình bầu dục, hơi hẹp bề ngang. Nhìn từ xa, đảo Nam Yết như một dải lụa xanh nổi trên mặt biển với những rặng dừa trước nắng, gió khắc nghiệt của biển khơi. Đất, cát, san hô trên đảo chỉ phù hợp với các loại cây như mù u, bàng vuông, phong ba và đặc biệt là khá nhiều dừa. Có lẽ vậy mà bộ đội đặt tên là đảo Dừa. Vào mùa sinh sản, rùa biển thường lên bãi đẻ trứng, chim biển đến làm tổ đẻ trứng, nuôi con. Những ngày biển động, quanh đảo Nam Yết xuất hiện hàng đàn cá Heo đùa giỡn...

 

Nam Yết nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách đảo Ba Bình (Đài Loan đang chiếm giữ) khoảng 11 hải lý về phía nam; cách đảo Gaven (Trung Quốc chiếm giữ và đang tiến hành tôn tạo trái phép làm thay đổi hiện trạng với tốc độ chóng mặt) khoảng 7 hải lý về phía đông. Là điểm trung chuyển giao thông cho các đảo, cụm đảo nên Nam Yết có vị trí chiến lược rất quan trọng trong thế trận phòng thủ quần đảo Trường Sa. Dưới thời quản lý của chế độ Việt Nam Cộng Hoà, Nam Yết được coi là thủ phủ, nơi đặt sở chỉ huy của Trường Sa. Chế độ cũ còn xây dựng ở đảo một bia chủ quyền dù khá đơn sơ so với hiện nay. Theo báo cáo của chỉ huy đảo, Nam Yết được ta bố trí rất mạnh về quân số và vũ khí hỏa lực. Trên đảo đã xây dựng cầu tàu có sức chứa hàng trăm tàu, thuyền, tổ chức các điểm dịch vụ mua hải sản, sửa chữa tàu, thuyền, cung cấp nước ngọt, nước đá, bán dầu diezen, lương thực, thực phẩm cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Trên đảo còn có nhà truyền thống, các CLB, thư viện, phòng thể hình... cho bộ đội khá tiện nghi.

 

Đảo là một phần của xã đảo Sinh Tồn, thuộc huyện đảo Trường Sa mà trong hành trình đoàn công tác cũng ghé thăm. Tại đảo, tôi khá bất ngờ khi được gặp một người con Hoà Bình. Đó là đại uý Đinh Đức Vương, người đã từng công tác qua 3 đảo và phục vụ trên đảo Nam Yết từ tháng 1/2015, hiện là chỉ huy một đơn vị. Biết trong đoàn công tác có người Hoà Bình, Vương đã tìm gặp. Anh bắt tay từng người thật chặt, khuôn mặt đen sạm, rắn rỏi ánh lên vẻ xúc động. Nhà Vương ở tổ 5, phường Thịnh Lang (TP Hoà Bình), bố, mẹ là công nhân sông Đà đã nghỉ hưu. Anh rất mừng rỡ khi gặp lại thầy giáo cũ thời còn là học sinh trường Hoàng Văn Thụ là anh Đặng Quang Ngàn, một thành viên của đoàn và tôi một người “trông quen quen”.

 

Qua trò chuyện với Vương và thâm nhập thực tế với các chiến sỹ tại các cụm chiến đấu, anh em đoàn Hoà Bình càng thấu hiểu đời sống của bộ đội, cảm phục tinh thần, nghị lực của những chiến sỹ nơi đảo xa.

 

        

Đồng chí Hoàng Văn Tứ (thứ 2 bên phải), Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trò chuyện với các chiến sĩ trên đảo Đá Tây.

 

Rời đảo Sinh Tồn, Nam Yết, trưa ngày 12/5, chúng tôi đến đảo Cô Lin. Đoàn đã lên đảo tặng quà, thăm hỏi chiến sỹ, tìm hiểu thực tế qua báo cáo của chỉ huy đảo. Cô Lin chỉ cách đảo đá Gạc Ma, hiện do Trung Quốc chiếm giữ khoảng 1,9 hải lý về phía Tây Bắc, cách đảo Len Đao của ta khoảng 6,8 hải lý về phía Tây, Tây- Nam. Với vị trí tiền tiêu, đảo Cô Lin phối hợp cùng các đảo khác của quần đảo tạo thành thế trận liên hoàn, vững chắc, là lá chắn vòng ngoài bảo vệ biển, đảo; bảo vệ hướng Đông của các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Bộ. Cô Lin còn gắn liền và in sâu trong ký ức chúng ta về trận chiến Gạc Ma năm 1988.

 

Theo các tư liệu lịch sử, sự kiện đánh chiếm đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 là đỉnh điểm của một chiến dịch theo kịch bản đã được tính toán của phía Trung Quốc nhằm chiếm các đảo ở Trường Sa, phục vụ mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Trước năm 1988, Trung Quốc chưa từng chiếm đóng được vị trí nào trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Còn phía Việt Nam, sau chiến dịch Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các đảo nổi, còn các đảo chìm, bãi cạn, bãi đá phụ thuộc, lúc đó chỉ tiến hành bảo vệ, quản lý bằng biện pháp quan sát, tuần tra định kỳ mà chưa có điều kiện xây dựng các công trình như hiện nay. Đây là một tình thế mà Trung Quốc lợi dụng để triển khai chiến dịch đánh chiếm các đảo chìm, bãi đá... xây dựng điểm đóng quân, các căn cứ quân sự vì âm mưu lâu dài. Cùng với hành động đánh chiếm các  đảo đá Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Huy Gơ, XuBi, Gạc Ma, Trung Quốc còn tiến hành một loạt động thái trên phương diện thông tin, tuyên truyền, ngoại giao, pháp lý... nhằm biện minh cho hành động xâm chiếm bằng vũ lực của họ.

 

Cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 là cuộc chiến không cân sức. Phía ta, chỉ có 3 tàu vận tải chở vật liệu xây dựng và 2 phân đội công binh gồm 70 người cùng 4 tổ chiến đấu làm nhiệm vụ theo kế hoạch đã đấu chọi với lực lượng hải quân Trung Quốc hùng mạnh với một liên đội tàu chiến đấu 9-12 chiếc được trang bị nhiều vũ khí hạng nặng. Để giữ đảo, giữ cờ Tổ quốc, hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh đã bị lính đổ bộ Trung Quốc dùng lê đâm và bắn trọng thương; thiếu uý Trần Văn Phương bị bắn tử thương. Trước lúc hy sinh, trên chiếc tàu 604 đã bị pháo Trung Quốc bắn hư hỏng nặng, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Lữ đoàn phó Trần Đức Thông đã chỉ huy các thủy thủ đánh trả quyết liệt, buộc đối phương phải nhảy xuống biển bơi về tàu... Tại đảo Cô Lin, thuyền trưởng tàu HQ505, Vũ Huy Lễ đã chỉ huy chiến sỹ cắm 2 lá cờ tổ quốc lên đảo, ra lệnh nhổ neo cho tàu ủi bãi, dàn thế trận chiến đấu đẩy lui quân địch, quyết giữ đảo và đưa xuồng đến cứu thủy thủ tàu HQ604 bị chìm ở phía bãi Gạc Ma ngay gần đó. Trong trận chiến Gạc Ma đẫm máu này, 64 chiến sỹ hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh, 11 chiến sỹ bị thương để bảo vệ được đảo Cô Lin, Len Đao cho tổ quốc. Trận chiến Gạc Ma 1988 được coi là một thiên sử anh hùng.

 

Theo Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ: “Công binh hải quân Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng củng cố các cơ sở nhằm phục vụ công tác bảo vệ, quản lý, khai thác khu vực quần đảo Trường Sa một cách hoà bình. Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, nổ súng vào những người lính công binh xây dựng không được trang bị chiến đấu... Khi buộc phải nổ súng để tự vệ, các chiến sỹ công binh, bằng sức mạnh của lòng yêu nước, không tiếc máu xương, họ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của cha ông để lại, giữ vững ngọn cờ vẻ vang của Tổ quốc luôn hiên ngang tung bay giữa trùng khơi sóng gió...”.

 

Đã gần ba chục năm trôi qua nhưng nỗi đau về cuộc chiến Gạc Ma không hề nguôi ngoai. Hàng năm, cứ đến ngày 14/3, cả nước lại tổ chức tưởng niệm các anh. Đúng 16h30 ngày 12/5, trên chiếc tàu thả neo tại Cô Lin, chúng tôi cũng tổ chức trang trọng lễ tưởng niệm các anh, những liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma. Trong ánh chiều tà giữa Biển Đông, nhạc “Hồn tử sỹ” trầm hùng, Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Sơn đã đọc lời tưởng niệm đầy xúc động ca ngợi chiến công hy sinh anh hùng của các liệt sỹ. Trong số họ, nhiều người máu thịt đã vĩnh viễn nằm lại với biển khơi. Hương án khói hương nghi ngút, vòng hoa lớn kết ngôi sao vàng, hai chiến sỹ tiêu binh bồng súng trang nghiêm. Từng thành viên trong đoàn nghẹn ngào, mắt đẫm lệ, lặng lẽ dâng nén hương thơm thành kính. Sau đó, hương án, vòng hoa được thả xuống biển. Chúng tôi mỗi người cũng thả xuống biển một bông hoa và con chim hoà bình được gấp bằng giấy cầu mong những điều tốt lành, bình yên cho đất nước. Tất cả đều diễn ra trong trật tự, yên lặng nhưng mọi người đều hướng ánh mắt về phía Gạc Ma rực lửa...

 

 

 

                                                               Ghi chép của Thùy An

 

 

 

Bài V: Đảo Trường Sa - Nơi cuộc sống tràn đầy

 

 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục