Đài tưởng niệm tại Thành Cổ Quảng Trị được mô hình hoá thành nấm mộ chung cho những người đã hy sinh.

Đài tưởng niệm tại Thành Cổ Quảng Trị được mô hình hoá thành nấm mộ chung cho những người đã hy sinh.

(HBĐT) - Tôi thấy mình là người may mắn khi 2 lần được đến thăm Thành Cổ Quảng Trị thì cả 2 lần đều vào dịp cả nước hân hoan kỷ niệm 35 năm và 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Vào những ngày lịch sử đó, được đứng trên mảnh đất mà cách đây hơn 40 năm về trước đã làm thức tỉnh lương tri loài người trên thế giới bằng cuộc chiến 81 ngày đêm, chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị vào mùa hè năm 1972; được thăm, tìm hiểu về những bức ảnh, những kỷ vật chiến tranh và chứng kiến từng đoàn người tiếp nối vào thăm Thành Cổ càng cảm nhận rõ hơn sức mạnh Việt Nam, sức mạnh của tình yêu nước nồng nàn trong trái tim mỗi người con đất Việt.

 

 

Thành Cổ máu và hoa

 

Thành Cổ Quảng Trị thuộc thị xã Quảng Trị, cách QL1A khoảng 2 km về phía Đông. Trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, Quảng Trị là chiến trường sinh tử đối với Mỹ. Chính vì vậy, nơi đây Mỹ - Ngụy đã tập trung một lực lượng binh hỏa lực đông và mạnh.

 

Tháng cuối 3/1972, quân ta bất ngờ mở cuộc tấn công chiến lược giải phóng Quảng Trị. Để mất nơi này, Mỹ - Ngụy đã điên cuồng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị với mật danh “Lam Sơn 72”. Trong đó mục tiêu số 1 là phải chiếm được Thành Cổ. Thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm từ 28/6 đến 16/9 được ví như một túi bom. Trung bình mỗi ngày địch huy động 150-170 lần chiếc máy bay phản lực, 70 - 90 lần chiếc B52 để ném bom huỷ diệt thị xã và Thành Cổ Quảng Trị. Với diện tích chưa đầy 3 km2, trong 81 ngày đêm, thị xã và Thành Cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom, đạn, trung bình mỗi chiến sỹ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo.

 

Và dù trên mình mang đầy thương tích nhưng các anh vẫn chiến đấu ngoan cường, quyết không rời trận địa, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Cứ người này ngã xuống, người khác lại đến thay.

 

Sử sách ghi lại rằng, do hoả lực của địch quá mạnh, phòng tuyến vòng ngoài của ta bị vỡ dần. Từ đầu tháng 9 đã diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt trong lòng thị xã và Thành Cổ Quảng Trị. Ta và địch giành nhau từng căn nhà, góc phố, từng mảng tường Thành Cổ.

 

Để chiếm lại Thành Cổ và cả thị xã Quảng Trị, Mỹ đã ném xuống đây 328 ngàn tấn bom. Báo chí phương Tây thời đó bình luận tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima (Nhật Bản) năm 1945. Do vậy 81 ngày đêm, toàn bộ thị xã và tòa Thành Cổ bị san bằng.

 

Sự kiện đó đã ghi vào lịch sử dân tộc một mốc son vàng sáng ngời bản hùng ca bất tử, một khúc tráng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và góp một phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn đàm phán Pari, tạo đà cho đại thắng mùa xuân năm 1975.

 

Nói về cuộc chiến đấu ở Thành Cổ, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng viết: “Chúng ta chịu đựng được không phải chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng mà chính chúng ta là những con người thực sự, những con người với truyền thống 4 ngàn năm đã giác ngộ sâu lắng trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”. Chính vì lẽ đó, nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng của dân tộc.

 

 

Thành Cổ - địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước

 

Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ/Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ.../ Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ/Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ...

 

Lời hát da diết, âm vang tại Thành Cổ hôm nay đã làm lay động lòng người mỗi khi đến nơi này. Bởi có gì xót thương, xúc động hơn khi biết rằng trong 81 ngày đêm khốc liệt chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ, hàng ngàn chiến sĩ giải phóng quân trên khắp cả nước và đồng bào Quảng Trị đã chiến đấu, anh dũng hy sinh và vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này. Còn không biết bao nhiêu chiến sỹ hy sinh chưa lấy được hài cốt vì khói lửa bom đạn quá nhiều, xương máu các anh đã hòa quyện vào gạch đá đổ nát. Người dân Quảng Trị nói rằng, họ đào móng làm nhà, khởi công xây dựng các công trình đều gặp xương cốt các anh. Họ cày ruộng, cuốc đất làm vườn cũng gặp các anh... Cũng bởi linh hồn các anh đã hòa quyện với đất, trời Quảng Trị mà cho đến nay, khác với các nghĩa trang liệt sỹ khác, mỗi chiến sỹ hy sinh đều có một nấm mồ cho dù đã biết tên hay chưa kịp biết tên. Nhưng riêng ở Thành Cổ Quảng Trị được ví như một nghĩa trang mà không có nấm mồ nào cả, chỉ có một đài tưởng niệm trung tâm được mô hình hóa thành ngôi mộ chung cho những người đã mất mà thôi.

 

Đưa chúng tôi tới làm lễ dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và thăm Bảo tàng Thành Cổ, anh Lê Ngọc Dương, hướng dẫn viên nghẹn ngào chia sẻ: Đài tưởng niệm này được xây dựng trên cơ sở hình thành của triết lý âm - dương, mang tính siêu thoát. Dưới chân đài tưởng niệm đắp theo hình bát giác tượng trưng cho bát quái, bốn lối bậc cấp đi lên tượng trưng cho tứ tượng, tầng dâng hương là tầng lưỡng nghi. Trên tầng lưỡng nghi có một mái đình Việt cách điệu. Trung tâm mái đình Việt là bình thái cực. Tầng lưỡng nghi bên trong có những chòm được xây dựng theo thái cực độ. Một nửa là phía hồ nước xem như phần âm. Từ phần âm được đắp một cây đèn màu đỏ được ví như phần dương trong âm. Cây đèn này được xem như cây thiên mệnh có chức năng thiêng liêng là cầu nối giữa trời và đất để chuyển tải linh hồn các anh hùng liệt sỹ về cõi vĩnh hằng. Trên đỉnh của cây thiên mệnh có ngọn lửa mang ý nghĩa là ánh hào quang của cuộc chiến 81 ngày đêm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ở giữa có 3 bông hoa tượng trưng cho tam tài: Thiên - Địa - Nhân với ý nghĩa là cầu nối giữa trời, đất và con người. Phía dưới 3 bông hoa là hình tượng của 3 bát cơm chồng lên nhau cúng cho người đã khuất.

 

Anh Lê Ngọc Dương cho biết thêm: Nửa phần dương còn lại được lát bằng nền gạch đỏ là màu của sự sống, sự sinh sôi nảy nở. Trên phần dương có một lỗ tròn tượng trưng cho phần âm trong dương, phần âm trong dương này thông vào lòng nấm mồ. Lòng nấm mồ rỗng có 2 trục đường chính giao nhau về tứ phương. Về mặt tâm linh thì đây là nơi hội tụ linh hồn của các chiến sỹ tứ phương về nấm mồ chung này.Ơơr chính giữa là nơi đặt hành trang người lính: Một chiếc mũ tai bèo, đôi dép cao su, một bi đông nước, khẩu súng AK và chiếc ba lô. Giản dị và thân thương mà các anh đã làm nên lịch sử.

 

Phía bên ngoài tầng lưỡng nghi còn có 81 bức phù điêu là 81 tờ lịch ghi lại từng ngày một của cuộc chiến 81 ngày đêm tại Thành Cổ Quảng Trị theo chiều ngược kim đồng hồ.

 

Hơn 40 năm đã trôi qua, hôm nay vào Thành Cổ đi giữa một màu xanh cỏ, cây nhưng có mấy ai ngờ được rằng, dưới lớp cỏ xanh kia vẫn còn đó biết bao nhiêu hài cốt các anh vẫn còn nằm yên dưới cỏ. Bởi vậy, khi trở lại thăm chiến trường xưa, có người CCB đã viết: Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây.../Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật/Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật/Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào.

 

Vần thơ là lời nhắn nhủ mỗi người khi đến nơi này hãy nhớ, hãy trân trọng và biết ơn sự hy sinh của thế hệ cha, anh một thời hoa lửa.

 

 

 

 

                                                                            Bình Giang

 

 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục