Vầng hoa râm bụt Bác Hồ trồng năm 1948 bên lán Tỉn Keo vẫn lên xanh tốt, tỏa bóng mát.

Vầng hoa râm bụt Bác Hồ trồng năm 1948 bên lán Tỉn Keo vẫn lên xanh tốt, tỏa bóng mát.

(HBĐT) - Trong hành trình đến với Thái Nguyên, tôi chợt nhớ và đọc những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Vui sao một sáng tháng năm/ Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ”... Câu thơ ấy đã tiếp bước tôi trong chuyến về nguồn đến với Di tích lịch sử ATK Định Hóa. Để rồi từ đây với sự trợ giúp của các hướng dẫn viên du lịch, với quang cảnh, hiện vật xưa cũ, tôi và những người đồng nghiệp có dịp vẽ lại bức chân dung của Người ở núi rừng Việt Bắc.

 

Cảm động đến nghẹn ngào khi được nghe chất giọng ngọt ngào, trầm bổng giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, về những tháng ngày Bác sống và làm việc tại ATK Định Hóa và núi rừng Việt Bắc. Đây là lán Khau Tý, xóm Na Trạ, xã Điềm Mặc, nơi Bác Hồ ở, làm việc đầu tiên tại ATK Định Hóa; đây là cây đa Khuôn Tát (nơi Bác Hồ và các đồng chí bảo vệ, giúp việc tập võ và đánh bóng chuyền), đoạn suối Khuôn Tát nơi Bác tắm giặt, câu cá, nhà lán, hầm Bác ở... 128 điểm di tích lịch sử và thắng cảnh của Định Hóa lần lượt được giới thiệu. Đứng ở một nơi hướng sự tập trung vào mạch dẫn chuyện có thể hình dung được cảnh quan, địa thế của núi rừng Định Hóa (Thái Nguyên), nơi được Bác Hồ gợi mở một tầm nhìn chiến lược: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta... Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào cách mạng với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động cuộc đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, Định Hóa đã thực sự đáp ứng được yêu cầu một An toàn khu (ATK) như lời Người đã nói: “Trên có núi, dưới có sông/ Có đất ta trồng, có bãi ta chơi/ Tiện đường ta sang Bộ Tổng/ Thuận lối tới Trung ương/ Nhà thoáng rào kín mái/ Gần dân không gần đường”. Từ tầm nhìn chiến lược đó, Người đã lựa chọn Định Hóa- Thái Nguyên là an toàn khu và là nơi đặt Phủ Chủ tịch đầu tiên ở Việt Bắc (năm 1947).

 

Chúng tôi, những người con của đất Việt được sinh ra khi đất nước không còn chiến tranh, khói bom lửa đạn và những gian khó, nhọc nhằn của cha ông trong thời kỳ kháng chiến chỉ được xem qua màn ảnh, những thước phim tư liệu, nay được đặt chân tới một trong những địa danh lịch sử của “Thủ đô gió ngàn” để xem lại những chứng tích xưa chợt thấy lâng lâng niềm tự hào dân tộc. Dừng chân ở lán Tỉn Keo - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ ai nấy đều ngỡ ngàng. Ngôi lán nhỏ nằm chênh vênh giữa sườn đồi bao bọc, 1 bộ bàn ghế gỗ đơn sơ, mặt bàn đã trở nên nhẵn bóng cùng năm tháng. Phía trước là khóm cây râm bụt cổ thụ được ghi rõ: “Vầng hoa râm bụt Bác Hồ trồng năm 1948”.

 

Ngắm nhìn những hiện vật được trưng bày trước mắt, liên tưởng tới những điều đã được học, đọc trong sử sách càng thêm kính yêu hơn nhân cách, đạo đức của Người. Sống và làm việc trong không gian nhỏ hẹp, hiểm trở của núi rừng, nhưng cái nhìn của Người luôn bao quát tới muôn nơi, tới mọi người con đất Việt. Trong một đêm trăng thanh, ngồi bên cửa sổ căn lán cọ đơn sơ ngắm trăng lồng cổ thụ, Bác đã viết bài thơ “Cảnh khuya”: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/ cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Vận mệnh của đất nước luôn đau đáu trong tim Người, ngay cả lúc ăn, lúc ngủ, lúc làm việc. Trong những tháng ngày ở lại ATK Định Hóa, để đảm bảo bí mật, Bác phải di chuyển đến nhiều nơi, vì vậy ngày nay còn in lại dấu tích của Người. Tại đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, Định Hóa (tháng 10/1947) Bác đã viết cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc” tổng kết những bài học thực tiễn sâu sắc, sinh động, có tính lý luận ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu nhằm bồi dưỡng nhiệt tình cách mạng, ý thức trách nhiệm, đạo đức và tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên. Lời dạy của Người đối với cán bộ, đảng viên: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân...” còn vang mãi. Gần 80 năm đã trôi qua nhưng giá trị về lý luận và thực tiễn của cuốn sách vẫn còn nguyên vẹn và luôn luôn mang tính thời sự trong công cuộc đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.

 

Trong khoảng thời gian eo hẹp, không thể đi tới nơi, thăm tất cả các di tích được coi là dấu ấn của Hồ Chủ tịch ở một trong những nơi là “Thủ đô gió ngàn”, ai nấy đều tiếc nuối. Tuy nhiên, với những dữ liệu “sống” được thể hiện qua bản thuyết minh khái quát về di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa cũng đủ để tôi và những đồng nghiệp vẽ lại trong tâm trí bức chân dung của Bác Hồ kính yêu - vị Cha già của dân tộc trong những ngày Người lưu lại ở núi rừng Việt Bắc tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Được vẽ bằng tâm trí, bằng sự tưởng tượng nhưng bức chân dung ấy thật đẹp và sẽ đọng lại mãi trong tôi. Tháng 5 lịch sử, khi các cơ quan, đơn vị, địa phương... thi đua lập thành tích chào mừng sinh nhật Bác, các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải dày đặc những thông tin, tư liệu về Bác, tôi lại có dịp chau chuốt lại bức chân dung của Người. Đến với Di tích lịch sử đặc biệt ATK Định Hóa, thăm lại những chứng tích lịch sử, dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi mãi mang theo niềm tự hào lớn với mong muốn được sẻ chia một lời nhắn nhủ: Hãy thăm lại chiến khu xưa để thấm nhuần hơn lý tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

 

 

 

                                                                             Thúy Hằng

 

 

 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục