Đoàn công tác của tỉnh tìm hiểu thực tế cuộc sống của các chiến sĩ trên đảo Trường Sa.

Đoàn công tác của tỉnh tìm hiểu thực tế cuộc sống của các chiến sĩ trên đảo Trường Sa.

(HBĐT) - Qua 12 ngày trên biển Đông, chúng tôi đến được 10 đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn của quần đảo Trường Sa. Dù phải chịu đựng nắng nóng, chật chội, thậm chí là cả sóng lớn, căng thẳng, thử thách sức khỏe, sự chịu đựng... nhưng chúng tôi cảm nhận được vẻ đẹp lung linh huyền ảo của ánh trăng trên biển, những tia nắng mặt trời khi bình minh thức dậy, hoàng hôn buông xuống trên biển long lanh như dát vàng, dát bạc. Bạn không thể quên hình ảnh những đàn cá chuồn chao liệng trên sóng, những con tàu lớn chứa đầy hàng rẽ sóng, những giàn khoan sừng sững trên biển tại các mỏ dầu Sư Tử, Bạch Hổ... Với tôi, cũng chưa bao giờ được nghe ca khúc "Nơi đảo xa" cảm xúc đến thế. 

 

Tháng năm con tàu quen sóng cả, quen gió biển

Nước da màu nắng tươi giòn thêm ánh thép

Cánh chim Hải âu bốn mùa về cùng anh vui xa khơi

Cánh Hoa biển trắng là kỷ niệm anh gửi về tặng em...

 

Mỗi khi đoàn rời đảo, giữa trùng khơi, trên những hòn đảo nhỏ nhoi, được nghe các anh hải quân hát trong hàng quân, những cánh tay vẫy vẫy cho đến khi tàu mờ xa mà thấy cay cay nơi khoé mắt.

 

Đảo Trường Sa là một trong những điểm cuối của chặng hành trình. Nhìn từ xa, đảo có hình dạng tam giác vuông với cạnh huyền nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Thời Pháp thuộc, đảo Trường Sa (hay Trường Sa lớn) vừa được gọi là Spratly vừa được gọi là đảo Bão tố. Còn người Nhật, trong quá khứ gọi là Nishitorishima nghĩa là “đảo chim ở phía tây”. Đảo Trường Sa được giải phóng ngày 29/4/1975. Năm 2007, đảo được thành lập thị trấn Trường Sa thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà. Trên đảo có trụ sở UBND huyện Trường Sa. Ngày nay, đến đảo Trường Sa mới thấy nơi đây tràn đầy sức sống. Đảo nhộn nhịp như một thị trấn trên đất liền với đầy đủ cơ sở hạ tầng như cầu cảng, sân bay, trụ sở chính quyền, nhà bưu điện, các thiết chế văn hoá, giáo dục, tâm linh. Ngọn hải đăng kiến trúc rất đẹp, nhiều cây Phong Ba già cỗi. Dưới tán Bàng Vuông mát mẻ, chúng tôi còn được xem trưng bày tư liệu về biển, đảo với nhiều ảnh tư liệu, hiện vật quý.

 

Thời gian lưu lại đảo, đoàn Hoà Bình đã có nhiều hoạt động giao lưu đầy ý nghĩa, như thăm Nhà tưởng niệm Bác Hồ, viếng Đài liệt sỹ, thăm hỏi tặng quà các chiến sỹ và các hộ dân trên đảo. Các công dân trên đảo tiếp chúng tôi như người thân. Dù cuộc sống nơi đảo xa còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng họ luôn bám đảo, nặng lòng với đảo. Anh Nguyễn Thành Hưng, tổ trưởng tổ dân phố cho biết: trên đảo hiện có 7 hộ dân hầu hết đến từ huyện Cam Lâm (Khánh Hoà), ngoài các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước, dân trên đảo còn tích cực trồng rau xanh, phát triển chăn nuôi và đánh bắt cá. Trẻ em trên đảo được học từ mẫu giáo đến lớp 5. Anh Hưng nói vui, cuộc sống ở đây cũng khá tuyệt vời: môi trường trong lành, không tệ nạn, không dịch bệnh. Thường mỗi ngày, mỗi hộ đánh bắt được 80- 100 kg cá. Họ không bán mà tự nguyện cung cấp cho bộ đội.

 

Đoàn công tác số 08, cũng mang đến cho đảo những món quà đặc biệt. Tỉnh đoàn Lào Cai tặng đảo một khối đá lấy từ đỉnh núi Phãniphăng cao nhất Đông Dương, có đoàn tặng sách báo, máy vi tính, tivi... Nhưng có lẽ món quà gồm bộ chiêng Mường đủ 12 chiếc của đoàn Hoà Bình tặng đảo là ấn tượng nhất. Theo đề nghị của Thượng tá chỉ huy trưởng kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, Phạm Văn Hoàn, anh, chị em trong đoàn đã tự tin biểu diễn bài cồng “Đi đường” được cả hội trường vỗ tay rầm rầm.

 

Hơn chục ngày sống trọn với biển, đảo Trường Sa mới thực sự cảm nhận được biển của Tổ quốc rộng mênh mông và giàu có như thế nào, quả đúng với ý nghĩa là không gian sinh tồn của dân tộc. Tuy nhiên, Biển Đông chưa bao giờ bình yên, một số nước lớn luôn tham vọng thôn tính, âm mưu độc chiếm.

 

    

            Những công dân trẻ được sinh ra và lớn lên trên đảo Trường Sa.

 

Năm 1988, trong chuyến đi thị sát quần đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã dự lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống Quân chủng Hải quân tổ chức tại đảo Trường Sa lớn. Đại tướng đã có bài phát biểu quan trọng. Ông cho rằng: trong mối quan hệ giữa ta với Trung Quốc, những năm 60, nhất là những năm từ 1965 đến 1970, sự giúp đỡ của Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam là rất to lớn và hiệu quả. Mặt khác, thắng lợi của chúng ta cũng góp phần đáng kể phá vỡ sự bao vây của đế quốc Mỹ với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Năm 1976, khi đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước ta đến thăm Trung Quốc, thì người lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ đã nói: "Trung Quốc cám ơn Việt Nam, chính nhờ Việt Nam chống Mỹ mà Tổng thống Mỹ đã phải thân hành đến Trung Quốc để cầu thân với Trung Quốc”.

 

Nhưng trước những hành động gây hấn, xâm chiếm của nước lớn trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh đã tuyên bố: “chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên, trước hương hồn của cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh vì tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta”.

Những ngày này, những diễn biến phức tạp trên quần đảo Trường Sa đã thu hút sự quan tâm to lớn, làm nóng lòng đồng bào, chiến sỹ cả nước. Nhưng hãy tin rằng, chủ quyền thiêng liêng trên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc sẽ được gìn giữ, bảo vệ. Đồng bào, chiến sỹ quần đảo Trường Sa luôn vững vàng nơi đầu sóng, xứng đáng với niềm tin và tình cảm của cả nước gửi gắm, mong chờ.

 

 

 

                                                                   Ghi chép của Thùy An

 

 

 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục