Ngay trên những cánh đồng hạn hán, bà con nông dân các xã vùng lúa đã đi trước một bước trong chuyển đổi sang cây trồng màu.

Ngay trên những cánh đồng hạn hán, bà con nông dân các xã vùng lúa đã đi trước một bước trong chuyển đổi sang cây trồng màu.

(HBĐT) - Có những thời điểm, khi mà “ba bề, bốn bên” trời đổ mưa giông thì đồng ruộng, đất đai huyện Yên Thuỷ vẫn khát khô, nứt nẻ. Bà con nông dân nơi đây dường như đã quen với những khắc nghiệt của thời tiết, không năm nào mà không phải hứng chịu hạn hán thiên tai. Cách họ làm là gồng mình, vượt lên những thử thách ngặt nghèo để cây lúa, cây màu vẫn chuyển mình sinh sôi trên miền đất khó.

 

Vùng “tâm” hạn

 

Được xem là vùng tâm điểm hạn hán, trở ngại lớn nhất cho sản xuất nông nghiệp của huyện cũng chính điều này. Hạn hán liên miên nên  việc trồng, cấy của bà con dẫu ở chiêm xuân, mùa - hè thu hay vụ đông đều gặp bất lợi. Ấy vậy nên, nhà nông nơi đây đã không còn cảm thấy sự xuất hiện bất ngờ, đường đột của hạn hán mà bình tĩnh, tìm ra những cách chủ động vượt qua nó.

 

Đợt hạn hán đã và đang diễn biến kéo dài có lẽ là khoảng thời gian hạn hán nghiêm trọng nhất, mức độ thịêt hại nặng nề nhất mà nông dân Yên Thuỷ phải gánh chịu kể từ 10 năm trở lại đây. Suốt 5 tháng dài đằng đẵng (từ tháng 3 – 7) trên địa bàn huyện hãn hữu lắm mới được cơn mưa, mưa rải rác, không đủ thấm đất. Lượng nước tích được ở các sông, suối, ao hồ từ mưa không đáng kể gì. Cũng ngần ấy ngày dài, sản xuất nông nghiệp oằn mình trong nỗi khát chờ mưa. Nhiệt độ trung bình luôn dao động 32oC– 36oC, nhiệt độ cao nhất trong ngày 39oC– 40oC, lượng mưa đo được chỉ đạt 460,4mm, thiếu hụt tới 57,6% so với cùng kỳ năm 2014.

 

Những ngày cuối cùng của tháng 7, hoàn lưu bão số 1 mang tới cho nhiều địa phương trong tỉnh những “trận mưa vàng”. Thế nhưng, tại Yên Thuỷ, bà con vẫn đợi chờ mòn mỏi. Sản xuất vụ mùa – hè thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tất cả các hồ, đập đều đã không còn khả năng bơm, tưới. Nhiều diện tích lúa mới cấy, lạc mới trồng bị chết khô. Không ít diện tích cây ăn quả cũng lay lắt, rũ rĩ, héo quả vì không có nước. Tại một số hồ như Ngọc Lương 1, Ngọc Lương 2 có dung tích chứa trên 1 triệu m3 hiện đã trơ tận đáy.

 

Hạn hán làm bà con nông dân “mất ăn, mất ngủ” bao nhiêu thì cũng khiến cho bộ máy lãnh, chỉ đạo của huyện trong lòng như bị lửa thiêu đốt bấy nhiêu. Bà Bùi Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện đầu đội nón, chân mang ủng trực tiếp chỉ đạo sản xuất tại các xã, cùng lăn lộn, hướng dẫn, động viên bà con nông dân ứng phó khắc phục thiên tai. Cùng với đội ngũ cán bộ phòng Nông nghiệp & PTNT, bà “lao tâm” nghĩ phương cách để sản xuất có thể vượt qua thời kỳ khắc nghiệt bởi khung thời vụ gieo trồng đã hết trong khi tiến độ đạt được so với kế hoạch còn ở rất xa. Đến hết tháng 7, toàn huyện mới tiến hành gieo trồng khoảng 40% tổng diện tích vụ mùa – hè thu. Thống kê sơ bộ có khoảng 38 tấn mạ gieo, 180 ha cây trồng vụ mùa – hè thu bị chết,khoảng 38 tấn mạ đã gieo bị chết. Thiếu nước nên khoảng hơn 900 ha diện tích đất trồng lúa phải chuyển sang trồng màu.     

               

Không phó mặc trước thiên tai

 

Sớm chuyển đổi diện tích đất lúa hạn sang trồng màu, kiên cường chống hạn là cách mà nông dân Yên Thuỷ triển khai ngay từ đầu mùa vụ như để minh chứng rằng dẫu có thế nào, họ cũng không phó mặc, càng không khuất phục trước nghiệt ngã của thiên tai.

 

2 xã Ngọc Lương, Yên Trị vốn được xem là “vựa” lúa, màu của huyện với những cây trồng ưu thế ngô, lúa, lạc. Đây cũng là những địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn hán năm 2015. Chúng tôi thấy rõ nét mặt đượm âu lo của anh Lê Xuân Phương - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lương khi chỉ tay về phía hồ Ngọc Lương 1: Chưa có năm nào hạn nghiêm trọng như giờ. Vốn là một trong những hồ lớn có năng lực tưới tiêu cho hàng nghìn ha lúa, cây màu vậy mà giờ đành chịu chết. Lòng hồ nhiều ngày nay đã thành bãi đất bằng, ráo nước. Tập trung khắc phục, huy động, tận dụng mọi nguồn nước để làm đất cấy lúa và tưới dưỡng cứu cây màu là giải pháp tình thế mà cấp uỷ Đảng, chính quyền chỉ đạo nông dân bền bỉ, kiên trì thực hiện.

 

      

Nông dân thôn Á Đồng, xã Yên Trị dùng kinh nghiệm dẫn nước về đồng để cấy lúa trong những thời khắc cuối cùng của khung thời vụ.

 

Trong điều kiện vô cùng gian khó, bà con nông dân đã dùng mọi cách đưa nước về đồng. Mạch nguồn xa đến đâu, khe, vó nước tìm khó đến đâu cũng lặn lội dẫn về. Nhằm hạn chế thất thoát, hao hụt nước một cách tức thời trong phạm vi ngắn, bà con dựa vào kinh nghiệm của mình để tận dụng lớp nilon che phủ mạ tạo thành máng, đường rãnh nhỏ dẫn nước thay đường ống dọc các bờ ruộng. Cũng trong thách thức chung, các hộ tự thoả thuận, điều đình lấy nước tưới cho từng ruộng cấy. Với diện tích cây trồng màu, nguồn nước tận dụng cũng được bà con dành ưu tiên tưới dưỡng theo phương pháp tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước tối đa. Vật tư nông nghiệp, giống bổ sung đã được phòng bị chủ động. Đặc biệt hơn cả là ngay bên cạnh những đám mạ đang chờ đưa xuống cấy, các hộ đã thực hiện chuyển đổi trước một bước. Cây trồng được đưa vào chuyển đổi sớm và nhiều nhất là ngô. Bà Đặng Thị Đễ ở thôn Á Đồng, xã Yên Trị cho hay: Giờ nếu cứ cố trồng lúa cũng rất khó bởi phải đợi có mưa mà khung thời vụ gieo trồng hiện đã quá. Vậy nên, nhiều bà con thực hiện chuyển đổi sớm, lựa chọn những cây màu có khả năng chống chịu hạn tốt và khung thời vụ gieo trồng còn kéo dài.

 

Vẫn biết trước mắt, để giải cơn khát cho đồng đất nơi này vẫn phải nhờ trời nhưng bà con nông dân vùng “tâm” hạn nhờ có ý chí bền bỉ, ứng phó kiên cường mà nhiều diện tích lúa mới trồng đã được cứu, nhiều diện tích cây màu chuyển đổi đang lên xanh. Ngoài cây ngô thì cây sắn cũng có khả năng thích ứng hạn cao đang được bà con mở rộng quy mô diện tích. Đây cũng là cây trồng cho năng suất khá, thu nhập ổn định và thị trường tiêu thụ lớn. Cùng đoàn công tác của sở Nông nghiệp & PTNT kiểm tra tình hình hạn hán tại Yên Thuỷ, qua khảo sát và nắm bắt, đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT gợi hướng mở: một trong những giải pháp bền vững để có thể khắc phục hạn hán trong sản xuất này, đó là tìm ra cây trồng phù hợp, chống chịu được hạn mà vẫn mang lại thu nhập cho bà con nông dân. Ngoài các cây truyền thống như ngô thì cây sắn và các cây rau màu họ đậu đỗ chính là những cây trồng mà huyện nên ưu tiên, cân nhắc.

 

 

 

 

                                                                                      Bùi Minh

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục