Những dây điện chồng chéo tiềm ẩn nhiều nguy cơ về chập, cháy điện ở xóm Khoang, xã Phúc Tuy (Lạc Sơn).

Những dây điện chồng chéo tiềm ẩn nhiều nguy cơ về chập, cháy điện ở xóm Khoang, xã Phúc Tuy (Lạc Sơn).

(HBĐT) - Đã nhiều năm nay, người dân ở xóm Khoang, xã Phúc Tuy (Lạc Sơn) phải sang xã Phú Lương “cõng” điện về làng. Thế nhưng, do đường dây xa, lại có quá nhiều hộ chung nhau nên ánh điện chỉ lập lè như đom đóm. Đặc biệt, ở xóm nghèo này vẫn còn những hộ bao đời nay chỉ leo lét bên ánh đèn dầu...

 

Xóm Khoang cách trung tâm UBND xã Phúc Tuy chừng 4 km, địa hình chủ yếu là đồi nên giao thông đi lại khá trắc trở, đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn. Xóm có 72 hộ, 346 nhân khẩu, 99% là bà con dân tộc Mường, nhiều hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến xóm nghèo này là hình ảnh những cột tre, gỗ chạy xiêu vẹo “cõng” điện về làng và những đường dây chi chít mẩu nối để san sẻ điện. Không náo nhiệt, rộn rã âm thanh của loa đài, ti vi, bao năm nay, xóm Khoang vẫn tĩnh lặng như vậy...

Khoảng 8 giờ 30 phút, chúng tôi vào đến nhà Bí thư Chi bộ Bùi Văn Ẻn và như ông giới thiệu thì đây là khoảng thời gian điện mạnh nhất để có thể bật các thiết bị điện như máy quạt và tivi vì mọi người đều ra đồng đi làm. Ở khoảng thời gian lý tưởng đó dù đã bật số cao nhất nhưng chiếc quạt của gia đình ông Ẻn cũng chỉ quay chậm rãi; còn chiếc ti vi thì “nghe tiếng, không thấy hình” vì phải giảm độ sáng xuống thấp nhất thì mới hoạt động được. Ông Ẻn cho biết: “Vì điện quá yếu nên chúng tôi phải mua nhiều đèn tích điện để buổi tối bật lên ăn cơm và cho các cháu học bài. Còn ti vi, máy quạt mua cũng chỉ để có thôi chứ buổi tối điện như đom đóm đến thắp sáng còn khó, nói gì sử dụng đồ điện”. 

Điện yếu nên không có hộ nào trong xóm đầu tư mua máy xay xát, các hộ muốn xát gạo hay nghiền thức ăn chăn nuôi đều phải ra tận trung tâm xã; ánh điện lập lè gây ảnh hưởng rất nhiều đến thị giác và việc học tập của các em học sinh nơi đây. Dẫu chỉ là “ánh điện đom đóm” nhưng để có ánh sáng đom đóm đó gia đình ông Ẻn và 32 hộ khác đã phải góp số tiền không nhỏ để kéo đường dây khoảng 2,2km từ xóm Trẳm, xã Phú Lương về. Hàng tháng, mỗi hộ phải trả khoảng 100 nghìn đồng tiền điện và hằng năm đều phải đi bảo trì lại đường dây, thay cột nhất là trong thời kỳ mưa bão kéo dài. Nguy cơ xảy ra tai nạn điện cũng là nỗi lo của người dân nơi đây. Hiện, ngoài đường dây của nhóm ông Ẻn, xóm Khoang còn có một đường dây tương tự.

  

Bao năm nay gia đình chị Bùi Thị Tản, khu Rung Hồ - khu tận cùng của xóm Khoang chỉ biết đến ánh đèn dầu.

Thế nhưng, nếu so với gia đình chị Bùi Thị Tản và 4 hộ dân sống ở khu đồi Rung Hồ, khu tận cùng của xóm thì hộ ông Ẻn còn may mắn hơn bởi, các hộ này chưa một lần được ăn cơm dưới ánh điện lưới quốc gia. Con đường mòn trắc trở dẫn vào ngôi nhà sàn tuềnh toàng của chị gia đình chị Tản. Trong căn nhà ấy không có lấy một đồ dùng giá trị, tài sản mà chị “khoe” với chúng tôi chỉ có chiếc đèn dầu và 3 chiếc đèn pin tích điện. Kinh tế khó khăn nên quanh năm hai vợ chồng phải đi làm thuê để nuôi 3 con ăn học. Đó cũng là tình cảnh của gia đình ông Bùi Văn Dư và bà Quách Thị Hường.

Hộ ông Bùi Văn Hiến và Bùi Văn Chục tuy có khá hơn vì 4 năm trước đã mua tua bin về tận dụng nguồn nước ở khe suối làm máy phát điện. Thế nhưng, điện cũng chỉ đủ thắp sáng vào mùa mưa, còn lại trong 4 tháng mùa khô họ lại trở về cảnh đèn dầu. Bà Quách Thị Hiệu, vợ ông Hiến chia sẻ: “Nói là có điện nhưng khi sáng, khi lại lờ mờ, khổ nhất là lũ nhỏ học bài, chỉ lo ảnh hưởng đến mắt chúng nó thôi. Nhiều hôm đi làm về đã 8 giờ tối, chỉ ước có điện lưới để mua nồi cơm điện cắm cho nhanh, chứ đun củi lâu lắm”. Đó cũng là niềm mong ước của những người dân xóm nghèo này.

Đồng chí Bùi Việt Chinh, Chủ tịch UBND xã Phúc Tuy cho biết: Tình trạng không có điện đảm bảo cho sinh hoạt cuộc sống là nỗi trăn trở của địa phương trong nhiều năm qua. Sau nhiều lần kiến nghị, được sự quan tâm của các cấp, vừa rồi có 3 xóm, gồm: Cọ, Bạ và Chiềng đã có điện đến tận các hộ trong xóm. Tuy nhiên, nguồn kinh phí có hạn nên xóm Khoang chưa nằm trong diện được hưởng lợi. Rất mong các cấp tiếp tục quan tâm đầu tư để người dân xóm Khoang sớm được hưởng ánh điện lưới quốc gia và từng bước cải thiện đời sống.       

                 

 

                                                                                   Viết Đào

 

Các tin khác


Về Hà Giang ăn cháo... Ấu Tẩu

Đến Hà Giang mà chưa đi cao nguyên đá Đồng Văn, chưa ăn miếng thịt to, chưa uống bát rượu đầy, chưa ăn bát cháo độc dược... thì coi như chưa đến. Anh bạn đồng nghiệp đã khẳng định chắc nịch ngay khi chúng tôi vừa đặt chân lên mảnh đất này.

Đường Trường Sơn huyền thoại

Những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí hào hùng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn mở đường (19/5/1959 - 19/5/2024), Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình lại cùng đồng đội ôn lại quãng thời gian được cống hiến, hy sinh, những ngày hành quân mở đường, giữ đường, đánh địch, bảo vệ huyết mạch giao thông để bộ đội ta chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam.

Nhà tù Sơn La - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - nơi được ví như "địa ngục trần gian” do thực dân Pháp xây dựng đã từng giam cầm, đày ải những người yêu nước và chiến sỹ cộng sản. Ngày nay, di tích này là "địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong cả nước.

Gặp gỡ chiến sỹ Điện Biên

Các cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều ở tuổi xưa nay hiếm. Nhưng với họ, thanh xuân hào hùng của một thời hoa lửa và ký ức về những ngày tháng gian khổ mà rất đỗi tự hào năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.

Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục